Sự kiện lịch sử Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 35 năm Ngày hội QPTD

QPTD -Thứ Sáu, 05/07/2024, 13:32 (GMT+7)
Bộ đội Cụ Hồ - Một giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam hiện đại (Bài 1: Cội nguồn lịch sử và văn hóa của kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ)

Bài 1: Cội nguồn lịch sử và văn hóa của kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ

Kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ có cội nguồn sâu xa trong lịch sử đấu tranh, trong truyền thống văn hóa lâu đời và độc đáo của dân tộc ta. Đó là biểu tượng và đỉnh cao của hình ảnh người lính cầm vũ khí chiến đấu vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc Việt Nam, vì hạnh phúc của nhân dân trong thời đại mới.

Xuất xứ và ý nghĩa tên gọi Bộ đội Cụ Hồ

Trong một hồi ức của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể về xuất xứ của tên gọi Bộ đội Cụ Hồ như sau: “Tôi nhớ rằng từ trong khu giải phóng Việt Bắc, đồng bào các dân tộc đã trìu mến gọi các đơn vị vũ trang ta là “Bộ đội Ông Ké” hay “Bộ đội Ông Cụ” một cách thân thương, chân thành như tấm lòng của đồng bào đối với lãnh tụ của mình mà nhiều người lúc đó chưa biết tên Bác. Có lẽ, về sau, khi biết tên Người, đó là Bác Hồ, là Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam mới, mọi người đã gọi “Bộ đội Ông Ké” là Bộ đội Cụ Hồ. Và cũng từ chiến khu Việt Bắc, tên gọi yêu dấu ấy xuất hiện từ khời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”.

Đoàn cán bộ ngành chính sách Quân đội tham quan Bia di tích địa điểm ra đời Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).

Từ đó đến nay, qua 80 năm chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội Cụ Hồ trở thành một danh hiệu cao quý của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hình ảnh và tên gọi Bộ đội Cụ Hồ là một hiện tượng rất độc đáo trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Ít thấy có dân tộc nào trên thế giới mà chính nhân dân lấy tên lãnh tụ tối cao của mình đặt cho Quân đội. Danh hiệu đó thể hiện sâu sắc mối quan hệ khăng khít giữa người chiến sĩ với Bác Hồ và giữa Bác Hồ với người chiến sĩ.

Trước hết, đó là tình cảm, tình yêu và niềm tin sâu xa của quần chúng dành cho LLVT cách mạng. Hiếm có một dân tộc nào mà hình ảnh người lính lại được toàn dân coi đó là một hình mẫu của con người trong thời đại mới, để hết lòng tin yêu, quý trọng, động viên mọi thế hệ con cháu kế tiếp và noi theo gương sáng của Bộ đội Cụ Hồ như dân tộc Việt Nam ta. Đó là một cách gọi rất Việt Nam, vô cùng gần gũi, trìu mến và có lẽ chỉ có ở Việt Nam .

Nhân dân gọi bộ đội là Bộ đội Cụ Hồ chính vì bản thân các thế hệ chiến sĩ Quân đội trải qua 80 năm chiến đấu đã luôn luôn xứng đáng với niềm tin của Người và từ đó hình ảnh người chiến sĩ đã trở thành một mẫu hình cao đẹp, bình dị về con người mới với lý tưởng, đạo đức cao thượng, trong sáng, thực hiện trọn vẹn xuất sắc chỉ thị, niềm tin và những lời căn dặn đầy yêu thương của Bác Hồ.

Ý nghĩa sâu xa hơn, nhân dân ta gọi Bộ đội Cụ Hồ vì Cụ Hồ-tên gọi trìu mến, ấm áp của nhân dân dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người tiêu biểu cho ý chí đấu tranh bất khuất của nhân dân, là hiện thân của niềm tin và sức mạnh, là người tổ chức và dẫn dắt nhân dân ta đứng lên tự giải phóng, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhân dân ta gọi Bộ đội Cụ Hồ vì cảm nhận sâu sắc quan hệ đặc biệt hiếm có giữa Bác và Quân đội, Bác và chiến sĩ. Bác là người cha thân yêu của các LLVT nhân dân Việt Nam, là người khai sinh ra Quân đội ta. Bác chăm lo từng bước trưởng thành của Quân đội, giáo dục chiến sĩ, khuyên bảo cán bộ... Nét đẹp hiếm có và có lẽ chỉ có ở Bác, trong tình cảm, đạo đức của Người là sự vô cùng gần gũi, yêu thương bộ đội, tin tưởng ở tinh thần dũng cảm và sáng tạo của bộ đội, thấu hiểu, cảm thông và xúc động trước sức chịu đựng gian khổ, khó khăn, hy sinh của người chiến sĩ... Bác Hồ đã để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn thể bộ đội trước lúc đi xa.

Chỉ có 4 từ “Bộ đội Cụ Hồ”, song đã chứa đựng trong đó một giá trị văn hóa đặc sắc của lịch sử hiện đại Việt Nam, khi mà lý tưởng cách mạng, tấm gương sáng ngời của Bác Hồ hòa quyện và thống nhất tuyệt đối với khát vọng giải phóng, độc lập, tự do của nhân dân, của Quân đội cách mạng do Đảng và Bác sáng lập.

Kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ có cội nguồn văn hóa quân sự của dân tộc Việt Nam

Bộ đội Cụ Hồ là sản phẩm của lịch sử hiện đại Việt Nam, song nếu xét từ góc độ truyền thống dân tộc và truyền thống văn hóa nước ta từ hàng nghìn năm trước, thì kiểu mẫu Bộ đội Cụ Hồ còn có nguồn gốc sâu xa hơn, bởi vì, nó không chỉ là sản phẩm của 80 năm qua, mà còn bắt nguồn, nối tiếp và phát triển của kiểu mẫu những người cầm vũ khí, của nghĩa sĩ, nghĩa binh, nghĩa quân đứng lên chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc cả nghìn năm lịch sử.

Họ đã tự nguyện sung vào Quân đội chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp trong suốt nghìn năm dựng nước, giữ nước, trong một nghìn năm Bắc thuộc, trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm thời phong kiến và trong gần một thế kỷ đô hộ của thực dân Pháp. Họ là những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Có lẽ giống trong truyền thuyết, Thánh Gióng là người lính đầu tiên trong lịch sử nước nhà cầm vũ khí chiến đấu bảo vệ và giải phóng quê hương! Gióng đánh quân xâm lược một mình? Không phải! Ai nuôi Gióng từ một cậu bé bỗng lớn lên thành Phù Đổng? Dân làng. Ai rèn đúc vũ khí (ngựa sắt, gươm sắt) cho Gióng? Cơm gạo của dân làng. Gậy sắt bị gãy, vũ khí thay thế cho Gióng là các cụm tre làng. Gióng đã thắng, đuổi quân xâm lược khỏi bờ cõi đất nước, song, đó chính là sức mạnh nhân dân trong Gióng đã làm nên chiến thắng. Hình như có một sự tương đồng kỳ diệu giữa huyền thoại người anh hùng làng Gióng với Quân đội nhân dân của chúng ta hàng nghìn năm sau.

Nói về những nghĩa binh, nghĩa quân của cả nghìn năm lịch sử không thể không kể tới hình ảnh của các nữ binh thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu, những nữ binh cưỡi voi xung trận với tinh thần “đền nợ nước, trả thù nhà”, với khí thế “muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi”, đánh đuổi giặc, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, làm nên truyền thống Việt Nam “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Phải chăng, đó là cội nguồn tạo tiền đề đầu tiên cho sự ra đời của các “đội quân tóc dài”, của nữ thanh niên xung phong và nữ chiến sĩ cách mạng sau này?

Nói về những nghĩa binh, nghĩa quân thời xa xưa ấy không thể không nhắc tới những người “cờ lau tập trận” trong đội quân Đinh Bộ Lĩnh thời phục thù dẹp 12 sứ quân năm 967, những người áo vải cờ đào trong khởi nghĩa Tây Sơn (năm 1786) nhằm lập lại nền thống nhất đất nước, chấm dứt cuộc xung đột Nam-Bắc và cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh. Nói về những nghĩa sĩ, nghĩa binh trong lịch sử giữ nước, cần phải nói nhiều hơn đến hình ảnh những người lính đã làm nên chiến công lẫy lừng trên sông Bạch Đằng, sông Cầu, ở bến Chương Dương, Hàm Tử, Chi Lăng, Xương Giang, Tốt Động, Chúc Động, Rạch Gầm, Xoài Mút, Ngọc Hồi, Đống Đa... Đó là thế hệ những người lính nối tiếp nhau của những thời điểm lịch sử oai hùng với những chiến công lẫm liệt. Đó là hình ảnh của những tráng sĩ mài gươm, những “Hội nghị Diên Hồng”, những cuộc dấy binh “Lam Sơn tụ nghĩa”, là tiếng hô “Sát Thát”, là tiếng thơ sang sảng “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, là lời “Hịch tướng sĩ” đầy sức động viên, vẫy gọi khí thế chiến đấu. Họ bất tử trong lịch sử và đi vào những tác phẩm văn hóa bất hủ: Sông núi nước Nam (thơ thời Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Bình ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), Bạch Đằng giang phú (Trương Hán Siêu), Phú núi Chí Linh (Nguyễn Mộng Tuân), Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái), Ai Tư Vãn (Lê Ngọc Hân) và thơ của Phạm Ngũ Lão, Đặng Dung...

Di sản tinh thần quý giá trên để lại cho các thế hệ sau, đặc biệt từ khi có Đảng và Bác Hồ, một truyền thống bền vững, đó là lòng yêu nước, ý chí bất khuất, quật cường, đồng thời đó còn là phẩm giá đạo đức tuyệt vời của người lính “Phụ tử chi binh” của thời Trần, “Huynh đệ chí binh” của thời Lê, thời Tây Sơn. Các giá trị truyền thống trên là cơ sở, là cội nguồn lịch sử để sau này chúng ta xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì Tổ quốc sẵn sàng hy sinh.

Ở đây, trong cảm nhận về vẻ đẹp độc đáo của người lính Việt Nam, từ nghĩa binh, nghĩa quân đến Bộ đội Cụ Hồ là một dòng chảy lịch sử không đứt đoạn. Ví như, tinh thần quân và dân như cá với nước, nghĩa tình đồng đội, đồng chí thương yêu nhau như ruột thịt phải chăng đã bắt nguồn từ thời “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” có từ thời khởi nghĩa Lam Sơn!

Từ sự phân tích, cảm nhận trên cho phép chúng ta khẳng định rằng, kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ có cội nguồn sâu xa trong lịch sử đấu tranh, trong truyền thống văn hóa lâu đời và độc đáo của dân tộc ta. Đó là biểu tượng và đỉnh cao của hình ảnh người lính cầm vũ khí chiến đấu vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc Việt Nam, vì hạnh phúc của nhân dân trong thời đại mới.

(Còn nữa)

GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc 21/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 21/11/2024

Những bài học hay, kinh nghiệm quý nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị 19/11/2024

Công tác phối hợp giữa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương trong nghiên cứu, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng 18/11/2024

Vai trò của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đối với công tác tuyên giáo của Đảng 18/11/2024

Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam 18/11/2024

Đảm bảo trang trọng, đúng tầm vóc, tạo ấn tượng mạnh mẽ 15/11/2024

Lưu giữ, trao truyền giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cho hôm nay và mai sau 14/11/2024

Cao Bằng - Nơi ra đời Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam 13/11/2024

Nhân cách văn hóa và danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ hội tụ các giá trị chân, thiện, mỹ 12/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới
Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, tiềm lực quân sự là vấn đề chiến lược và hệ trọng; là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, trong đó Quân đội nhân dân là nòng cốt.