Thứ Bảy, 23/11/2024, 14:28 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Vào ngày 04-6 vừa qua, một lần nữa tại Hạ viện Hoa Kỳ lại diễn ra cuộc điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam do Nghị sĩ Chris Smith-nghị sĩ Đảng Cộng hòa tiểu bang Niu Giơ-xi bảo trợ. Trong lời dẫn, Chris Smith không chỉ lên án Chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền mà còn chỉ trích Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ “đã để cho những toan tính chính trị lấn át thực tế và sự bạo tàn trong vấn đề đàn áp tôn giáo của Chính phủ Việt Nam”.
Ông Chris Smith cho biết đã đề xuất “Dự luật nhân quyền Việt Nam với tên là H.R. 1897”. Dự luật này đang chờ Ủy ban Đối ngoại Hạ viện xem xét.
Trước đó, ngày 11-4, cũng tại “Cuộc điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam” do Dân biểu Chris Smith khởi xướng, bảo trợ, Võ Văn Ái, Chủ tịch cái gọi là “Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam”, còn đề nghị Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC (Quốc gia cần quan tâm đặc biệt) và “ không hậu thuẫn” cho Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
Vậy sự thật về những vụ việc mà người ta cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền như thế nào? Chỉ xin nêu một số vụ:
Liên quan đến những người vi phạm pháp luật ở Nghệ An đã bị tòa án xét xử, kết tội. Họ bị xử không phải vì theo tôn giáo này hay tôn giáo khác, mà vì phạm tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Theo Điều 79, Bộ luật Hình sự, 1999). Các bị cáo đã thừa nhận được tổ chức phản động “Việt Nam Canh tân cách mạng đảng” (Việt Tân) móc nối ra nước ngoài để huấn luyện và lên kế hoạch hành động nhằm lật đổ chính quyền. Việt Tân đã kết nạp, đặt bí danh, giao nhiệm vụ, tiền bạc và phương tiện cho họ để về nước hoạt động. Trước tòa, các bị cáo đã thừa nhận những hoạt động chống phá nhà nước của họ bằng phương thức “bất bạo động”.
Còn vụ “đàn áp đạo Hà Mòn” thì sao? Sự thật cái gọi là đạo Hà Mòn mà ông John Sifton (HRW) lấy làm chứng cứ trong cuộc điều trần ngày 04-6 vừa qua chỉ là một trò lừa đảo của những kẻ hám tiền bạc và tham vọng về quyền lực, dựa trên mê tín dị đoan của một số đồng bào vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bọn chúng dựng lên câu chuyện: Y Gyin thấy đức mẹ hiện hình ở Hà Mòn (một xã thuộc tỉnh Kon Tum). Rồi từ câu chuyện hoang đường đó, chúng lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng, hành đạo, cầu kinh… dẫn đến tình trạng trẻ em bỏ học, người lao động bỏ nương rẫy. Ngay lập tức, các đối tượng FULRO sống lưu vong ở nước ngoài do Ksor Kớk cầm đầu đã móc nối, chỉ đạo nhằm phá hoại chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước, tiến tới thành lập ra một tôn giáo riêng, một nhà nước riêng của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, “Thủ đô” là thành phố Plei-cu (Gia Lai).
Đáng tiếc là ông Chris Smith và các nghị sĩ ủng hộ Dự luật cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền đã thiếu cách nhìn nhận công bằng, khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Họ vẫn bám giữ cách nhìn kỳ thị, cổ hủ đối với một nước Việt Nam đang nỗ lực đổi mới và hội nhập quốc tế.
Là chế độ tôn trọng con người, trước khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc vào năm 1982, Việt Nam cũng đã gia nhập nhiều công ước quốc tế về quyền con người; trong đó, có 2 công ước cơ bản, là: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Có thể nói cho đến nay, cùng với việc tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, Việt Nam đã nội luật hóa những công ước đó trong hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó có những luật trực tiếp liên quan đến các công ước quốc tế về quyền con người. Đó là Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân (1989), Luật Giáo dục (1998), Luật Đất đai (2003, hiện nay đang tiếp tục sửa đổi), Luật Phòng, chống tham nhũng (2005), Luật Bảo hiểm xã hội (2006), Luật Phòng, chống HIV/AIDS (2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007), Luật Bình đẳng giới (2011)...
Hiện nay, Quốc hội Việt Nam đang tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong văn bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Quốc hội đã thông qua, công bố lấy ý kiến nhân dân) đã dành cả Chương II, quy định về: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”. Trong chương này, các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa đã được quy định đầy đủ, phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.
Là một nước đang phát triển, đang tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn cuộc sống của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào đã có nhiều hy sinh trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Như mọi người đều biết, Đảng và Chính phủ Việt Nam khi xem xét các dự án phát triển kinh tế, xã hội, không lấy lợi ích kinh tế, lợi nhuận là mục tiêu cuối cùng, mà còn tính đến sự công bằng xã hội, đến sự phát triển hài hòa các vùng miền trên cả nước. Chẳng hạn như khu lọc hóa dầu đặt ở Dung Quất (Quảng Ngãi), triển khai nhà máy điện gió (ở Cà Mau)… Nhà nước đã triển khai cách đây hàng chục năm Chương trình 134 (Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn), Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế, xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi), Nghị quyết 30a (còn gọi là Dự án 30a) của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước với ngân sách hàng trăm nghìn tỷ đồng và hàng trăm triệu USD (từ nguồn ODA). Hiện nay, Nhà nước đang triển khai Chương trình nhà ở xã hội nhằm trợ giúp cho công nhân, người thu nhập thấp vay để mua nhà. Chẳng lẽ những chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội như trên không phải là vì con người, vì quyền con người hay sao?
Còn về các quyền dân sự, chính trị, trong đó có quyền tự do ngôn luận, báo chí thì, như mọi người đều biết, nếu không có tự do báo chí, tự do in-tơ-nét thì làm sao hàng nghìn vụ án tham nhũng, lạm dụng chức vụ quyền hạn bị phanh phui, xử lý trong thời gian qua. Nếu không có quyền tự do ngôn luận, báo chí và sự cởi mở, dân chủ trong xã hội thì vì sao trong “Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII” lại có đầy đủ các quan điểm “trái chiều, khác biệt”, “nhạy cảm”, như Điều 4, quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Điều 70 quy định về Lực lượng vũ trang, Điều 1.2 về Tên nước. Những ai muốn biết rõ thông tin này, xin xem toàn văn trên website Quốc hội.
Trở lại câu chuyện về việc Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo của “đạo Hà Mòn”. Trước hết mọi người đều biết: Đảng và Nhà nước Việt Nam có Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chiến lược đó bao gồm xây dựng sức mạnh chính trị, quân sự, ngoại giao, đồng thời phát huy sức mạnh dựa trên lẽ phải, dựa trên chính nghĩa của cuộc đấu tranh; dựa trên khai thác sức mạnh của nền văn minh nhân loại ngày nay, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đảng và Nhà nước Việt Nam không cần cá nhân, tổ chức, kể cả các chính phủ dạy bảo Việt Nam phải biết yêu Tổ quốc của mình, cũng như phải bảo vệ chủ quyền biển, đảo ra sao.
Chính vì thế, câu chuyện về “đạo Hà Mòn” mà ông John Sifton dẫn ra trong buổi điều trần vừa qua thật thiếu sức thuyết phục. Người ta có quyền đặt câu hỏi về mục đích thật sự đằng sau nó. Liệu đó có phải nhằm kích động đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên chống lại Nhà nước Việt Nam hay nhằm duy trì tình trạng lạc hậu, đói khổ của đồng bào Tây Nguyên để phục vụ cho một mục đích khác?
Không có lý gì mà ngài Chris Smith và các nghị sĩ ủng hộ Dự luật nhân quyền Việt Nam (với ký hiệu “H.R. 1897”) lại không hiểu quyền dân tộc tự quyết là gì, trong việc vận dụng tính phổ quát của quyền con người sao cho phù hợp với tính đặc thù về lịch sử, văn hóa ở mỗi quốc gia, dân tộc? Câu trả lời chỉ có thể nằm trong hai phương án sau:
1. Hoặc các ngài thiếu thông tin đúng đắn, đáng tin cậy vì quá tin vào các cá nhân, tổ chức hành nghề chống Cộng;
2. Hoặc các ngài vẫn giữ cách nhìn kỳ thị, phân biệt đối xử đối với Việt Nam, đồng thời vẫn bám giữ cách nhìn cổ hủ dựa trên khác biệt về hệ tư tưởng trong thời kỳ "Chiến tranh lạnh" đối với nền chính trị do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cầm quyền. Thiết nghĩ, việc cường điệu những thiếu sót, bất cập nào đó về quyền con người ở Việt Nam không chỉ làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân Việt Nam, mà còn làm tổn hại đến lợi ích của cả nhân dân Mỹ và uy tín của chính các vị.
LINH SƠN – ĐỨC HỢP
Nguồn: qdnd.vn
nhân quyền
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm