Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 08/07/2013, 10:25 (GMT+7)
Đằng sau những cáo buộc Việt Nam “vi phạm nhân quyền”
Trẻ em Việt Nam (Ảnh minh họa)

Báo cáo (thường niên) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (ngày 19-4-2013) về tình hình nhân quyền thế giới, phần về Việt Nam có đoạn viết: “Nhà nước Việt Nam vẫn hạn chế nghiêm ngặt các quyền chính trị của công dân, đặc biệt là quyền thay đổi chính phủ…”. Còn Báo cáo thường niên (ngày 30-4-2013) của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ (USCIRF) thì cho rằng: “Việt Nam dù đã có một vài thay đổi tích cực trong hơn thập niên qua”, nhưng “còn rất xấu” và “khuyến cáo Bộ Ngoại giao Mỹ” phải “xếp Việt Nam trở lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt (CPC)”(!)

Cùng giọng điệu trên, ngày 11-4-2013, tại Văn phòng Quốc hội Hoa Kỳ, Dân biểu Crit-xmit - Nghị sĩ Đảng Cộng hòa tiểu bang Niu Giơ-xi (New Jersey) vu cáo Việt Nam: “không có tự do tôn giáo” và bằng chứng là: “trường hợp 14 thanh niên Công giáo - Tin lành ở Vinh bị án tù”. Ngày 04-6-2013, tại Hạ viện Hoa Kỳ, Nghị sĩ Crit-xmit chủ trì cuộc điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam “đã đề xuất Dự luật nhân quyền Việt Nam với tên là H.R. 1897”.

Cần khẳng định rằng, những văn kiện trên lĩnh vực quyền con người, như những cái gọi là “báo cáo”, “điều trần”, “dự án luật”… nói trên được quy định trong thể chế và pháp luật Hoa Kỳ. Đó là quyền của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, về pháp lý, những văn kiện này chỉ điều chỉnh hoạt động của các cơ quan, tổ chức hành pháp của Hoa Kỳ. Vì thế, những hành động của các tổ chức, cá nhân nói trên là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, làm ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa chính đất nước này với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Vào hùa với giọng điệu trên, một số tổ chức, cá nhân chống Cộng ở nước ngoài đẩy mạnh xuyên tạc, vu cáo tình hình nhân quyền Việt Nam. Đó là những tổ chức chống Cộng của những người gốc Việt có quốc tịch Mỹ, Pháp, Đức, Ôt-xtrây-li-a, Ca-na-đa... Nhìn chung, những cá nhân trong tổ chức này thuộc “thế hệ chiến tranh Việt Nam”. Với những lý do khác nhau, họ vẫn bám giữ quan điểm cổ hủ, xem việc chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam vừa là hoạt động chính trị, vừa như một thứ nghề nghiệp để kiếm sống (theo nhận xét của số đông người Việt Nam ở Hoa Kỳ). Những tổ chức này núp bóng dưới các đảng,  hội,  quỹ,  khối… với những tên gọi khác nhau. Ví dụ, như: Đảng Việt Tân, hoạt động cả chính trị và vũ lực và bị liệt vào danh sách tổ chức khủng bố. “Quỹ người Thượng”, còn gọi là Sáng Hội người Thượng hoặc Tổ chức người Thượng - một tổ chức chống Đảng và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam với danh nghĩa “bảo vệ cuộc sống và văn hóa người Thượng ở Tây Nguyên”, có trụ sở ở Nam Ca-ro-li-na (Hoa Kỳ) do Ksor Kơk cầm đầu. Tổ chức “Phong trào quốc dân đòi trả lại tên Sài Gòn”, do Nguyễn Hữu Lễ và Trần Quốc Bảo cầm đầu, hoạt động chủ yếu ở Nam Ca-li-phooc-nia (Mỹ), có mục tiêu chính là bôi nhọ thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phủ nhận những thành tựu của cách mạng Việt Nam, nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

Còn ở nước ta, lợi dụng sự cởi mở của xã hội, nhân việc tranh chấp chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông, những kẻ bất mãn, những bloger tự xưng là “chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” viết bài bôi nhọ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuyên tạc, chủ trương, chính sách của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong quan hệ với nước láng giềng. Vậy nội dung, phương thức, thủ đoạn và mục tiêu những cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền là gì?

Về nội dung những cáo buộc, đó là sự xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế xã hội và văn hóa; trọng tâm là quyền tự do báo chí, ngôn luận, tự do in-tơ-nét, v.v..

Về phương thức, thủ đoạn, chúng thường dựa vào những thông tin đã bị xuyên tạc, bóp méo về tình hình chính trị, kinh tế, nhất là về các vụ án hình sự xét xử một số cá nhân, tổ chức phạm tội liên quan đến an ninh quốc gia, để làm các báo cáo hay dự luật này nọ, như: vụ  án đối với các thành viên “Câu lạc bộ nhà báo tự do”, trong đó có Nguyễn Văn Hải (bloger Điếu Cày), Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải; vụ xét xử sơ thẩm đối với 02 bị cáo Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” và gần đây nhất, là vụ bắt Trương Duy Nhất, chủ nhân Blog “Một góc nhìn khác”, hay bloger Phạm Viết Đào theo Điều 258, Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội: “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”… Theo họ, việc làm trên của Nhà nước Việt Nam là “vi phạm” Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, năm 1966, trong đó có “quyền tự do ngôn luận” mà Việt Nam đã tham gia.

Liên quan đến cái gọi là vi phạm “quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”,  trong nhiều báo cáo, dự luật… họ “tố cáo” Việt Nam bắt bớ, bỏ tù nhiều giáo dân, những người hoạt động tôn giáo bình thường. Chẳng hạn như vụ 14 giáo dân ở Nghệ An; vụ 22 giáo dân ở Phú Yên bị đưa ra Tòa… xét xử cầm tù. Vậy sự thật là như  thế nào? Thực tế là, 14 người phạm tội ở Nghệ An đã phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (theo Điều 79, Bộ luật Hình sự, năm 1999) chứ không phải vì họ theo tôn giáo này hay tôn giáo khác. Các bị cáo đã được tổ chức phản động lưu vong Việt Tân kết nạp, móc nối ra nước ngoài để huấn luyện, đặt bí danh, giao nhiệm vụ, tiền cùng phương tiện và lên kế hoạch để về nước hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Khi bị chính quyền phát hiện, bắt giữ, trước Tòa các bị cáo đã khai nhận với cơ quan điều tra rằng, họ hoạt động chống phá Nhà nước bằng phương thức “bất bạo động”. Vụ 22 giáo dân ở Phú Yên cũng như vậy. Tổ chức này núp bóng doanh nghiệp hoạt động du lịch sinh thái để chống phá Nhà nước với phương thức đấu tranh “bất bạo động” nhằm che mắt cơ quan an ninh. Chúng tập trung sáng tác, biên soạn nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc, vu khống chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước… Đồng thời, xây dựng nội quy, quy chế, Cương lĩnh hành động, dự kiến bộ máy chính quyền... với mục đích lật đổ Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tiến tới thành lập cái gọi là “Nhà nước Đại Nam Kinh Châu”. Họ cho rằng, những hoạt động của các tổ chức, cá nhân trên là “ôn hòa”, “bất bạo động”. Thế nhưng, theo pháp luật Việt Nam, các hoạt động “bất bạo động” nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, với những bằng chứng cụ thể là phạm pháp, nhất thiết phải bị trừng trị. Do vậy, Tòa kết án họ là đúng người, đúng tội.

