Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Hai, 15/10/2018, 08:34 (GMT+7)
Đảng bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát

Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội xác định công tác kiểm tra, giám sát là một nội dung trọng tâm của công tác xây dựng Đảng bộ, nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp. Thực hiện tốt công tác này, sẽ là cơ sở để ngăn chặn những sai phạm, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng trên địa bàn.

Đảng bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở, trực thuộc Thành ủy Hà Nội. Thực hiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ chịu sự song trùng lãnh đạo của Quân ủy Trung ương và Thành ủy Hà Nội. Do đó, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ luôn được Quân ủy Trung ương, Thành ủy Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ; cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả thiết thực.

Trên cơ sở các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương và Thành ủy Hà Nội về công tác kiểm tra, giám sát, nhất là Nghị quyết Đại hội II Đảng bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô đã ban hành Chương trình công tác về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ và lực lượng vũ trang Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội”; trong đó, công tác kiểm tra, giám sát là một nội dung trọng tâm lãnh đạo trong xây dựng Đảng bộ. Để thực hiện hiệu quả, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô đã ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo và xây dựng kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát trong nhiệm kỳ; ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra. Đồng thời, chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ Tư lệnh xây dựng và ký kết Quy chế phối hợp với ủy ban kiểm tra của 30 quận, huyện, thị ủy trong việc tham mưu với cấp ủy cùng cấp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các đảng ủy quân sự trong công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Đến nay, đã kiểm tra, giám sát được 18 đảng ủy quân sự các quận, huyện, thị xã trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng đảng bộ quân sự.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Đảng ủy, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thực hiện nghiêm việc quán triệt, học tập các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; quy định, hướng dẫn của cấp trên về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Hằng năm, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy làm tốt vai trò tham mưu cho Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong toàn Đảng bộ. Với phương châm “chủ động phòng ngừa là chính”, công tác kiểm tra, giám sát đã đi sâu kiểm tra, giám sát các lĩnh vực trọng yếu, nơi dễ phát sinh tiêu cực; tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Chương trình 05-CTr/ĐU của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, giai đoạn 2016 - 2020”.

Trong công tác xây dựng Đảng, đi sâu vào kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc, chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, các chế độ học tập, sinh hoạt, tự phê bình và phê bình. Với cán bộ, đảng viên, kiểm tra, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Chỉ thị 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cấp ủy đã kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát với công tác tổ chức, cán bộ, bảo vệ và thanh tra; thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm, nhất là trong lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Quản lý, nắm vững số cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, hướng dẫn giải quyết, xử lý triệt để, không để tồn đọng kéo dài, bảo đảm hợp tình, hợp lý, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên yên tâm phấn đấu. Nhờ đó, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra, cán bộ, đảng viên, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát được nâng lên; kịp thời ngăn ngừa vi phạm của các tổ chức đảng và đảng viên. Đồng thời, chỉ đạo đảng ủy quân sự các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với ủy ban kiểm tra các quận, huyện, thị ủy tham mưu với ban thường vụ các quận, huyện, thị ủy ra quyết định thực hiện kiểm tra, giám sát đối với đảng ủy các xã, phường, thị trấn, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ đã kiểm tra, giám sát được 98,28% tổ chức đảng và 64,19% lượt đảng viên; kiểm tra, giám sát chuyên đề được 28,02% tổ chức đảng và 0,17% lượt đảng viên về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; kiểm tra 1,72% tổ chức đảng và 0,36% lượt đảng viên có dấu hiệu vi phạm.

Tuy nhiên, trong thực tiễn tiến hành, vẫn còn một số cấp ủy, ủy ban kiểm tra trong Đảng bộ Bộ Tư lệnh chưa chủ động thực hiện kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát đã xác định; chất lượng kiểm tra, giám sát có nội dung chưa cao, cá biệt có cấp ủy chưa kịp thời phát hiện và tiến hành kiểm tra đối với tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Một số ủy ban kiểm tra, năng lực tham mưu, đề xuất giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát có mặt còn hạn chế, trong xem xét xử lý vi phạm kỷ luật Đảng còn lúng túng, v.v.

Hiện nay, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội tăng cường hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội, đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội, trong đó Thủ đô Hà Nội là trọng điểm. Đặc biệt, chúng lợi dụng những hiện tượng tiêu cực, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên để làm “cái cớ” chống Đảng, chế độ. Tình hình đó đã đặt ra yêu cầu rất cao đối với công tác kiểm tra, giám sát nói chung và công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nói riêng, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác này, góp phần xây dựng Đảng bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Để đạt hiệu quả, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chính sau:

Trước hết, tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức đảng và đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, ủy ban kiểm tra, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của trên về công tác kiểm tra, giám sát. Trọng tâm là Quy định 30-QĐ/TW, ngày 26-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng; Quy định 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về “Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”; Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020, nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp và cán bộ, đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.

Hai là, tích cực đổi mới nội dung công tác kiểm tra, giám sát. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp xác định nội dung kiểm tra, giám sát phải toàn diện, song có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, để nâng cao chất lượng, hiệu quả; gắn kiểm tra, giám sát thường xuyên với kiểm tra, giám sát những tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm, cảnh tỉnh những nơi có biểu hiện mất đoàn kết, cục bộ, gia trưởng,… không để diễn biến kéo dài. Đối với tổ chức đảng, tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy và cấp trên; chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện quy chế làm việc và quy chế lãnh đạo các mặt công tác trọng tâm; lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng. Chú trọng kiểm tra, giám sát những tổ chức đảng yếu kém, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ thấp; tổ chức đảng, cơ quan trọng yếu, đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hoạt động độc lập, quản lý cơ sở vật chất, lĩnh vực liên quan đến kinh tế, tài chính, nơi dễ phát sinh tiêu cực. Đối với cán bộ, đảng viên, kiểm tra, giám sát về lập trường quan điểm, tính đảng, tính nguyên tắc, thực hiện chức trách, nhiệm vụ, kỷ luật phát ngôn, đạo đức, lối sống; chấp hành Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; khắc phục khuyết điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị,… tạo chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động của từng đối tượng.

Ba là, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng; nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra và giám sát theo chuyên đề, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Xem xét, giải quyết dứt điểm đơn, thư tố cáo, khiếu nại, các vụ việc vi phạm kỷ luật (nếu có), bảo đảm kịp thời, khách quan, công tâm, chính xác, đúng quy định. Ủy ban kiểm tra các cấp làm tốt công tác tham mưu đề xuất, giúp cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật; chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm dấu hiệu vi phạm của đảng viên và tổ chức đảng để kiểm tra phòng ngừa vi phạm, không để bị động. Đồng thời, thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp hoạt động; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, chính sách đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công, chính sách hậu phương Quân đội đối với đảng ủy xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức.

Bốn là, thường xuyên kiện toàn ủy ban kiểm tra, cơ quan kiểm tra và cán bộ kiểm tra chuyên trách đủ số lượng, nâng cao chất lượng, hoạt động có nền nếp, có đủ năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra có đủ tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Điều lệ Đảng; quan tâm tạo điều kiện, phương tiện làm việc của ủy ban kiểm tra, cơ quan kiểm tra và cán bộ kiểm tra các cấp.

Công tác công tác kiểm tra, giám sát có vai trò hết sức quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, nhất là trong tình hình hiện nay, nhằm chủ động phòng ngừa những hành vi vi phạm, xây dựng các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của mọi tổ chức đảng và đảng viên, trước hết là cấp ủy, cán bộ chủ trì, ủy ban kiểm tra và cán bộ kiểm tra chuyên trách các cấp trong Đảng bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Thiếu tướng NGUYỄN XUÂN YÊM, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc
Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã khẳng định: sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng luôn là nhân tố hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân tố hàng đầu quyết định ấy càng thể hiện rõ nét, trở thành bài học vô cùng quý báu.