Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 06/06/2016, 10:25 (GMT+7)
Bầu cử ở Việt Nam khẳng định sự dân chủ và tiến bộ

Ngày 22-5-2016, cử tri cả nước đã tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 trong niềm hân hoan, phấn khởi. Cuộc bầu cử đã thành công rực rỡ về nhiều phương diện, đánh dấu sự phát triển, tiến bộ quan trọng trong việc phát huy quyền làm chủ của người dân trong tiến trình đổi mới, xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và tổ chức bộ máy nhà nước các cấp theo Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, là minh chứng thuyết phục, bác bỏ mọi luận điệu thù địch, sai trái nhằm phá hoại Cuộc bầu cử của nhân dân ta.

Cử tri dân tộc Ba Na ở làng Plây Tơ Nghia, phường Quang Trung (Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) bỏ phiếu bầu cử. (Ảnh: nhandan.com.vn)

Cuộc bầu cử đã thu hút được sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của cử tri cả nước; tập hợp, phát huy ý chí, nguyện vọng của nhân dân để tiếp tục tăng cường công cuộc đổi mới đất nước theo mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thành công này đặc biệt có ý nghĩa hơn trong bối cảnh còn có những quan niệm sai lệch, thậm chí xuyên tạc, chống phá đối với Cuộc bầu cử của các tổ chức và phần tử xấu; nhất là trên một số phương tiện truyền thông phương Tây, các trang mạng xã hội cả trong và ngoài nước vốn có định kiến với Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Trong kỳ bầu cử vừa qua, sự chống phá đó đã được nâng lên với mức độ cao hơn ở mọi hình thức, thủ đoạn, tần suất. Việc tăng cường cổ súy về dân chủ và cách thức bầu cử theo kiểu cách phương Tây được một số người tự xưng là “yêu nước chân chính”, là “nhà dân chủ” ra sức rao giảng, được các đài phát thanh BBC, RFI, VOA, các đài của người Việt lưu vong hùa theo tổ chức các buổi luận đàm về bầu cử và dân chủ ở Việt Nam. Những chương trình truyền thông đó, thực chất đều phản ánh các suy diễn chủ quan, cá nhân, hòng bóp méo, phủ nhận vai trò của Quốc hội và ý nghĩa việc bầu cử đại biểu Quốc hội, cũng như nền dân chủ ở Việt Nam.

Người ta đang đặt câu hỏi, vì lý do gì mà thời gian này các “nhà dân chủ” lại “quan tâm” đến sự phát triển của đất nước đến vậy? Họ đòi hỏi Nhà nước phải minh bạch, giải quyết dứt điểm vấn đề này vấn đề kia! Phải chăng đó là lòng yêu nước, hay tình cảm, trách nhiệm với vận mệnh của Quốc gia, dân tộc. Nếu như vậy thì trước những khó khăn họ phải đồng tâm, hiệp lực, hiến công, hiến của để cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tập trung giải quyết, khắc phục. Thế nhưng không phải vậy. Đầu tháng 5 vừa qua, nấp dưới chiêu bài đòi minh bạch nguyên nhân cá chết hàng loạt và bảo vệ môi trường, tổ chức khủng bố Việt Tân câu kết với các phần tử bất mãn trong nước, có cả những đối tượng có tiền án, tiền sự đã tổ chức các vụ tụ tập, gây rối trật tự công cộng tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội về cái gọi là “cuộc cách mạng cá”. Họ vu cáo Đảng và Nhà nước ta “không quan tâm đến bảo vệ môi trường”, kích động, xuyên tạc mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; nhưng thực chất và mục đích sâu xa của nó là nhằm phá hoại Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Cơ quan chức năng đã đưa ra những bằng chứng không thể phủ nhận về việc làm này. Không những kế hoạch đó đã được cụ thể hóa bằng việc đảm bảo hậu cần, tài chính, phân công chuẩn bị biểu ngữ, quay phim, chụp ảnh phát tán lên mạng,… mà còn có hành vi đe dọa, trả thù dằn mặt đối với những người ngăn cản hoạt động của chúng. Tổ chức khủng bố Việt Tân còn hô hào: “Tổng tuyển cử toàn quốc” diễn ra từ 15 đến 22-5, trùng với thời gian tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội, v.v. Những mưu toan đó của chúng không có mục đích nào khác, hòng “tẩy chay bầu cử đại biểu Quốc hội, tập dượt cho một cuộc cách mạng xanh”, tiến tới lật đổ chính quyền trong nước mà chúng đã từng rêu rao. Nhân dân Việt Nam không lạ gì cái trò đó của những người tự coi mình là yêu nước, thương dân. Lời nói và việc làm của họ là bất nhất. Trong khi Đảng, Nhà nước ta đang khẩn trương tìm giải pháp khắc phục, kể cả thuê chuyên gia nước ngoài thì họ lại tổ chức các buổi tụ tập đông người, với những băng cờ, khẩu hiệu kích động đi ngược lại ý chí của Đảng, tâm nguyện của nhân dân. Thử hỏi, đó có phải lòng yêu nước chân chính hay là sự kích động, chống phá một cách có bài bản, được chuẩn bị kỹ lưỡng, có bước đi cụ thể và âm mưu đen tối phá hoại Cuộc bầu cử đang đến gần. Song, ý đồ của chúng đâu dễ gì thực hiện! Nhân dân vẫn đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ và chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề lớn của Quốc hội, cùng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những đại biểu của nhân dân, những người đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, luôn nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, gắn bó với nhân dân, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân. Thành công của Cuộc bầu cử, với tỷ lệ cử tri đi bầu cao: cả nước đạt 98,77%; trong đó, hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Yên Bái tới 99,99% đã nói lên điều đó.

