Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 08/12/2014, 21:33 (GMT+7)
Ảo tưởng ngông cuồng về sự “chuyển đổi” của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị

Đã trở thành “điệp khúc” nhàm, cứ mỗi khi Đảng ta chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng nhiệm kỳ thì các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị lại dấy lên chiến dịch chống phá bằng những hình thức đa dạng, thủ đoạn thâm độc hòng tạo sự “chuyển đổi” chế độ chính trị ở nước ta. Nhưng thực tiễn đã minh chứng đó chỉ là ảo tưởng trong vô vọng, không có cơ sở cho điều đó.

Hẳn mọi người còn nhớ, các kỳ đại hội Đảng trước đây, gần nhất là Đại hội IX, X, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị đã ra rả “bài ca” chống phá Đảng ta như thế nào. Rằng: “Đây là Đại hội cuối cùng của Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam”. Và rằng: “ĐCS chỉ có thể lãnh đạo đất nước trong chiến tranh, không đủ khả năng lãnh đạo trong hòa bình”; “vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước và dân tộc đã kết thúc”, v.v và v.v. Nhưng thực tế thì sao? Mọi người đều đã thấy. Lần này cũng vậy, vẫn các “điệp khúc” đo. Dịp gần đây, khi Đảng ta bắt đầu có những bước chuẩn bị để tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, trên in-tơ-nét, các đài phương Tây, như: VOA, BBC, RFI lại xuất hiện ngày càng nhiều những bài viết, phát biểu, “kiến nghị”, “thư ngỏ”, v.v. Kẻ thì công kích với thái độ hằn học ra mặt, người thì “mềm mỏng” tỏ ra “chân thành” góp ý mang tính “xây dựng”. Nhưng thực chất thì sao? Tựu chung đều với mục đích chống Đảng, chống chế độ thông qua đại hội Đảng các cấp. Ngày 14-8-2014, trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), một nhân vật “nổi tiếng”, lưu vong ở Pháp lại phát đi thứ “nọc độc” qua bài viết sặc mùi phản động với cái gọi là: “Phải làm gì nữa?”. Trong đó, ông ta đã cao giọng phán một các  bừa bãi, rằng: công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã “thất bại”, “đất nước đang lâm nguy”! Rồi lớn tiếng kêu gọi phải “thức tỉnh nhân dân Việt Nam nhận thấy rõ đất nước đang lâm nguy...”, và gợi mở: “Phải làm gì khi thời cơ lịch sử đến?”. Họ kích động nhân dân trong nước phải làm “cuộc thay đổi hoành tráng mà ôn hoà, sâu sắc, không đổ máu”. Và rằng: thời cơ “đã hoàn toàn chín muồi” để làm việc đó! Đúng là những luận điều nặng mùi phản động, dối trá. Đáng chú ý là, như “chết đuối vớ được cọc”, những người này lợi dụng “thư ngỏ” của những người gọi là “đảng viên kỳ cựu, trí thức xuất sắc” để tán dương, trích dẫn, rằng: “Đường lối chính sách của Đảng và nạn tham nhũng đã đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng tụt hậu so với các nước xung quanh”. Từ đó, yêu cầu ĐCS Việt Nam “phải thay đổi Cương lĩnh và từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng CNXH, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hoà”. Tuy giọng điệu, ngôn từ có khác nhau, nhưng cả kẻ phản động, cơ hội và những người mới “trở cờ” đều có “ý chí” và “nguyện vọng” giống nhau, đều coi đây là cơ hội, thậm chí là “thời cơ hoàn toàn chín muồi” để “chuyển đổi” chế độ chính trị ở Việt Nam.

Cơ hội cho sự “chuyển đổi” ư? Thật nực cười!  Mọi người Việt Nam, cả ở trong nước và nước ngoài đều hiểu rất rõ rằng không có sự “chuyển đổi” nào cả và không ai muốn như vậy. Bởi ĐCS Việt Nam đã và đang thực hiện rất tốt sứ mệnh của mình. Những “nhận định” về cái gọi là “cơ hội” đó chẳng qua chỉ là sự ảo tưởng, chỉ là thứ hão huyền không hơn của những kẻ thù địch, cơ hội. Luận điệu đầy sự hằn học đó hoàn toàn không có cơ sở khoa học, không đúng với tình hình thực tế Việt Nam và cũng không phải là mong muốn, sự lựa chọn của nhân dân Việt Nam.

Một sự thực hiển nhiên là, công cuộc đổi mới gần 30 năm nay do ĐCS Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã thu được “những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử”. Thế nhưng, những phần tử trên cố tình nhắm mắt làm ngơ, đi ngược lại xu thế phát triển của đất nước, tuyên truyền là “thất bại” đến mức “đất nước đang lâm nguy”, “đang khủng hoảng toàn diện” (!) Đó là sự xuyên tạc, bóp méo, bôi đen hoàn toàn về thực trạng tình hình Việt Nam. Khỏi phải nhắc lại thành tựu trên mọi lĩnh vực của sự nghiệp đổi mới, nhưng có thể khẳng định rằng: chưa bao giờ thế và lực của cách mạng Việt Nam lại lớn mạnh như hiện nay. Chưa bao giờ đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Việt Nam lại được Đảng và Nhà nước chăm lo chu đáo bằng mọi khả năng, điều kiện có thể của đất nước như hiện nay. Và cũng chưa khi nào, uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cao như hiện nay.

Đó là sự thật mà bất cứ người Việt Nam bình thường nào cũng cảm nhận được. Dư luận quốc tế đã thừa nhận và ngợi ca: Việt Nam là điển hình xóa đói giảm nghèo và thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc; là nước có nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển không ngừng; đang là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho khách du lịch và các nhà đầu tư quốc tế, v.v. Trong điều kiện thế giới vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế từ năm 2008 đến nay, nhiều nước lâm vào tình trạng suy thoái kinh tế, khủng hoảng chính trị, xã hội nghiêm trọng, mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ khoảng 2% - 3%/năm, thì Việt Nam tuy tăng trưởng có chậm lại, nhưng vẫn ở nhóm nước có mức tăng trưởng kinh tế cao (từ 5% - 6%/năm). Năm 2014, GDP ước đạt 5,8%, năm 2015 dự báo đạt 6,2%.

Trong cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên lề Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) tại My-an-ma, ngày 12-11-2014, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma cho rằng “nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam là minh chứng cho sức mạnh của nhân dân và chính sách cải cách của chính phủ”. Mới đây, báo Huffington Post của Ca-na-đa đăng bài viết về Việt Nam của tác giả Danil D.Veniez, có đoạn: “Ngày nay, Việt Nam đang dần dần leo lên thang xếp hạng của nhiều chỉ số khác trên thế giới. Việt Nam đứng thứ 75 trong số 142 quốc gia về Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế quốc tế. Mặc dù nỗi đau (vết thương chiến tranh) của Việt Nam vẫn dai dẳng và gánh nặng vẫn còn trên vai các nhà lãnh đạo chính trị. Nhưng đối với những khách nước ngoài vẫn thường đến thăm Việt Nam nhiều lần như tôi, có thể dễ dàng nhận ra những chuyển biến rất nhanh và tích cực”. Tác giả bài báo cũng nhấn mạnh “chuyển biến nhanh và tích cực” của Việt Nam trong nhiều năm qua đã “diễn ra trong hòa bình, ổn định chính trị”, và “ổn định chính trị là điều đặc biệt quan trọng đối với bất cứ quốc gia đang phát triển nào có tham vọng trở thành nước phát triển”.  Một nhà báo nước ngoài ở cách xa Việt Nam hàng vạn dặm, nhiều lần sang Việt Nam, có cái nhìn khách quan, thấy được những “chuyển biến nhanh và tích cực trong hòa bình, ổn định chính trị ở Việt Nam”. Vậy mà những kẻ thù địch, phần tử phản động, cơ hội và đáng buồn là một số người tự cho mình là “kỳ cựu”, “lão thành”, “có tâm” với đất nước lại có cách nhìn méo mó, bi quan về thực trạng tình hình kinh tế, xã hội, rồi đưa ra những “phán xét”, yêu cầu hết sức phi lý, gây mất ổn định chính trị ở Việt Nam. Thiết nghĩ, cần phải nhắc một lần nữa rằng: không và không bao giờ có cái gọi là “cơ hội” cho sự “chuyển đổi” thể chế chính trị ở Việt Nam. Đó thực chất là ảo tưởng cuồng tín của thế lực thù địch và những phần tử cơ hội, phản động.

ĐCS Việt Nam - một chính đảng cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện, lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, đã lãnh đạo nhân dân và dân tộc Việt Nam giành những thắng lợi vĩ đại từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, giành độc lập, thống nhất non sông, đưa cả nước tiến lên CNXH. Ngày nay, chính đảng đó tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta giành những “thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử” trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế nhưng, vẫn có người đòi hỏi ĐCS Việt Nam phải “thay đổi cương lĩnh”, “từ bỏ đường lối xây dựng CNXH” để “chuyển hẳn” sang chế độ “đa nguyên, đa đảng” kiểu phương Tây!  Như vậy, chẳng khác gì tiếp tay cho các thế lực thù địch thực hiện “chiến thắng không cần chiến tranh” trong chiến lược “Diễn biến hoà bình” của chúng. Mang danh đảng viên “kỳ cựu”, “lão thành”, nhưng lại đòi hỏi như thế, tức là các vị đã phủ định Đảng, cũng là tự phủ định chính mình,  phủ định lời thề nguyện suốt đời trung thành. Vậy, không hổ thẹn sao?

Vì sự ổn định chính trị và phát triển đất nước, Đảng, Chính phủ và nhân dân ta không cho phép các thế lực thù địch, bất kỳ ai hay bằng những lời nói, hành động của mình gây mất ổn định chính trị, tạo “cơ hội” để “chuyển đổi” sang chế độ dân chủ, “đa nguyên, đa đảng” kiểu phương Tây. Chúng ta không phê phán, bài xích các nước thực hiện thể chế “đa đảng”, nhưng chúng ta không vận dụng bởi lẽ đơn giản nó không phù hợp với đời sống chính trị, thực tiễn của nước ta, không phù hợp với nguyện vọng của đông đảo nhân dân ta. Thực tế ở nước ta cũng như trên thế giới cho thấy rằng, chế độ một đảng cầm quyền không phải là độc tài, “toàn trị”; cũng không phải cứ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới có dân chủ, mới là tốt đẹp. Vấn đề là bản chất của đảng cầm quyền ra sao. Những cuộc khủng hoảng, bất ổn chính trị ở một số nước vừa qua là minh chứng rõ ràng về điều đó. Lựa chọn đảng nào cầm quyền, thể chế chính trị nào cho phù hợp và mang lại lợi ích cho nhân dân, cho đất nước, đó là quyền tự quyết của mỗi dân tộc. ĐCS Việt Nam, chế độ XHCN là sự lựa chọn của lịch sử, của dân tộc và nhân dân Việt Nam, điều này đã được chứng minh trong thực tiễn và được ghi nhận trong Hiến pháp của nước ta.

Nhìn sự vật chỉ với cặp kính màu đen, thiếu thực tiễn, khách quan, lại ủ sẵn sự thâm thù, chắc chắn sẽ không thể thấy đúng, thấy hết và càng không thể thấy được bản chất của nó. Chúng ta biết rằng, đất nước ta, chế độ XHCN mà chúng ta xây dựng đang trên đường tiến tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, bên cạnh những điều tốt đẹp, những thành tựu to lớn là cơ bản, cũng còn những hạn chế, khó khăn, thách thức. Đảng và Nhà nước ta không né tránh, thẳng thắn thừa nhận và đã, đang ra sức khắc phục. Đó là bản chất của ĐCS Việt Nam và cũng vì thế mà Đảng được nhân dân ta gửi trọn niềm tin lãnh đạo đất nước, “lãnh đạo nhà nước và xã hội” theo hiến định của Hiến pháp năm 2013.

Còn hơn một năm nữa Đảng ta tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Từ nay đến ngày đó, các thế lực thù địch, phản động sẽ gia tăng chống phá ngày càng quyết liệt hơn, bằng những thủ đoạn, chiêu thức thâm độc, hòng thay đổi thể chế chính trị ở nước ta. Chúng ta không bất ngờ, cũng không lạ điều đó và tin chắc chắn rằng: họ thất bại thảm hại, như đã từng thất bại.

TRUNG HIẾU

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.