Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 10/11/2011, 15:41 (GMT+7)
Cách mạng Tháng Mười với nguồn lực “tác thành” cho cách mạng Việt Mam

alt
 Cách mạng Tháng Mười (CMTM) Nga, do giai cấp vô sản tiến hành thắng lợi, đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của nhân loại, mở đầu thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới; ảnh hưởng sâu sắc đến cách mạng Việt Nam.

1. Nước Nga là quốc gia có diện tích rộng (chiếm một phần sáu thế giới), kéo dài từ bờ biển Ban-tích sang bờ Thái Bình Dương, dân số trên một trăm triệu, đặt dưới sự thống trị của đế chế Sa hoàng đến năm 1861. Từ đó đến năm 1914, nước Nga thực hiện nhiều cuộc cải cách (Stô-ly-pin, Hiến pháp 1906 và Đu-ma quốc gia) đã làm thay đổi đáng kể kinh tế, chính trị Nga. Chiến tranh thế giới thứ Nhất bùng nổ, nước Nga tham chiến, hậu quả: nền kinh tế kiệt quệ, dân chúng mất lòng tin, mâu thuẫn chính trị sâu sắc, lại thực hiện nhiều chính sách sai lầm... đẩy nhân dân Nga lâm vào cuộc sống cùng khổ.

Vì thế, ngày 23-02-1917, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Bôn-sê-vích, do V.I. Lê-nin, vị “sứ giả hoà bình” đứng đầu, đưa cuộc biểu tình của hàng vạn công nhân Pê-trô-gờ-rát (được sự ủng hộ của nhiều tầng lớp nhân dân và binh lính) dần trở thành tổng bãi công - Cách mạng Tháng Hai (27-02), buộc Nga Hoàng Ni-cô-lai II thoái vị. Nhưng Đảng Bôn-sê-vích mới giành được chính quyền Xô-viết ở cơ sở, còn chính quyền Trung ương rơi vào tay Chính phủ lâm thời tư sản, phản lại lợi ích công-nông. Nước Nga rơi vào tình thế 2 "chính quyền" song song tồn tại. Đến ngày 7-10-1917, tại Pê-trô-gờ-rát, với khẩu hiệu "Toàn bộ quyền lực về tay Xô-viết", V.I. Lê-nin chỉ huy khởi nghĩa chiếm Pê-trô-gờ-rát, bao vây Cung điện Mùa Đông (ngày 24-10-1917); ngày 25-10 (tức 7-11) theo lịch Nga, sau loạt pháo kích của chiến hạm Rạng Đông, Cung điện Mùa Đông bị đánh chiếm, toàn bộ Chính phủ tư sản lâm thời bị bắt giữ. Ngay trong đêm 25-10, Đại hội Xô-viết toàn Nga lần thứ Hai tuyên bố thành lập Chính quyền Xô-viết do V.I. Lê-nin đứng đầu. Các sắc lệnh đầu tiên của Chính quyền Xô-viết được thông qua: Sắc lệnh hoà bình, Sắc lệnh ruộng đất; đồng thời, Chính quyền còn thực hiện các biện pháp: xoá bỏ sự phân biệt đẳng cấp, thực hiện nam nữ bình quyền, dân tộc tự quyết, thành lập cơ quan Trung ương và Xô-viết ở các địa phương... Tháng 12, Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao được thành lập nhằm xây dựng nền kinh tế XHCN. Tháng 3-1918, nước Nga chính thức rút khỏi Chiến tranh thế giới thứ Nhất, tập trung xây dựng Nhà nước XHCN. Trong khi đang tập trung cho nhiệm vụ này thì đất nước xảy ra nội chiến (từ đầu năm 1918 đến tháng 11 năm 1920) do các phần tử Bạch vệ cấu kết với 14 nước đế quốc tiến hành nhằm lật đổ chính quyền Xô-viết. Trước tình hình đó, nước Nga Xô-viết đã áp dụng Chính sách cộng sản thời chiến, xây dựng Hồng quân công-nông đánh tan ngoại xâm, nội phản, giữ vững Chính quyền.

CMTM, cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới giành thắng lợi, đã chặt đứt mắt xích yếu nhất trong hệ thống TBCN, đặt dấu “chấm hết” đối với tư bản Nga, mở ra thời đại mới, thời đại thắng lợi của CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Từ đây, chủ nghĩa cộng sản không còn là “bóng ma ám ảnh châu Âu”, mà nó đã trở thành hiện thực trong xã hội Nga, là niềm tin, niềm hy vọng của nhân dân lao động khắp các lục địa. Từ châu Âu sang châu Á, tới Mỹ La-tinh; từ Mát-xcơ-va đến Bắc Kinh, Hà Nội; từ Bình Nhưỡng đến La-ha-ba-na…, hàng triệu, hàng triệu người đang hướng tới chân trời mới - CNXH, với những bước đi, hình thức khác nhau, nhưng mục tiêu thì nhất quán: xây dựng nên một xã hội (XHCN) tốt đẹp nhất, ưu việt nhất và tiến bộ nhất của lịch sử nhân loại. Trong lúc đó, các nước thuộc hệ thống TBCN cũng dấy lên cao trào cách mạng sôi nổi chưa từng có của nhân dân tiến bộ, khao khát độc lập dân tộc, hoà bình và CNXH.

CMTM thắng lợi, mốc son chói lọi khẳng định lời tiên đoán khoa học của Các Mác và Ph. Ăng-ghen thành hiện thực. CMTM, cũng như những cuộc cách mạng của nhân dân thế giới đã chứng minh giá trị vĩ đại của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, đỉnh cao nhất của trí tuệ loài người, vũ khí sắc bén nhất của giai cấp công nhân quốc tế, của nhân dân lao động toàn thế giới đấu tranh xoá bỏ chế độ cũ, xây dựng chế độ mới. Đồng thời, là mốc đầu, đánh dấu sự thắng lợi vĩ đại của Học thuyết Mác – Lê-nin trước các trào lưu tư tưởng phản động và các khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa trong phong trào công nhân quốc tế. Với thắng lợi của CMTM, chủ nghĩa Mác – Lê-nin, từ lý luận khoa học trở thành lương tri của thời đại; chủ nghĩa cộng sản từ ước mơ của giai cấp cần lao trở thành một sự thật sinh động. Vì vậy, sau CMTM, chủ nghĩa Mác – Lê-nin được truyền bá nhanh chóng ở khắp mọi nơi, trở thành bó đuốc soi đường, thúc đẩy cách mạng thế giới bước vào thời kỳ phát triển; đồng thời, chứng minh tính đúng đắn cho luận điểm: chế độ xã hội nào đã lỗi thời trong lịch sử, thì dù có ngoan cố đến đâu cũng sẽ tất yếu bị đánh đổ, kể cả khi kẻ thù sử dụng những thủ đoạn dã man, tàn bạo nhất để đàn áp những nguyện vọng chính đáng và bức thiết của quần chúng nhân dân. Những người vô sản và các tầng lớp cùng khổ trong xã hội, được Đảng Bôn-sê-vích, V.I. Lê-nin lãnh đạo, chỉ đạo với đường lối chính trị đúng đắn, thì trở thành lực lượng vô địch, không những có thể phá tan thành trì của bọn phản động, mà còn có thể xây dựng một chế độ mới có những tính năng ưu việt hơn chế độ cũ… Được CMTM soi sáng, chủ nghĩa Mác – Lê-nin dẫn đường, giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở mỗi nước có thể chủ động đứng lên, trực tiếp tiến công kẻ thù trong nước, giải phóng nhân dân khỏi áp bức, bóc lột, giải phóng dân tộc mà không cần chờ cách mạng ở nước khác (chính quốc).

CMTM là một mẫu mực về sự kết hợp chiến lược với sách lược tiến hành cách mạng. V.I. Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích đã giải quyết thành công một loạt các vấn đề cơ bản, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của cách mạng vô sản, đó là: không ngừng xác lập và củng cố quyền lãnh đạo tuyệt đối của giai cấp công nhân, giai cấp tiên tiến nhất gắn liền với nền sản xuất hiện đại, tiêu biểu cho con đường phát triển của lịch sử, người đại biểu chân chính nhất quyền lợi của nhân dân lao động; xây dựng một đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, một khối thống nhất về tư tưởng và hành động, được bảo đảm bằng sự thống nhất, chặt chẽ về tổ chức; xây dựng liên minh công-nông vững chắc, cơ sở mạnh mẽ nhất của khối đại đoàn kết dân tộc, nguyên tắc tối cao của chuyên chính vô sản; kết hợp chặt chẽ và nhịp nhàng phong trào cách mạng XHCN với phong trào độc lập dân tộc, lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ địch để tăng thêm thế mạnh của cách mạng, phân hoá và cô lập kẻ thù, tập trung mũi nhọn đấu tranh vào kẻ thù nguy hiểm nhất. CMTM thắng lợi còn thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng Bôn-sê-vích và V.I. Lê-nin vĩ đại; nó để lại một bài học sáng chói về sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo lý luận bạo lực cách mạng và khởi nghĩa giành chính quyền. CMTM, cuộc cách mạng mang tính nhân dân sâu sắc. Bởi đó là sự nổi dậy của đông đảo quần chúng với khẩu hiệu “công nông liên hiệp” và sự kết hợp khéo léo giữa hai lực lượng: vũ trang với chính trị, tạo thành sức mạnh bạo lực cách mạng to lớn, đủ sức đập tan bạo lực phản cách mạng của tư bản và địa chủ.

2. Trong những thập niên đầu của thế kỷ XX, khi mà nhân dân lao động các dân tộc Liên bang Xô-viết đã làm chủ xã hội, làm chủ đất nước, đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hoá để đưa Liên Xô trở thành một nước công nghiệp tiên tiến, thì ở Việt Nam, cách mạng đang lâm vào tình trạng khủng hoảng đường lối cứu nước. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra ở khắp mọi nơi đã bị thực dân Pháp đàn áp, dập tắt. Bởi vì, đó là những phong trào tự phát, thiếu con đường cách mạng chân chính, thiếu một giai cấp lãnh đạo kiên quyết, triệt để, chưa có bước đi và hình thức đấu tranh thích hợp… Chính CMTM đã “tác thành” cho giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam tìm thấy con đường cách mạng giải phóng dân tộc phải đi theo con đường cách mạng vô sản và phải vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Chính Hồ Chí Minh, người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam, được sứ mệnh lịch sử giao phó đã thực hiện nhiệm vụ trên. Người đã nghiên cứu, tiếp thụ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, đặc biệt là lý luận về cách mạng dân tộc thuộc địa và trực tiếp truyền bá vào Việt Nam.

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) ra đời, phất cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng, làm cho phong trào giải phóng dân tộc phát triển sôi nổi, rộng khắp, đỉnh cao là Xô-viết Nghệ-Tĩnh (1930 - 1931). Từ đó, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc. Bất chấp chính sách khủng bố đẫm máu của thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam vẫn kiên quyết đứng lên đấu tranh. Cách mạng Tháng Tám đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của V.I. Lê-nin về bạo lực cách mạng và khởi nghĩa giành chính quyền; kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; khởi nghĩa từng phần đánh đổ từng bộ phận với tổng khởi nghĩa giành chính quyền; chuẩn bị lực lượng chính trị và quân sự với chớp thời cơ cách mạng;… Tháng 8-1945, cùng với thắng lợi của Hồng quân Liên Xô, nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, đánh đổ phát-xít Nhật và bè lũ tay sai, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân đầu tiên thắng lợi ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới vẻ vang trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám không những là minh chứng hùng hồn mà còn góp phần hoàn chỉnh lý luận về cách mạng vô sản ở các nước thuộc địa.

CMTM đã chỉ ra con đường giải phóng dân tộc, trang bị cho Đảng ta vũ khí lý luận để bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Chúng ta mới giành chính quyền, chưa có thời gian tổ chức và củng cố lực lượng, nhân dân Việt Nam chỉ có gậy tầm vông với giáo mác làm vũ khí, đã phải tiến hành một cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng chống bọn thực dân Pháp xâm lược. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thực hiện một cuộc kháng chiến thần thánh “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng... Từ thắng lợi vĩ đại ở Điện Biên Phủ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) chính thức công nhận chủ quyền dân tộc thiêng liêng của nhân dân Việt Nam trên những vấn đề cơ bản, đó là: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Tiếp đó, nhân dân Việt Nam đồng thời tiến hành hai chiến lược cách mạng: xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cuộc cách mạng XHCN ở miền Bắc đạt được những thắng lợi to lớn, trở thành chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng ở miền Nam. Cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam được Đảng ta quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin sát hợp với tình hình thực tiễn. Do vậy, cách mạng miền Nam không ngừng lớn mạnh, từng bước đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ (Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ và Việt Nam hoá chiến tranh) tiến lên đánh bại hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược bằng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hơn thế, trong công cuộc đổi mới (từ 1986 đến nay), Đảng Cộng sản Việt Nam đã nắm chắc nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, từng bước đưa đất nước phát triển từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu trước Cách mạng Tháng Tám, đến nay “đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình1.

3. CMTM thắng lợi, tiếp đó là sự thành công của Liên bang Xô-viết xây dựng CNXH trong 3/4 thế kỷ và những thành công trên con đường đổi mới của một số nước XHCN ngày nay càng chứng minh tính đúng đắn cả về lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Thắng lợi đó làm cho bọn phản động quốc tế lo sợ trước ý nghĩa thời đại của CMTM, vai trò lịch sử to lớn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đối với loài người, trước sức sống mãnh liệt của CNXH và những bước phát triển mới năng động hiện nay. Bởi vậy, để bảo vệ con đường, bước tiến của CNTB, chúng ra sức xuyên tạc những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về cách mạng XHCN, bạo lực cách mạng, chiến tranh và quân đội. Nhân cơ hội thoái trào CNXH ở Liên Xô và một số nước Đông Âu, do mắc sai lầm trong quá trình cải tổ, chúng ra sức xuyên tạc CNXH hiện thực và phá hoại công cuộc cải cách, đổi mới đang diễn ra ở các nước XHCN còn lại. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, nắm vững bài học giành và giữ chính quyền mà CMTM đã để lại; phải đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, thấy rõ vai trò to lớn của CMTM và ý nghĩa thắng lợi vĩ đại của nó đối với cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống những quan điểm, tư tưởng sai trái, phi vô sản, xa lạ và thù địch với CNXH, góp phần bảo vệ tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, bảo vệ thành quả CMTM.

"Uống nước nhớ nguồn", nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của V.I. Lê-nin và CMTM; sẽ tiếp tục có đóng góp xứng đáng vào phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin và bảo vệ thành quả của CMTM vĩ đại.

Thiếu tướng, GS. BÙI PHAN KỲ

__________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 91.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.