Đảng ta nhận thức sâu sắc rằng, để có một Quốc hội thực sự đại diện cho quyền lực của nhân dân thì trước hết phải bầu cử thực sự dân chủ. Trên tinh thần đó, Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã được chuẩn bị và tiến hành nghiêm túc, đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật và Chỉ thị 51-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI). Việc ứng cử, vận động tranh cử, tổ chức cho các ứng viên đối thoại, tranh luận công khai trước cử tri cũng được tiến hành theo tinh thần này. Vấn đề dân chủ được chú trọng thực hiện trong toàn bộ các khâu, các bước của quá trình bầu cử. Trong Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, nhiều vấn đề băn khoăn, thắc mắc liên quan trực tiếp tới dân chủ trong bầu cử đã được công khai xem xét, giải quyết. Trước ý kiến cho rằng, tỷ lệ đảng viên tham gia ứng cử đông, qua tranh luận cho thấy đảng viên phần nhiều có các vị trí trọng yếu trong các tổ chức, đoàn thể, đa số là những người tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, có tín nhiệm với quần chúng nên việc đảng viên được nhân dân giới thiệu bầu vào đại biểu Quốc hội với tỷ lệ đông cũng là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, sự giới thiệu đó cũng phải tuân thủ đầy đủ các bước hiệp thương, có ý kiến của cử tri nơi cư trú và công khai, bình đẳng theo quy định của Luật Bầu cử. Trước ý kiến cho rằng “không nước nào mà đại biểu Quốc hội phải qua giới thiệu của Mặt trận Tổ quốc”, các cơ quan bầu cử đã giải thích: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được Điều 9 Hiến pháp năm 2013 xác định là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đồng thời còn là vấn đề lịch sử, truyền thống, nên việc tham gia vào quá trình hiệp thương của bầu cử là hoàn toàn cần thiết, đúng luật pháp. Trả lời câu hỏi về việc có nhiều người tự ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng rất ít người lọt vào danh sách chính thức, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Ủy ban Bầu cử Quốc gia cho rằng: việc nhiều người tự ứng cử đại biểu Quốc hội cho thấy người dân quan tâm đóng góp cho đất nước; tuy nhiên, bất cứ ai ứng cử cũng đều phải đối chiếu với các tiêu chí theo quy định, phải lấy tín nhiệm của đại diện cử tri tại cơ quan, nơi cư trú và qua các vòng hiệp thương; ai qua vòng 3 hiệp thương mới được vào danh sách chính thức.

Về tự ứng cử hay được giới thiệu ứng cử, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Người tự ứng cử hay được giới thiệu ứng cử đều không có sự phân biệt nào, kể cả điều kiện giới thiệu trên cơ quan truyền thông cũng như khi tiếp xúc giới thiệu chương trình của mình với cử tri”. Như vậy, nhiều điều băn khoăn, thắc mắc về dân chủ trong bầu cử đều đã được lý giải; những đại biểu được ra bầu cử đợt này đều có sự thẩm định về mặt phẩm chất, năng lực, trách nhiệm, uy tín hết sức khách quan, chặt chẽ, đúng quy trình; không có biểu hiện “Đảng cử, dân bầu” như các thế lực thù địch, cơ hội từng rêu rao.

Việc xác định cơ cấu ứng cử viên đại biểu Quốc hội đã được công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó có các quy định: chú ý hợp lý về số lượng đại biểu là người đang công tác ở cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính; tăng số lượng đại biểu chuyên trách; bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là nữ, người dân tộc thiểu số, người ngoài Đảng theo đúng quy định của Luật Bầu cử; có tỷ lệ hợp lý đại biểu các tôn giáo, đại biểu tái cử, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, đại biểu xuất thân từ công nhân, nông dân, doanh nhân, đại diện các hiệp hội, nghiệp đoàn và các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Đó không phải là sự tiến bộ hay sao? Vấn đề quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu tham gia bầu cử được xác định đều rất quan trọng nhưng chất lượng được đặt lên hàng đầu.

Chiều 26-4-2016, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã công bố danh sách 870 người (trong đó có 11 người tự ứng cử) chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV ở 184 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XIV. Trong tổng số 870 người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, có 197 người do Trung ương giới thiệu, 673 người do địa phương giới thiệu, đạt 1,74 người ứng cử trên 1 đại biểu được bầu. Cơ cấu chung của cả nước như sau: người ứng cử là nữ: 339 người (38,97%); người ứng cử là người dân tộc thiểu số: 204 người (23,45%); người ứng cử là người ngoài Đảng: 97 người (11,15%). Con số này một lần nữa nói lên sự tiến bộ trong bầu cử ở Việt Nam.

Ngày 22-5-2016, cử tri cả nước đã tham gia bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 với tinh thần hồ hởi, phấn khởi và niềm tin sắt đá vào Đảng, chế độ và nền dân chủ ở Việt Nam. Đó thực sự là ngày hội lớn của dân tộc ta, nhân dân ta trong tiến trình đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đến nay, Cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp, đảm bảo đúng pháp luật, dân chủ, công bằng và trật tự, an toàn xã hội trên phạm vi cả nước. Thành công của Cuộc bầu cử, một mặt khẳng định trình độ dân chủ, tiến bộ của chế độ ta; mặt khác, cũng là bằng chứng cụ thể, bác bỏ mọi mưu đồ kích động, chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.

THƯỜNG VŨ

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.