Thứ Bảy, 23/11/2024, 13:48 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Những năm qua, ở Việt Nam việc đảm bảo quyền con người nói chung, quyền tự do báo chí nói riêng có sự phát triển vượt bậc, được quốc tế thừa nhận. Nhưng bất chấp những thành quả ấy, các thế lực thù địch vẫn rêu rao rằng Việt Nam vi phạm “quyền tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”. Vậy, thực chất mưu đồ sử dụng chiêu bài “tự do báo chí” của họ là gì?
Tự do báo chí là quyền của con người được các quốc gia quy định thành luật, thậm chí hiến định trong Hiến pháp; đồng thời, là một nhân tố hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định, phát triển của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, tự do báo chí luôn là vấn đề rất nhạy cảm. Bởi lẽ, báo chí ngày nay không chỉ tác động đến nội bộ quốc gia, mà còn tác động đến dư luận quốc tế. Vì vậy, hầu hết các quốc gia luôn quan tâm đặc biệt đến việc bảo đảm quyền tự do báo chí của người dân. Tuy nhiên, do cách tiếp cận khác nhau, quan niệm khác nhau theo một thể chế chính trị cụ thể, nên nội hàm của tự do ngôn luận, tự do báo chí được hiểu theo những cách khác nhau. Đó là điều hoàn toàn bình thường. Song, điều không bình thường ở chỗ, một số thế lực thù địch đã lợi dụng việc đó làm động cơ chính trị hòng thực hiện mưu đồ đen tối chống phá các quốc gia khác không cùng “quỹ đạo”.
Hầu hết các quốc gia đều ghi nhận, tự do báo chí là một trong các quyền cơ bản của con người; là nhu cầu tinh thần trong tiến trình tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia. Tự do báo chí bao gồm nhiều nội dung: Đó là quyền được thông tin, trao đổi, giao tiếp, bày tỏ tâm tư và nguyện vọng một cách công khai thông qua các loại hình báo viết, báo nói, báo hình,… và ngày nay in-tơ-nét có vai trò quan trọng đặc biệt.
Lợi dụng sức mạnh của truyền thông, khả năng lan truyền nhanh, tầm ảnh hưởng rộng lớn của thông tin trên báo chí, từ lâu, tự do báo chí đã trở thành một trong những vấn đề mà các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm chống phá XHCN, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thực tế đã cho thấy điều đó, mà minh chứng rõ nhất là sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trước đây, cũng như các cuộc khủng hoảng chính trị, xung đột vũ trang ở một số nước trên thế giới gần đây, các thế lực thù địch, phản động đã tận dụng vấn đề tự do báo chí để chống phá, và đã đạt mục đích. Đối với Việt Nam, việc các thế lực thù địch sử dụng chiêu bài “tự do báo chí” để chống phá tuy không có gì là lạ, nhưng vẫn hết sức nguy hiểm. Thủ đoạn của chúng thường là xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo Đảng và Nhà nước vi phạm nhân quyền, kích động đòi tự do báo chí theo kiểu phương Tây, đòi xuất bản “báo tư nhân”,... Về nội dung, chúng tung tin, viết bài bóp méo sự thật, bịa đặt, phản động, xuyên tạc bản chất các sự kiện chính trị, lịch sử. Chúng tiến hành thường xuyên, liên tục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, nhưng thường tập trung mở “chiến dịch” vào những thời điểm đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, những ngày lễ lớn của quốc gia,... Mục tiêu cơ bản của chúng là phủ nhận bản chất, xóa bỏ chế độ XHCN và sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Phương thức tiến hành không chỉ tán phát nội bộ, mà còn tung lên một số trang mạng hoặc in thành các ấn phẩm ở nước ngoài rồi tìm cách tuồn vào trong nước. Đáng chú ý, trong những năm gần đây, thông qua các hoạt động, nhất là hoạt động đối ngoại trong lĩnh vực báo chí, các thế lực thù địch phát hiện, móc nối, mua chuộc, lôi kéo một số nhà báo có quan điển, tư tưởng lệch lạc, bất mãn đi theo quỹ đạo “tự do báo chí” phương Tây. Cách làm của chúng hết sức tinh vi, bài bản và nguy hiểm. Bước đầu là trả lời phỏng vấn, rồi trở thành “cộng tác viên” thường xuyên viết bài xuyên tạc tình hình trong nước, phê phán chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bản chất CNXH, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; bôi nhọ lãnh tụ, công kích lãnh đạo, kích động người dân chống đối chính quyền; truyền bá tư tưởng, quan điểm đa nguyên, đa đảng,... Dựa vào việc cơ quan chức năng bắt giữ một số người lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận chống đối Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật, các thế lực thù địch ra sức vu cáo Nhà nước ta “đàn áp”, “bóp nghẹt tự do báo chí”,... Từ đó, núp dưới chiêu bài “bảo vệ nhà báo”, “đấu tranh cho tự do báo chí” để can thiệp vào công việc nội bộ của ta.
Cho dù có sử dụng chiêu thức gì chăng nữa thì họ cũng không thể phủ nhận được những thành tựu, tiến bộ về tự do báo chí ở Việt Nam. Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là không ngừng phấn đấu bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do báo chí. Bằng nhiều chủ trương, chính sách, Đảng và Nhà nước Việt Nam khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân khai thác, sử dụng các thông tin báo chí phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; hỗ trợ cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cuộc sống và thực hiện các quyền tự do của nhân dân. Theo tinh thần ấy, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về tự do báo chí, in-tơ-nét. Đến nay, ở Việt Nam có 838 cơ quan báo in, với hơn 1.100 ấn phẩm; 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, với hơn 200 kênh chương trình sản xuất trong nước và 67 kênh nước ngoài; 92 cơ quan báo điện tử và tạp chí điện tử, 01 hãng thông tấn quốc gia,... Kết quả khảo sát (tháng 12-2012) của WeAreSocial - một tổ chức nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu đã cho thấy, số người dùng in-tơ-nét ở Việt Nam là 30,8 triệu người (tăng 10,8 triệu người so với năm 2008), chiếm 34% dân số (mức trung bình của thế giới là 33%). Việt Nam hiện có trên 3 triệu người dùng blog cá nhân để bày tỏ chính kiến trên mạng xã hội, tổ chức các diễn đàn thảo luận, phản biện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gửi góp ý, kiến nghị đến các cơ quan chức năng,... Tổ chức Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) xếp hạng Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 8 châu Á về số lượng người sử dụng in-tơ-nét. Sự phát triển nhanh số người sử dụng và các phương tiện thông tin đại chúng, in-tơ-nét cho thấy, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam có quyền tự hào với những thành tựu bảo đảm quyền con người nói chung, bảo đảm quyền tự do báo chí nói riêng của mình và kiên quyết đấu tranh, phản bác mọi âm mưu, hành động xuyên tạc, bóp méo sự thật về tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam.
Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, trong bất cứ chế độ chính trị - xã hội nào, không thể có “tự do báo chí tuyệt đối” như các thế lực thù địch phản động vẫn rêu rao mà các quốc gia đều có luật và điều khoản xử lý nghiêm khắc hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí. Như mọi quốc gia trên thế giới, luật pháp Việt Nam cũng có những quy định hạn chế quyền tự do ngôn luận trong một số trường hợp phù hợp với Công ước về các quyền dân sự và chính trị, nhằm tôn trọng các quyền hợp pháp và chính đáng, uy tín, danh dự của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn công cộng, sức khỏe cộng đồng và đạo đức xã hội. Tự do báo chí, là “quyền” phải gắn với “trách nhiệm” vì hòa bình và an ninh quốc gia, vì lợi ích dân tộc, chứ không thể là tuyệt đối hóa tự do của cá nhân, mà ở đây là lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận để viết bừa, nói bậy, xuyên tạc, bôi nhọ tập thể, cá nhân,... như các thế lực thù địch đang ráo riết thực hiện ở Việt Nam. Những năm qua, báo chí Việt Nam đã phát huy tốt chức năng, hoạt động đúng hướng, phục vụ tốt nhu cầu thông tin đa dạng của nhân dân. Cùng với tuyên truyền cổ vũ những nhân tố mới, tiến bộ, những cách làm sáng tạo, đạt hiệu quả cao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, báo chí đã tham gia tích cực vào việc phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phản bác những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Không chỉ phủ nhận các thành tựu về tự do báo chí của Việt Nam, núp dưới chiêu bài “bảo vệ các nhà báo tự do trên thế giới”, thời gian qua, một vài tổ chức chống Cộng, trong đó có Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đã đưa ra những nhận xét mang tính quy chụp, xuyên tạc tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Đáng chú ý là, mới đây tổ chức này còn dùng thủ đoạn trao tặng giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2013 cho Nguyễn Văn Hải - đối tượng đang thụ án vì phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Chưa hết, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) còn đưa ra cái gọi là “Báo cáo chỉ số tự do báo chí toàn cầu năm 2014”, trong đó xếp hạng Việt Nam nằm trong số các nước đứng cuối bảng. Qua đó thấy rằng, một trong những âm mưu cơ bản, lâu dài của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam là lợi dụng tự do báo chí, sử dụng báo chí làm phương tiện để phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng; xuyên tạc thông tin gây hoang mang dư luận; kích động, chia rẽ nội bộ; bôi nhọ làm giảm sút uy tín, niềm tin của nhân dân vào Đảng Cộng sản và chế độ XHCN, gây mất ổn định chính trị, ngăn cản sự phát triển, kiếm cớ hòng can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Trước những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để chống phá của các thế lực thù địch, phản động, vấn đề đặt ra với chúng ta là phải chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình, để có các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời. Mặt khác, tăng cường tuyên truyền, phổ biến để mọi người dân nhận thức đúng các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Thông qua tuyên truyền làm cho nhân dân thấy rõ quyền tự do báo chí không chỉ được Hiến pháp, pháp luật quy định và bảo vệ, mà còn được thực thi trên thực tế. Đồng thời, khẳng định những thành tựu về bảo đảm quyền con người nói chung và bảo đảm quyền tự do báo chí nói riêng ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, mỗi người, mỗi tổ chức đề cao trách nhiệm làm tròn nghĩa vụ của mình trong thực thi quyền tự do báo chí, nâng cao cảnh giác, chủ động tham gia đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động lợi dụng tự do báo chí để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động. Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tích cực đổi mới công tác quản lý báo chí nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên giữ đúng tôn chỉ, mục đích, chống mọi biểu hiện chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần; phát huy khả năng sáng tạo, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình góp phần vào cổ vũ, động viên phong trào hành động cách mạng của quần chúng thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược. Công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động báo chí cần được đẩy mạnh nhằm phát hiện kịp thời những hành vi sai phạm, những xu hướng lệch lạc ở các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã và đang mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội, các quan hệ quốc tế, trong đó có lĩnh vực báo chí. Đây vừa là thuận lợi cho chúng ta trong bảo đảm quyền tự do báo chí, nhưng đồng thời cũng phát sinh những yếu tố bất lợi dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Do đó, đi đôi với học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03/CT-TW của Bộ Chính trị (khóa XI), nhằm thường xuyên giáo dục, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, phóng viên; đảm bảo cho họ không mơ hồ, ảo tưởng, sa ngã trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch. Thông qua công tác thông tin đối ngoại và các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí, chúng ta cần làm cho bạn bè trên thế giới, các tổ chức quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài thấy rõ những chính sách, luật pháp của Đảng, Nhà nước ta, thành tựu trong bảo đảm quyền tự do báo chí của công dân ở Việt Nam. Đó chính là cơ sở để chúng ta tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế, kết hợp sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài nhằm vạch trần, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động núp dưới chiêu bài “tự do báo chí” để chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch.
Đại tá PHÙNG KIM LÂN
Tự do ngôn luận,tự do báo chí
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm