Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:26 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam có sự chi phối từ những nguyên nhân của lịch sử và ở từng giai đoạn lịch sử khác nhau, cũng có những biểu hiện khác nhau. Đáng chú ý là, trong nhiều thế kỷ, dân tộc Việt Nam chịu sự đô hộ của phong kiến phương Bắc; nhất là khi đạo Khổng được truyền bá vào Việt Nam, thì vai trò của người phụ nữ trong xã hội trở nên hết sức thấp kém. Theo đó, sự bất bình đẳng giới cũng diễn ra phổ biến; các quyền cơ bản của phụ nữ không được bảo đảm, thậm chí bị tước đoạt một cách vô lý.
Nhận rõ tầm quan trọng và thể hiện trọng trách trước nhân dân và cộng đồng quốc tế, ngay trong Cương lĩnh 1930 của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: nam, nữ bình quyền là một trong mười nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam. Điều đó cũng được ghi nhận trong Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và được khẳng định rõ ở Điều 63, Hiến pháp sửa đổi (năm 1992) của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Cho tới nay, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế, trong đó có: Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW, năm 1981), Công ước Quyền trẻ em (CRC, năm 1990) và tích cực thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh (năm 1995) vì bình đẳng, hòa bình và phát triển. Bên cạnh đó, nhiều luật pháp, chính sách đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung, tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện bình đẳng giới và bảo vệ quyền phụ nữ. Nổi bật là: Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống (cả về vật chất và tinh thần) của phụ nữ, cũng như tạo điều kiện cần thiết để phụ nữ được hưởng quyền cơ bản của mình, tham gia và hưởng thụ một cách bình đẳng, đầy đủ trong mọi khía cạnh của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Bộ luật Lao động (năm 2002) đã sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến chính sách đối với lao động nữ, bao gồm: bảo hiểm xã hội, tiền lương, bảo hộ lao động, đào tạo nghề. Ngoài ra, Việt Nam đã ký các hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý với 12 nước, trong đó có Lào, Trung Quốc và Cam-pu-chia; đã tham gia các thoả thuận và tuyên bố quốc tế về phòng, chống mua bán người, đồng thời là thành viên tích cực của các diễn đàn đa phương, như: Tiến trình Tư vấn khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Tiến trình Ba-li về phòng, chống mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia; Tuyên bố chung ASEAN về phòng, chống mua bán người;… Cùng với những chủ trương, chính sách về các lĩnh vực cơ bản nhất, Nhà nước ta cũng quan tâm tới các lĩnh vực đặc thù, như: ban hành Pháp lệnh về phòng, chống mại dâm (năm 2003); Chương trình hành động, phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em; đồng thời, xử lý nghiêm tội phạm và có những biện pháp hỗ trợ các nạn nhân. Nhà nước ta cũng đã ban hành Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007); đặc biệt là, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá X) đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước (2007); Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (2011 - 2020),… Quốc hội thường xuyên thực hiện tốt công tác giám sát về bình đẳng giới. Hằng năm, Chính phủ đều có báo cáo kết quả thực hiện pháp luật về bình đẳng giới,… Những nỗ lực trong việc hoạch định chủ trương, chính sách mang tính chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tạo bước chuyển mạnh mẽ trong thực hiện bình đẳng giới, bảo đảm tốt các quyền bình đẳng giữa nam và nữ; quyền được làm việc, được hưởng lương như nhau; quyền sở hữu, thừa kế và quyền lựa chọn bạn đời khi kết hôn hoặc ly hôn,… đều được pháp luật bảo vệ.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn tỏ rõ vai trò nòng cốt, tiên phong trong các hoạt động bình đẳng giới. Hội đã tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, thực hiện tốt vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn và yêu cầu công tác phụ nữ trong từng thời kỳ để không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Với phương châm “ở đâu có phụ nữ, ở đó có tổ chức Hội”, các cấp hội đã chú trọng gắn kết chặt chẽ công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, năng lực hoạt động cho phụ nữ với việc đẩy mạnh các chương trình hành động vì sự phát triển, tiến bộ của phụ nữ; tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, khu vực. Qua đó, xây dựng mối quan hệ tình cảm gắn bó mật thiết giữa phụ nữ Việt Nam với phụ nữ các nước trên thế giới, vì mục tiêu hoà bình, hữu nghị, bình đẳng và phát triển. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc cũng được các cấp hội hết sức quan tâm; trong đó, chương trình xoá đói, giảm nghèo, hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống,... đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước; động viên được tinh thần hợp tác, tương thân, tương ái của đông đảo chị em phụ nữ trong cả nước. Đến nay, Hội đã tín chấp và nhận ủy thác được hơn 48 nghìn tỷ đồng, giúp trên 17 triệu lượt phụ nữ vay vốn để sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc... góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ Việt Nam trên trường quốc tế.
Cùng với những nỗ lực trên, Hội luôn chú trọng thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong xây dựng, ban hành pháp luật và các chủ trương, chính sách về những vấn đề có ý nghĩa chiến lược thực hiện bình đẳng giới, như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình,... Hội cũng đã tích cực nghiên cứu, xây dựng và tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Bình đẳng giới cho các đối tượng; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Luật Bình đẳng giới trong và ngoài nước;… Sự tham gia tích cực của Hội đã góp phần tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trong đấu tranh, ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử về giới, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong việc bảo đảm nam, nữ bình quyền và dân tộc bình đẳng ở Việt Nam.
