Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Ba, 08/11/2011, 06:07 (GMT+7)
Cách mạng Tháng Mười Nga - Giá trị lý luận và thực tiễn

 


Tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn còn nguyên giá trị (nguồn: internet)
 Một sự kiện lịch sử càng lùi xa về quá khứ càng có thêm cơ sở và điều kiện để nhận thức nó đầy đủ và sáng tỏ hơn. Gần một thế kỷ qua, kể từ khi cuộc Cách mạng Tháng Mười (CMTM) Nga nổ ra (07-11-1917) và giành thắng lợi, lịch sử loài người đã chứng kiến một hiện thực không ai có thể phủ nhận được; đó là sự ra đời tất yếu của hình thái kinh tế - xã hội mới - XHCN.

 

Không thể phủ nhận một thực tế hiển nhiên là nhân dân Liên Xô đã xây dựng một chế độ xã hội mới hùng mạnh cả về kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học, quân sự và Liên Xô đã từng là một trong hai cường quốc hàng đầu của thế giới trong thế kỷ XX. Cần nhắc lại là, các cuộc cách mạng tư sản ở thế kỷ XVII, XVIII và XIX cũng đã phải trải qua một thời kỳ dài mới có thể thắng lợi hoàn toàn đối với chế độ phong kiến. Cách mạng tư sản Pháp năm 1789 là một cuộc cách mạng tư sản điển hình cũng đã phải diễn ra nhiều lần để đến năm 1870, CNTB, giai cấp tư sản Pháp mới hoàn toàn thắng lợi. Bởi vậy, sự ra đời và phát triển của chế độ XHCN không thể không phải trải qua những chặng đường khó khăn, thăng trầm hoặc thất bại tạm thời trước khi đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Ngay sau thắng lợi của CMTM, cùng với Sắc lệnh ruộng đất, chính quyền Xô-viết do V.I. Lê-nin đứng đầu đã ban bố Sắc lệnh hoà bình. Sắc lệnh đó thể hiện tư tưởng hoà bình cao cả của CNXH và nước Nga Xô-viết đã rút ra khỏi cuộc chiến tranh thế giới mà nước Nga Sa Hoàng trước đó là một bên tham chiến. Ngày 03-3-1918, theo chủ trương của V.I. Lê-nin, chính quyền Xô-viết đã ký với Đức bản hoà ước Brét-li-tốp. Nêu cao ngọn cờ hoà bình, song nước Nga Xô-viết và Hồng quân công nông đã quyết tâm đánh bại chiến tranh can thiệp của các nước đế quốc, chống sự phá hoại của các thế lực phản cách mạng trong nước và đã giành thắng lợi vào cuối năm 1920. Từ năm 1921, nước Nga Xô-viết mới thật sự có điều kiện hoà bình xây dựng đất nước theo Chính sách kinh tế mới do V.I. Lê-nin khởi xướng. Chế độ XHCN không ngừng được củng cố và phát triển. Sức mạnh của CNXH và của Quân đội cách mạng một lần nữa đã vượt qua thử thách trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại (1941 - 1945); đồng thời, là lực lượng chủ yếu cùng với lực lượng của các nước đồng minh đã cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát-xít. Bản chất của CNXH là hoà bình và hữu nghị, dù phải tiến hành chiến tranh cách mạng, chiến tranh vệ quốc cũng vì mục tiêu hoà bình và củng cố tình hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc.

CMTM Nga không chỉ giải phóng giai cấp vô sản và nhân dân lao động Nga khỏi sự thống trị của chế độ chuyên chế và áp bức tư bản, mà còn giải phóng các dân tộc vốn là thuộc địa của đế quốc Nga trước đó. V.I. Lê-nin và Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga đã phát triển lý luận về cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa, nêu cao quyền dân tộc tự quyết, mở đường cho các dân tộc bị áp bức đấu tranh tự giải phóng và phát triển theo con đường văn minh, tiến bộ và tiến tới CNXH. V.I. Lê-nin đã công bố Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa và được Đại hội II Quốc tế Cộng sản (tháng 7-1920) thông qua. Với sự giúp đỡ của CMTM Nga, chính quyền Xô-viết đã được thiết lập ở nhiều nước và ngày 30-12-1922 đã liên minh với Nga thành Liên bang Xô-viết (Liên Xô trước đây). Đi theo con đường CMTM Nga và tư tưởng của V.I.Lê-nin, cách mạng giải phóng dân tộc đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới và trở thành một dòng thác cách mạng, một hệ thống XHCN. Sự lớn mạnh của CNXH hiện thực đã trở thành một đối trọng, thách thức và buộc CNTB phải tìm cách điều chỉnh bản thân nó để thích nghi và tồn tại.

Đối với cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong hành trình tìm đường cứu nước đã hoàn toàn tin theo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và CMTM. Đó là con đường đúng đắn để giải phóng triệt để dân tộc Việt Nam khỏi áp bức dân tộc và giai cấp. Mùa Xuân năm 1930, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và xác định dứt khoát con đường đấu tranh làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, để đi tới xã hội cộng sản. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Cách mạng Tháng Tám 1945 đã thắng lợi vẻ vang. Đó là thắng lợi của lý luận Mác - Lê-nin ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến; là sự vận dụng thành công những bài học của CMTM vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam; đó còn là sự tận dụng cơ hội thuận lợi khi Liên Xô và các nước đồng minh đánh tan chủ nghĩa phát-xít;... để Đảng ta lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Sự nghiệp giải phóng các giai cấp cần lao và dân tộc bị áp bức, nô dịch mà CMTM đã mở đầu, thật sự là những vấn đề lý luận và thực tiễn to lớn của thời đại mới. Thế kỷ XX đã chứng kiến những bước đi quan trọng của hai công cuộc giải phóng vĩ đại đó. Hàng tỷ người ở khắp các châu lục đã thoát khỏi ách thống trị, áp bức của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, giành độc lập và không ngừng phát triển theo con đường dân chủ và tiến bộ xã hội. Sau sự sụp đổ chế độ XHCN ở các nước Đông Âu và Liên Xô vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, tuy CNXH tạm thời lâm vào thoái trào, song vẫn có nhiều nước với hàng ngàn triệu người, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba... tiếp tục con đường xây dựng CNXH.

Ở đầu thế kỷ XXI, loài người đã tiến những bước dài trong phát triển kinh tế với khối lượng của cải vật chất khổng lồ; khoa học công nghệ đạt tới trình độ cao chưa từng có để hướng tới xã hội văn minh, hiện đại. Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng khiến các quốc gia, dân tộc xích lại gần nhau để cùng thực hiện 8 Mục tiêu Thiên niên kỷ mà Liên hợp quốc đề ra. Đó là một thực tế cần được khẳng định. Song cũng còn một thực tế khác như những mảng tối trong bức tranh toàn cầu. Ngày 31-10-2011, dân số thế giới đạt 7 tỷ người, nhưng vẫn còn khoảng 1 tỷ người nghèo, đói đến cùng cực, nhiều trăm triệu người sống dưới mức nghèo khổ. Khủng hoảng kinh tế, biến động chính trị và xung đột đẫm máu xảy ra ở nhiều nơi,... Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta nhận định: "Các mâu thuẫn cơ bản trên thế giới biểu hiện dưới những hình thức và mức độ khác nhau vẫn tồn tại và phát triển. Hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển là xu thế lớn; nhưng đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên và cạnh tranh quyết liệt về lợi ích kinh tế tiếp tục diễn ra phức tạp"1.

Tuy sự sụp đổ của chế độ XHCN hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu là sự thực; và dù rằng các thế lực chống cộng điên cuồng, mang nặng hận thù ra sức chống phá CNXH dưới nhiều hình thức, chiêu bài tinh vi, xảo quyệt khác nhau..., nhưng sự thật thành quả đã đạt được cùng những giá trị lý luận và thực tiễn của CMTM là không thể phủ nhận. Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: "Trong quá trình hình thành và phát triển, Liên Xô và các nước XHCN khác đã đạt những thành tựu to lớn về nhiều mặt, từng là chỗ dựa cho phong trào hòa bình và cách mạng thế giới, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội"2. Cũng tại Đại hội, Đảng ta nhấn mạnh: "Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước có chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH"3.

Hơn mười năm trở lại đây, nước Nga đã lấy lại vị trí một trong những cường quốc hàng đầu của thế giới. Đó cũng là sự kế thừa những thành quả của CMTM và Liên bang Xô-viết trước đây. Nhiều giá trị và niềm tự hào của thời kỳ Xô-viết vẫn được giữ gìn. Cùng với đó là sự phát triển của các nước XHCN, như: Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba,… và phong trào cánh tả của các nước châu Âu, châu Mỹ… Đó là những giá trị hiện thực, minh chứng rõ nét nhất cho tính đúng đắn của lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin cùng những bài học thực tiễn giá trị của CMTM. 

CMTM và CNXH là sự nghiệp giải phóng giai cấp và giải phóng dân tộc hoàn toàn và triệt để; đã tạo dựng một xã hội dân chủ, công bằng, tự do thật sự, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân, của mỗi con người. Đi theo con đường CMTM và lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã giành được độc lập, tự do, thống nhất hoàn toàn và đang vững bước đi lên CNXH. Cách mạng XHCN đã diễn ra ở miền Bắc và trên cả nước sau ngày đất nước thống nhất (tháng 4 năm 1975); nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, Đảng ta đã vận dụng hết sức linh hoạt những bài học quý của CMTM, nhận thức đúng đắn quy luật khách quan và hoàn cảnh thực tiễn của đất nước, kịp thời phát hiện và quyết tâm sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm. Do đó, công cuộc đổi mới đất nước đã giành được những thành tựu to lớn mà bạn bè quốc tế đều thừa nhận; còn các thế lực thù địch dù tìm đủ “trăm phương, nghìn kế” cũng không thể phủ nhận được. Nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn; nhất là nội dung, đặc trưng, hình thức, bước đi của thời kỳ quá độ lên CNXH, nội dung và khả năng bỏ qua chế độ tư bản để tiến lên CNXH, sự kế thừa và phát triển những thành quả mà loài người đã đạt tới dưới chế độ tư bản, 8 đặc trưng của xã hội XHCN ở Việt Nam.v.v.

Từ những bài học vô giá của CMTM, Đảng ta đã và đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự cần thiết phải tổng kết kinh nghiệm, phân tích đặc điểm của Việt Nam và khắc phục triệt để bệnh giáo điều... Có như thế, chúng ta mới từng bước nhận thức đúng đắn quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được đường lối, phương châm, bước đi cụ thể, đưa công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN ngày càng giành được nhiều thắng lợi.

PGS, TS. NGUYỄN TRỌNG PHÚC

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

_____________

1, 2, 3 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 67 - 68, 69.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.