Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Chủ Nhật, 10/12/2023, 22:10 (GMT+7)
Bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là chủ trương nhất quán của Việt Nam

Kỷ niệm 75 năm Ngày Nhân quyền thế giới - ngày ra đời Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (10/12/1948 - 10/12/2023), Việt Nam chúng ta tự hào là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, nỗ lực bảo đảm và thúc đẩy quyền con người cả trong nước và trên thế giới. Những nỗ lực đó góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước và là minh chứng bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc về vấn đề quyền con người ở Việt Nam.

Tôn trọng, bảo đảm quyền con người là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta; được quy định trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ; được cụ thể hóa trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; được thực hiện tích cực, có trách nhiệm trong quá trình triển khai các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về quyền con người.

Ngay từ bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người đã được khẳng định như một chân lý vĩnh cửu và phổ biến: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”1. Bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta cũng khẳng định: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; Tự do xuất bản; Tự do tổ chức và hội họp; Tự do tín ngưỡng; Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”2. Kể từ đó đến nay, với nhận thức “quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại”3, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người4 cùng nhiều công ước quốc tế khác liên quan đến việc bảo vệ quyền con người và luật nhân đạo quốc tế; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản về lao động. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã nỗ lực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quyền con người nhằm bảo đảm sự tương thích của hệ thống pháp luật quốc gia với các điều ước quốc tế, phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 là đỉnh cao của hoạt động lập hiến về quyền con người khi dành tới 36/120 điều để quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; là cơ sở để điều chỉnh, bổ sung, ban hành các luật, bộ luật trên các lĩnh vực nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền con người và quyền công dân ở Việt Nam ngày càng tốt hơn.

Bên cạnh việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người, với sự nhất quán về chính sách coi “con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển”5, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người cả ở trong nước và trên thế giới. Việt Nam đã đảm nhận thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 và tiếp tục được tín nhiệm giữ vai trò này trong nhiệm kỳ 2023 - 2025. Cần lưu ý rằng, để trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, quốc gia ứng viên phải đạt được những tiến bộ vượt bậc trong hoạt động bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở trong nước; đồng thời, phải có đóng góp, đưa ra nhiều sáng kiến và tích cực hành động thúc đẩy nhân quyền trên toàn cầu. Bởi vậy, việc Việt Nam hai lần trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là minh chứng cho những nỗ lực tích cực, hiệu quả của Đảng và Nhà nước ta trong lĩnh vực quyền con người suốt nhiều năm qua; đồng thời, khẳng định sự coi trọng của bạn bè quốc tế đối với vị thế của Việt Nam trong các hoạt động thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trên phạm vi toàn cầu.

Trên thực tế, kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc (năm 1977) đến nay, Việt Nam đã luôn chứng tỏ là một thành viên có trách nhiệm với công tác bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thông qua việc tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người; đồng thời, đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong lĩnh vực bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở trong nước, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Công cuộc đổi mới được Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo tổ chức thực hiện trong 37 năm qua với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đều hướng vào mục tiêu bảo đảm, bảo vệ các quyền của người dân. Đúng như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no, và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người, đó là điều quan trọng nhất”6. Còn ông Jean Pierre Archambault, nguyên Tổng thư ký Hội Hữu nghị Pháp - Việt thì nhấn mạnh: “Bảo đảm tốt quyền con người là một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam, những kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người của Việt Nam là không thể phủ nhận”7. Ở Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về dân sự, chính trị được bảo đảm, bảo vệ bằng Hiến pháp và pháp luật; đồng thời, được thực hiện minh bạch trong thực tiễn. Theo đó, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; mọi công dân không phân biệt giới tính, tôn giáo, dân tộc, nếu đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Các quyền con người, quyền công dân về kinh tế, xã hội, văn hóa cũng ngày càng được bảo đảm tốt hơn cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Nếu thu nhập bình quân đầu người (GDP) trong những năm đầu đổi mới chỉ đạt khoảng 250 USD/năm, thì đến năm 2022 đã đạt 4.110 USD. Nhờ đó, đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện rõ rệt. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Tiến bộ và công bằng xã hội đạt nhiều kết quả ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 58% (năm 1993) xuống dưới 03% (năm 2020) theo chuẩn nghèo đa chiều, được Liên hợp quốc xếp là một trong những nước đứng đầu thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện, năm 2021 đứng thứ 115/191 quốc gia trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng HDI nhanh nhất thế giới giai đoạn 1990 - 2021. Các vấn đề an sinh xã hội cũng luôn được quan tâm chăm lo, ngay cả lúc nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, hay của đại dịch Covid-19, trở thành một trong những điểm sáng của Việt Nam được quốc tế ghi nhận. Để bảo đảm quyền được sống của người dân trước sự lây lan nhanh chóng của đại dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã coi việc bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người dân là ưu tiên cao nhất trong mọi chính sách, chương trình hành động. Ở một số thời điểm, Chính phủ chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế đất nước để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, bảo đảm an toàn, ổn định xã hội nhằm hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động. Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ “Về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19” đã đến tay 36,5 triệu người dân trên cả nước, 394.000 đơn vị sử dụng lao động và 500.000 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45.600 tỉ đồng8, là một minh chứng cụ thể cho những nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam về bảo đảm quyền con người. Đánh giá sự tiến bộ của Việt Nam trên lĩnh vực này, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn của VOV vào ngày 12/9/2023 về mối quan hệ hợp tác Việt Nam - UNDP trong 45 năm qua (1978 - 2023) và những triển vọng trong thời gian tới đã khẳng định: “Việt Nam là một hình mẫu về giảm nghèo, nhất là trong một khoảng thời gian đặc biệt ngắn. Tôi nghĩ rằng nhiều quốc gia sẽ nhìn vào Việt Nam để học hỏi những bài học đó”.

Cùng với các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa nói trên, Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu trong thực hiện quyền con người, quyền công dân về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được khẳng định tại Hiến pháp năm 2013 và được cụ thể hóa trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ngày càng phong phú; số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng, quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng; nhờ đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ngày càng được đảm bảo tốt hơn. Nếu năm 2003 cả nước có 15 tổ chức, 06 tôn giáo, 17 triệu tín đồ với khoảng 20.000 cơ sở thờ tự, 34.000 chức sắc, 78.000 chức việc; thì đến năm 2022, Nhà nước đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với 26,7 triệu tín đồ, 55.000 chức sắc, 135.000 chức việc, trên 29.000 cơ sở thờ tự, v.v. Nhiều lễ hội lớn trong các tôn giáo được tổ chức, thu hút hàng vạn tín đồ, nhân dân tham dự. Các hoạt động phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, chức việc; các hoạt động thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; sửa đổi hiến chương, điều lệ; đăng ký chương trình hoạt động hàng năm; xây dựng, sửa chữa, chỉnh trang cơ sở thờ tự,... của các tôn giáo cũng được thực hiện thuận lợi theo đúng quy định của pháp luật. Việc in ấn, xuất bản, dịch thuật một khối lượng lớn kinh sách, đồ dùng việc đạo được các tôn giáo đẩy mạnh trong những năm qua. Cả nước có hơn 3.000 đầu ấn phẩm tôn giáo được xuất bản với hơn 10 triệu bản in và hàng triệu đĩa CD, DVD bằng nhiều ngôn ngữ; 12 báo, tạp chí liên quan đến tôn giáo; phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng.

Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tính đến cuối năm 2022, nước ta có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí (trong đó, có 327 tạp chí lý luận chính trị, khoa học và 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Số người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí là 41.000 người, với 19.356 cán bộ đã được cấp thẻ nhà báo9. Cùng với các cơ quan báo chí trong nước, nhiều hãng truyền thông, thông tấn quốc tế đã có mặt tại Việt Nam. Số người dùng internet ở Việt Nam lên đến 72,1 triệu người, chiếm khoảng 73,2% dân số cả nước. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên thế giới và đứng thứ 6 trong 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á. Sự phát triển nhanh chóng của hệ thống báo chí, các cơ quan truyền thông đại chúng, internet và chỉ số trung bình thời gian sử dụng internet của người Việt Nam ở mức cao (khoảng 07 giờ/ngày) là minh chứng cụ thể cho quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân ở Việt Nam luôn được bảo đảm.

Với tư cách là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền, trong nhiệm kỳ 2014 - 2016, Việt Nam đã có nhiều đóng góp, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước nhằm thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng, tiến bộ, hướng tới con người; là đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết, hoặc trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, Việt Nam đã tự nguyện thực hiện 03 lần công bố Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) và tích cực thực hiện hầu hết các khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền sau các kỳ báo cáo; đồng thời, đang tích cực chuẩn bị để hoàn thành đúng hạn nghĩa vụ báo cáo quốc gia chu kỳ IV theo Cơ chế này. Bên cạnh đó, từ tháng 6/2014 đến nay, Việt Nam đã cử hàng trăm lượt sĩ quan, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại hai Phái bộ ở Cộng hòa Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, thể hiện trách nhiệm đối với việc bảo vệ quyền con người trên phạm vi quốc tế. Với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025, Việt Nam đã chứng tỏ ngay vai trò của mình trong lĩnh vực quyền con người trên phạm vi toàn cầu khi hỗ trợ khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau thảm họa động đất diễn ra ngày 06/02/2023. Thêm nữa, việc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 03/4/2023 đồng thuận thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (VDPA) do Việt Nam đề xuất và soạn thảo là dấu ấn nổi bật của Việt Nam ngay trong khóa họp đầu tiên đảm nhận cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Tất cả những nỗ lực đó của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền là minh chứng thuyết phục khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở trong nước, cũng như trên phạm vi thế giới là nhất quán và liên tục. Những nỗ lực đó góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và thúc đẩy bảo vệ quyền con người trên phạm vi toàn cầu; đồng thời, là minh chứng bác bỏ mọi xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

NGUYỄN NGỌC HỒI
_____________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 01.

2 - Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – https://thuvienphapluat.vn/van-ban/.

3 - ĐCSVN – Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”.

4 - Gồm: Công ước về Các quyền dân sự và chính trị (ICCPR); Công ước về Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR); Công ước về Xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW); Công ước về Xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD); Công ước về Quyền trẻ em; Công ước về Quyền của người khuyết tật; Công ước về Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

5 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 47.

6 - Thủ tướng: Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc – https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-nhan-quyen-lon-nhat-o-viet-nam-la-lo-cho-100-trieu-dan-am-no-va-hanh-phuc-909797.vov.

7 - Quyền con người ở Việt Nam được bạn bè quốc tế nhìn nhận tích cực – https://vtc.vn/quyen-con-nguoi-o-viet-nam-duoc-ban-be-quoc-te-nhin-nhan-tich-cuc-ar706671.html.

8 - Xem: https://baochinhphu.vn/ngày 26/12/2022.

9 - Xem: TTXVN/Vietnam+, ngày 26/12/2022.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.