Trong lĩnh vực kinh tế, mục tiêu bình đẳng giới đã đạt những kết quả thiết thực và bền vững. Hiện nay, phụ nữ chiếm 50% lực lượng lao động; tỷ lệ nam giới và nữ giới tham gia hoạt động kinh tế ở mức gần bằng nhau (nữ: 83%, nam: 85%). Lực lượng phụ nữ có vai trò tương đương với nam giới trong việc tham gia vào quá trình tạo ra của cải vật chất. Hầu hết các ngành nghề đều có sự tham gia của phụ nữ; nhiều ngành, phụ nữ chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới1. Vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội đã không ngừng được nâng cao. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế và là quốc gia đạt được sự thay đổi nhanh nhất về xóa bỏ khoảng cách giới ở khu vực Đông Á (mục tiêu thứ 3 trong 8 Mục tiêu Thiên niên kỷ).
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tỷ lệ phụ nữ biết đọc, biết viết tăng từ 82,3% (năm 1993) lên 90,5% (năm 2011). Tỷ lệ biết chữ của nam từ 10 tuổi trở lên chỉ cao hơn nữ 6%. Khoảng cách nhập học của học sinh nam, nữ ở các cấp học, bậc học trong những năm gần đây đã được thu hẹp gần như tương đương. Hiện tượng bỏ học sớm của trẻ em gái được cải thiện đáng kể. Tính trung bình trong các năm học, tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh nữ cao hơn nam. 100% trẻ em gái từ 11 tuổi đến 14 tuổi tốt nghiệp chương trình tiểu học và được vào lớp 6. Kết quả đó đã tăng tỷ lệ đi học chung của nữ ở cấp trung học cơ sở lên trên 90%, trung học phổ thông lên trên 50%.
Trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khoẻ, Việt Nam đã tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách khám, chữa bệnh cho các đối tượng; huy động mạnh mẽ các nguồn lực trong xã hội, góp phần đưa tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ y tế lên hơn 90%; đưa tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đạt 72,8 tuổi, trong đó phụ nữ đạt 75,6 tuổi và nam giới đạt 70,2 tuổi (nữ tăng 5,5 tuổi, nam tăng 3,7 tuổi so với năm 1999). Tỷ lệ phụ nữ khám thai và được chăm sóc y tế khi mang thai hằng năm đều tăng. Riêng năm 2007, tỷ lệ phụ nữ được khám thai từ 03 lần trở lên, tăng 2% so với năm 2005.
Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ tham gia công tác trong hệ thống Đảng, cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và các cơ quan dân cử ngày càng tăng, nhất là ở những vị trí cấp cao, như: ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, bộ trưởng, thứ trưởng và trong các uỷ ban nhân dân, hội đồng nhân dân các cấp,… Trong Quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu nhiệm kỳ 2007 - 2011 là 25,76%, xếp thứ 31 trên thế giới. Riêng nhiệm kỳ 2011 - 2016 là 24,4%; tuy có giảm so với nhiệm kỳ trước, nhưng Việt Nam vẫn là một trong những nước của khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao.
Trong gia đình, tiếng nói của phụ nữ khi quyết định các vấn đề lớn, quan niệm về con trai, con gái đã có nhiều thay đổi tích cực. Mức độ sở hữu và kiểm soát các tài sản quan trọng của phụ nữ Việt Nam hiện nay đã được pháp luật bảo vệ…
Những kết quả đạt được trong các lĩnh vực trên đây đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống và chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời là minh chứng thuyết phục nhất khi cho rằng: Việt Nam là một quốc gia tiên phong trong đấu tranh vì bình đẳng giới và bảo vệ nhân quyền. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách để phủ nhận những thành tựu đó, nhằm phục vụ cho mưu đồ chống phá CNXH của chúng. Song, những thủ đoạn đó cũng không thể đánh lừa được ai, bởi thực tiễn công cuộc đổi mới nói chung, cũng như những thành tựu đã đạt được trên lĩnh vực bình đẳng giới của Việt Nam nói riêng, là một thực tế mà nhân dân ta và nhiều tổ chức trên thế giới thừa nhận, không một thế lực nào có thể phủ nhận được.v.v.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng sự nghiệp phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới và phát triển của phụ nữ ở Việt Nam hiện vẫn còn nhiều thách thức. Bởi, xuất phát điểm của Việt Nam là một nước nông nghiệp, trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, chịu ảnh hưởng của định kiến giới nặng nề, nên tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong các đối tượng. Ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ còn bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán lạc hậu; tỷ lệ phụ nữ nghèo, mù chữ còn cao; bạo lực gia đình, tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em, lấy chồng người nước ngoài còn diễn biến phức tạp.v.v.
Để khắc phục có hiệu quả tình trạng trên và triển khai thực hiện tốt vấn đề bình đẳng giới, nhằm phát huy quyền con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta đang tiếp tục thực hiện những chủ trương, chính sách, với sự tham gia của cả cộng đồng; trong đó, tập trung đẩy mạnh và đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới. Trong thời gian tới, cần coi trọng mở rộng đối tượng tuyên truyền, từ nam giới đến nữ giới; tăng cường mở các lớp tập huấn về kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và đại diện người sử dụng lao động; đưa vấn đề giới vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ; nâng cao chất lượng xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật theo hướng nâng tỷ lệ nữ tham gia trong các tổ chức, bộ máy của cơ quan, đơn vị nói chung, nâng tỷ lệ nam trong các hoạt động về giới nói riêng. Các bộ, ban, ngành liên quan, cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và các chính sách liên quan đến lao động nữ; đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế để tăng cường việc học tập, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế về các hoạt động bình đẳng giới... Thực hiện có hiệu quả những nội dung này, sẽ làm cho vấn đề bình đẳng giới và bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tốt hơn.
ThS. PHẠM HẠNH SÂM
Trưởng ban Tuyên giáo,
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
1 – Giáo dục: 60,9%; Y tế: 57,52%; Công nghiệp: 50,32%; Thương nghiệp dịch vụ: 65,5%; Tài chính, tín dụng: 51,75%.
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm