Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 02/12/2013, 10:13 (GMT+7)
Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”
Cần cái nhìn khách quan về bản Hiến pháp (sửa đổi)
Các đại biểu đồng tình biểu quyết thông qua
bản Dự thảo Hiến pháp. Nguồn: TTXVN

Ngày 02-12, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng, thay mặt gần 500 đại biểu QH và 90 triệu người dân Việt Nam sẽ chính thức ký chứng thực Hiến pháp mới của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Trước đó, ngày 28-11, tuyệt đại đa số đại biểu QH khóa XIII (97,59%) đã ấn nút biểu quyết thông qua bản Hiến pháp này. Bản Hiến pháp sửa đổi được đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đánh giá có nhiều nội dung mới, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Thế nhưng, vẫn còn có một số ít người phát biểu trên mạng in-tơ-nét và một số cơ quan thông tin đại chúng ở nước ngoài cho rằng, “Bản Hiến pháp mới không có gì mới”; “Quá trình lấy ý kiến nhân dân và biểu quyết thông qua ở QH chỉ là hình thức” v.v.. 

Có lẽ, ai cũng biết rằng, Hiến pháp là đạo luật gốc của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất, thể hiện bản chất của Nhà nước và chế độ. Chính vì vậy, không thể mang Hiến pháp của quốc gia này làm “khuôn mẫu” cho một quốc gia khác. Quy trình lập hiến cũng vậy. Ở nước ta, cho đến thời điểm này, chúng ta đã có 05 bản Hiến pháp. Hiến pháp đầu tiên ra đời năm 1946, sau đó là các Hiến pháp 1959, 1980, 1992. Mỗi bản Hiến pháp đều có vai trò, sứ mệnh lịch sử và quy trình lập hiến riêng của nó. Bản Hiến pháp mới được thông qua đã thể hiện được quy trình lập hiến chặt chẽ, được sự đóng góp sâu rộng của các tầng lớp nhân dân. Từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XIII đến nay, thực hiện chủ trương của Đảng, QH, Chính phủ, các cơ quan của QH, các đại biểu QH và các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị đã xác định sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết cho công việc này. Việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) với hơn 26 triệu lượt ý kiến đóng góp trở thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong nhân dân, bảo đảm tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, được tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú, thích hợp để mọi người dân có điều kiện tham gia. Thực hiện quyền năng mà nhân dân trao cho, các vị đại biểu đã nỗ lực làm việc hết sức mình, tập trung nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng trong suốt quá trình chuẩn bị và thông qua Hiến pháp.

Theo đánh giá của đông đảo các vị đại biểu QH và cử tri, Ủy ban DTSĐHP đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của nhân dân, ý kiến của các vị đại biểu QH với tinh thần chân thành ghi nhận các ý kiến đóng góp; nghiên cứu chắt lọc mọi ý kiến để hoàn thiện Dự thảo. Hiến pháp (sửa đổi) được QH vừa thông qua gồm Lời nói đầu, 11 chương, 120 điều, có rất nhiều điểm mới. So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp mới giảm 27 điều, chỉ giữ nguyên 7 điều, bổ sung 12 điều mới và sửa đổi đến 101 điều. Trong đó có sự sắp xếp các chương, như về Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca, Thủ đô nhập toàn bộ vào Chương 1. Về quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân được đưa lên vị trí Chương 2 với tên gọi mới là quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó có bổ sung thêm nhiều  nội dung về quyền con người phù hợp với công ước của Liên hợp quốc về quyền con người. Hiến pháp mới có một chương hoàn toàn mới là Chương 10, quy định về các thiết chế hiến định độc lập. So với bản Dự thảo trình QH tại kỳ họp thứ 5, bản Hiến pháp được QH thông qua tại kỳ họp thứ 6 giảm 4 điều.

Ngay từ “Lời nói đầu” đã được sửa đổi theo hướng khái quát, cô đọng, súc tích và ngắn gọn chỉ bằng 1/3 so với “Lời nói đầu” của Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp bổ sung nhiều nội dung, làm nổi bật vai trò của nhân dân, là chủ thể cao nhất, duy nhất của quyền lực nhà nước. Các nội dung về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường được thể hiện theo hướng ngắn gọn rõ ràng và mang tính nguyên tắc, bảo đảm tính ổn định lâu dài của Hiến pháp… Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân; khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng ta, đồng thời thể hiện niềm tin, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân với Đảng, yêu cầu mọi tổ chức đảng và từng đảng viên phải luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình và luôn hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. 

Hiến pháp đề cao quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước, thực hiện các quyền về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... 

Hiến pháp khẳng định các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định các nguyên tắc cơ bản để hoàn thiện, đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước; bảo đảm sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước; giao cho QH, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cấp chính quyền địa phương đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm trong việc quản lý đất nước… 

So với bản Dự thảo được công bố lần đầu, Hiến pháp được thông qua đã chỉnh sửa nhiều nội dung trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhân dân và các vị đại biểu QH. Tại cuộc họp QH vừa qua, 498 đại biểu được cử tri cả nước ủy quyền, đại diện cho ý nguyện của nhân dân đã dành tâm huyết, trí tuệ và thời gian thảo luận ở tổ, ở hội trường; đã trăn trở, tranh luận, phân tích, bàn thảo một cách kỹ lưỡng, thận trọng, khoa học; đã góp ý, tham gia từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy của bản DTSĐHP. Nhiều đại biểu còn giữ nguyên từ bản Dự thảo đầu tiên cho đến bản Dự thảo sửa đổi cuối cùng để đối chiếu, so sánh về sự tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban DTSĐHP. Trao đổi với các nhà báo theo dõi kỳ họp QH, đại đa số các đại biểu đều phấn khởi vì ý kiến của mình được tiếp thu. Đó chính là lý do chủ yếu nhất để các đại biểu đồng tình biểu quyết thông qua bản Dự thảo Hiến pháp. 

Hiến pháp sửa đổi lần này đã kế thừa các Hiến pháp trước, thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của đồng bào và chiến sĩ cả nước, thực sự là Hiến pháp của dân, do dân và vì dân.

Để Hiến pháp (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống, QH đã ban hành Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp với 100% đại biểu QH có mặt tán thành. Nghị quyết quy định Hiệu lực của Hiến pháp sửa đổi từ 01-01-2014; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước; giao trách nhiệm cho QH, Chính phủ, các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị tổ chức thi hành Hiến pháp, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Hiến pháp để cùng toàn dân bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trên mọi lĩnh vực trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.

Như vậy sau 21 năm từ Hiến pháp năm 1992, đất nước ta có Hiến pháp mới, Hiến pháp của thời kỳ hội nhập, thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước. Một bản Hiến pháp của “ý Đảng, lòng dân” như lời nhận xét của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. Giáo sư Carlyle A.Thayer, giảng viên Học viện Quốc phòng Ô-xtrây-li-a, một chuyên gia nghiên cứu nổi tiếng thế giới đánh giá: Có nhiều điểm tích cực trong DTSĐHP năm 1992 của Việt Nam. Điển hình là việc Việt Nam thể hiện trách nhiệm đối với hòa bình quốc tế khi quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình phi quân sự của Liên hợp quốc. Trong khi đó, Hiến pháp cũng đề cập tới những vấn đề “nóng” trong xã hội, như: sở hữu đất đai, bảo vệ môi trường… Đời sống tinh thần của người dân cũng được quan tâm hơn nữa với các quy định về quyền hưởng thụ giá trị văn hóa, quyền sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp… 

Quy trình lập hiến, quá trình xây dựng dự thảo, lấy ý kiến nhân dân về dự thảo và thông qua DTSĐHP đều rõ ràng, công khai, minh bạch. Mọi ý kiến xác đáng của nhân dân đều được tiếp thu. Bản Hiến pháp được thông qua có rất nhiều điểm mới, tiến bộ, được đồng bào và chiến sĩ cả nước ghi nhận. Ý kiến của một số người có cái nhìn thiếu khách quan, thiếu công tâm về quá trình xây dựng, góp ý, thông qua bản Hiến pháp này, không đại diện cho tiếng nói của nhân dân Việt Nam.

Đỗ Phú Thọ

Nguồn: qdnd.vn

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.