Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Ba, 15/03/2022, 07:40 (GMT+7)
Đấu tranh, bác bỏ luận điệu xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng

Tự phê bình và phê bình là đặc trưng của Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, một nguyên tắc trong sinh hoạt, hoạt động của Đảng, là nhu cầu nội tại của tổ chức đảng và đảng viên; đồng thời, là quy luật phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi vậy, đề cao cảnh giác, nhận diện rõ và chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc và hoạt động tự phê bình và phê bình trong Đảng của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

1. Viện dẫn vào những hạn chế trong tiến hành tự phê bình và phê bình ở một số cấp ủy, tổ chức đảng; các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ra sức rêu rao rằng: tự phê bình và phê bình trong Đảng thực chất chỉ nhằm “thổi phồng ưu điểm”, “che giấu khuyết điểm”, cốt yếu để “tâng bốc”, “bợ đỡ” và “lấy lòng nhau” mà thôi (!) Thực chất đây là những luận điệu có ý đồ chính trị xấu, hoặc chí ít cũng là không đúng tầm, không đầy đủ, không chính xác, “chỉ thấy cây mà không thấy rừng”, xem xét, đánh giá, nhận định phiến diện, cố tình xuyên tạc, phủ nhận mục đích, bản chất nguyên tắc và hoạt động tự phê bình và phê bình của Đảng ta.

Thời gian qua, trước yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) toàn Đảng tiến hành cuộc tự phê bình và phê bình được triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, bài bản, từ Trung ương đến cơ sở, từ trong cấp ủy đến mọi cán bộ, đảng viên, đạt được nhiều kết quả tích cực, “…đã góp phần đấu tranh với những suy nghĩ và hành vi sai trái nhằm cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ”1. Tuy nhiên, ở một số cấp ủy, tổ chức đảng trong phê bình vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, tâm lý ngại va chạm, nhất là phê bình cấp trên. Cá biệt, còn hiện tượng thiên về phê bình, coi nhẹ tự phê bình hoặc tự phê bình nhưng chỉ tập trung phân tích, luận giải những ưu điểm, kết quả, thành tích, chưa nói thẳng, nói thật, nói hết, còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận. Ở một số nơi còn hiện tượng lợi dụng phê bình để chỉ trích, phê phán với động cơ, cách làm không trong sáng, v.v. Những hiện tượng này chỉ là thiểu số, không phản ánh về bản chất, mục đích, ý nghĩa chính trị và nhân văn của tự phê bình và phê bình, càng không thể là cái cớ, là lý do để các thế lực phủ nhận những kết quả của hoạt động tự phê bình và phê bình của đảng viên, tổ chức đảng các cấp trong thời gian qua.

Trên thực tế, với tinh thần cầu thị và thẳng thắn, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng luôn được chuẩn bị và tiến hành công phu, nghiêm túc, chặt chẽ và thận trọng; những ưu điểm, thành tích được phân tích làm rõ; những hạn chế, khuyết điểm, sai phạm của tổ chức đảng, của đảng viên từ Trung ương đến cơ sở, ở các tổ chức đảng trong các ngành, các lĩnh vực đã được chỉ ra. Các trường hợp sai phạm bị kiểm điểm, kết luận rõ ràng, xử lý nghiêm minh, không bao che, không có “vùng cấm”,… được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến tháng 3/2021, thông qua hoạt động tự phê bình và phê bình, kiểm tra, giám sát, toàn Đảng “đã kiểm tra gần 265.000 tổ chức đảng và trên 1,1 triệu đảng viên. Trong đó, đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và gần 70.000 đảng viên. Riêng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng, 229 đảng viên”2. Đó là minh chứng khẳng định: luận điệu xuyên tạc cho rằng tự phê bình và phê bình trong Đảng hiện nay chỉ nhằm “thổi phồng ưu điểm”, “cốt lấy lòng nhau”, “tung hô”, “bợ đỡ nhau” là hoàn toàn sai trái.

2. Các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị xuyên tạc rằng: hoạt động tự phê bình và phê bình trong Đảng trên thực tế là những cuộc “hạ bệ”, “thanh trừng”, “đấu đá nội bộ” không thương tiếc giữa các cá nhân bất đồng chính kiến, giữa các nhóm lợi ích trong nội bộ Đảng dù đã được thỏa hiệp nhưng không thể dung hòa. Trước hết, cần khẳng định rõ đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, phản động, phản khoa học. Bởi, hoạt động tự phê bình và phê bình luôn diễn ra trong một tổ chức đảng nhất định, được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, công khai, minh bạch trên cơ sở các nguyên tắc, nhất là nguyên tắc tính đảng, vì mục tiêu lý tưởng, vì sự nghiệp, lợi ích chung, hoàn toàn trong sáng, vô tư, không bè phái, cục bộ, không bản vị cá nhân.

Vấn đề cốt yếu để phân biệt giữa hoạt động tự phê bình và phê bình của đảng viên, tổ chức đảng với hoạt động “hạ bệ”, “triệt tiêu”, “thanh trừng” lẫn nhau giữa các cá nhân, nhóm lợi ích, đảng phái, tổ chức khác trong xã hội chính là mục đích của hoạt động này. Ở đây, cần thấy rõ rằng, tự phê bình và phê bình trong Đảng nhằm chỉ rõ ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân của ưu điểm, hạn chế và hướng khắc phục nhằm hướng đến sự phát triển, tiến bộ, trưởng thành của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đảng và sự vững mạnh của toàn Đảng, vì mục tiêu chung, lợi ích chung trong sáng. Qua đó, làm cho đội ngũ đảng viên ngày càng tiến bộ trưởng thành, tổ chức đảng thêm đoàn kết, thống nhất, ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, hoạt động tự phê bình và phê bình trong Đảng thường diễn ra dưới các hình thức và phương pháp công khai, minh bạch, dân chủ trên tình thương yêu đồng chí, đồng đội. Tự phê bình và phê bình luôn có tình thương yêu của con người với con người; và chính tình yêu thương của đồng chí, đồng đội đã tiếp thêm sức mạnh cho những cán bộ, đảng viên sau những vấp ngã, những sai lầm hay khuyết điểm để vươn lên trong cuộc sống, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và tổ chức giao phó. Bởi vậy, khi phê bình đồng chí mình không có thái độ công kích, đao to, búa lớn, thiếu tôn trọng nhân cách dẫn đến mặc cảm, xa lánh, tự ti. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “... phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”3. Do vậy, không ai, không thể và không bao giờ có thể xuyên tạc, vu khống, phủ nhận nguyên tắc và hoạt động tự phê bình và phê bình của Đảng Cộng sản Việt Nam.

3. Các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị ra sức rêu rao: tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi thường được tiến hành theo kế hoạch, theo định hướng, chỉ đạo bị động từ cấp trên, mang tính đối phó “dĩ hòa vi quý”; rằng, về cơ bản khi sinh hoạt, kiểm điểm, biểu quyết, xin ý kiến đều có tình trạng “nhất trí cao”, “đồng thuận xuôi chiều”, v.v.

Những biểu hiện “hình thức”, “dĩ hòa vi quý” trong tự phê bình và phê bình của đảng viên, tổ chức đảng trong thời gian qua là có thật, nhưng chỉ mang tính chất cá biệt, không điển hình và không phải là đa số, phổ biến. Những hiện tượng đó không phản ánh bản chất hoạt động tự phê bình và phê bình của Đảng, mà bản chất tự phê bình và phê bình trong Đảng phải có tính nguyên tắc, tính giáo dục, thuyết phục, khách quan, trung thực, chân thành, công khai, cụ thể, thiết thực và kịp thời. Các quy trình, nhiệm vụ, nội dung của hoạt động tự phê bình và phê bình đều được chuẩn bị và tiến hành công phu, nghiêm túc, chặt chẽ, có nền nếp, bảo đảm các nguyên tắc, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Với tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm túc, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), chỉ rõ: “tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”4. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “có nơi còn buông lỏng sinh hoạt đảng, chất lượng sinh hoạt chưa cao, sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi vẫn còn hình thức; tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu”5. Đây là những minh chứng cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật những hạn chế, tồn tại trong hoạt động tự phê bình và phê bình, trên cơ sở đó đề ra giải pháp thực hiện tốt hơn nguyên tắc, hoạt động tự phê bình và phê bình. Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa của tự phê bình và phê bình đối với công tác xây dựng Đảng, nó vừa mang tính cách mạng, khoa học, vừa mang tính nhân văn, thúc đẩy con người vươn tới sự hoàn thiện. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, duy trì, thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ tự phê bình và phê bình để đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên; thực hiện đúng phương châm, phương pháp, nêu cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tự phê bình và phê bình, làm cho hoạt động này ngày càng thực chất, góp phần ngăn ngừa, đẩy lùi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng ta thật là đạo đức, văn minh, là cơ sở bác bỏ mọi xuyên tạc, phủ nhận của các thế lực về nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN TƯỢNG, Trường Sĩ quan Chính trị
_________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 21.

2 - Phạm Minh Chính – Hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Báo Lao động, ngày 27/3/2021.

3 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 272.

4 - ĐCSVN – Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 22.

5 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 91.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.