Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:25 (GMT+7)
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, tạo tiền đề cho sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á; mở ra kỷ nguyên mới trên đất nước Việt Nam. Đó là thắng lợi của đường lối cách mạng dân tộc, dân chủ đúng đắn và phương pháp tổ chức, sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng ta. Thắng lợi của phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc sâu sắc của nhân dân ta. Đó còn là thắng lợi của nghệ thuật xây dựng thực lực cách mạng, nắm thời cơ, tận dụng thời cơ chín muồi để tiến hành Tổng khởi nghĩa, v.v.
Tất cả những yếu tố đó đã làm nên tinh thần quật khởi của Cách mạng Tháng Tám. Đó là sự vùng lên mạnh mẽ của cả dân tộc để giành độc lập với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[1]; là ý chí tự lực tự cường“đem sức ta mà giải phóng cho ta” của toàn dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Tinh thần đó được kết tinh từ truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm mấy nghìn năm của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần đó tiếp tục được bồi đắp, hun đúc, tạo thành sức mạnh không gì ngăn cản nổi ‒ “Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[2].
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc ta. Tinh thần quật khởi và giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Tám đã trở thành động lực to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, phát huy tinh thần quật khởi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng, tiến hành cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện”, đầy khó khăn, gian khổ, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, cam kết chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Trước tình hình nhân dân miền Nam vẫn nằm dưới ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân kiểu mới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại bước vào cuộc chiến đấu mới. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập, thống nhất”, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược: “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Thực tiễn Cách mạng Tháng Tám và qua các cuộc chiến tranh giải phóng đó cho thấy, một trong những nguyên nhân thành công, cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc là Đảng ta đã xây dựng được “thế trận lòng dân” vững chắc. Đó là xây dựng được niềm tin để mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội, các tôn giáo, giai cấp,... đều đồng lòng ủng hộ cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. “Ý Đảng, lòng dân” luôn hòa quyện làm một. Nhờ đó, Đảng ta đã xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, huy động và phát huy được tiềm lực to lớn từ nhân dân, sức mạnh vô địch của nhân dân.
Hiện nay, trong bối cảnh các thế lực thù địch tiếp tục chống phá toàn diện bằng các hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đẩy mạnh chia rẽ khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo; chia rẽ giữa nhân dân với Đảng; đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang,... chúng ta càng phải quan tâm xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, làm cơ sở tạo sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta là đảng cầm quyền, thì yêu cầu quan trọng hàng đầu là phải tập trung xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, có đường lối đúng đắn, thực sự của dân, do dân và vì dân, được dân mến, dân tin như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”[3], làm cơ sở quy tụ, tập hợp quần chúng, phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc để bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đó, cần tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành xã hội. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội phải thực sự gương mẫu “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nắm vững và thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có năng lực tốt, luôn giữ vững vai trò tiền phong, gương mẫu, biết đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân, suốt đời phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tổ chức đảng các cấp cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; đồng thời, gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu xa rời quần chúng nhân dân.
Để xây dựng, bồi đắp, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, ý chí tự lực tự cường của dân tộc, các ngành, các cấp, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục lịch sử truyền thống chống giặc ngoại xâm bất khuất, kiên cường của dân tộc. Coi trọng xây dựng, phát huy nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là truyền thống yêu nước, tình yêu quê hương đất nước, lòng nhân ái, thủy chung, tinh thần đoàn kết cộng đồng, tình yêu lao động, đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó của nhân dân Việt Nam, làm cho truyền thống yêu nước của dân tộc thấm sâu vào mỗi người dân, tạo thành sức mạnh dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình thực hiện, cần coi trọng thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh, nhằm không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tinh thần quật khởi của cách mạng Tháng Tám được hình thành trên cơ sở sự “đồng lòng” quyết tâm cao độ của toàn dân. Bài học về xây dựng phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong Cách mạng Tháng Tám đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn “là vấn đề sống còn của cách mạng”. Vì thế, chúng ta phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận; nhất là Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 03-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Các ngành, các cấp cần tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, quan tâm chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của nhân dân; nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Thực hiện tốt công tác chính sách xã hội, thông qua các phong trào, cuộc vận động, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, v.v. Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát hiện, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn phát sinh trong đời sống dân cư; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cơ hội, cục bộ, bè phái, v.v. Qua đó, không ngừng tăng cường tiềm lực chính trị, tinh thần của đất nước và sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, các đơn vị Quân đội cần thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác”, phát huy truyền thống, tiếp tục xây dựng mối quan hệ gắn bó máu - thịt với nhân dân. Trong đó, cần tập trung thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước và Quân đội phát động, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, củng cố “thế trận lòng dân” trong các khu vực phòng thủ. Các đơn vị đứng chân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn phải tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng, như: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,... ở địa phương, cơ sở; tham gia xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên địa bàn.
Cách mạng Tháng Tám 1945 là một sự kiện trọng đại có ý nghĩa quốc tế và thời đại sâu sắc, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Tinh thần quật khởi của Cách mạng Tháng Tám đã được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy trong suốt 70 năm qua. Trước yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta cần tiếp tục phát huy tinh thần quật khởi của Cách mạng Tháng Tám, tăng cường xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, làm cơ sở xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
MẠNH DŨNG
[1] - Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 của Hồ Chủ Tịch)
[2] - Hồ Chí Minh Toàn tập – Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 38
[3] - Hồ Chí Minh Toàn tập – Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 232
Hà Nội chung sức, đồng lòng phát triển thủ đô nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, Thành phố thông minh, hiện đại 23/12/2021
Toàn quốc kháng chiến - bài học về xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới 19/12/2021
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân trong tình hình mới 18/12/2021
Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại 17/12/2021
Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới 16/12/2021
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - cương lĩnh về khát vọng hòa bình của dân tộc 15/12/2021
Phát huy bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong toàn quốc kháng chiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 14/12/2021
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – Lời hịch thời đại Hồ Chí Minh 13/12/2021
Lực lượng vũ trang Quân khu 3, phát huy thắng lợi mở đầu toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh 12/12/2021
Tuổi trẻ Việt Nam phát huy tinh thần “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 10/12/2021