Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:14 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Đã trở thành thông lệ, cứ mỗi dịp diễn ra sự kiện chính trị lớn của đất nước thì các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc, chống phá. Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp Nhiệm kỳ 2016 - 2021 lần này không phải là ngoại lệ. Chúng ta cần cảnh giác và chủ động đấu tranh làm thất bại mưu đồ đen tối đó.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp Nhiệm kỳ 2016 - 2021 là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc thành công tốt đẹp. Thực hiện thành công cuộc bầu cử sẽ thiết thực góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Nhân dân cả nước ta, từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn đang tràn đầy niềm phấn khởi, háo hức chờ ngày hội lớn để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, trách nhiệm chính trị đối với sự kiện trọng đại của Quốc gia, dân tộc. Thế nhưng, đi ngược lại với tinh thần đó, các thế lực thù địch và phần tử chính trị lại tỏ rõ thái độ hằn học, chống đối và xem đây là “cơ hội” để chống phá. Họ tung lên các trang mạng đủ loại thông tin xuyên tạc bản chất tốt đẹp của chế độ ta, Đảng ta. Họ phát tán nhiều tài liệu kích động phản đối Quy chế bầu cử Quốc hội và cho đó chỉ là “hình thức”. Thậm chí có kẻ đã tiếp tục xuyên tạc: Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, việc đề cử chỉ là “độc quyền của Đảng” và các tổ chức bầu cử là cánh tay “nối dài” của họ; rằng: “Việt Nam không có dân cử, dân bầu, chỉ có Đảng cử, Đảng bầu”; rằng ngoài “vài” người được Đảng lựa chọn “ngầm”, hầu hết những người tự ứng cử bị loại bỏ một cách “không thương tiếc”. Không những thế, họ còn tán phát nhiều tài liệu như: “Tuyên bố số 9 về quyền tự ứng cử Đại biểu Quốc hội của công dân”, “Tự ứng cử trong chế độ toàn trị”, v.v. hòng kích động, cổ súy cho quyền tự ứng cử của một số phần tử cơ hội, bất mãn, tạo ra lực lượng đối trọng trong Quốc hội. Đồng thời, kêu gọi các nhà “dân chủ” mạng hãy “tự ứng cử” vào Quốc hội, “hãy tập hợp thành từng nhóm để giám sát quá trình bầu cử” và hô hào “ký tên” ảo tung hô, ủng hộ cho người này, người kia, v,v.
Chúng ta không lạ lẫm gì cái trò “phá rối”, “chọc gậy bánh xe” của những kẻ tự cho mình là người có “trách nhiệm” với dân, với nước. Việc họ hô hào, ủng hộ ai đó “tự ứng cử” không nhằm tham gia cuộc bầu cử với ý thức trách nhiệm của một công dân, đem đức độ, tài năng phục vụ cho sự phát triển của đất nước, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, mà chỉ với mục tiêu duy nhất là gây rối, kích động người dân “tẩy chay”, phá hoại cuộc bầu cử mà thôi. Theo họ, việc tự ứng cử là nhằm “Thực thi quyền ứng cử của mình, để phá bỏ “các thủ tục”, “mưu mẹo phi dân chủ” được thiết kế trong các khâu của quy định hiện hành như hội nghị cử tri…”. Thực tế cho thấy, tất cả những điều họ tung trên mạng không có gì khác, chỉ nhằm xuyên tạc, bôi nhọ chế độ ta nói chung, Hiến pháp, pháp luật, Quy chế bầu cử của Nhà nước ta nói riêng. Và mục tiêu cụ thể của họ là làm nhiễu loạn cuộc bầu cử sắp tới, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Thật nực cười cho những kẻ tự hợm mình là thông thái, hiểu biết về pháp luật lại đưa ra những phát ngôn trái với quy định của luật bầu cử và Hiến pháp đã ban hành. Họ thừa hiểu rằng, quyền tự do ứng cử đại biểu Quốc hội đã được quy định rõ ràng trong Hiến pháp, pháp luật và luôn được tôn trọng ở nước ta. Việc ứng cử, đề cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân các cấp được thực hiện một cách chặt chẽ theo Quy chế bầu cử, tiêu chí về phẩm chất, năng lực cán bộ của Đảng, yêu cầu hoạt động của Quốc hội và được tiến hành từ cơ sở thông qua các hội nghị cử tri, hội nghị hiệp thương chứ không một ai có thể tự tiện ứng cử vào cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân như họ từng rêu rao. Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và tự ứng cử được thực hiện theo một quy trình thống nhất, trong đó phải bảo đảm việc tổ chức hiệp thương giữa các tổ chức chính trị - xã hội giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp theo đúng quy định của pháp luật. Đây là một nét ưu việt của chế độ dân chủ trong bầu cử và là thước đo trình độ dân chủ của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bởi, chỉ các tổ chức chính trị - xã hội mới có thể nhìn nhận bao quát được các nhóm xã hội theo các tiêu chí đã xác định, quy tụ sức mạnh của các thành viên, phát huy cao nhất quyền làm chủ của người dân; đồng thời, trao đổi để đi đến một cơ cấu đại biểu hợp lý đảm bảo cho các thành phần xã hội đều có đại diện trong Quốc hội mới. Còn những trường hợp tự ứng cử không có trong danh sách bầu cử là do họ không đủ các tiêu chí quy định sau khi đã thực hiện đầy đủ các bước thẩm định, hiệp thương theo Quy chế bầu cử chứ không hề có biểu hiện “mất dân chủ”, “Đảng cử, Đảng bầu” như một số người từng rêu rao.
Thực tiễn qua các kỳ bầu cử Quốc hội ở nước ta đã chứng minh quyền ứng cử, tự ứng cử luôn được bảo đảm, tôn trọng. Theo ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII (năm 2011), có tới 82 người tự ứng cử ở 22 tỉnh, thành phố được lập danh sách ở vòng 2 và đã có 15 người vào danh sách bầu cử Đại biểu Quốc hội. Trước đó, tại kỳ bầu cử Quốc hội khóa XII (năm 2007), có 30 người ứng cử vào đến vòng cuối cùng. Còn tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV lần này, dự kiến số người tự ứng cử sẽ tăng hơn so với các nhiệm kỳ trước, v.v. Thực tế này là minh chứng sinh động, thuyết phục nhất để bác bỏ hoàn toàn ý kiến trên các trang mạng xã hội và báo nước ngoài cho rằng, cuộc bầu cử Quốc hội ở Việt Nam chỉ là sân chơi “độc diễn” của Đảng, không có cửa cho các ứng cử viên tự do.
Trải qua hơn 70 năm kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ngừng phát triển, tự hoàn thiện, đồng hành cùng dân tộc, thực sự là nơi xây nên nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo cho quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, đưa dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ lầm than lên địa vị chủ nhân của đất nước đang vững bước trên con đường xây dựng theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thông qua thực hiện chức năng của Quốc hội, quyền làm chủ của người dân luôn được đảm bảo và phát huy theo tinh thần quyền lực Nhà nước phải thuộc về nhân dân, địa vị chủ thể của dân với tư cách là chủ thể gốc của mọi quyền lực; những biểu hiện vi phạm quyền làm chủ của người dân đều được phát hiện và xử lý nghiêm. Hiến pháp 2013 đã tiếp tục khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân,… Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”. Với tinh thần đó, qua mỗi cuộc bầu cử Quốc hội thực sự là dịp để người dân thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu; những vấn đề chưa phù hợp trong quy chế, quy định bầu cử tiếp tục được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý đảm bảo cho quyền lực của người dân được thực hiện tốt hơn trên thực tế.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp Nhiệm kỳ 2016 - 2021 lần này cũng vậy - đặt lên hàng đầu vấn đề quyền lực và quyền lợi của nhân dân. Điều đó, phải được thể hiện trong từng khâu, từng bước của quy trình bầu cử, vì thế càng đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, đúng pháp luật. Với trách nhiệm là người lãnh đạo Nhà nước và xã hội, cũng như từ bản chất, truyền thống của mình, Đảng ta ý thức rất rõ điều đó nên đã sớm ban hành Chỉ thị 51-CT/TW về lãnh đạo bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trong đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử theo tinh thần dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân; việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân phải bảo đảm theo đúng quy trình, quy định của pháp luật và Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền. Những người đó phải đủ tiêu chuẩn, thực sự tiêu biểu, có quan điểm lập trường chính trị vững vàng; không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ. Đồng thời, chú ý đến cơ cấu hợp lý.về số đại biểu là người đang công tác ở cơ quan đảng, nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính; tăng số lượng đại biểu chuyên trách; bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là nữ, người dân tộc thiểu số, người ngoài Đảng theo đúng quy định của Luật Bầu cử; có tỷ lệ hợp lý đại biểu các tôn giáo, đại biểu tái cử, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sỹ, đại biểu xuất thân từ công nhân, nông dân, doanh nhân, đại diện các hiệp hội, nghiệp đoàn về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo tốt việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử; bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật.
Công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân; về vị trí, vai trò của Quốc hội và hội đồng nhân dân trong bộ máy nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả cũng phải hết sức chú trọng. Việc xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử được quan tâm thực hiện, v.v.
Như vậy, cả trong Chỉ thị của Đảng, trong tổ chức Hội nghị hiệp thương, trong các khâu, các bước của quy trình bầu cử đều có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, diễn ra hết sức dân chủ, bình đẳng, đúng trình tự pháp luật nhằm phát huy cao nhất quyền làm chủ của người dân, nâng cao chất lượng đại biểu, chứ không có chuyện như những người “bất đồng chính kiến”, những nhà “dân chủ mạng” phát tán, rêu rao. Mưu đồ của họ chỉ có thể đánh lừa được những người nhẹ dạ cả tin, chứ không thể lay chuyển được quảng đại người dân Việt Nam với niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước.
Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp Nhiệm kỳ 2016 - 2021 thành công, các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp chắc chắn sẽ có không ít việc phải làm. Trong đó, cảnh giác và chủ động đấu tranh làm thất bại những thủ đoạn gây rối, xuyên tạc, bôi nhọ, hòng phá hoại cuộc Bầu cử của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị là rất cần thiết, quan trọng.
TRÁNG A LÂM
Mưu đồ,chống phá bầu cử
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm