Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 21/10/2013, 07:35 (GMT+7)
Chỉ là ảo tưởng!

Trong mấy ngày trước, trên trang mạng xã hội xuất hiện bản “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị” của một số người tự xưng là các nhà hoạt động vì dân chủ ở Việt Nam. Sự kiện này xảy ra đúng vào thời điểm Quốc hội đang chuẩn bị thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nên người ta không thể không nghi ngờ nguyên do về sự ra đời của nó. Bởi,  trong bản Tuyên bố đó, họ đã công khai đòi “chuyển hóa một cách ôn hòa” thể chế chính trị ở nước ta. Thật là ảo tưởng!

 

Theo những người khởi xướng “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị”, thì đây là bước khởi đầu đánh dấu sự ra đời của cái gọi là “Diễn đàn xã hội dân sự”. Được sự cổ súy bởi một số người “cùng hội, cùng thuyền”, những người khởi xướng ra diễn đàn này hy vọng sẽ thu hút sự chú ý của công luận, tạo áp lực với Đảng, Nhà nước Việt Nam để đòi “đa nguyên, đa đảng”; thực hiện mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, đưa Việt Nam đi theo thể chế chính trị kiểu phương Tây. Mượn “Diễn đàn xã hội dân sự”, họ đòi “Quốc hội phải dừng việc thông qua bản Hiến pháp sửa đổi trong đó thể chế chính trị hiện hành vẫn được duy trì”. Thực chất của việc làm này vẫn là nhằm xóa bỏ Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; xây dựng bản Hiến pháp mới theo ý đồ của họ. Tiếp đến là thành lập đảng đối lập làm đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam; thực hiện các bước “chuyển hóa” thể chế chính trị ở Việt Nam theo kịch bản đã dàn dựng trước. Như vậy, mục tiêu của “Diễn đàn xã hội dân sự” đã rõ ràng; động cơ chính trị của họ không thay đổi. Nhưng trong “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị”, họ tự cho hành động của mình là đúng với “nhiều tiếng nói đòi dân chủ và thực thi các quyền tự do đã được quy định trong Hiến pháp”. Thoạt đầu, đọc bản Tuyên bố đó, những người nhẹ dạ, cả tin có thể lầm rằng việc làm của họ là vì dân, vì nước. Nhưng nghiên cứu kỹ mới thấy, đây vẫn là những luận điệu cũ rích, nhằm tập hợp lực lượng, kích động, xuyên tạc tình hình thực tế ở Việt Nam của những người thiếu thiện chí, bất mãn, ảo tưởng về một sự thay đổi trong xã hội theo động cơ cá nhân của họ.        

Với việc ra “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị”, họ làm ra vẻ ở Việt Nam các quyền dân sự và chính trị theo công ước quốc tế không được thực thi; nên họ phải có “tiếng nói đòi dân chủ và thực hiện các quyền tự do đã được quy định trong Hiến pháp”. Thật nực cười khi chính những con người đang cố tình đi ngược lại nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của nhân dân lại lớn tiếng hô hào đòi “thực thi quyền dân sự và chính trị”! Chúng ta đều biết, “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, năm 1948” của Liên hợp quốc đã coi quyền về dân sự, chính trị là những giá trị của tất cả mọi người cần phải được tôn trọng; bảo đảm cho họ có quyền: sống, tự do và an ninh cá nhân, không bị bắt làm nô lệ, được đối xử nhân đạo, tự do đi lại và cư trú, có quốc tịch, kết hôn và xây dựng gia đình, sở hữu tài sản riêng…; có quyền tham gia quản lý đất nước, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, lập hội và hội họp hòa bình… Điều đó đã trở thành mục tiêu, lý tưởng chung mà các quốc gia dân tộc cần đạt tới. Ở Việt Nam, ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”[1]. Từ lý tưởng cao đẹp đó, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng xây dựng, củng cố và hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN để bảo vệ quyền dân sự và chính trị của người dân, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ nền văn hóa Việt Nam; trên thực tế, đã tham gia ký kết và thực hiện nghiêm túc nhiều công ước quốc tế về quyền con người, phù hợp với điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Con người là trung tâm, động lực và mục tiêu của sự phát triển xã hội chính là bản chất của chế độ XHCN, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị. Bằng chứng sinh động về thực thi quyền dân sự, chính trị ở Việt Nam là việc xây dựng đường lối, chủ trương lãnh đạo đất nước, những vấn đề liên quan đến pháp luật, như: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, dự thảo các đạo luật…, Đảng và Nhà nước ta đều đưa ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Đối với những vấn đề còn chưa thống nhất, đều được các cơ quan chức năng nghiên cứu, trao đổi, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Việc làm đó đã thể hiện Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền công dân, để nhân dân tích cực tham gia vào mọi hoạt động của đời sống xã hội, khẳng định tài năng, trí tuệ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Là dân tộc đã trải qua nhiều chục năm chiến tranh tàn khốc, người Việt Nam thấu hiểu và khát vọng về một nền tự do, độc lập. Phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn coi việc bảo đảm quyền về dân sự, chính trị của người dân là mục tiêu xuyên suốt. Bởi vậy, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng các quyền công dân vẫn được bảo đảm. Mức sống của người dân không ngừng nâng lên; an sinh xã hội được tăng cường. Quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện nghiêm túc. Mục tiêu “xóa đói giảm nghèo” được triển khai tích cực và đạt kết quả đáng khích lệ. Hoạt động của các tôn giáo ngày càng phong phú, cơ bản theo đường hướng “tốt đời, đẹp đạo”. Các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận luôn được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, góp phần định hướng tư tưởng, phòng, chống, ngăn ngừa những mặt tiêu cực của đời sống xã hội… Bằng việc thông qua và triển khai Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 – 2020, Việt Nam đã đặt trọng tâm vào phát huy nguồn lực cho các mục tiêu giảm nghèo bền vững để người dân tiếp cận và thụ hưởng công bằng các dịch vụ và phúc lợi xã hội; ưu tiên cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, người dân nông thôn, công nhân làm việc tại khu công nghiệp và sinh viên; tăng cường nhận thức của cộng đồng, trợ giúp pháp lý, năng lực của cơ quan thực thi pháp luật về quyền con người. Điều đó đã khẳng định sự nhất quán giữa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng với những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của chính quyền, đoàn thể các cấp, nhằm bảo đảm cho mỗi người dân Việt Nam đều nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình đối với đất nước; củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ. Đó cũng là bằng chứng mạnh mẽ bác bỏ những luận điệu của những người cố tình xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với việc thực thi quyền dân sự, chính trị ở Việt Nam.

 Lấy cớ Nhà nước Việt Nam “vi phạm nhân quyền” để can thiệp, lật đổ là con bài cố hữu của các thế lực thù địch. Việc ra “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị” của một số người vừa qua với những lời lẽ, ngôn từ, quy chụp chế độ ta là “toàn trị”, “độc quyền, độc đoán, mất dân chủ”, để “đòi thay đổi thể chế chính trị trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”… chẳng qua cũng chỉ cùng một giọng điệu. Trắng trợn hơn, họ còn coi đây là “giải pháp cơ bản để chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa”(?) Theo họ, việc làm này là “hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp của nước ta và công ước quốc tế”. Phải chăng là như vậy? Điều 69, Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin, quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Đó là điều hiển nhiên, đang được thực hiện ở Việt Nam, phù hợp với các điều luật quốc tế mà Việt Nam tham gia. Nhưng cũng phải hiểu rằng, mỗi nội dung nêu ra trong Hiến pháp đều đã được cụ thể hóa bằng các bộ luật, bảo đảm cho Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật một cách đồng bộ, thống nhất và mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Mọi hành động, kể cả việc “tự do ngôn luận”, “lập hội”, “biểu tình”… đều phải theo quy định của pháp luật, trên cơ sở pháp luật, để bảo đảm đất nước luôn có trật tự, an ninh và ổn định để phát triển. Sự thật hiển nhiên như vậy, nhưng vẫn có những người giả bộ như không hiểu, không biết và thực hiện những hành vi bất chấp pháp luật và ý nguyện của nhân dân. Thử hỏi, trong Hiến pháp của Việt Nam có điều nào cho phép ai đó được “ra tuyên bố’, “lập diễn đàn” để kích động, lôi kéo nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, chuyển hóa thể chế chính trị hiện hành? Họ nói am hiểu về luật, làm theo luật, nhưng chính hành động của họ là sự vi hiến nghiêm trọng. Việc làm đó đã làm tổn thương đến danh dự của một dân tộc luôn khát vọng hòa bình, chịu nhiều đau thương dưới ách xâm lược của thực dân, đế quốc; làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; làm tổn hại đến quan hệ máu thịt Đảng với dân, dân với Đảng. Đây là biểu hiện rõ nét nhất của sự vi phạm vào Điều 79, Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, quy định về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Bởi vậy, lợi dụng “Diễn đàn xã hội dân sự” để chống lại việc thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đòi thay đổi thể chế chính trị hiện hành là việc làm cần phải lên án mạnh mẽ.

Trong quá trình lãnh đạo thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn trân trọng sự đóng góp, hiến kế của nhân dân, bảo đảm cho mọi đường lối, chủ trương, chính sách được đúng đắn và khẳng định trong thực tiễn. Mặt khác, cũng thẳng thừng bác bỏ những ý đồ không trong sáng, lợi dụng quyền tự do, dân chủ để hoạt động chống phá, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Mưu toan về sự “chuyển đổi dân chủ” của những người xây dựng nên cái gọi là “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị” chỉ là ảo tưởng./.

 

TRÁNG A LÂM

__________

[1] - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 64.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.