Sự kiện lịch sử Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 35 năm Ngày hội QPTD

QPTD -Thứ Sáu, 05/07/2024, 13:40 (GMT+7)
Bộ đội Cụ Hồ - Một giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam hiện đại (Bài 2: Những đặc trưng của nhân cách Bộ đội Cụ Hồ)

Bài 1: Cội nguồn lịch sử và văn hóa của kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ

Bài 2: Những đặc trưng của nhân cách Bộ đội Cụ Hồ

Những đặc trưng nổi bật của Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành hành trang quý báu trên hành trình tiến lên, trưởng thành và chiến thắng của lực lượng vũ trang ta. Đó chính là một hệ giá trị văn hóa độc đáo của nền văn hóa Việt Nam hiện đại-nền văn hóa vì con người, gắn kết hài hòa giữa truyền thống, cốt cách Việt Nam và các giá trị hiện đại trong thời kỳ lịch sử mới.

Đặc trưng của nhân cách Bộ đội Cụ Hồ không thể có ngay từ đầu mà phải trải qua một quá trình cực kỳ gian khổ, muôn vàn thử thách, chiến đấu, tôi luyện và trưởng thành, phát triển và định hình trong quá trình đó. Chúng ta vô cùng biết ơn và tự hào về 34 cán bộ, chiến sĩ trong Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ngày 22/12/1944 dưới quyền chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp (sau này là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội).

Với chiến công đầu tiên và phẩm chất cách mạng cao đẹp của mình, họ đã đặt nền móng vững chắc đầu tiên xây đắp nên đặc trưng, vẻ đẹp của hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, mà đặc trưng cốt lõi được cô đúc trong lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/1964): “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Người dân xã Tam Đồng (Mê Linh, Hà Nội) mời bộ đội Tiểu đoàn Trinh sát 20 (Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) uống nước sau giờ lao động giúp dân trên địa bàn, tháng 7/2023.
Lời biểu dương đó chính là sự khái quát đầy đủ bản chất cách mạng của Quân đội ta. 80 năm qua, Quân đội đã thực hiện trọn vẹn sự khẳng định đó của Bác. Trong đó, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ là biểu hiện tập trung nhất các phẩm chất và giá trị chính trị - văn hóa thể hiện trong lời dạy của Bác Hồ.

Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, “hiếu với dân” là đặc trưng bao trùm trong toàn bộ hoạt động của bộ đội, của nhân cách và chiều sâu tình cảm của Bộ đội Cụ Hồ. Ngay từ khi mới ra đời, họ đã được nhân dân tin yêu, coi như con em ruột thịt của mình. Tình yêu đó không đơn giản chỉ vì lời thề “không lấy cái kim, sợi chỉ của nhân dân” mà sâu xa hơn, Bộ đội Cụ Hồ sẵn sàng xả thân “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”.

Bộ đội Cụ Hồ là bộ đội của nhân dân vì lý do như vậy. Trong lịch sử 80 năm, mọi chiến công của Quân đội ta đều gắn chặt với sức mạnh của nhân dân và sự đoàn kết quân dân, vì vậy, không một thế lực thù địch nào có thể tách rời Bộ đội Cụ Hồ với nhân dân. “Hiếu với dân” luôn luôn và mãi mãi là lời thề sắt son của Bộ đội Cụ Hồ.

Bộ đội Cụ Hồ là những người chiến sĩ có lòng trung thành vô hạn với Đảng Cộng sản Việt Nam. Trung thành với Đảng đồng nghĩa là trung thành với dân tộc và Tổ quốc Việt Nam. Chính từ sự trung thành đó mà Bộ đội Cụ Hồ nuôi trong mình sự căm ghét mọi kẻ thù xâm lược và các thế lực không tôn trọng độc lập, chủ quyền và sự nghiệp cách mạng của chúng ta, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh tạo nên dáng đứng cao đẹp của người chiến sĩ, của Bộ đội Cụ Hồ có “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”.

Lòng trung thành của Bộ đội Cụ Hồ chính là sự kế thừa truyền thống “Sát thát” giết giặc bằng được, “dẫu trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa cũng cam lòng” của những người lính thời Trần.

Vì cùng chung một lý tưởng chiến đấu, đều là con em của nhân dân, gắn bó với nhau trong suốt cuộc đời quân ngũ, chia ngọt sẻ bùi, sống chết có nhau nên Bộ đội Cụ Hồ có một tình đồng đội cao cả. Đồng đội đồng thời cũng là đồng chí. Đây là nét rất đặc thù của Quân đội cách mạng. Nếu như những người lính Việt Nam trước đây coi nhau như “huynh đệ” thì từ năm 1944 đến nay, những người cầm súng Việt Nam đã nâng lên tinh thần đồng đội, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau lúc thường cũng như lúc ra trận.

“Nghĩa tình đồng đội”, “bạn chiến đấu”, “tấm lòng đồng đội”, “tâm tình đồng đội”, “đi tìm đồng đội”... từ lâu đã trở thành những nét đẹp trong đời sống Quân đội và lan tỏa trong cộng đồng người Việt Nam, trở thành một trong những biểu hiện cao nhất của truyền thống đoàn kết, nhân ái của con người Việt Nam.

Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là những người cầm súng thuần túy. Từ khi ra đời, Quân đội ta đã được xác định chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Trong thời chiến, lúc hòa bình, 3 chức năng đó đều được coi trọng. Vì vậy, trải qua 80 năm đấu tranh, xây dựng và trưởng thành, Quân đội ta không những đã chứng tỏ là một đội quân chiến đấu tinh nhuệ mà còn là đội quân công tác tốt, đội quân lao động sản xuất giỏi.

