QPTD -Thứ Sáu, 10/12/2021, 07:12 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Quân khu 7 phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Cách đây 75 năm, ngày 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Nam Bộ đã kề vai, sát cánh cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sự kiện lịch sử của những năm tháng hào hùng ấy vẫn còn nguyên giá trị, để lại dấu ấn không thể phai mờ cùng nhiều bài học quý cho lực lượng vũ trang Quân khu kế thừa, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam phải đương đầu với “thù trong, giặc ngoài”, nạn đói hoành hành, khó khăn chất chồng, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong hoàn cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bình tĩnh, sáng suốt chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh hiểm nguy, từng bước tiến lên. Trên nguyên tắc độc lập, thống nhất, Đảng ta đề ra sách lược ngoại giao mềm dẻo, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” linh hoạt, phù hợp nhằm phân hóa kẻ thù, tranh thủ thời gian để củng cố và phát triển lực lượng cách mạng. Nhưng với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh, nổ súng tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Cùng với việc lãnh đạo Nam Bộ kháng chiến, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực đấu tranh ngoại giao nhằm tránh một cuộc chiến tranh đổ máu cho hai dân tộc Việt - Pháp. Song, thực dân Pháp với “quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”, chúng liên tục gây hấn ở nhiều nơi, tạo cớ phát động chiến tranh ra toàn quốc.

Đứng trước sự tồn vong của dân tộc, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lời Bác Hồ vang vọng núi sông, tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng vũ trang và nhân dân miền Đông Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ cùng cả nước đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh địch rộng khắp. Các chiến thuật “trong đánh, ngoài vây” áp dụng ở Sài Gòn, chiến thuật phòng ngự được áp dụng ở các mặt trận phát huy được hiệu quả, góp phần kìm chân quân Pháp ở Nam Bộ để nhân dân cả nước có thêm thời gian xây dựng lực lượng chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Chiến tranh du kích ở các vùng bị địch chiếm đóng đã phối hợp nhịp nhàng với những cuộc đình công, bãi khóa, bãi thị của công nhân, học sinh và nhân dân, gây cho giặc Pháp nhiều khó khăn và thiệt hại. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân miền Đông Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ tổ chức nhiều trận đánh chặn, cắt giao thông của địch trên quốc lộ 1, đường xe lửa Sài Gòn - Phan Thiết, đường số 11, đường xe lửa Tháp Chàm - Đà Lạt, v.v. Quân dân Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ đã chiến đấu anh dũng, góp phần đánh bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh, giam chân gần 50.000 quân viễn chinh Pháp. Trong hoạt động quân sự, quân và dân ta đã sáng tạo, xây dựng thành công mô hình căn cứ địa kháng chiến ở bưng biền, trong rừng ngập mặn và địa hình rừng núi miền Đông Nam Bộ, cùng những cách đánh hiệu quả, như: giao thông chiến, cường tập công đồn, đánh địch bằng thủy lôi, đặc công nước, đánh du kích trong lòng địch, xây dựng những làng chiến đấu, giao thông hào và địa đạo độc đáo ở miền Đông Nam Bộ, v.v. Tháng 02/1946, ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ tặng đồng bào Nam Bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ và “Chỉ thị toàn dân kháng chiến” của Đảng ta thể hiện sâu sắc đường lối cách mạng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là thắng lợi của sức mạnh kháng chiến toàn dân, toàn diện, cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc, của trí tuệ và bản lĩnh con người Việt Nam; sức mạnh của tiền tuyến và hậu phương, vật chất và tinh thần, hiện đại và truyền thống, trong nước và quốc tế; sự đoàn kết toàn dân tập hợp trong mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, được xây dựng trên nền tảng khối liên minh công nông vững chắc.

