Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 04/08/2011, 01:35 (GMT+7)
Ảo tưởng của những kẻ cố tình phá hoại công cuộc đổi mới ở Việt Nam

 

Đã thành lệ, cứ mỗi khi dân tộc ta đứng trước những bước ngoặt lịch sử, trước những sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, thì các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước lại đẩy mạnh chiến lược "Diễn biến hòa bình", với những thủ đoạn tinh vi, thâm độc hơn để chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Đồng thời, chúng cũng tự huyễn hoặc, nuôi ảo tưởng vào khả năng chuyển hóa con đường xây dựng CNXH của nhân dân ta sang con đường TBCN.


Thành phố Hà Tĩnh trong công cuộc đổi mới (Nguồn: dhtn.hatinh.gov.vn)

Trong dịp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 1- 2011), các thế lực thù địch đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, mưu toan làm thay đổi đường lối chính trị, kinh tế, đối ngoại; nhân sự cấp cao của Đảng ta. Có kẻ thì đóng vai "nhà khoa học tâm huyết", "nhà báo" để "tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân" vào các Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng. Trắng trợn hơn, có kẻ còn mạo danh các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng (như vụ mạo danh đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp) để gửi thư "đóng góp ý kiến cho Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương". Một trong những thủ đoạn mới của chúng là lợi dụng thành quả đổi mới để chống lại công cuộc đổi mới của nước ta. Họ phân tích một cách trơ trẽn rằng, sự kiên trì chủ nghĩa Mác - Lê-nin của Đảng ta là từ bỏ công cuộc đổi mới. Rằng, “trước đây Đảng đã đề ra đường lối đổi mới, nhưng bây giờ Đảng đã không còn đổi mới nữa, Đảng đang đi vào ngõ cụt”… Về mặt chính trị, họ tuyên truyền rằng, đường lối của Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam dựa trên chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là thứ “lý luận đã lỗi thời”. Về nhân sự thì chẳng có gì mới, “vẫn những gương mặt đó”… Đặc biệt, khi có sự biến động chính trị xảy ra ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi (đầu năm 2011), chúng tung dư luận rằng: Việt Nam đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, sắp có "cách mạng Hoa Sen” ở Việt Nam. 

Lợi dụng bầu không khí dân chủ cởi mở và chủ trương sửa đổi Hiến pháp 1992 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tạo cơ sở cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, chúng đòi “Việt Nam phải thực hiện ngay tam quyền phân lập (TQPL)”, với lý lẽ: TQPL là nền tảng của chế độ cộng hòa. Họ lập luận rằng: “Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam - mới là Hiến pháp theo tư tưởng pháp quyền (ý nói theo TQPL), các Hiến pháp tiếp sau (kể cả Hiến pháp 1992) đã xa rời tư tưởng đó”. Họ nhấn mạnh: “chỉ có TQPL mới chống được sự độc quyền, quan liêu, tham nhũng”… Và rằng, chế độ “độc đảng” không thể có TQPL; “Muốn có TQPL thì phải xóa bỏ Điều 4, Hiến pháp 1992 về vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam”. Có kẻ còn yêu cầu: thực hiện “trưng cầu dân ý về vai trò cầm quyền của ĐCS Việt Nam với sự giám sát của Liên hợp quốc”… Về đường lối kinh tế, chúng “kiến nghị” xóa bỏ “thành phần kinh tế Nhà nước”, xóa bỏ khái niệm “định hướng XHCN”, vì rằng đó là một khái niệm “mù mờ rất sai trái”.

Ai cũng biết, Đảng ta lựa chọn chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng, như Đại hội XI của Đảng đã khẳng định, không phải dựa trên tư duy giáo điều, mà dựa trên tinh thần cách mạng sáng tạo; dựa trên phân tích kinh nghiệm lịch sử của hệ thống XHCN thế giới và dựa trên kinh nghiệm của chính Việt Nam. Đi theo con đường của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, dưới sự lãnh đạo của ĐCS Việt Nam, dân tộc ta đã giành được độc lập, xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chế độ ta dù còn có nhiều khiếm khuyết nhưng đó vẫn là chế độ do nhân dân làm chủ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta trong các cuộc kháng chiến anh hùng, nhân dân ta đã đánh bại chiến tranh xâm lược của các đế quốc hung hãn và hùng mạnh nhất thế giới, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên CNXH. Từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX, Đảng ta đã phát hiện sai lầm trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, nên đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế, đưa đất nước tiếp tục vững bước tiến lên trên con đường của CNXH. Đến nay, công cuộc đổi mới đất nước đã thu được những thành quả to lớn, làm thay đổi căn bản đời sống xã hội, được nhân dân ghi nhận, bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Chúng ta không phủ nhận rằng, những người kế thừa chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã có lúc phạm sai lầm nghiêm trọng về nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn. Đó là, sau khi tiến hành cách mạng, giành và giữ chính quyền bằng các biện pháp bạo lực, lẽ ra, các ĐCS có thể chuyển sang công tác tổ chức và xây dựng đất nước dựa trên nguyên tắc hòa hợp dân tộc, dân chủ, bình đẳng xã hội, phát triển kinh tế thị trường theo con đường XHCN (như thời kỳ Chính sách kinh tế mới của V.I. Lê - nin). Song, ở các nước XHCN, các ĐCS đã duy trì quá giới hạn lịch sử - chính trị mô hình CNXH dựa trên sự phủ nhận kinh tế thị trường… Tất cả những điều đó đã dẫn đến tình trạng xã hội trì trệ, trong Đảng diễn ra sự thoái hóa về chính trị - tư tưởng, đạo đức … Đây là một trong các nguyên nhân cơ bản dẫn đến sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu. 

Ở Việt Nam, trong Cương lĩnh xây dung đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã phác ra những nét cơ bản cho con đường phát triển đất nước trong giai đoạn mới; trong đó, mô hình xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng đã có bổ sung nhiều điểm mới so với trước. Đó là: một xã hội "dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao…; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do ĐCS lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”1.

Về quan hệ quốc tế, các thế lực thù địch vu cáo Đảng ta đang thực hiện đường lối chính trị “nhất biên đảo”, nghĩa là dựa hẳn vào Trung Quốc do có chung chế độ chính trị… Thậm chí có kẻ còn vu cáo trắng trợn rằng, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta là “tay sai cho Trung Quốc”. Họ phủ nhận đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ,... đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, ... hội nhập quốc tế”2 của Đảng ta. Họ kêu gọi Việt Nam “hãy đồng hành quân sự với Hoa Kỳ”; rằng, đây “là mệnh lệnh của thời đại”. Gần đây, nhân sự kiện tầu Hải giám và tầu Ngư chính của Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tầu Bình Minh 02 và cản trở tầu Viking II (do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thuê của nước ngoài) đang hoạt động bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, chúng lại đưa ra “sáng kiến” tìm cách để có được “một cam kết chặt chẽ, trung thành với đồng minh… có tiềm lực như Mỹ, Nhật, Đức, Anh… để làm đối trọng với Trung Quốc". Theo họ, muốn có được cam kết đó, Việt Nam phải “thực hiện cải cách chính trị, thay đổi thể chế, chuyển đổi tư tưởng… thì mới hy vọng tranh thủ được sự hậu thuẫn” của các cường quốc! Nói cách khác, theo lập luận của họ thì Việt Nam phải đổi độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, chế độ xã hội để lấy cam kết của các "đại gia" nhằm bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của mình!

Yêu nước là quyền lợi và nghĩa vụ thiêng liêng của mọi người dân Việt Nam. Hơn bao giờ hết, mọi sáng kiến, mọi việc làm của bất cứ ai, làm gì, ở đâu vì độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc phải được trân trọng, khuyến khích. Vấn đề là những sáng kiến đó có đem lại hiệu quả không? Nó đã được kinh nghiệm lịch sử và thực tiễn kiểm chứng như thế nào? Ai cũng biết trong lịch sử, Việt Nam không chỉ bị xâm lăng mà còn bị chia cắt, thậm chí còn bị loại ra khỏi bản đồ thế giới. Những tài liệu lịch sử đã công bố cho thấy, trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc trong thế kỷ XX, nhiều nước lớn đã từng “mua bán” với nhau trên lưng chúng ta. Họ đã từng đặt ra nhiều điều kiện với Việt Nam cho sự viện trợ của mình. Họ cũng đã từng đưa ra những phương án nhằm hạn chế thắng lợi của chúng ta trong các hội nghị quốc tế... Tất nhiên, họ không chỉ đối xử với Việt Nam, mà cũng đối xử với nhiều quốc gia khác như thế. Phải chăng, đó là “căn bệnh mãn tính” của các nước lớn?. Nếu như không có sự tỉnh táo, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thì chắc rằng nhân dân ta khó có thể giữ vững được độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia; dân tộc ta khó có thể thống nhất được đất nước như ngày nay. Lịch sử của nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng đã xác nhận kinh nghiệm này.

Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng là, tinh thần yêu nước của mọi người cần phải được khơi dậy, phát huy như thế nào để tạo thành sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ai cũng biết, nếu nỗ lực của mỗi người, mỗi tổ chức theo những “véc tơ” trái chiều thì chỉ có thể dẫn đến triệt tiêu các nguồn lực. Những việc làm đó cho dù có ý thức hay không có ý thức đều có thể dẫn đến làm suy yếu vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam, của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, sẽ chỉ làm tăng thêm nguy cơ đối với độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam mà thôi!

Vậy làm thế nào để duy trì được hòa bình, bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc? Câu trả lời chung nhất nằm ở những kinh nghiệm lịch sử của ông cha ta; ở kinh nghiệm của các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược trong thế kỷ XX của đất nước. Và, đương nhiên nằm ở sự phân tích các yếu tố khách quan, chủ quan, nhằm phát huy tối đa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của thời đại cũng như tối ưu hóa sự kết hợp các nhân tố đó để đề ra chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Trước hết, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định là lợi ích tối thượng, mục tiêu chiến lược hàng đầu của đất nước. Đối với dân tộc ta, yêu chuộng hòa bình là một giá trị đặc biệt. Đó không chỉ là truyền thống, triết lý, khát vọng  của dân tộc, điều kiện để xây dựng đất nước, mà còn là bản chất của chế độ xã hội, là đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Trên một nửa thế kỷ qua, kể từ khi nhân dân ta giành được độc lập cho đến nay (1945 - 2011), chưa bao giờ Nhà nước ta phát động chiến tranh, cho dù đó là chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Các cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX đều do các thế lực ngoại xâm gây sức ép, khởi sự và chúng ta buộc phải đứng lên cầm súng khi tất cả các giải pháp phi vũ trang, duy trì hòa bình không còn nữa. Trong "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến", ngày 19-12- 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới… Không! chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”… "Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước…”3. Bởi vậy, ngày nay chúng ta phải làm mọi cách để duy trì hòa bình vẫn là phương sách tối ưu.

  Thứ hai, phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Trong vấn đề này Việt Nam đã có những bài học đắt giá.

  Thứ ba, chỉ có trên cơ sở giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia; nâng cao sức mạnh của đất nước (sức mạnh của ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh tinh thần và sức mạnh vật chất), chúng ta mới có thể tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế. Không một dân tộc nào, cho dù nhỏ bé đến đâu lại từ bỏ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, chế độ xã hội để đổi lấy hòa bình và sự toàn vẹn lãnh thổ.

Thứ tư, chúng ta cần bình tĩnh, sáng suốt, không mắc mưu khiêu khích của các thế lực thù địch. Tất nhiên cả sự hèn nhát, cũng như sự liều lĩnh đều không phải là giải pháp để có được hòa bình và sự toàn vẹn đất nước. Trong trường hợp không còn con đường nào khác, buộc phải tiến hành chiến tranh tự vệ thì dân tộc ta phải chiến đấu với tinh thần “phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước", "Không có gì quý hơn độc lập tự do”, để bảo vệ không gian sinh tồn của dân tộc. 

Lịch sử cách mạng Việt Nam hơn một nửa thế kỷ qua cho thấy, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước và hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu trước sau như một của ĐCS và nhân dân Việt Nam. Có thể nói, trong những bước ngoặt lịch sử, những người Cộng sản Việt Nam luôn có đủ bản lĩnh đề ra đường lối chính trị, chiến lược và sách lược cách mạng đúng đắn để đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tình hình hiện nay hòng phá hoại niềm tin của nhân dân ta với Đảng, Nhà nước và  chế độ XHCN, từng bước chuyển hóa xã hội ta sang con đường TBCN, lệ thuộc vào nước ngoài chỉ là một ảo tưởng không hơn không kém.

THÀNH TRUNG

                  

1 - ĐCSVN- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 70.

2 - Sđd, tr. 83.

3 - Hồ Chí Minh -  Toàn tập, Nxb CTQG, Tập 4, H. 1995, tr. 480


Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.