Trong những vụ án về tội phạm liên quan đến Điều 88, Điều 258 của Bộ luật Hình sự, năm 1999, những người mang danh là “chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ nhân quyền Việt Nam” đã xuyên tạc sự kiện, cắt xén chứng cứ và tung lên mạng. Ví dụ, để bênh vực cho hai bị cáo ở tỉnh Long An vi phạm Điều 88, Bộ luật Hình sự, năm 1999, họ đã cắt xén nhiều chứng cứ quan trọng, như: viết khẩu hiệu vu cáo Đảng Cộng sản Việt Nam, chuẩn bị cờ, truyền đơn… kêu gọi chống Nhà nước, rồi nói “hai bị cáo trẻ tuổi này chỉ là người yêu nước”(!) Hay, những người bị bắt về tội lợi dụng dân chủ theo Điều 258, Bộ luật Hình sự, năm 1999, thì họ cho rằng: những bloger bị bắt theo tội danh trên là do đã “chỉ trích Chính phủ” và nhìn xã hội từ “Một góc nhìn khác”; “mục đích” của những bloger, chủ nhân trang mạng này “chỉ muốn tốt cho hệ thống”(?). Thực tế lại chứng minh hoàn toàn ngược lại. Trong nhiều bài viết của những bloger này, người ta chỉ thấy lời “khuyên” xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh với những ngôn từ mỉa mai, thô bạo. Cần lưu ý rằng, chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã được quy định trong Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992. Một số cơ quan, tổ chức phương Tây và nhiều bloger tự nhận là “lề dân” đã đứng ra bao che, bênh vực cho những bị cáo mà họ gọi là những người “yêu nước”, “đấu tranh chống tham nhũng”… Nhưng, chứng cứ thu thập được của cơ quan điều tra lại chứng minh rõ, đó toàn là tài liệu xuyên tạc cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước của dân tộc ta. Có kẻ đã viết: cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc là cuộc chiến tranh “nồi da, nấu thịt”… Điều này đi ngược lại hoàn toàn sự thật lịch sử của dân tộc ta. Chúng đã dùng những lập luận ngụy biện, quanh co, nửa kín, nửa hở nhằm biện hộ cho những kẻ chống đối chế độ, vi phạm pháp luật.

Trong dịp Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam triển khai lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, những kẻ cơ hội chính trị lấy cớ phải “cải cách chính trị” cho phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, kêu gọi hủy bỏ Điều 4 (quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam), đòi thực hiện sang chế độ “đa đảng”, xóa bỏ thể chế “phân công, phối hợp có sự giám sát giữa các cơ quan nhà nước” hiện nay sang thể chế “tam quyền phân lập”; đòi bỏ quy định Quân đội phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi thay đổi Quốc hiệu, bỏ “định hướng XHCN” trong khái niệm “kinh tế thị trường định hướng XHCN”… Cùng với đó, lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân, nhất là trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông, một số cá nhân, tổ chức chống Đảng và Nhà nước ta ở trong và ngoài nước đã kích động biểu tình, gây mất trật tự công cộng và vu cáo Đảng và Nhà nước ta “bán rẻ” biển, đảo; gợi ý Việt Nam nên “lợi dụng cơ hội sửa đổi Hiến pháp, tình hình tranh chấp chủ quyền biển, đảo hiện nay để chuyển sang thể chế dân chủ đa nguyên, tranh thủ sự ủng hộ của phương Tây”  trong việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông (!)

Về mục tiêu, những cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền có cả một hệ thống mục tiêu, từ trực tiếp đến gián tiếp. Ở trong nước, mục tiêu của họ là làm xói mòn niềm tin của nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự điều hành, quản lý xã hội của Nhà nước ta và bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN mà nhân dân ta đang xây dựng. Đồng thời, tạo chỗ dựa cho các lực lượng chống đối chế độ xã hội, chống Nhà nước, tạo dựng “ngọn cờ”, xây dựng lực lượng, đón thời cơ nhằm xóa bỏ chế độ xã hội XHCN, xóa bỏ nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Trong quan hệ quốc tế, chúng muốn phá hoại đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam XHCN giàu mạnh”1 của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đồng thời, mưu toan hạ thấp uy tín chính trị, cô lập về ngoại giao của Nhà nước ta; gây khó khăn, hạn chế Việt Nam hội nhập toàn diện vào cộng đồng quốc tế; phá hoại chủ trương giải quyết những bất đồng, tranh chấp trên Biển Đông giữa Việt Nam với các nước có liên quan, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực.

Như vậy, đằng sau những cáo buộc “Việt Nam vi phạm nhân quyền” là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, chuyển hóa chế độ XHCN ở nước ta sang con đường  tư bản chủ nghĩa, đưa nước ta vào quỹ đạo lợi ích nhóm quốc gia do phương Tây chi phối.

Trung Nguyên

_____________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 235 - 236.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.