Bộ đội Cụ Hồ luôn luôn có mặt giúp đỡ nhân dân trước mọi thử thách. Hình ảnh thân thương bộ đội về làng, đi dân nhớ, ở dân thương mãi mãi là nét đẹp văn hóa độc đáo lan tỏa trong tình cảm của nhân dân dành cho Bộ đội Cụ Hồ. Rèn luyện trong chiến đấu, đồng thời nâng cao năng lực, trình độ, sức sáng tạo trong lao động sản xuất (sản xuất quốc phòng và sản xuất để góp phần phát triển kinh tế đất nước) là một đặc trưng ngày càng phát triển trong Quân đội ta.

Phải chăng, truyền thống, đặc trưng này có cội nguồn từ thời nhà Trần với chính sách “ngụ binh ư nông” và được phát triển lên một chất lượng cao và mới, góp phần tạo nên tính toàn diện trong nhân cách Bộ đội Cụ Hồ: Gan dạ, dũng cảm gắn với năng lực tự lực, tự cường và sáng tạo.

Một nét đặc trưng tiêu biểu khác của Bộ đội Cụ Hồ, đó là tinh thần, ý thức kỷ luật tự giác rất cao. Trước đây, trong lịch sử, những người lính Việt Nam đã có truyền thống “quân lệnh như sơn”, đến thời nay, Bộ đội Cụ Hồ được rèn luyện tinh thần kỷ luật tự giác bằng 12 điều kỷ luật, bằng việc chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và mệnh lệnh, chỉ thị của các cấp chỉ huy. Nét riêng được nuôi dưỡng trong nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong suốt 80 năm qua trong việc chấp hành kỷ luật thể hiện rõ nhất là chuyển từ kỷ luật cưỡng bức (ở nhiều quân đội khác) sang kỷ luật tự giác là chủ yếu.

Đó là quá trình rèn luyện rất công phu, mà trước hết và quan trọng nhất là xây dựng trong nhân cách người chiến sĩ lòng tự trọng, coi trọng danh dự là trước hết, trên hết. Tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự trọng danh dự và sự gắn bó, giúp đỡ nhau bằng tình đồng đội tạo nên ý thức tự giác của Bộ đội Cụ Hồ. Vì thế, tính kỷ luật đã trở thành nếp quen và cao hơn trở thành nhu cầu tự thân của người chiến sĩ được tôi luyện trong môi trường Quân đội. Mặt khác, kỷ luật nghiêm minh gắn liền với dân chủ trong chỉ huy, quản lý và tổ chức Quân đội để phát huy tốt nhất những năng lực tiềm ẩn trong người chiến sĩ, giúp họ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Bộ đội Cụ Hồ còn là những người chiến sĩ có tinh thần quốc tế cao cả, bắt nguồn từ truyền thống nhân ái của dân tộc “tắt lửa tối đèn có nhau”, “thương người như thể thương thân”. Mấy chục năm qua, với tinh thần “cứu bạn là tự cứu mình” đầy nhân bản, nhiều thế hệ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã thành những chiến sĩ quốc tế, những tình nguyện quân vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, chiến đấu bên cạnh nhân dân và chiến đấu chống các thế lực tay sai, phản động, diệt chủng. Ý thức sâu sắc “cứu bạn là tự cứu mình” cùng tinh thần “hạt muối cắn đôi, bát cơm sẻ nửa”, người lính Cụ Hồ đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng Quân đội các nước láng giềng anh em.

Nhân dân Campuchia gọi người lính tình nguyện Việt Nam là “lính nhà Phật” thể hiện cực kỳ sâu sắc vẻ đẹp của Bộ đội Cụ Hồ và tình cảm sâu nặng của người dân Campuchia dành cho Quân tình nguyện Việt Nam. Đó là tình cảm vô cùng đáng quý, thiêng liêng. Những năm gần đây, Bộ đội Cụ Hồ lại có mặt trong đội quân “mũ nồi xanh” của Liên hợp quốc trên các quốc gia còn nhiều khó khăn, xung đột. Tinh thần quốc tế cao cả, vô tư của Bộ đội Cụ Hồ là một nét đẹp văn hóa rất mới trong lịch sử đấu tranh của dân tộc ta, Quân đội ta.

Những đặc trưng nổi bật của Bộ đội Cụ Hồ như trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc Việt Nam, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, gắn bó máu thịt với nhân dân, có tình yêu đồng đội sâu sắc, tinh thần kỷ luật tự giác cao, ham học hỏi, cầu tiến bộ, năng động, sáng tạo trong chiến đấu, công tác, lao động sản xuất, tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, vô tư... đã trở thành hành trang quý báu trên hành trình tiến lên, trưởng thành và chiến thắng của lực lượng vũ trang ta. Đó chính là một hệ giá trị văn hóa độc đáo của nền văn hóa Việt Nam hiện đại - nền văn hóa vì con người, gắn kết hài hòa giữa truyền thống, cốt cách Việt Nam và các giá trị hiện đại trong thời kỳ lịch sử mới.

(Còn nữa)

GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc 21/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 21/11/2024

Những bài học hay, kinh nghiệm quý nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị 19/11/2024

Công tác phối hợp giữa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương trong nghiên cứu, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng 18/11/2024

Vai trò của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đối với công tác tuyên giáo của Đảng 18/11/2024

Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam 18/11/2024

Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ 15/11/2024

Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau 14/11/2024

Cao Bằng - Nơi ra đời Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam 13/11/2024

Nhân cách văn hóa và danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ hội tụ các giá trị chân, thiện, mỹ 12/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới
Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, tiềm lực quân sự là vấn đề chiến lược và hệ trọng; là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, trong đó Quân đội nhân dân là nòng cốt.