Thứ Năm, 21/11/2024, 00:26 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Đối với các dân tộc thuộc địa, quyền con người là thành quả của cách mạng giải phóng dân tộc, nằm trong quyền dân tộc tự quyết; trong đó, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước là tiền đề, điều kiện tiên quyết. Ở Việt Nam, quyền con người là thành quả của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xóa bỏ chế độ thực dân - phong kiến, do Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Hơn 80 năm sống dưới ách đô hộ của thực dân - phong kiến, dân tộc Việt Nam không có Hiến pháp, không có quyền công dân, quyền con người (QCN). "Thành tựu" nhân quyền mà chúng đem lại cho dân tộc ta là sự kiện hơn 2 triệu người dân Bắc Bộ chết đói năm 1945 (chiếm gần 1/10 dân số lúc đó). Đây là một bằng chứng lịch sử về tội ác của chủ nghĩa thực dân không ai có thể phủ nhận được. Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước ta giành được độc lập, nhưng các thế lực thực dân, đế quốc lại tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược (1945 - 1975), chà đạp lên quyền sống của nhân dân ta. Cho đến nay, những nhân chứng sống của hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin… vẫn còn đó. Ngày 02-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt toàn thể nhân dân công bố Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà; trong đó, khẳng định:Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Ngay sau đó, để quyền công dân, QCN được đảm bảo trong thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân thực hiện Tổng tuyển cử bầu ra các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; đồng thời, xây dựng và ban hành Hiến pháp năm 1946, trong đó ghi rõ quyền công dân và QCN của nhân dân ta. Lưu ý rằng, Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời trước khi Liên hợp quốc chính thức thành lập và cộng đồng quốc tế thông qua Bản Tuyên ngôn thế giới về QCN (năm 1948). Như vậy, bản Tuyên ngôn độc lập cùng với thực tiễn cách mạng Việt Nam không chỉ có giá trị đối với dân tộc ta, mà còn đóng góp quan trọng vào tư tưởng - lý luận nhân quyền của các dân tộc thuộc địa trong thế kỷ XX. Vì vậy, bảo đảm QCN vừa là mục tiêu, lý tưởng, đồng thời là nội dung chủ yếu trong mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, chứ không xuất phát từ bất kỳ sức ép nào của cộng đồng quốc tế, hoặc của các lực lượng thù địch trong và ngoài nước.
Trước khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc (ngày 20-9-1977), Việt Nam đã tự nguyện gia nhập nhiều công ước quốc tế, như: “Công ước Giơ-ne-vơ về bảo vệ thường dân trong chiến tranh” (năm 1957); “Công ước Giơ-ne-vơ về đối xử với tù nhân trong chiến tranh” (năm 1957);… Năm 1981 và 1982, Việt Nam đã gia nhập nhiều công ước quốc tế về QCN, trong đó có: “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị” (năm 1966); “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa” (năm 1966) 1. Các cương lĩnh của Đảng ta, mới nhất là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: chế độ ta là chế độ do nhân dân làm chủ; Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Các quyền cơ bản của mọi người được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ. Đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế về QCN và luật hóa những công ước đó trong hệ thống pháp luật quốc gia. Điều 50, Hiến pháp 1992 ghi: ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các QCN về chính trị, dân sự, kinh tế văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật; hệ thống pháp luật Việt Nam đã tương thích với luật quốc tế về QCN; các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của nhân dân ta đã được bảo đảm ngày càng tốt hơn trong thực tế.
Nhằm phát huy QCN, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng việc xây dựng các thể chế quốc gia phù hợp với đặc thù lịch sử văn hóa của dân tộc. Trong đó, vừa đảm bảo nguyên tắc các cơ quan tư pháp hoạt động độc lập, vừa phát huy được vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Quyền làm chủ trực tiếp của người dân được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Ngày 18-02-1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó quy định: quyền của mọi người dân ở cơ sở được thông tin về pháp luật, các chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống và lợi ích hằng ngày của nhân dân. Theo đó, Quốc hội đã ban hành pháp lệnh, Chính phủ ban hành nghị định bảo đảm quyền được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và quyết định những vấn đề kinh tế, xã hội của người dân ở các cơ sở. Quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Ngoài Luật Báo chí, Nhà nước đã ban hành các quy định cơ quan Chính phủ có trách nhiệm định kỳ và khi cần cung cấp thông tin cho báo chí. Các cơ quan truyền thông của Việt Nam phát triển nhanh chóng. Hiện nay, cả nước có 786 cơ quan báo chí in với 1.016 ấn phẩm; 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương; 61 báo, tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội, hơn 1000 trang thông tin điện tử tổng hợp… Người dân Việt Nam còn được tiếp cận với nhiều hãng thông tấn, báo chí, các kênh truyền hình nước ngoài như Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN… Hội Nhà báo có gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề, hàng nghìn phóng viên đang hoạt động báo chí chuẩn bị đến thời hạn cấp thẻ. Tốc độ phát triển internet ở Việt Nam được xếp hạng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Trên thực tế, báo chí Việt Nam không chỉ có tự do tác nghiệp, mà còn có những đóng góp quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là việc phát hiện tham nhũng, thoái hóa về đạo đức, lối sống và những hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, đảng viên. Điều này, tự nó đã bác bỏ mọi luận điệu cho rằng, Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, internet bị cấm đoán.
Trên lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa, quan điểm nhất quán của Đảng ta là: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và trong từng chính sách phát triển… tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội… giúp đỡ mọi thành viên xã hội nhất là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương…”2. Để bảo đảm cho các quan điểm đó trở thành hiện thực, trên cơ sở nguyên tắc: tôn trọng con người, QCN; dân chủ XHCN; Nhà nước pháp quyền XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước ta đã ban hành nhiều bộ luật, luật sửa đổi và luật mới. Đồng thời, nội luật hóa các công ước quốc tế mà mình đã tham gia, như: Luật Bảo vệ sức khỏe người dân (năm 1989), Luật Giáo dục (năm 1998), Luật Đất đai (năm 2003), Luật Bảo hiểm xã hội (năm 2006), Luật Phòng, chống HIV/AIDS (năm 2006), Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2005), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007)3 và Luật Bình đẳng giới (năm 2011).
Nhằm bảo đảm quyền bình đẳng trong việc hưởng thụ thành tựu phát triển, Chính phủ đã có nhiều chương trình KT-XH hướng vào nâng cao đời sống của người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Báo cáo của Ủy ban Dân tộc Chính phủ, từ nguồn vốn của Chương trình phát triển KT-XH ở các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135) giai đoạn 2 (2006 - 2010), chúng ta đã xây dựng được gần 13.000 công trình hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm… ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về việc hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước, với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, vốn tín dụng ưu đãi, của doanh nghiệp,… đến năm 2010, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm tại 62 huyện nghèo, với 73.418 căn nhà, đạt 94,58% kế hoạch. Hiện nay, chương trình Nhà ở xã hội của Chính phủ đang được triển khai tích cực ở nhiều địa phương nhằm trợ giúp cho công nhân, người thu nhập thấp và sinh viên. Năm 2009, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Năm 2011, chi ngân sách Nhà nước cho công tác an sinh xã hội tăng khoảng 20% và dư nợ tín dụng ưu đãi thực hiện chính sách xã hội tăng khoảng 17% so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 1,5%. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang được triển khai có hiệu quả… Đến nay, mức sống của người dân đã có những thay đổi lớn, thu nhập bình quân đầu người ước khoảng 1.200 USD; Việt Nam đã thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
Trên lĩnh vực văn hóa, với quan điểm “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ…”, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng, khu phố văn hóa”, điểm “Bưu điện - văn hóa”… đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, hầu hết các địa phương (xã, huyện) đều có Nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa; hoạt động lễ hội văn hoá được khôi phục trên toàn quốc, với sự tham gia của các dân tộc; hoạt động mê tín dị đoan, lai căng bị lên án mạnh mẽ. Đến nay, Việt Nam đã có 11 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa thế giới. QCN của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới và là quốc gia đầu tiên ở khu vực ký kết “Công ước quốc tế về quyền trẻ em”. Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đặc biệt đến trẻ em, nhất là việc khám, chữa bệnh miễn phí, giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và suy dinh dưỡng… Việt Nam cũng đã tham gia “Công ước xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với nữ giới”, “Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật”… Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong xã hội ngày càng được nâng cao. Hệ thống các cơ quan thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ được thiết lập và phát triển ở tất cả các cấp trong toàn quốc. Tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội khóa XIII đạt 24,40% (nhiệm kỳ 2011 - 2016), tuổi thọ trung bình của phụ nữ năm 2010 đạt 75,6, tăng 5,5 tuổi so với năm 1999. Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong vấn đề dân tộc là các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ. Nhà nước đã triển khai hai chương trình mục tiêu quốc gia, là Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở (Chương trình 134) và Chương trình 135; Chương trình phát triển KT-XH, thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Chính phủ cũng đã đề ra nhiều chính sách cụ thể, như: trợ cước, trợ giá, cho hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, định canh, định cư; hỗ trợ một số dân tộc thiểu số có số dân rất ít; cấp miễn phí 18 loại báo, tạp chí cho người dân ở vùng khó khăn. Đồng thời, tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số được chú ý bảo tồn và sử dụng phổ biến hơn; Đài Truyền hình Việt Nam đã phát kênh VTV5 bằng 10 thứ tiếng dân tộc; Đài Tiếng nói Việt Nam đã tăng thời lượng phát sóng và sản xuất hơn 4.000 chương trình đặc biệt phát bằng 13 thứ tiếng dân tộc, giúp đồng bào các dân tộc tiếp cận thông tin nhiều hơn… Đến nay, 100% số huyện và 95% số xã đã có điện; 100% các xã có trường tiểu học, nhà mẫu giáo; 100% các huyện đều có trường trung học phổ thông. Với những chính sách ưu tiên đặc biệt của Nhà nước và sự nỗ lực của nhân dân, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng cao rõ rệt, khoảng cách vùng - miền đã được thu hẹp đáng kể.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 5,2 triệu người tàn tật, chiếm 6,63% dân số. Chính sách, pháp luật Việt Nam xác định người khuyết tật được Nhà nước và xã hội trợ giúp. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương xây dựng và triển khai Kế hoạch dài hạn về người khuyết tật do UNESCAP đề xướng. Việt Nam cũng đã ký Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật và đã có Luật Người khuyết tật. Nhiều người khuyết tật nặng, thương binh, bệnh binh, người bị di chứng chất độc da cam/đi-ô-xin, trong đó có trẻ em, được Nhà nước trợ cấp và nuôi dưỡng. Mạng lưới chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người khuyết tật đã được thiết lập từ Trung ương đến cơ sở. Trong 10 năm qua, hơn 300.000 người, trong đó có hàng chục nghìn trẻ em được chỉnh hình phục hồi chức năng, được cung cấp dụng cụ chỉnh hình miễn phí, phương tiện trợ giúp và thẻ bảo hiểm y tế. Việt Nam cũng đang xây dựng mô hình giáo dục hòa nhập, chuyển đổi và thẩm định sách giáo khoa chữ phẳng sang chữ nổi Braille, xây dựng hệ thống ngôn ngữ ký hiệu, thống nhất hệ thống chữ cho người mù. Cho đến nay, cả nước có khoảng 100 cơ sở hướng nghiệp dạy nghề cho người khuyết tật, với khoảng 35.000 học viên. Đối với nhóm người nhiễm HIV, Đảng và Nhà nước ta khẳng định: chống kỳ thị và phân biệt đối xử, bảo đảm quyền của những người bị nhiễm HIV, đồng thời giúp họ vượt qua khó khăn để lao động, học tập, tái hòa nhập cộng đồng và có đóng góp cho xã hội. Theo Báo cáo phát triển con người của Liên hợp quốc năm 2011, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã tăng thêm 37% so với năm 1990, ở mức trung bình của thế giới. Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) về cơ bản cũng là những mục tiêu về QCN. Năm 2010, khi các quốc gia đã đi được hai phần ba chặng đường thực hiện các MDGs, thì Việt Nam đã "về đích" sớm với một số mục tiêu, như: xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực; phổ cập giáo dục tiểu học (năm 2000); cơ bản hoàn thành mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ; đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS; đang ở “ngưỡng cửa” hoàn thành mục tiêu giảm tử vong ở trẻ em.
Hiện nay, các thế lực chống Việt Nam trong và ngoài nước, đặc biệt là một số người trong nhóm cử tri gốc Việt ở Mỹ đã và đang gây sức ép với Quốc hội và Tổng thống Mỹ thông qua cái gọi là “Dự luật nhân quyền Việt Nam 2012” - một dự luật xuyên tạc tình hình nhân quyền ở nước ta, vu cáo Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền. Hành động này, không chỉ trái với các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế, đi ngược lại xu hướng phát triển tốt đẹp trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và lợi ích cơ bản của hai dân tộc, mà còn trái với lương tri của nhân dân Mỹ. Ngài E-ni Fa-leo-ma-va-ega (Hạ nghị sĩ - một cựu binh Mỹ tại Việt Nam) đã lên tiếng: “Điều mà tôi không đồng tình với Dự luật này là tại sao chúng tôi lại cứ coi Việt Nam như là một nước duy nhất vi phạm nhân quyền. Quan điểm của tôi là, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hết sức để đưa người dân thoát ra khỏi những vi phạm về nhân quyền đó, cũng như đã cố gắng để giải quyết những vấn đề này. Tôi cho rằng, mọi chính phủ đều có cùng một nỗ lực như vậy, nhưng chúng ta đã cố áp đặt một tiêu chuẩn kép đối với Việt Nam. Điều mà tôi muốn nói là tại sao chúng ta lại tách riêng Việt Nam và áp dụng một tiêu chuẩn khác trong khi các chính phủ khác cũng có những vấn đề tương tự… Lập luận của tôi là các vị đang áp đặt một thứ tiêu chuẩn kép"4.
QCN đối với nhân dân ta là thành quả của cách mạng Việt Nam, đồng thời là giá trị của nền văn minh nhân loại. Trong quan hệ quốc tế, con đường duy nhất để phát triển những giá trị đó là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không chính trị hóa vấn đề nhân quyền; tôn trọng vai trò, trách nhiệm của các quốc gia và đối thoại trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, lắng nghe và hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau một cách thiết thực./.
TS. CAO ĐỨC THÁI
________
1 - Viện nghiên cứu quyền con người, Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, H. 2002, tr. 650.
2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 43.
3 - Bộ Ngoại giao - Báo cáo Quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người, tháng 5 -2009.
4 - Theo Truyền hình Việt Nam,Chương trình C - K – X, Thời sự, 09-3-2012, 08:35 GMT+7
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm