Thứ Bảy, 23/11/2024, 08:55 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Khi việc công khai phủ nhận bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh dần đuối lý và tỏ ra kém hiệu quả, thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại sử dụng một chiêu trò khác để chống phá cách mạng Việt Nam, đó là: dựa trên một số sự kiện lịch sử để đưa ra những xuyên tạc nhằm chứng minh rằng, “thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc”. Mục đích sâu xa của chúng là làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác – Lênin để phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Đây là luận điệu phi lý, cần kiên quyết bác bỏ.
Từ sự thừa nhận không thể phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta bằng cách điên cuồng phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh khi hệ thống tư tưởng, lý luận này đang ngày càng đúng với những diễn biến của thời đại, các thế lực chống phá lại dở nhiều chiêu trò khác. Một trong những thủ đoạn gần đây mà chúng thường sử dụng là đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin; chúng dựa vào những sự kiện lịch sử rồi dùng thủ thuật quen thuộc là “đánh lộn sòng đen trắng” để hướng lái dư luận, rằng: tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là chủ nghĩa dân tộc. Chẳng hạn như: vin vào sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Liên xô để gặp gỡ I.V. Stalin - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên xô và cuộc nói chuyện giữa hai vị lãnh tụ vĩ đại này vào cuối năm 1952 để đưa ra luận điệu rằng: “I.V. Stalin cáo buộc Hồ Chí Minh là người đi theo chủ nghĩa dân tộc”; trắng trợn hơn, họ dựa vào sự kiện Quốc tế III chỉ thị đồng chí Nguyễn Ái Quốc về tại Cửu Long, Trung Quốc để hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, nhưng kết quả của Hội nghị là Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930) để rêu rao rằng: “Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930) đã chứng minh rằng tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là chủ nghĩa dân tộc”. Tinh vi hơn, họ còn “giả vờ” công nhận công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam để hạ thấp, kích động tư tưởng bài trừ chủ nghĩa Mác - Lênin, cho rằng việc Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động là không phù hợp, bởi vì đây là hai hệ tư tưởng hoàn toàn đối lập nhau, v.v. Tuy nhiên, thực tế lịch sử lại chứng minh điều ngược lại, trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Và tư tưởng của Người “là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”1; hoàn toàn không thể, không phải là biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc như luận điệu xuyên tạc của các thế lực chống phá.
Thứ nhất, động lực thôi thúc người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước và đến với chủ nghĩa Mác - Lênin là chủ nghĩa yêu nước chứ không phải là chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước (hay chủ nghĩa ái quốc, lòng yêu nước, tinh thần yêu nước) là cảm xúc, tình cảm, tinh thần yêu thương, tích cực đối với quê hương, đất nước. Trong khi đó, “Chủ nghĩa dân tộc là tâm lý, hệ tư tưởng, thế giới quan và chính sách thích những dân tộc này hơn những dân tộc khác, tán dương dân tộc mình, gây căm thù dân tộc và thù hằn chủng tộc”2. Sự khác biệt cơ bản giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc thể hiện ở chỗ: người yêu nước tự hào về đất nước của mình vì những gì nó xứng đáng, còn người theo chủ nghĩa dân tộc tự hào về đất nước của mình bất kể thứ gì (kể cả việc gây tội ác với dân tộc khác), tức là sự tự hào một cách mù quáng và cực đoan. Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” đăng trên Báo Nhân dân (ngày 22/4/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”3. Từ lòng yêu nước, thương nòi, Người đã yêu thương, đồng cảm với các dân tộc cùng cảnh ngộ, những lớp người dân lao động lầm than ở các nước chính quốc; đó là động lực để Người tìm đường cứu nước và đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và hiện thực hóa lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc, giai cấp, nhân loại. Trả lời phóng viên của Tạp chí Thanh Niên (Canada, tháng 12/1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nói rằng lúc còn thanh niên, tôi theo “chủ nghĩa dân tộc”, có lẽ không đúng. Vì hồi đó tôi chỉ biết thương đồng bào tôi, chứ chưa biết “chủ nghĩa” gì cả. Khi đi sang châu Phi, tôi thấy nhân dân thuộc địa ở đây cũng cực khổ, cũng bị áp bức, bóc lột như nhân dân Đông Dương. Khi sang các nước châu Âu, tôi thấy ở đó cũng có một số người rất giàu, “ngồi mát ăn bát vàng”, và lớp người nhân dân lao động rất nghèo khổ. Tôi suy nghĩ nhiều lắm. Trong lúc đó thì Cách mạng Tháng Mười vĩ đại thành công ở Nga. Lênin tổ chức Quốc tế Cộng sản. Rồi Lênin phát biểu Luận cương cách mạng thuộc địa. Những việc đó làm cho tôi thấy rằng: Nhân dân lao động Đông Dương, nhân dân các thuộc địa và nhân dân lao động muốn tự giải phóng thì phải đoàn kết lại và làm cách mạng. Vì vậy, tôi trở nên người theo Chủ nghĩa Mác - Lênin”4. Như vậy, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh là cả một chặng đường dài, vượt qua những chông gai thử thách, Người đã đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng rõ ràng, động lực chính là lòng yêu nước, thương dân, chứ không phải vì chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, hay chủ nghĩa dân tộc cực đoan như các thế lực phản động đang rêu rao.
Thứ hai, Hồ Chí Minh luôn đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân trong tiếp cận, giải quyết vấn đề dân tộc; là người luôn đấu tranh chống lại những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc, không chấp nhận chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa Sô vanh trong phong trào Cộng sản quốc tế. Xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc luôn gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Vấn đề dân tộc được Người tiếp cận và giải quyết như động lực để thúc đẩy sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và là tiền đề cho cách mạng vô sản trên toàn thế giới; lý tưởng giải phóng dân tộc không thể tách rời với mục tiêu giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại. Trong thực tiễn hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh cũng luôn đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, Sô vanh nước lớn. Tại Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân các nước xã hội chủ nghĩa họp ở Mátxcơva từ ngày 14 đến 16/11/1957, chính Hồ Chí Minh là người kiên quyết nhất trong đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc tư sản. Người đã tán thành bản Tuyên bố chung của Hội nghị và nhấn mạnh thêm: “Bản Tuyên bố nhắc nhở chúng ta cần phải tăng cường giáo dục theo tinh thần chủ nghĩa Mác - Lênin và đấu tranh chống những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa như chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa sô vanh, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại, đặc biệt là chủ nghĩa xét lại”5. Chính vì vậy, cho rằng “Thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc” là một luận điệu “đánh lộn sòng đen trắng” cố tình lấp liếm, bỏ qua lập trường, quan điểm giai cấp công nhân của Hồ Chí Minh trong nhận thức và giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam, phủ nhận vấn đề độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong tư tưởng của Người.
Thứ ba, Hồ Chí Minh là một trong những người tiên phong bảo vệ và phát triển tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc trong mối quan hệ với nhân loại, vì mục tiêu chung là công bằng, tiến bộ và hòa bình. Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa quan điểm về vai trò của quần chúng nhân dân là người sáng tạo chân chính ra lịch sử, và khẩu hiệu hành động: “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!”, Hồ Chí Minh thấy rõ sự cần thiết và con đường tập hợp, đoàn kết các lực lượng của từng dân tộc và trên thế giới để sự nghiệp giải phóng dân tộc giành thắng lợi hoàn toàn, Người kêu gọi: “Lao động tất cả các nước đoàn kết lại!”. Đồng thời, Người khẳng định: “Cuộc đấu tranh cách mạng của công nhân các nước tư bản trực tiếp giúp cho các dân tộc bị áp bức tự giải phóng mình, vì cuộc đấu tranh đó đánh thẳng vào trái tim của bọn áp bức;... Trong khi đó, cuộc đấu tranh cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa lại trực tiếp giúp đỡ giai cấp vô sản các nước tư bản trong cuộc đấu tranh chống các giai cấp thống trị để tự giải phóng khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa tư bản. Sự nhất trí của cuộc đấu tranh chống đế quốc bảo đảm thắng lợi cho các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa và cho giai cấp vô sản ở các nước tư bản”6. Đây không chỉ là một cống hiến rất quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận Mác - Lênin, mà còn cho thấy, Người luôn giải quyết hài hòa, đặt quyền lợi của dân tộc trong mối liên hệ với nhân loại, với giai cấp, với các dân tộc bị áp bức vì mục tiêu chung là xây dựng thế giới hòa bình, tiến bộ, phát triển. Tư tưởng đó đã vượt lên trên “chủ nghĩa dân tộc”, nó hoàn toàn trái ngược với mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta, với mưu đồ chính trị đi ngược lại lợi ích quốc gia - dân tộc.
Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh có mối quan hệ biện chứng không thể tách rời, là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng, “mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”7. Đó là tất yếu khách quan, sự lựa chọn của lịch sử mà không luận điệu, thế lực nào có thể xuyên tạc, phủ nhận. Luận điệu “Thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc” là vô căn cứ, thủ đoạn xảo trá, thấp hèn, dù có tô vẽ thế nào cũng không thể che mờ chân lý.
Đại tá NGUYỄN CÔNG KHƯƠNG - Thiếu tá NGUYỄN ĐỨC CƯƠNG, Trường Quân sự Quân khu 5 ___________________
1 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 51, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 149.
2 - A.M. Ru-mi-an-txép – Từ điển Chủ nghĩa cộng sản khoa học, Nxb Tiến Bộ, M. 1986, tr. 106.
3 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 563.
4 - Sđd, Tập 14, tr. 699 - 700.
5 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 189 - 190.
6 - Sđd, Tập 8, tr. 567.
7 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 51, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 149.
Tư tưởng Hồ Chí Minh,nền tảng tư tưởng của Đảng,bác bỏ luận điệu,chủ nghĩa dân tộc,
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm