Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Sáu, 27/03/2015, 08:32 (GMT+7)
Vai trò của lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Ngày 30-4-1975, với thắng lợi quyết định của Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong thắng lợi đó, có sự góp phần quan trọng của lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định.

Lực lượng vũ trang Sài Gòn-Gia Định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy
Xuân Mậu Thân 1968. (Ảnh tư liệu)

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh là trận đánh cuối cùng - trận quyết chiến chiến lược kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai của quân và dân ta. Đây là chiến dịch tiến công có tầm vóc to lớn cả về quân sự và chính trị, cả về không gian, lực lượng và giành thắng lợi vĩ đại. Trong thời gian rất ngắn của Chiến dịch, chúng ta đã phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng, lấy tiến công quân sự của các binh đoàn cơ động chiến lược làm động lực, kết hợp tiến công với nổi dậy, tạo thế và lực mạnh mẽ để áp đảo quân thù. Lần đầu tiên trong lịch sử, ở một trận quyết chiến chiến lược, đánh vào một đô thị lớn nhất miền Nam - sào huyệt của kẻ thù, chúng ta đã giành thắng lợi triệt để, giải phóng Sài Gòn hầu như còn nguyên vẹn. Chiến dịch đã thể hiện sự chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong tổ chức, xây dựng lực lượng, thế trận, tạo và nắm thời cơ chiến lược; trong đó, việc phát huy vai trò của lực lượng vũ trang (LLVT) tại chỗ là một trong những nét nghệ thuật đặc sắc, để lại nhiều bài học quý.

1. Nắm chắc tình hình, chủ động phát triển lực lượng, tạo lập thế trận, sẵn sàng cho thời cơ lịch sử. Sau thắng lợi vang dội của Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Trị - Thiên (tháng 3-1975), ta đã đẩy Mỹ - ngụy lâm vào thế bị động chiến lược nghiêm trọng, tạo chuyển biến mới về thế và lực cho cách mạng miền Nam. Nắm chắc tình hình và nhận định thời cơ đã đến, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã kịp thời quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của trên, chủ động đánh giá tình hình, xác định quyết tâm và giao nhiệm vụ cho từng lực lượng. Theo đó, LLVT Thành phố thường xuyên nắm chắc động thái của địch, tích cực phát triển lực lượng, tạo lập thế trận để sẵn sàng tham gia chiến đấu khi thời cơ đến. Thực hiện chủ trương đó, Thành đội Sài Gòn - Gia Định đã phân công cán bộ có nhiều kinh nghiệm xuống từng địa bàn, xây dựng kế hoạch phát triển bộ đội địa phương và lực lượng du kích, tự vệ. Lúc này, tại Sài Gòn, địch tăng cường kiểm soát gắt gao, nên việc phát triển lực lượng, tạo lập thế trận trên địa bàn Thành phố gặp nhiều khó khăn. Thành đội đã nhạy bén, kịp thời chỉ đạo các đơn vị, một mặt, dựa chắc vào nhân dân để tạo nguồn phát triển các đơn vị du kích tại chỗ và bộ đội địa phương quận, huyện. Mặt khác, chủ động phối hợp với đoàn thể các cấp, lựa chọn, sử dụng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ (bị địch bắt và được trao trả sau Hiệp định Pa-ri) để bổ sung cho các cơ sở. Bên cạnh đó, Thành đội còn coi trọng việc tập huấn quân sự và huấn luyện chiến đấu cho các đơn vị, nhất là huấn luyện chiến thuật đánh chiếm, chốt giữ và bảo vệ các mục tiêu ở địa bàn đô thị, v.v. Nhờ sự sáng tạo này, chỉ trong thời gian ngắn, LLVT Thành phố đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Tính đến trước ngày mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh, bộ đội tập trung của Thành phố đã phát triển thành 2 trung đoàn chủ lực1, 5 tiểu đoàn mũi nhọn cùng các đơn vị trực thuộc và cơ quan phục vụ, với quân số lên tới gần 5.000 người; ở mỗi quận, huyện có từ 1 đến 2 đại đội tập trung. Ngoài ra, Thành phố còn có hơn 3.340 du kích, hàng trăm tự vệ mật; 6 trung đoàn đặc công, 1 lữ đoàn biệt động nội thành của trên tăng cường,… đủ sức hỗ trợ cho bộ đội chủ lực tiến công giải phóng Thành phố.

Cùng với phát triển lực lượng, LLVT Thành phố còn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khác, đẩy mạnh hoạt động tác chiến trên khắp địa bàn, tiến công hàng loạt cứ điểm địch, giải phóng nhiều khu vực ở vùng trung tuyến kéo sát đến ven đô, mở thêm nhiều “lõm” chính trị, nối thông hành lang từ ngoài vào nội thành, tạo địa bàn đứng chân vững chắc cho các lực lượng của ta áp sát Sài Gòn. Để tiếp tục tạo sức ép buộc địch phải phân tán đối phó, Thành đội còn thực hiện đưa các tiểu đoàn mới thành lập (Tiểu đoàn 197 và 199,…) xuống bám trụ, đánh lấn địch ở các vùng tranh chấp yếu, tạo thế ép sát nội đô, làm lỏng thế kìm kẹp và gây rối loạn hậu phương địch. Đây là một trong những phát triển sáng tạo trong nghệ thuật tác chiến của LLVT Sài Gòn - Gia Định, buộc địch phải căng kéo đối phó cả ở bên trong và bên ngoài, tạo điều kiện để các lực lượng Chiến dịch triển khai thuận lợi.

2. Phối hợp chặt chẽ với các binh đoàn chủ lực trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thành phố Sài Gòn - Gia Định (vào đầu năm 1975) là đô thị lớn nhất miền Nam, có dân số đông (khoảng 3,5 triệu người), có nhiều công trình cao tầng, kiến trúc phức tạp,… và là nơi tập trung các cơ quan đầu não của ngụy quân, ngụy quyền. Địa hình Thành phố khá phức tạp, có nhiều vật cản tự nhiên, như: sông rạch, bưng sình, với nhiều cây cầu lớn nối liền các huyết mạch giao thông vào nội đô; trong khi đó, các binh đoàn chủ lực của ta vừa cơ động từ xa tới, thời gian chuẩn bị lại rất gấp, nên việc nắm tình hình địa bàn tác chiến gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, phối hợp tác chiến giữa LLVT tại chỗ với các đơn vị chủ lực là vấn đề quan trọng hàng đầu. Ngay khi các cánh quân của ta áp sát Sài Gòn và trong suốt quá trình Chiến dịch, LLVT Thành phố đã chủ động triển khai thế trận tiến công vững chắc, linh hoạt trên các hướng2, nhằm diệt ác, phá kìm, tiêu diệt và làm tan rã địch tại chỗ; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cánh quân đánh chiếm các bàn đạp và thực hiện mở đường, dẫn đường cho các binh đoàn chủ lực thọc sâu, đánh thẳng vào các mục tiêu trọng yếu ở nội đô. Mặc dù lực lượng mỏng, vũ khí trang bị thô sơ, lại phải chiến đấu trong thế cài xen, quần lộn với địch, nhưng LLVT Thành phố đã biết dựa vào dân, vận động nhân dân và tận dụng sự giúp đỡ của nhân dân, tạo sức mạnh đánh hàng trăm mục tiêu, tham gia chế áp có hiệu quả vào các trận địa pháo, sân bay và đánh chiếm một số mục tiêu chiến lược. Đặc biệt, LLVT tại chỗ đã phối hợp với lực lượng đặc công, biệt động đánh chiếm, bảo vệ 14 chiếc cầu để đại quân ta tiến vào Thành phố. Trong đó, đối với cầu Rạch Chiếc, ta phải chiến đấu giành, giật với địch suốt hai ngày đêm, đánh bại hàng chục đợt phản kích của chúng, hàng chục cán bộ, chiến sĩ LLVT Thành phố đã anh dũng hy sinh để bảo vệ an toàn mục tiêu trọng yếu trước giờ toàn thắng. Chính cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn,… được bảo vệ đã mở đường cho mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống ngụy Dương Văn Minh phải ra lệnh cho toàn bộ quân địch hạ vũ khí đầu hàng vô điều kiện.

3. Phát huy vai trò nòng cốt của LLVT trong việc hỗ trợ quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền ở địa phương, cơ sở. Đây là một trong những nét độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Vào thời điểm tháng 4-1975, mặc dù bị lung lay tận gốc, nhưng lực lượng bảo vệ của địch còn mạnh. Vì thế, để Chiến dịch giành thắng lợi nhanh gọn và triệt để phải kết hợp chặt chẽ giữa tiến công của các binh đoàn chủ lực và nổi dậy của quần chúng (LLVT tại chỗ làm nòng cốt). Trên thực tế, sự kết hợp đó diễn ra theo cách: quân ta tiến công tới đâu thì nhân dân nổi dậy đến đó. Điều đáng nói là, vai trò nòng cốt của LLVT Thành phố trong hoạt động nổi dậy được thể hiện rõ, tổ chức chặt chẽ, với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo và diễn ra trên khắp các địa bàn; trong đó, hoạt động diệt ác, phá kìm và đánh chiếm các cơ quan đầu não địch ở địa phương đã có tác động lớn, làm đòn xeo để quần chúng nổi dậy mạnh mẽ ở khắp nơi. Tại các huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức,… và các quận: 3, 5, 6, 10, 11,… LLVT Thành phố đã chủ động và kiên quyết tiến công vào trung tâm huyện lỵ, trụ sở hành chính quận, làm cơ sở thúc đẩy quần chúng nổi dậy. Riêng địa bàn Củ Chi (ngày 29-4-1975), LLVT tại chỗ đã tiến công đánh chiếm huyện lỵ, bắt sống bọn đầu sỏ, làm tê liệt hệ thống ngụy quyền cơ sở, tạo thuận lợi để quần chúng nổi dậy, thiết lập chính quyền cách mạng, chấm dứt 21 năm dưới ách kìm kẹp của Mỹ - ngụy.

Trong quá trình tiến công hỗ trợ quần chúng nổi dậy, vai trò nòng cốt của LLVT Thành phố còn được thực hiện bằng nhiều biện pháp sáng tạo, phù hợp và đạt hiệu quả cao. Cùng với các mũi tiến công của các đơn vị tập trung, Thành đội còn phối hợp với các địa phương tổ chức các đội công tác vũ trang, các đoàn thể khóm, phường, khu phố,… chủ động tỏa đi khắp nơi để vận động, hướng dẫn quần chúng nổi dậy, thực hiện tiến công bằng chính trị, binh vận đối với ngụy quân, cảnh sát địch, khiến chúng tan vỡ từng mảng. Điển hình là tại Trung tâm huấn luyện Quang Trung (đêm 29-4-1975), bằng 4 mũi binh vận của đội công tác vũ trang, ta đã gọi hàng và làm tan rã gần 20.000 tên địch, góp phần vào thắng lợi nhanh gọn của Chiến dịch.

Bốn mươi năm đã trôi qua, nhưng không khí hào hùng của ngày toàn thắng còn nguyên trong ký ức của chúng ta, nhất là với quân và dân Thành phố mang tên Bác. Tự hào với truyền thống và những đóng góp của mình vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, nhân dân và LLVT thành phố Hồ Chí Minh đã và đang ra sức thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Thành phố tương xứng với tầm vóc của nó. Trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thành phố tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng Thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc. Đồng thời, coi trọng xây dựng lực lượng thường trực, dự bị động viên và dân quân tự vệ vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, năng lực làm tham mưu, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, đủ sức làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương.

Thiếu tướng TRƯƠNG VĂN HAI, Tư lệnh BTL thành phố Hồ Chí Minh
______________________

1 - Gồm: Trung đoàn Gia Định 1 và Trung đoàn Gia Định 2 (lần lượt thành lập các ngày 01 và 14-4-1975).

2 - Hướng Tây, Trung đoàn Gia Định 1 tiến công Xuân Thới Thượng, Bà Điểm, mở cửa cho Binh đoàn 232; hướng Tây Bắc, Trung đoàn Gia Định 2 tiến công thị trấn Hóc Môn; hướng Bắc, Tiểu đoàn 4 Gia Định phối hợp tiến công sân bay Tân Sơn Nhất; hướng Tây Nam, Tiểu đoàn 197 tiến công Tân Kiên, An Lạc (Bình Chánh); hướng Nam, Tiểu đoàn 198 tiến công Đa Phước (Nhà Bè); hướng Đông, Tiểu đoàn Thủ Đức tiến công huyện lỵ Thủ Đức, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc
Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã khẳng định: sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng luôn là nhân tố hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân tố hàng đầu quyết định ấy càng thể hiện rõ nét, trở thành bài học vô cùng quý báu.