Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:57 (GMT+7)
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, vượt qua khó khăn, thách thức, những năm qua, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn đoàn kết, nhất trí, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nỗ lực khai thác tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn và đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã ghi nhận Tuyên Quang là nơi "địa đầu quan yếu" của Tổ quốc. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nơi đây là “Thủ đô Khu giải phóng” - trung tâm lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong hai ngày (16 và 17-8-1945), Quốc dân Đại hội được tổ chức tại đình Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương đã thống nhất chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh và bầu ra Ủy ban Giải phóng dân tộc - Chính phủ lâm thời - do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Quốc dân Đại hội Tân Trào được coi là "Hội nghị Diên Hồng lần thứ hai trong lịch sử nước ta", là mốc son chói lọi, mãi mãi được ghi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam. Chiều ngày 16-8-1945, dưới bóng đa Tân Trào, Quân giải phóng cử hành lễ xuất quân; đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đọc bản Quân lệnh số 1 chỉ huy đơn vị giải phóng quân tiến về Hà Nội. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn hai mươi triệu đồng bào cả nước đã nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa, làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám lịch sử.
Trong kháng chiến chống thực dân xâm lược (1946 - 1954), Tuyên Quang vinh dự là “Thủ đô kháng chiến”, nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, 11 bộ và hơn 60 ban, ngành, cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng. Xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa được Đảng ta chọn làm địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 02-1951). Những năm tháng ấy, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang không quản khó khăn, nguy hiểm, làm tròn nhiệm vụ góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan Trung ương và Bác Hồ, tạo điều kiện thuận lợi để Trung ương Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang vừa xây dựng hậu phương vững chắc, vừa đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới, quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, với phương châm: "Ổn định hài hòa, tập trung đột phá, khai thác tiềm năng, hội nhập phát triển" và tinh thần "Dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tập trung, quyết liệt", Tỉnh đã lựa chọn 4 khâu đột phá về phát triển giao thông, công nghiệp, du lịch và nguồn nhân lực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Tuyên Quang đã vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, phát huy tiềm năng, thế mạnh và đạt được những thành tựu to lớn. Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 14,08%/năm; thu nhập bình quân đạt 1.368 USD/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và các ngành dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản. Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông được chú trọng; Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm" đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo diện mạo mới ở khu vực nông thôn. Công nghiệp của Tỉnh duy trì tốc độ phát triển khá, với 28 dự án, tổng số vốn đầu tư trên 13.200 tỉ đồng, đưa giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 ước đạt 6.500 tỉ đồng, tăng bình quân 25%/năm (tính theo giá so sánh năm 1994). Việc phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hoá, gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực; an ninh lương thực được đảm bảo, bình quân đạt 440kg/người/năm. Du lịch có nhiều khởi sắc cả về tuyên truyền, quảng bá, hợp tác, bảo tồn, phát triển, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước; trong đó, Lễ hội Thành Tuyên là nét độc đáo của Tuyên Quang. Công tác giáo dục - đào tạo được chú trọng, nhất là công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, giáo dục trung học cơ sở; quy mô, mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được đầu tư, chú trọng xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường phổ thông dân tộc nội trú và phổ thông dân tộc bán trú, tạo bước phát triển mới trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo của Tỉnh. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, lao động, việc làm, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội,... đạt kết quả quan trọng; tỷ lệ giảm nghèo bình quân 5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 9,7%, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân có chuyển biến tích cực. Quốc phòng - an ninh được tăng cường. Hệ thống chính trị luôn được quan tâm củng cố; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng cao. Tuyên Quang đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển.
Tuy vậy, đến nay, Tuyên Quang vẫn là tỉnh còn khó khăn. Do nằm sâu trong nội địa, không có cửa khẩu, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, khó thu hút đầu tư; thị trường tiêu thụ các sản phẩm chưa bền vững; chất lượng một số lĩnh vực văn hóa, xã hội còn thấp; đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa...; năng lực lãnh đạo, quản lý của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn hạn chế, hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội hiệu quả chưa cao,... là những thách thức đối với Tỉnh trên con đường đổi mới, hội nhập, phát triển.
Để vượt qua khó khăn, thách thức đó, Đảng bộ Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, khai thác những tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, cơ cấu hợp lý; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Tỉnh xác định phải nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động nhân dân trong tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung vào ba lĩnh vực đột phá, tạo động lực và sức bật mới để hoàn thành mục tiêu đã xác định. .
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung phát triển công nghiệp, thúc đẩy sản xuất hàng hóa và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện, công nghiệp hỗ trợ,... theo hướng đồng bộ. Tỉnh chủ trương thực hiện tốt công tác quy hoạch, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp; hoàn thiện một số cơ chế, chính sách và tăng cường khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, nguồn nguyên liệu để thu hút nhà đầu tư. Đồng thời, tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao công suất, đa dạng hóa các nhà máy sản xuất; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng các nhà máy thủy điện theo quy hoạch, phát huy công suất của các nhà máy hiện có; tích cực thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường.
Tiếp tục phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có giá trị kinh tế cao, cơ cấu hợp lý gắn với xây dựng nông thôn mới. Tỉnh chỉ đạo các cấp tăng cường hợp tác, liên kết trong sản xuất nông, lâm nghiệp, gắn chặt phát triển các vùng sản xuất hàng hóa với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm, tập trung vào một số cây trồng chủ lực. Đồng thời, chú trọng hoàn chỉnh quy hoạch đất lâm nghiệp, tăng cường quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; trồng và khai thác hợp lý rừng sản xuất phục vụ công nghiệp chế biến, ưu tiên nhà máy sản xuất giấy, chế biến bột giấy; phát triển hợp lý rừng gỗ lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu; chuyển đổi đất lâm nghiệp, đất trồng cây ăn quả hiệu quả thấp, sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường. Giữ ổn định đất trồng lúa, thực hiện thâm canh, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại cá đặc sản. Cùng với đó, Tỉnh chỉ đạo rà soát, bổ sung các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp với thực tế; ưu tiên nguồn lực đầu tư, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học và công nghệ; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp, các doanh nghiệp chè, hợp tác xã; khuyến khích hình thức sản xuất trang trại, gia trại, tích tụ đất đai và các nguồn lực sản xuất hàng hóa với quy mô lớn; đa dạng hóa các nguồn lực, phát huy nội lực của cộng đồng dân cư để xây dựng nông thôn mới.
Tuyên Quang có tiềm năng phát triển đa dạng các loại hình du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, nhưng hiện tại chưa được khai thác xứng tầm. Vì thế, trong thời gian tới, Tỉnh tiếp tục đầu tư để phát triển và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm. Trong đó, Tỉnh tập trung huy động các nguồn lực đầu tư quy hoạch và xây dựng Khu du lịch Lịch sử, Văn hóa và Sinh thái Tân Trào thành Khu du lịch Quốc gia; phát triển du lịch khu vực thành phố Tuyên Quang, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái Na Hang; gắn chặt với đó là có cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống.
Tỉnh tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tích cực đổi mới, tạo bước chuyển biến căn bản, toàn diện về giáo dục - đào tạo và làm tốt công tác xây dựng Đảng. Về đào tạo nghề và nguồn nhân lực, Tỉnh chủ trương đào tạo nguồn lao động có chất lượng, cơ cấu ngành nghề hợp lý, gắn với nhu cầu của thị trường lao động; có chính sách, giải pháp đào tạo, thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực cao. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển văn hóa, từng bước nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tiếp tục đổi mới công tác tổ chức, cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự ổn định, đồng thuận trong xã hội. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng theo hướng khoa học, kế hoạch hóa, dân chủ, kỷ cương, hiệu quả, sát cơ sở.
Để tạo môi trường thuận lợi cho Tuyên Quang phát triển nhanh, bền vững, Tỉnh ủy chủ trương gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Theo đó, Tỉnh coi trọng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, tích cực xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, trọng tâm là xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn. Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, coi trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn,... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ địa phương, góp phần bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Với những chủ trương, giải pháp đồng bộ nêu trên, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh, xây dựng Tuyên Quang ngày càng phát triển, xứng đáng là quê hương cách mạng.
CHẨU VĂN LÂM, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tỉnh
Tuyên Quang,quê hương cách mạng
Hà Nội chung sức, đồng lòng phát triển thủ đô nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, Thành phố thông minh, hiện đại 23/12/2021
Toàn quốc kháng chiến - bài học về xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới 19/12/2021
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân trong tình hình mới 18/12/2021
Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại 17/12/2021
Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới 16/12/2021
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - cương lĩnh về khát vọng hòa bình của dân tộc 15/12/2021
Phát huy bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong toàn quốc kháng chiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 14/12/2021
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – Lời hịch thời đại Hồ Chí Minh 13/12/2021
Lực lượng vũ trang Quân khu 3, phát huy thắng lợi mở đầu toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh 12/12/2021
Tuổi trẻ Việt Nam phát huy tinh thần “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 10/12/2021