Thứ Sáu, 22/11/2024, 19:43 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”1. Thế nhưng một số ý kiến lại không thừa nhận đánh giá đó. Đấy chỉ là ý kiến lạc lõng, thiểu số mà thôi.
Đúng vậy. Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nhất là từ khi Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước (năm 1986) đến nay đã làm cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước được nâng lên, chưa bao giờ có như ngày nay. Điều đó được thể hiện trên mọi mặt của đời sống xã hội.
Về kinh tế
Từ một nước nghèo, cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, đến nay Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Báo cáo của Chính phủ tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV nêu rõ: Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, bình quân đạt 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, thiên tai, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2% - 3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015. Theo báo cáo “Triển vọng Kinh tế Thế giới” vừa được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố, GDP của Việt Nam trong năm 2020 ước tính ở mức 340 tỷ USD, vượt qua Malaysia và Singapore và dự đoán sắp sửa vượt qua cả Philippines (hiện có GDP 367 tỷ USD) để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực, sau Indonesia và Thái Lan.
Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng. Nếu như năm 1988, chỉ đạt 86 USD/người/năm, thì đến nay, Việt Nam đã đạt được 2.800 USD/người/năm. Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được kết quả đầy ấn tượng; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo quốc gia) trên toàn quốc giảm từ 58,1% (năm 1993) xuống còn 3,75% (năm 2019), dự kiến xuống dưới 3% năm 2020; bình quân giảm nghèo 1,53%/năm, tỷ lệ giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra cho giai đoạn 2016 - 2020 là 1% - 1,5%/năm. Kết quả giảm nghèo đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên đạt Mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo.
Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% (năm 2011) xuống còn dưới 4% (giai đoạn 2016-2020), làm cho đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Tỷ trọng thu nội địa tăng lên từ 68,7% (giai đoạn 2011 - 2015) lên 81,6% hiện nay. Từ năm 1986 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam không ngừng tăng lên. Từ chỗ thường xuyên nhập siêu, đã chuyển sang cân bằng xuất, nhập khẩu, sau đó là xuất siêu. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng từ 157,1 tỷ USD (năm 2010) lên khoảng 535 tỷ USD (năm 2020). Tỷ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến tăng từ 65% (năm 2016) lên 85% (năm 2020). Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các châu lục với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo công bố của Tổng cục Thống kê sáng 29/11/2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng năm 2020 đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Thương mại điện tử phát triển nhanh, doanh số tăng 25%, trở thành kênh phân phối quan trọng của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh. Ngành Du lịch phát triển mạnh, khách quốc tế tăng bình quân gần 30%/năm, năm 2019 đạt 18 triệu lượt, tăng trên 10 triệu lượt so với năm 2015; năm 2020 chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19.
Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30% - 35%). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện, từ vị trí thứ 59 (năm 2016) lên thứ 42 (năm 2020) trên 131 quốc gia và nền kinh tế, tiếp tục dẫn đầu trong nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập trung bình thấp; đứng thứ ba (sau Singapo và Malayxia) ở Đông Nam Á; thứ chín khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Kinh tế tư nhân phát triển mạnh, chiếm tỷ trọng 43% GDP, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện đáng kể, tăng từ thứ 88/183 (năm 2010) lên thứ 70/190 quốc gia, vùng lãnh thổ (năm 2019).
Vì thế, Ngân hàng Thế giới (WB) trong Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam được công bố ngày 30/7/2020 khẳng định, kinh tế nước ta dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 nhưng vẫn chịu đựng tốt và sẽ phục hồi. Đồng thời tin tưởng rằng, Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế sôi động nhất trên thế giới và dự báo sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 thế giới trong năm 2020. Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) khen ngợi Việt Nam như một điển hình ở châu Á trong tăng trưởng kinh tế, nâng cao tính minh bạch, cũng như tăng chất lượng sống của người dân. Bà Gloria Steele, Phó Giám đốc khu vực châu Á của USAID, cho rằng: “Việt Nam hiện là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất nhìn từ góc độ kinh tế trong khu vực châu Á. Trong bảng xếp hạng khu vực, Việt Nam có mức gia tăng cao nhất về chỉ số năng lực cạnh tranh theo tiêu chí của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)”.
Về văn hóa, xã hội
Cùng với phát triển kinh tế, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta không ngừng quan tâm, đầu tư mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa, xã hội; tạo nhiều chuyển biến tích cực trong cải thiện đời sống tinh thần nhân dân, theo hướng ngày càng phong phú, có chất lượng tốt hơn. Xã hội hóa các hoạt động văn hóa được mở rộng. Hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa Việt Nam được thực hiện chủ động, tích cực. Chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo và dạy nghề được nâng lên. Sự nghiệp giáo dục đã có những bước phát triển vượt bậc về quy mô, đa dạng hóa về loại hình trường lớp ở mọi cấp học. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; quan tâm hơn giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hình thức dạy và học trực tuyến được triển khai mạnh mẽ, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực có sự cải thiện đáng kể, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% (năm 2010) lên khoảng 65% (năm 2020). Tuổi thọ trung bình tăng từ 72,9 (năm 2010) lên 73,7 (năm 2020); chỉ số phát triển con người (HDI) liên tục được cải thiện, xếp thứ 116/189 quốc gia, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới. Tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 40%, vượt chỉ tiêu đề ra. Xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm; đến cuối năm 2020 có khoảng 63% số xã đạt chuẩn, vượt mục tiêu đề ra (50%).
Hiện nay, cả nước có gần 1,4 triệu người có công đang được hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. Các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở được quan tâm; diện bao phủ bảo hiểm xã hội được mở rộng, tăng hơn 1,3 lần so với năm 2015, chiếm gần 33% lực lượng lao động vào năm 2020. Hệ thống y tế dự phòng và mạng lưới y tế cơ sở được củng cố; năng lực giám sát, dự báo, phát hiện và khống chế dịch bệnh được nâng lên. Ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ trong khám, chữa bệnh và quản lý y tế; triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến, từ xa, kết nối gần 30 bệnh viện tuyến trên với 1.200 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 76,5% (năm 2015) lên 90,7% (năm 2020). Tổ chức Y tế Thế giới, cộng đồng quốc tế đánh giá cao và cho rằng Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp, khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá: “Thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19 cho thấy một minh chứng điển hình về cách một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch, đem đến một bài học ý nghĩa đối với các nước đang phát triển khác”.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh được cải thiện; phòng, chống tham nhũng được quyết liệt chỉ đạo và đạt kết quả quan trọng. Tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giảm cấp trung gian, đẩy mạnh phân cấp, đề cao trách nhiệm giải trình và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Tỷ lệ tinh giản biên chế công chức, biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước lần lượt đạt 8,68% và 7,56%.
Thể thao có bước tiến bộ. Năm 2019, thể thao nước nhà đã có một năm thành công trên nhiều phương diện, từ thể thao quần chúng đến thể thao thành tích cao. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã thu hút đông đảo người dân tham gia, đến những thành tích cao ở những môn thể thao trọng điểm, như: Điền kinh, Bóng đá, Bơi lội,… đã giúp cho “bức tranh” thể thao Việt Nam với những gam màu tươi sáng. Tại SEA Games 30, Đoàn Thể thao Việt Nam đã hoàn thành và vượt xa chỉ tiêu khi đoạt tổng cộng 98 Huy chương Vàng, 85 Huy chương Bạc và 103 Huy chương Đồng, xếp thứ 2 trên Bảng Tổng sắp huy chương, chỉ sau đoàn chủ nhà Philippines, xếp trên cả đoàn Thái Lan, vượt mục tiêu đề ra là lọt Top 3 toàn đoàn và giành 65-70 Huy chương Vàng. Đáng chú ý, lần đầu tiên Việt Nam thâu tóm cả Huy chương Vàng bóng đá nam (U22 Việt Nam) và bóng đá nữ (đội tuyển nữ Việt Nam).
Về quốc phòng, an ninh
Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (đạt chỉ số an toàn cao của thế giới, xếp thứ 64/163 quốc gia năm 2020), giữ vững ổn định chính trị - xã hội, môi trường hòa bình, trở thành điểm thu hút đầu tư và du lịch hấp dẫn của thế giới.
Trong những năm qua, chúng ta luôn thực hiện đồng bộ các chiến lược, đề án về quân sự, quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thực hiện tốt chủ trương bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Việt Nam đã ký Hiệp ước, Nghị định thư về phân giới, cắm mốc biên giới với Campuchia đạt 84%. Quân đội, công an đã vào cuộc quyết liệt cùng cả nước trong phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa môi trường, cứu hộ, cứu nạn. Tham gia tích cực hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, khủng bố, phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; xử lý hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự; tình hình tội phạm, tai nạn giao thông giảm dần.
Về đối ngoại
Chúng ta đã phá vỡ thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế thông qua ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, tạo ra những động lực to lớn cho phát triển. Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá Việt Nam nằm trong số 20 nền kinh tế có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng, xã hội, văn hóa và các lĩnh vực khác ngày càng sâu sắc.
Quan hệ với các quốc gia, đối tác tiếp tục được mở rộng, đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn, nhất là đối với 16 đối tác chiến lược và 12 đối tác hợp tác toàn diện; đã ký kết và thực hiện hiệu quả 13 hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó, có các hiệp định tiêu chuẩn cao, thị trường rộng lớn là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), mới đây là Hiệp định đối tác toàn diện của ASEAN với các đối tác (RCEP). Chúng ta đảm nhiệm thành công nhiều cương vị quan trọng tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, khu vực, nhất là vai trò nước chủ nhà APEC-2017, Chủ tịch ASEAN-2020, AIPA-41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, v.v. Vì thế, Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của toàn cầu với vị trí, uy tín cao trong năm 2020; được thế giới đánh giá là “ngôi sao sáng của châu Á”.
Thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại, bảo hộ công dân; chủ động hỗ trợ, viện trợ, hợp tác quốc tế trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Hành động hỗ trợ khẩu trang, vật tư, thiết bị y tế chất lượng sản xuất tại Việt Nam cho nhiều nước để phòng, chống dịch Covid-19, được bạn bè quốc tế trân trọng, đánh giá cao, góp phần thúc đẩy dòng thương mại xuất khẩu vật tư y tế với trị giá hàng trăm triệu USD. Mới đây (21/11), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vinh dự được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Điều đó cho thấy vị thế và vai trò quan trọng của nước ta đối với thế giới.
Với những thành tựu to lớn đã đạt được (một bài viết không đề cập hết được), khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Điều đó cho thấy, trong suốt 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã lập nên nhiều kỳ tích. Thực tiễn ấy khẳng định một chân lý: Ở nước ta, không có một lực lượng chính trị nào, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
NGUYỄN PHÚ HƯNG _______________
1 - ĐCSVN – Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Phụ trương của Báo Quân đội nhân dân, ngày 20/10/2020, tr. B.
Cơ đồ,tiềm lực,vị thế và uy tín Việt Nam
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm