Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 04/02/2019, 07:25 (GMT+7)
“Đảng chỉ mưu cầu lợi ích của riêng mình” - luận điệu xuyên tạc nguy hiểm

Chia tay năm Mậu Tuất, chúng ta bước vào năm Kỷ hợi với những thành tựu ấn tượng của năm 2018 và chào đón 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế nhưng, trái ngược với niềm vui của dân tộc, các thế lực thù địch lại tiếp tục tung ra những luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng ta. Một trong những luận điệu nguy hiểm đó là: “Đảng chỉ mưu cầu lợi ích của riêng mình”(!).

Họ cho rằng, ngay từ đầu, vì quyền lợi của mình, Đảng Cộng sản đã tìm cách chiếm quyền lãnh đạo và áp đặt con đường xã hội chủ nghĩa đối với đất nước; Đảng thao túng, bao che cho cán bộ, đảng viên, các “nhóm lợi ích”, tham nhũng lộng hành, đục khoét nguồn lực đất nước, làm cho nước ta nghèo nàn, đời sống nhân dân cơ cực, v.v.

Cần khẳng định đây là sự bịa đặt trắng trợn, với ý đồ chính trị thâm hiểm, nhằm hạ thấp uy tín của Đảng. Lịch sử đã chứng minh rằng, việc dân tộc ta lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa hoàn toàn không phải là sự “áp đặt” của bất cứ đảng phái nào, mà đó là yêu cầu của thời đại; là tổng hợp của điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, cả kinh tế và chính trị, cả trong nước và quốc tế và là khát vọng của nhân dân Việt Nam 89 năm về trước. Chúng ta đều biết, vào thời điểm năm 1930 và trước đó, dân tộc Việt Nam đang rên xiết dưới ách đô hộ của thực dân, đế quốc; giai cấp tư sản Việt Nam tuy đã hình thành, nhưng do nhỏ bé về kinh tế, non yếu về chính trị, lại thiếu kinh nghiệm, nên không đảm đương được vai trò lãnh đạo đối với dân tộc.

Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã nhận trọng trách của lịch sử: nắm ngọn cờ lãnh đạo cách mạng và đặt nền móng cho con đường phát triển tất yếu của đất nước. Để làm tròn sứ mệnh, Đảng phải đương đầu với sự đàn áp khốc liệt của thực dân, đế quốc; nhiều đảng viên đã anh dũng hy sinh vì tương lai của dân tộc. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, Ðảng trở thành đảng cầm quyền. Năm 1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam hoàn thành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Mùa Xuân 1975, quân và dân ta đánh thắng giặc Mỹ, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Năm 1986, Ðảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới, tạo bước ngoặt có ý nghĩa cách mạng cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hơn 30 năm thực hiện đổi mới, đất nước đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, tạo ra thế và lực mới cho đất nước, v.v. Các sự kiện đó là những cột mốc lịch sử của sự lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa, tạo thành sợi dây lô-gíc - lịch sử khẳng định: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của dân tộc, chứ không phải là sự áp đặt của Đảng Cộng sản. Lịch sử cũng khẳng định rằng, con đường tư bản chủ nghĩa, với đầy rẫy khuyết tật và bất công, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ ra qua trải nghiệm của mình trong quá trình tìm đường cứu nước. Lúc này, dân tộc Việt Nam đã và đang phải chịu đựng dưới chế độ thực dân - phong kiến, với vô vàn áp bức, bất công, nên nhân dân ta không thể lựa chọn con đường tư bản chủ nghĩa. Ðảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng Mác – Lê-nin chân chính, có bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức, được trải nghiệm qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, luôn phấn đấu cho lợi ích của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, hoàn toàn có khả năng lãnh đạo nhân dân ta đi tới tương lai tươi sáng.

Là Đảng Cộng sản do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo, Đảng ta luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân và tính tiền phong, gương mẫu. Mục tiêu chiến đấu của Đảng là vì đất nước độc lập, dân tộc tự do, nhân dân hạnh phúc. Lợi ích của Đảng là lợi ích của dân, của nước, như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “…trước sau như một, ngoài lợi ích của nhân dân Đảng không có lợi ích nào khác”1. Người nhấn mạnh: “Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân”2. Bởi vậy, ngay sau khi đất nước thống nhất, Đảng tập trung lãnh đạo nhân dân cả nước xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa, khắc phục hậu quả 30 năm chiến tranh, phá thế bao vây, cấm vận của kẻ thù, từng bước xây dựng cơ sở vật chất của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, phát triển văn hóa - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân.

Nhận thức rõ lối tư duy cũ và những khuyết tật của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp là lực cản dân tộc đi tới hạnh phúc, ấm no, tại Đại hội VI (12-1986), Đảng ta đã xác định đường lối đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, với những mục tiêu, mô hình, phương pháp đúng đắn, phù hợp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới của nhân dân ta hơn ba thập kỷ qua đã giành được những thành tựu to lớn và toàn diện. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, quy mô nhỏ, GDP năm 1985 chỉ là 14 tỉ USD, thì đến 2018 là 244 tỉ USD; đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 tính theo sức mua tương đương quốc tế. Với việc giảm mạnh tỷ lệ nghèo từ trên 60% (năm 1986) xuống còn khoảng 6% (cuối năm 2018), chúng ta đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình. Thu nhập bình quân đầu người từ 230 USD (năm 1985) tăng lên 2.540 USD (năm 2018). Đặc biệt, năm 2018, kinh tế nước ta có bước phát triển ấn tượng, với tăng trưởng GDP đạt 7,08%, mô hình tăng trưởng có sự chuyển dịch tiến bộ. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường hội nhập quốc tế, coi trọng thu hút đầu tư, trên khắp cả nước, nhiều thành phố, khu đô thị, khu công nghiệp, sân bay, bến cảng, đường giao thông, khu du lịch giải trí,… được đầu tư xây dựng, tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ, cả trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu dân cư cũng như diện mạo đất nước. Đồng thời, Đảng còn có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực để nâng cao đời sống của nhân dân, như: Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo; Chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, và gần đây là Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương,… đã làm cho thu nhập của mọi tầng lớp nhân dân tăng lên không ngừng, bộ mặt các khu dân cư, từ thành thị đến nông thôn thay đổi mạnh mẽ. Kết quả đó cùng với các thành tựu đạt được trong xóa đói giảm nghèo, y tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh đã tạo nên hình ảnh một đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định, ngày một giàu mạnh, dân chủ và nhân văn.

Những kẻ chống phá luôn cáo buộc Đảng ta độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ. Thế nhưng, thực tiễn chứng minh điều hoàn toàn ngược lại. Sự tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị - xã hội không chỉ là cơ sở để nâng cao đời sống của nhân dân, mà còn là tiền đề để Đảng và Nhà nước thực hành và phát huy dân chủ. Trong lĩnh vực kinh tế, Đảng chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành Hiến pháp và nhiều đạo luật, tạo hành lang pháp lý cho sự vận hành của nền kinh tế và cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, như: Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Phá sản, v.v. Theo đó, mọi người dân có quyền tự do kinh doanh, quyền làm chủ trong lao động sản xuất, quyền sở hữu tài sản; trực tiếp tham gia các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quản lý và giám sát các hoạt động kinh tế của bộ máy nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước, v.v.

Cùng với đó, dân chủ trong chính trị, trước hết là dân chủ trong Đảng có bước tiến nổi bật. Đảng ta đã và đang tiến hành đổi mới, chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; thực hiện bầu cử có số dư, ban hành Quy chế chất vấn trong Đảng. Sự tham gia của các tổ chức đảng và đảng viên vào hoạch định, triển khai đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng ngày càng có hiệu quả. Sinh hoạt dân chủ trong nội bộ Đảng có bước tiến rõ rệt. Đặc biệt, việc lấy phiếu tín nhiệm các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và việc Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) giới thiệu Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026 trước 3 năm, là một bước mới về dân chủ trong Đảng, có tác động tích cực đến việc phát huy dân chủ trong toàn xã hội. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, dân chủ thể hiện rõ nhất ở việc Nhà nước bảo đảm các quyền con người, như: quyền được thông tin, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do sáng tạo; quyền đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; quyền thảo luận và biểu quyết những vấn đề quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, v.v. Để tạo hành lang pháp lý cho phát huy dân chủ trong lĩnh vực này, Nhà nước đã ban hành các luật, như: Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bảo hiểm xã hội, Pháp lệnh Ưu đãi người có công, v.v. Nhờ đó, đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân trong sinh hoạt văn hóa - tinh thần, hoạt động xã hội, tạo điều kiện cho họ được hưởng thụ những thành quả của văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta ý thức rất rõ nguy cơ tha hóa quyền lực, nhất là tình trạng cán bộ, đảng viên lợi dụng chức quyền để tham nhũng, xâm hại đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân - căn bệnh mà Bác Hồ từng cảnh báo đó là thứ “giặc nội xâm”. Bởi vậy, ngay sau khi giành chính quyền cũng như trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã xử lý nghiêm minh mọi trường hợp vi phạm. Hiện nay, trước tình trạng một số cán bộ, đảng viên tham nhũng, móc ngoặc, “cánh hẩu” với nhau, tạo thành “lợi ích nhóm” để chiếm đoạt nguồn lực của đất nước và của nhân dân, Đảng đã có nhiều chủ trương, biện pháp xử lý kiên quyết, hiệu quả. Với phương châm, bất cứ ai, ở cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật, tham nhũng đều phải xử lý nghiêm; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2014 - 2018, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức đảng và 58.120 đảng viên, trong đó có gần 2.720 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Các cơ quan chức năng đã khởi tố 971 vụ án với 2.010 bị can; truy tố 1.060 vụ án với 2.444 bị can; xét xử sơ thẩm 968 vụ với 2.297 bị cáo về tội tham nhũng. Riêng các vụ án, vụ việc tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ với 440 bị cáo với các mức án nghiêm khắc; trong đó, có 11 án tử hình cho 10 bị cáo, 20 án chung thân cho 19 bị cáo, 7 bị cáo với mức án tù 30 năm3, v.v.

Thử hỏi, với kết quả đó, có phải Đảng “chỉ mưu cầu lợi ích cho chính mình” như ai đó đã hồ đồ phán xét! Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm của quá trình phát triển, Đảng đã hoạch định đường lối, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, hướng mọi hoạt động nhằm nâng cao vị thế của đất nước và cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Bởi vậy, Đảng luôn được quảng đại quần chúng nhân dân tin yêu, coi đó là đảng của mình. Đồng thời, đó cũng là minh chứng bác bỏ mọi luận điệu bịa đặt, xuyên tạc nhằm hạ thấp vai trò của Đảng trong đời sống xã hội.

VINH HIỂN - CAO VĂN TRUNG
_____________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 13, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 221.

2 - Sđd, Tập 12, tr. 402.

3 - Báo Nhân dân, ngày 26-6-2018.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.