Thứ Bảy, 23/11/2024, 19:31 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Bức tranh toàn cảnh thế giới năm 2014 có sự khác biệt lớn so với những năm gần đây. Những sự kiện nghiêm trọng diễn ra liên tiếp ở nhiều quốc gia, khu vực gây quan ngại sâu sắc và tác động tiêu cực đến đời sống xã hội toàn cầu. Tạp chí Quốc phòng toàn dân nghiên cứu, lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trong năm.
1. Khủng hoảng toàn diện ở U-crai-na
Năm 2014, tại U-crai-na xảy ra cuộc khủng hoảng toàn diện, hết sức nghiêm trọng gây rúng động dư luận quốc tế, kéo theo sự “vào cuộc” của các cường quốc trong khu vực và thế giới. Dưới sức ép của phe đối lập (thông qua làn sóng biểu tình bạo lực), ngày 22-02-2014, Quốc hội U-crai-na bỏ phiếu phế truất Tổng thống Y-a-nu-cô-vích, lập chính quyền mới thân phương Tây. Động thái này đã gây phản ứng dây truyền: Cộng hòa tự trị Crưm đã tình nguyện sáp nhập vào Nga và một số tỉnh miền Đông U-crai-na đòi liên bang hóa,… Điều đó đã gây ra cuộc xung đột vũ trang tại miền Đông khiến hơn 4.700 người chết, hàng chục nghìn người bị thương và hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Bất chấp sự phản đối của Ki-ép, các khu vực Đô-nhét-xcơ và Lu-gan-xcơ tổ chức bầu cử riêng, nhằm lập ra chính quyền Cộng hòa nhân dân (tự xưng) của mình. Chính quyền Ki-ép đáp trả bằng cách tuyên bố hủy Quy chế đặc biệt cho khu vực miền Đông; đồng thời, tái vũ trang và chuẩn bị cho chiến tranh. Gần đây, tình hình U-crai-na giảm bớt căng thẳng nhưng mâu thuẫn chủ yếu vẫn chưa được giải quyết. Đặc biệt là sự can thiệp nhiều phía từ bên ngoài, làm cho khủng hoảng và tương lai của U-crai-na càng khó đoán định.
2. Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và cuộc chiến chống IS còn nhiều nan giải
Tháng 6-2014, tổ chức bất ngờ trỗi dậy, đánh chiếm nhiều thành phố của I-rắc, Xy-ri và gây nhiều cuộc tàn sát đẫm máu, dã man người dân vô tội, buộc hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Trước tình hình đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lập tức ra Nghị quyết 2178 về chống khủng bố, trong đó có chống IS. Mối đe dọa từ IS cũng buộc Oa-sinh-tơn phải công bố Chiến lược toàn diện chống IS và thành lập Liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu để đối phó với tổ chức khủng bố khét tiếng này. Tuy nhiên, do đánh giá không đúng thực lực của IS, lại chủ yếu dùng không kích và hỗ trợ (về huấn luyện, vũ khí,…) cho Lực lượng an ninh I-rắc, người Cuốc và lực lượng đối lập ở Xy-ri, nên kết quả chống IS của Mỹ và Liên minh không được như mong muốn. Hiện nay, IS không chỉ gia tăng bạo lực, chiêu mộ binh sĩ (từ nhiều nước) mà còn thường xuyên thay đổi cách đối phó linh hoạt trên thực địa, nên cuộc chiến chống IS sẽ còn kéo dài, với nhiều nan giải.
3. Mâu thuẫn sâu sắc giữa Nga và phương Tây
Cuộc đối đầu giữa Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đến đỉnh điểm khi phương Tây công khai ủng hộ “cuộc cách mạng cam lần 2” ở U-crai-na, lật đổ Tổng thống (được cho là thân Nga) Y-a-nu-cô-vích, còn Nga quyết định sáp nhập Crưm và công nhận cuộc bỏ phiếu ở khu vực Đô-nhét-xcơ và Lu-gan-xcơ (tháng 11-2014). Cáo buộc Mát-xcơ-va đứng đằng sau sự bất ổn của U-crai-na, Mỹ và EU lập tức tẩy tray và loại Nga ra khỏi Hội nghị các nước công nghiệp phát triển (G-8) dự kiến tổ chức tại Xô-chi (Nga); thành lập một lực lượng phản ứng nhanh ở châu Âu; đồng thời, liên tiếp đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Nga đã sử dụng con bài năng lượng để đáp trả. Nhiều vòng đàm phán giữa các bên đã được tổ chức trong năm nhưng không đạt được kết quả gì. Dư luận lo ngại mâu thuẫn gay gắt xung quanh cuộc khủng hoảng U-crai-na không chỉ gây thiệt hại đối với các bên, mà còn đẩy quan hệ giữa Nga với Mỹ và EU vào “Chiến tranh lạnh mới”, nguy hiểm.
4. Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam
Đầu tháng 5-2014, Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (sử dụng nhiều tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống). Đây là hành động nguy hiểm, gây quan ngại sâu sắc của nhiều quốc gia, Việt Nam và dư luận quốc tế cực lực phản đối. Trước động thái trên, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN (ngày 10-5-2014) đã ra Tuyên bố riêng, Hội nghị cấp cao ASEAN-24 (ngày 11-5-2014) ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng phải triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Trước sức ép của dư luận quốc tế, ngày 15-7-2014, Trung Quốc buộc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
5. Xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin
Diễn biến leo thang căng thẳng giữa I-xra-en và Pa-le-xtin lên đến đỉnh điểm khi ngày 17-7-2014, Ten A-víp đã mở cuộc tiến công trên bộ với quy mô lớn nhất trong vòng 10 năm qua vào Dải Ga-da. Xung đột càng lan rộng, khốc liệt hơn khi các tay súng Pa-le-xtin bắn rốc-két nhằm đáp trả hành động quân sự của I-xra-en. Cuộc xung đột đẫm máu, kéo dài 50 ngày đêm, khiến hơn 2.200 người chết, hàng chục nghìn người bị thương và hàng trăm nghìn người bị mất nhà cửa. Trước sự lên án của cộng đồng quốc tế, ngày 26-8, Chính phủ I-xra-en và các nhóm vũ trang Pa-le-xtin chấp nhận một Thỏa thuận ngừng bắn vô thời hạn tại Dải Ga-da. Tuy nhiên, với nhiều mâu thuẫn chưa được giải quyết, triển vọng về một nền hòa bình nơi đây vẫn đang là một dấu hỏi.
6. Nhật Bản công bố thực thi quyền phòng vệ tập thể bên ngoài lãnh thổ
Đầu tháng 7-2014, nội các Nhật Bản nhất trí dỡ bỏ rào cản pháp lý không cho quân đội nước này tham chiến ở bên ngoài kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo đó, Tô-ky-ô sẽ được phép thực thi quyền phòng vệ tập thể khi một nước mà Nhật Bản có quan hệ gần gũi bị tấn công và trong các trường hợp: sự tồn tại của đất nước bị đe dọa, có mối nguy cơ rõ ràng phá hoại quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của người dân. Đồng thời, nới lỏng những hạn chế về xuất khẩu vũ khí và triển khai quân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Tuy nhiên việc sửa đổi này còn phải thông qua Quốc hội Nhật Bản và bị giới hạn trong thực hiện.
7. Mỹ công bố chính sách đối ngoại mới
Ngày 28-5-2014, Tổng thống B. Ô-ba-ma công bố chính sách đối ngoại mới của Mỹ. Theo đó, Mỹ sẽ không theo đuổi “các cuộc phiêu lưu quân sự”, mà đề cao sự kiềm chế và “hành động tập thể”. Thay đổi trong chính sách đối ngoại nêu trên của Mỹ đã và đang có những dư luận khác nhau. Đảng Cộng hòa công kích cho là sẽ làm suy giảm sức mạnh và uy tín của Mỹ trên toàn cầu. Các nhà quan sát cho rằng, với tư tưởng “bá chủ” toàn cầu, dù có điều chỉnh chính sách, Mỹ khó có thể thoát khỏi vòng xoáy bạo lực ở nhiều nơi trên thế giới.
8. Hoạt động khủng bố gia tăng, đe dọa an ninh toàn cầu
Năm 2014, hoạt động khủng bố gia tăng trở lại, đẩy tình hình an ninh của nhiều quốc gia vào tình trạng báo động. Cùng với hoạt động của nhóm phiến quân IS ở I-rắc và Xy-ri thì các nhóm khủng bố thuộc An Kê-đa, An Sa-báp, Bô-cô Ha-ram, Ta-li-ban,… cũng gia tăng hoạt động tại châu Á, châu Phi và châu Âu. Đẫm máu nhất là vụ tấn công của Ta-li-ban (ngày 16-12) vào một trường học ở Pa-ki-xtan khiến 145 người chết và hàng trăm người khác bị thương. Còn ở Áp-ga-ni-xtan, từ đầu năm đến nay đã có hơn 80 vụ tấn công khủng bố nhằm vào Thủ đô Ca-bun, tăng gấp hơn hai lần năm 2013. Gần đây, hai vụ tiến công khủng bố và bắt cóc con tin hy hữu tại Ca-na-đa và Ô-xtrây-li-a là tiếng chuông cảnh báo khủng bố không loại trừ bất cứ quốc gia nào. Nguy hiểm hơn khi có bằng chứng cho thấy, sự hợp tác giữa những phần tử khủng bố đến từ các quốc gia chưa từng đối mặt thách thức này, như: Pháp, Anh, I-ta-li-a,… với An Kê-đa, gây mối đe dọa an ninh thế giới ngày càng lớn.
9. Đàm phán về chương trình hạt nhân của I-ran lâm vào bế tắc
Ngày 24-11-2014, vòng đàm phán giữa I-ran và Nhóm P5+11 về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran đã không tạo được bất cứ một bước đột phá nào, buộc các bên phải gia hạn thêm cho vòng đàm phán mới vào tháng 7-2015. Trước đó, vào tháng 7-2014, việc đi đến một thỏa thuận cuối cùng đã một lần lỡ hẹn. Theo các nhà phân tích, có hai bất đồng mấu chốt: mức độ làm giàu u-ra-ni của I-ran và lịch trình hủy bỏ các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây. Nhưng đây chỉ là bất đồng về mặt kỹ thuật và vẫn còn hy vọng từng bước tháo gỡ. Vấn đề quan trọng là lòng tin, sức ép và những toan tính của mỗi bên đang là rào cản chủ yếu để có thể thu hẹp bất đồng. Mặc dù, cơ hội về một thỏa thuận cuối cùng vẫn còn nhưng bế tắc liên tiếp của các vòng đàm phán vừa qua đã tác động tiêu cực tới an ninh khu vực và thế giới.
10. Xung đột tiếp tục diễn biến phức tạp ở Xy-ri
Năm 2014, mặc dù Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đã triển khai nhiều biện pháp nhằm vãn hồi hòa bình ở Xy-ri nhưng xung đột ở quốc gia Trung Đông này vẫn leo thang, diễn biến phức tạp. Trên thực tế, Xy-ri đang bị chia rẽ, xung đột đẫm máu giữa các vùng do Chính quyền Đa-mát kiểm soát với các vùng do nhiều nhóm phiến quân vũ trang (thường xuyên mâu thuẫn, đối địch nhau) chi phối, như: IS, An Kê-đa, An Nu-xra,… và cộng đồng người Cuốc. Điển hình là cuộc giao tranh ngày 24-8 tại căn cứ không quân An Ta-ba-qua, khiến hơn 500 binh sĩ Xy-ri và phiến quân IS thiệt mạng. Trong khi đó, Mỹ tiến hành không kích IS trên lãnh thổ Xy-ri và viện trợ cho các lực lượng “ôn hòa” chống IS nhưng không hợp tác với Chính quyền Đa-mát, khiến xung đột tại đây càng thêm phức tạp. Theo số liệu chính thức của Liên hợp quốc, kể từ khi bùng phát (tháng 11-2011) đến nay đã có hơn 195.000 người Xy- ri thiệt mạng, hơn 2,5 triệu người phải đi lánh nạn và gần 11 triệu người đang cần được trợ giúp khẩn cấp. Xung đột leo thang tại Xy-ri cũng đe dọa và làm trầm trọng an ninh nhiều nước, như: Li-băng, Gioóc-đa-ni, I-rắc và Thổ Nhĩ Kỳ, v.v.
Tạp chí Quốc phòng toàn dân _______________
1 - Gồm: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức.
năm 2014,10 sự kiện
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm