Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:13 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Hôm nay, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII được khai mạc. Một vấn đề hệ trọng của đất nước là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được thông qua tại Kỳ họp này, đáp ứng đòi hỏi đổi mới đất nước theo nguyện vọng toàn dân. Vậy mà gần đây, xuất hiện những lời kêu gọi, những bản tuyên bố, kiến nghị của một vài nhóm người kiến nghị Quốc hội tạm dừng thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
“Tát nước theo mưa”
Một ví dụ điển hình của trào lưu “tát nước theo mưa” là Tuyên bố xã hội dân sự ra đời ngày 23-9-2013, có nội dung cốt lõi liên quan đến sửa đổi Hiến pháp. Tại tuyên bố xã hội dân sự, họ đòi hỏi Đảng ta phải cải cách thể chế chính trị, chuyển từ chế độ "toàn trị" sang "dân chủ", mở đầu bằng việc sửa đổi Hiến pháp. Họ kiến nghị Quốc hội dừng thông qua bản Hiến pháp sửa đổi, kéo dài thời gian thảo luận về Hiến pháp để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm tinh thần từ những bản Dự thảo khác do chính các "nhà dân chủ, cấp tiến” biên soạn.
Trước hết, cần khẳng định ngay rằng, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thực sự là một đợt sinh hoạt chính trị lớn, mọi công dân đều có quyền góp ý và mọi sự góp ý, kể cả góp ý có nội dung trái ngược với các bản Dự thảo do Quốc hội công bố, trái ngược với ý kiến của đông đảo nhân dân vẫn được ghi nhận và đó là điều hoàn toàn bình thường trong sinh hoạt chính trị.
Tuy nhiên, chúng ta phê phán hiện tượng lợi dụng việc góp ý sửa đổi Hiến pháp để “cài đặt” những mưu đồ chính trị đen tối, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Không nên kìm hãm sự phát triển
Từ thực tế kết quả chuẩn bị cho việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được Quốc hội, Chính phủ và toàn Đảng, toàn dân ta chuẩn bị kỹ lưỡng suốt mấy năm qua, đến nay, công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Phát biểu tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trước ngày khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhiều lần khẳng định: Hiến pháp là vấn đề rất hệ trọng liên quan đến thể chế, bộ máy Nhà nước, liên quan đến cuộc sống của mỗi người dân. Trước đòi hỏi đổi mới, phát triển đất nước, tháo gỡ những “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách, nếu chậm trễ thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thì chính việc này sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Xét ở khía cạnh thời gian, không phải cứ kéo dài thời gian góp ý mới có bản dự thảo tốt. Nhìn lại lịch sử lập pháp, ngay cả bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo xây dựng thì quá trình soạn thảo và lấy ý kiến cũng diễn ra trong một thời gian rất ngắn. Do điều kiện vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Ban soạn thảo chỉ có 07 người, soạn thảo trong hai tháng và được lấy ý kiến toàn dân trong 02 tháng trước khi trình Quốc hội thông qua, song bản Hiến pháp vẫn bảo đảm chất lượng. Nhìn về việc xây dựng Hiến pháp hiện nay, có lẽ chỉ thực sự cần thiết tạm dừng thông qua, kéo dài thời gian góp ý khi còn có nhiều ý kiến vướng mắc. Tuy nhiên, việc tạm dừng thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là không cần thiết, bởi công tác chuẩn bị đã rất chu đáo, chín muồi.
Hoàn tất chuẩn bị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Trong quá trình chuẩn bị, Quốc hội, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tổ chức việc lấy ý kiến góp ý, vừa rộng rãi, phát huy được trí tuệ toàn dân, vừa thận trọng, nghiêm túc để bản Dự thảo phải thể hiện được ý chí, nguyện vọng của số đông nhân dân. Chỉ xét riêng ở khía cạnh hoạt động kỹ thuật lập pháp, chưa có đạo luật nào được bàn thảo kỹ lưỡng tới 03 kỳ họp, nhiều phiên họp của UBTVQH, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều hội thảo liên quan đến vậy. Nhận thấy sự cần thiết phải tiếp tục tiếp thu ý kiến của toàn dân, Quốc hội cũng đã kéo dài thời gian lấy ý kiến, không dừng lại ở thời điểm ngày 31-3-2013 như phương án ban đầu. Nhiều dự án luật, trong đó có Luật Đất đai cũng đã được UBTVQH điều chỉnh thông qua sau Hiến pháp.
Nhìn từ góc độ một chuyên gia, ông Phạm Đức Bảo, chuyên gia nghiên cứu giảng dạy Luật Hiến pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội nhận xét: Rõ ràng bản Hiến pháp sửa đổi tới nay đã khác xa Hiến pháp năm 1992 hiện hành, có thể gọi là Hiến pháp năm 2013 cho gọn, rõ hơn.
Tại Hội nghị Trung ương 8 của Đảng vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau và góp ý cụ thể vào từng chương, điều và toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trung ương cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã được hoàn chỉnh cả về nội dung lẫn kỹ thuật văn bản, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Nội dung Dự thảo phản ánh được ý chí và nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và toàn dân tộc; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ; quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức bộ máy nhà nước.
Tại cuộc họp báo thông tin về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII tổ chức ở Hà Nội chiều 17-10 vừa qua, trả lời câu hỏi của nhiều nhà báo, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Đến nay, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được tiếp thu, hoàn thiện, đi tới sự thống nhất cao, chỉ còn 02 vấn đề còn ý kiến khác nhau là vấn đề chính quyền địa phương và Hội đồng Hiến pháp. Tuy nhiên, hai vấn đề này đều được UBTVQH thống nhất đưa ra hai phương án trong nội dung Dự thảo.
Mặt khác, cũng không thể viện dẫn các nội dung về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chế độ sở hữu, đất đai là “tử huyệt” của xã hội; từ đó, đòi hỏi phải thay thế bằng các bản dự thảo Hiến pháp có nội dung khác với bản Dự thảo được Quốc hội đưa ra lấy ý kiến của toàn dân. Tính hợp lý, khoa học của việc hiến định những vấn đề về thể chế, về bộ máy Nhà nước đã được Báo Quân đội nhân dân cũng như các nhà khoa học nhiều lần đề cập, phân tích, không thể “muốn thay thế cái này bằng cái kia” thì phiến diện quy chụp cho sự vật, hiện tượng đó là xấu xa, lỗi thời một cách vô căn cứ.
Thiểu số phục tùng đa số
Nguyên tắc lập pháp cũng như nguyên tắc tổ chức xã hội phải dựa trên quan điểm “thiểu số phục tùng đa số”. Trong góp ý sửa đổi Hiến pháp, việc đưa ra các bản dự thảo khác nhau, nêu ra các quan điểm khác nhau là điều bình thường và được tôn trọng. Ngay cả bản dự thảo của nhóm 72 nhân sĩ, trí thức cũng đã được Ủy ban soạn thảo tiếp nhận, ghi nhận sự đóng góp và các hạt nhân hợp lý. Nhưng như thế không có nghĩa áp đặt, bắt buộc cơ quan lập pháp phải đưa quan điểm, nguyện vọng của số ít, của một nhóm người thay cho ý chí, nguyện vọng của hàng chục triệu người. Chính Giáo sư Ngô Bảo Châu khi mở diễn đàn “Cùng viết Hiến pháp” trên blog cá nhân của mình cũng đã đưa ra quan điểm rất đúng về thái độ đối với các bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Giáo sư Ngô Bảo Châu viết: “…Có người đồng ý với bản Dự thảo Hiến pháp do 72 nhân sĩ, trí thức đăng, có người không. Cá nhân tôi không đồng ý với việc bắt buộc mọi người phải phát biểu ý kiến của mình về bản Dự thảo Hiến pháp của 72 nhân sĩ, rồi mới có quyền phát biểu về Hiến pháp”. Ở đây, đã có sự nhầm lẫn khi nhiều người viện dẫn quan điểm phương Tây, coi Hiến pháp là một "Khế ước xã hội do người dân lập nên” mà quên rằng, Hiến pháp là văn bản pháp luật cao nhất của mỗi quốc gia, phải được tổ chức chặt chẽ chứ không thể đơn giản như một “khế ước”.
Xét cho cùng, trong xây dựng Hiến pháp, lựa chọn thuộc về nhân dân, về tâm trạng quần chúng trong từng giai đoạn lịch sử. Với bản Hiến pháp cần có hiện nay, nó không chỉ là bản tổng kết thành quả cách mạng mà còn đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho cách mạng cho chặng đường tiếp theo của đất nước, thể hiện rõ tính cương lĩnh của “đạo luật số 1 quốc gia”. Mà với đất nước ta hiện nay, con đường được lựa chọn vẫn là con đường đi lên CNXH đã được Đảng, Bác Hồ và toàn dân ta đã lựa chọn, không có con đường nào khác.
Xây dựng Hiến pháp, xét cho cùng cũng là để tiếp tục xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền văn hiến ngàn năm của nước ta, bảo vệ nền độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ và vạch rõ hơn con đường đưa đất nước phát triển bền vững, hùng cường, đi lên CNXH. Cho nên, hơn lúc nào hết rất cần các nhà lập pháp và toàn dân luôn giữ tư duy biện chứng, phát triển, tiếp thu những hạt nhân hợp lý và bảo vệ những giá trị cốt lõi.
NGUYỄN VĂN MINH
Nguồn: qdnd.vn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm