Thứ Sáu, 25/04/2025, 03:30 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Quyền con người là giá trị chung của các dân tộc, là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại. Ở Việt Nam, quyền con người được bảo đảm xuyên suốt từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, chứ không phải do ai ban phát, chia sẻ. Tôn trọng, bảo vệ và phát huy quyền con người là bản chất của chế độ ta. Trên thực tế, Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền con người ở mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội… Đó là điều không thể phủ nhận.
Sau khi Liên hợp quốc (LHQ) được thành lập (24-10-1945), Ủy ban Nhân quyền ra đời và nằm trong Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC). Bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (Universal Declaration of Human Rights - sau đây gọi tắt là Tuyên ngôn) do Ủy ban Nhân quyền tổ chức thực hiện bởi các chuyên gia có uy tín cao, đồng thời là những đại diện của một số quốc gia ở các khu vực trên thế giới. Việc biên soạn Văn kiện này là nhằm thực hiện một trong ba mục tiêu cơ bản của LHQ1. Sau gần 2 năm nghiên cứu, biên soạn, ngày 10-12-1948, Đại hội đồng LHQ đã ra Nghị quyết 217A (III)2 thông qua và ban hành Tuyên ngôn. Từ đó, Văn kiện này được cộng đồng quốc tế xem như một tuyên ngôn chính trị, đồng thời là một cơ sở để xây dựng các công ước quốc tế về quyền con người và pháp luật của các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, hệ tư tưởng và bản sắc văn hóa. Tuyên ngôn bao gồm Lời nói đầu và 30 điều khoản, khẳng định: cộng đồng quốc tế tôn trọng, bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của tất cả mọi thành viên của cộng đồng nhân loại.
Mặc dù còn có những hạn chế bởi điều kiện lịch sử ra đời và những khác biệt về quan điểm chính trị giữa các thành viên trong Ban soạn thảo và lãnh đạo các quốc gia, nhưng những tư tưởng lớn của Tuyên ngôn về: đạo đức, chính trị và pháp lý đã mang lại những giá trị to lớn đối với nhân loại. Về giá trị đạo đức, sự thừa nhận và tôn trọng phẩm giá (nhân phẩm) của tất cả mọi người được xem là giá trị lớn nhất của Tuyên ngôn. Trong Lời nói đầu, Tuyên ngôn ghi: "Việc thừa nhận phẩm giá vốn có và các quyền bình đẳng, bất di, bất dịch của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công bằng và hòa bình trên thế giới”. Đây là bước phát triển lớn lao của tư tưởng nhân loại. Bởi vì, trước đó và cho đến nay vẫn còn không ít người cho rằng con người là một sự “sáng tạo” của một đấng siêu nhiên nào đó! Về giá trị chính trị, không phủ nhận rằng, từ thời điểm LHQ thông qua Tuyên ngôn đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn đang tồn tại những mâu thuẫn, khác biệt về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Trong bối cảnh đó, Tuyên ngôn là công cụ chính trị quan trọng góp phần giải quyết những khác biệt và mâu thuẫn giữa các quốc gia, duy trì sự tồn tại của thế giới như một cộng đồng thống nhất. Đặc biệt, Tuyên ngôn đã trở thành cơ sở đầu tiên và quan trọng nhất để giải quyết những bất đồng về chính trị; thực hiện mục tiêu bảo vệ hòa bình thế giới trên cơ sở tôn trọng nhân quyền. Cùng với đó, Tuyên ngôn còn khẳng định những tư tưởng chính trị quan trọng cả về mặt triết lý và thực tiễn, như: “khát vọng thoát khỏi nỗi sợ hãi vì đói nghèo”; “quyền con người phải được bảo vệ bằng nhà nước pháp quyền”; “Các quốc gia thành viên tự cam kết... thúc đẩy sự tôn trọng và bảo vệ quyền con người”... Về giá trị pháp lý, mặc dù là một tuyên bố chính trị, nhưng Tuyên ngôn vẫn được xem như là luật pháp, tập quán quốc tế và được nhiều quốc gia viện dẫn trong hiến pháp và pháp luật. Dựa trên 30 điều khẳng định trong Tuyên ngôn, năm 1966, LHQ đã soạn thảo và thông qua hai công ước cơ bản: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Tuyên ngôn và hai công ước nêu trên được cộng đồng quốc tế xem là “Bộ Luật Nhân quyền quốc tế”. Sau Tuyên ngôn, LHQ cũng đã có trên 30 công ước chuyên biệt bao quát các mặt của đời sống con người mà cộng đồng quốc tế khẳng định phải bảo vệ đã được soạn thảo, ban hành và đi vào đời sống pháp lý của các quốc gia, dân tộc. Đến nay “Bộ Luật Nhân quyền quốc tế” nói trên được xem là nguồn cơ bản trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật ở các quốc gia. Ý nghĩa pháp lý quan trọng nhất của Tuyên ngôn là trở thành cơ sở chính trị - pháp lý trong việc hình thành tổ chức và các thủ tục giám sát quốc tế trên lĩnh vực quyền con người. Đến nay, cơ chế bảo vệ quyền con người của LHQ và ở hầu hết các châu lục đã hình thành. Ở khu vực châu Á, vấn đề nhân quyền gần đây đã được đưa vào Hiến chương ASEAN. Ngày 18-11-2012, tại cuộc họp thượng đỉnh thường niên tại Cam-pu-chia, mười vị lãnh đạo các nước ASEAN đã ký thông qua bản Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN. Trong Lời nói đầu, Văn kiện này đã khẳng định: Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (năm 1948) là một trong những cơ sở tư tưởng và pháp lý của Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN.
Đối với Việt Nam, cho đến năm 1945, sau hơn 80 năm áp đặt chế độ thống trị, thực dân Pháp vẫn duy trì chế độ phong kiến thối nát; dân tộc ta không có Hiến pháp, không có quyền công dân, quyền con người. Người dân Việt Nam chỉ biết đến khái niệm quyền con người qua sách báo từ "Mẫu quốc". "Thành tựu" nhân quyền mà chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân và phát xít đem lại cho dân tộc Việt Nam là sự kiện hơn 2 triệu người ở Bắc Bộ chết đói vào năm 1945 (chiếm gần 1/10 dân số Việt Nam lúc đó). Đây là bằng chứng về tội ác của chủ nghĩa thực dân cấu kết với phong kiến mà không ai có thể phủ nhận được. Thế là, trên 150 năm, kể từ khi Tuyên ngôn độc lập của Mỹ, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp ra đời, ở các nước thuộc địa, người dân vẫn phải sống kiếp nô lệ. Không phải ngẫu nhiên người ta nghĩ rằng, khái niệm nhân quyền không phải bao giờ cũng được sử dụng với nguyên nghĩa tốt đẹp của nó, mà đằng sau đó, còn chứa đựng những ý đồ chính trị đen tối của các thế lực đế quốc, thực dân và của những kẻ tay sai của chúng. Trên thực tế, trong lịch sử, khái niệm này đến thuộc địa cùng với lưỡi lê và báng súng của các đội quân xâm lược.
Quyền con người là giá trị chung của các dân tộc, là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại. Mỗi dân tộc, bằng hình thức này hay hình thức khác, trong thời kỳ lịch sử này hay thời kỳ lịch sử khác, đều có những đóng góp vào giá trị đó. Dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX đã có những đóng góp lớn lao, mang tính đột phá về tư tưởng nhân quyền. Điều này thể hiện tập trung trong tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Năm 1923, trong bài trả lời phỏng vấn nhà thơ Ô-xip Ma-đen-xtan (Liên Xô), Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) kể lại: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái… Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy… Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài”3. Như vậy, những giá trị tư tưởng nhân quyền (Tự do, Bình đẳng, Bác ái) là một trong những động lực ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc. Vào năm 1919, khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc (1914 - 1918), Nguyễn Ái Quốc đã cùng với những người Việt Nam yêu nước ở Pháp gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị nguyên thủ các nước thắng trận họp ở Véc-xây (Pháp). Văn kiện này đưa ra những yêu sách nhân quyền khiêm tốn, trong khuôn khổ chế độ thuộc địa, nhưng rút cuộc đã bị từ chối. Sau sự kiện đó, Nguyễn Ái Quốc đã rút ra kết luận: những hứa hẹn về tự do, bình đẳng, bác ái và nhân quyền của chủ nghĩa đế quốc đối với các dân tộc bị áp bức chỉ là một thứ “bánh vẽ”, không hơn không kém; muốn có độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân, phải "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Đó là, phải tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến và xây dựng một xã hội mới - xã hội do nhân dân làm chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trên thực tế, ở Việt Nam, quyền con người chỉ ra đời từ khi nhân dân ta giành được độc lập dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, quyền công dân và quyền con người của nhân dân ta đã được trân trọng ghi trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và Hiến pháp năm 1946 (Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam mới). Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng... Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"4. Từ đó đến nay, ở Việt Nam, xuyên suốt các giai đoạn cách mạng, tư tưởng gắn liền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, chế độ xã hội do nhân dân làm chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với các quyền công dân và quyền con người đã đi vào cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp và pháp luật Nhà nước. So với thời điểm ra đời Tuyên ngôn (10-12-1948), các quyền công dân và quyền con người đến với nhân dân dân Việt Nam sớm hơn tới 3 năm (1945). Như vậy, đối với nhân dân ta, quyền công dân và quyền con người là một mục tiêu của cách mạng, là thành quả đấu tranh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chứ không phải do lòng tốt, sự chia sẻ, ban phát, hoặc “khai hóa” của bất cứ ai!
Là chế độ tôn trọng con người, trước khi trở thành thành viên của LHQ (20-9-1977), Việt Nam đã gia nhập nhiều công ước về Luật Nhân đạo quốc tế (về nội dung cũng mang tính nhân quyền), như: Công ước Giơ-ne-vơ về bảo vệ thường dân trong chiến tranh (gia nhập năm 1957); Công ước Giơ-ne-vơ về đối xử với tù nhân trong chiến tranh (gia nhập năm 1957)… Vào năm 1982, Việt Nam cũng đã gia nhập nhiều công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có 2 công ước cơ bản, là: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa5. Các cương lĩnh của Đảng ta đều khẳng định: chế độ ta là chế độ do nhân dân làm chủ; Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân; các quyền và tự do cơ bản của mọi người được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ. Đến nay, cùng với việc tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, Việt Nam đã nội luật hóa những công ước đó trong hệ thống pháp luật quốc gia. Điều 50, Hiến pháp năm 1992 đã trân trọng ghi nhận: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”. Đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam đã tương thích với luật quốc tế về quyền con người; đồng thời, các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa được Nhà nước bảo đảm ngày càng tốt hơn.
Nhằm bảo đảm quyền của người dân đồng thời với yêu cầu phát triển của xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng xây dựng các thể chế quốc gia phù hợp với đặc thù lịch sử, văn hóa dân tộc, đảm bảo nguyên tắc các cơ quan tư pháp hoạt động độc lập; có cơ chế, chính sách để người dân tham gia quản lý đất nước và xã hội. Đồng thời, có nhiều chủ trương, chính sách nhằm không ngừng nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; trong đó, vai trò giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức trên rất được chú trọng phát huy. Đặc biệt, vai trò của Quốc hội ngày càng được nâng cao; trong các kỳ họp, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ phải trả lời chất vấn công khai, được truyền hình trực tiếp những vấn đề cử tri và các đại biểu quan tâm. Quyền làm chủ trực tiếp của người dân được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, được thể hiện trong Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18-02-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, với nhiều yêu cầu, nhất là: quy định quyền của mọi người dân ở cơ sở được thông tin về pháp luật, các chủ trương, chính sách của Nhà nước, trước hết là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống và lợi ích hằng ngày của nhân dân tại cơ sở. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh bảo đảm quyền được biết, được bàn, được kiểm tra và quyết định những vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân ở cơ sở.
Quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Ngoài Luật Báo chí, Nhà nước đã ban hành quy định các cơ quan của Chính phủ có trách nhiệm định kỳ và khi cần cung cấp thông tin cho báo chí. Các cơ quan truyền thông của Việt Nam phát triển nhanh chóng và phát huy tốt vai trò truyền tải thông tin về mọi mặt đời sống xã hội đến nhân dân. Đến nay, cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí với hơn 850 ấn phẩm; 68 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, hơn 80 báo điện tử, hàng nghìn trang tin điện tử và blog… Người dân Việt Nam ngày nay còn được tiếp cận với nhiều hãng thông tấn, báo chí, các kênh truyền hình nước ngoài như Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN… Hội Nhà báo Việt Nam có hơn 17.000 thành viên. Tốc độ phát triển internet ở Việt Nam được xếp hạng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Thực tế cho thấy, báo chí Việt Nam không chỉ thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền, mà còn đóng góp lớn trong việc phát hiện tham nhũng, thoái hóa của cán bộ, công chức; những hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, cơ quan, tổ chức, chính quyền cơ sở… góp phần xây dựng xã hội lành mạnh. Điều đó đã hoàn toàn bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, vu cáo, cho rằng ở Việt Nam không có tự do báo chí!
Quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam là: “thực hiện tốt tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”6… Để bảo đảm hành lang pháp lý cho các hoạt động của cơ quan nhà nước và công dân, nhiều bộ luật, luật sửa đổi và luật mới được ban hành dựa trên các nguyên tắc: tôn trọng con người, quyền con người; phát huy dân chủ XHCN; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm quốc gia với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã nội luật hóa nhiều công ước quốc tế về quyền con người mà mình đã tham gia và soạn thảo nhiều đạo luật, như: Luật Bảo vệ sức khỏe người dân (1989), Luật Giáo dục (1998), Luật Đất đai (2003), Luật Bảo hiểm xã hội (2006), Luật Phòng, chống HIV/AIDS (2006), Luật Phòng, chống tham nhũng (2005), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007), Luật Bình đẳng giới (2011)... Trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chiến lược và chương trình phát triển kinh tế - xã hội được triển khai, mức sống của người dân đã có những thay đổi đáng kể, thu nhập bình quân đầu người năm 1990 khoảng 200 USD, đến năm 2010 đạt khoảng 1.200 USD. Đến nay, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
Nhằm bảo đảm quyền bình đẳng trong việc hưởng thụ thành tựu phát triển, Nhà nước đã có nhiều chương trình kinh tế - xã hội hướng vào nâng cao đời sống của người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Báo cáo của Ủy ban Dân tộc của Quốc hội, thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2 (2006-2010), ngân sách Trung ương đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng, trong đó, các tổ chức quốc tế hỗ trợ 350 triệu đô-la; xây dựng được gần 13.000 công trình hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực; đến hết năm 2010, các huyện đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm, với 73.418 căn nhà (đạt 94,58% kế hoạch). Hiện nay, chương trình nhà ở xã hội của Chính phủ đang được triển khai tích cực ở nhiều địa phương, nhằm trợ giúp cho công nhân, người thu nhập thấp và sinh viên.
Tuy nhiên chúng ta không phủ nhận rằng, hiện nay, Việt Nam đang phải đối diện với sự phân hóa giàu - nghèo có khuynh hướng gia tăng; tình trạng quan liêu, tham nhũng chưa được đẩy lùi; người dân chưa được hưởng đầy đủ các loại hàng hóa, dịch vụ tương xứng với chất lượng và giá cả… Điều này đang thách thức sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước. Mặc dù vậy, ở Việt Nam, những thành tựu đã đạt được về đảm bảo quyền con người là không thể phủ nhận và sẽ được bảo đảm ngày càng tốt hơn.
Giảng viên cao cấp,TS. CAO ĐỨC THÁI
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người,
Học viện CT-HC Quốc gia Hồ Chí Minh
nhân quyền,quyền con người,phát huy quyền con người
“Phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản” - Luận điệu xuyên tạc vô căn cứ 16/04/2025
“Không có gì mới trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng” - luận điệu sai trái cần đấu tranh bác bỏ 13/03/2025
Cảnh giác với những lời kêu gọi thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam 06/03/2025
Thành tựu phát triển của đất nước bác bỏ mọi sự xuyên tạc về vai trò lãnh đạo của Đảng 28/02/2025
Làm phá sản mọi chiêu trò chống phá công tác nhân sự đại hội của Đảng 17/02/2025
Bác bỏ mọi xuyên tạc về quyền của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam 13/02/2025
Không thể xuyên tạc, phủ nhận vai trò của các cơ quan dân cử ở nước ta 22/01/2025
Không thể xuyên tạc, phủ nhận công tác phòng, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước 20/01/2025
Bác bỏ luận điệu phủ nhận vai trò của công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại 16/01/2025
Kiên quyết đấu tranh phản bác luận điệu tuyệt đối hóa vũ khí công nghệ cao, phủ nhận đường lối quốc phòng toàn dân của Đảng 10/01/2025
“Phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản” - Luận điệu xuyên tạc vô căn cứ