Bảy lăm năm trôi qua, nhưng âm hưởng lời thề: “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” vẫn còn vang vọng mãi! Lời thề ấy chính là ý chí độc lập, tự do, là khí phách của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Tinh thần toàn quốc kháng chiến đã được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân miền Đông Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ tiếp nối, phát huy cao độ trong những năm tháng trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tiếp tục lập những chiến công vẻ vang. Phát huy truyền thống và bài học quý đó, lực lượng vũ trang Quân khu không ngừng xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, chất lượng tổng hợp ngày càng cao, xứng đáng với niềm tin của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân địa phương. Lực lượng vũ trang Quân khu đã vừa chiến đấu, vừa xây dựng, từng bước tích lũy kinh nghiệm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Khi đất nước thống nhất, Bắc - Nam một nhà, lực lượng vũ trang Quân khu lại lên đường chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả đối với cách mạng, giúp nhân dân nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Bộ đội Phòng hóa Quân khu  phun thuốc khử khuẩn phòng, chống dịch trên đường phố quận Gò Vấp. Nguồn: https://thanhuytphcm.vn/

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, hơn bao giờ hết, lực lượng vũ trang Quân khu tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần quật khởi của những ngày toàn quốc kháng chiến, nỗ lực phấn đấu để luôn là nòng cốt trong bảo đảm vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, giữ vững môi trường ổn định cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa vững chắc. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu thường xuyên chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh; trước hết là vững mạnh về chính trị, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh tổng hợp; xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu “tinh, gọn, mạnh”, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Trong quá trình thực hiện, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đặc biệt quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, không để xảy ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng tiềm lực quốc phòng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện nghiêm quy chế phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ. Đổi mới công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và nhân dân; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên địa bàn. Mặt khác, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nét đẹp văn hóa “Người chiến sĩ miền Đông Nam Bộ”,... xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân.

Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của sức mạnh chính trị tinh thần trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Theo đó, lực lượng vũ trang Quân khu tiếp tục phát huy vai trò “đội quân công tác”, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng địa bàn an toàn. Đẩy mạnh Phong trào “Lực lượng vũ trang Quân khu 7 chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng xã, phường an toàn, sẵn sàng chiến đấu cao” bằng nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Các đơn vị chủ lực, cơ quan quân sự địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện dã ngoại và làm công tác dân vận, giúp dân xây dựng cơ sở hạ tầng, giữ vững an ninh chính trị trên từng địa bàn,... góp phần tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân. Đồng thời, tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, giúp dân xóa đói giảm nghèo, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, cứu hộ cứu nạn, v.v. Điển hình là, từ cuối tháng 4/2021, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư trên địa bàn Quân khu không chỉ kéo dài, mà còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội, trực tiếp đe dọa tính mạng, sức khỏe và đời sống của nhân dân. Trước tình hình đó, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp để phòng, chống dịch và hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn. Với tinh thần “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, trực tiếp xung kích trên tuyến đầu, cùng các cấp, các ngành, các lực lượng tích cực phòng, chống dịch hiệu quả1, góp phần từng bước ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đưa hoạt động xã hội trở lại “trạng thái bình thường mới”, thích ứng an toàn với dịch bệnh. Những việc làm đó đã góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo nền tảng địa phương ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” - “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, sẵn sàng hy sinh, quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc và truyền thống anh hùng, bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, được lực lượng vũ trang Quân khu kế thừa, phát huy, xây đắp nên truyền thống vẻ vang: “Trung thành vô hạn; Chủ động sáng tạo; Tự lực tự cường; Đoàn kết quyết thắng” trong thời đại Hồ Chí Minh. Ý chí, tinh thần ấy không chỉ được hun đúc, thể hiện rõ nét trong đấu tranh chống ngoại xâm, mà còn tiếp tục được phát huy, thực hiện với nội dung, hình thức mới, chất lượng cao hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trung tướng TRẦN HOÀI TRUNG, Chính ủy Quân khu
_________________

1 - Lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã tăng cường phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận là 102.000 cán bộ, chiến sĩ, tổ chức gần 16.800 tổ, trạm, chốt dân quân trên biên giới đất liền, biên giới biển và trong các vùng dịch; tham gia chốt chặn tại các nút giao thông, tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự vùng dịch. Trên địa bàn Quân khu đã thành lập 55 điểm cách ly tập trung phòng, chống dịch, (18 điểm quân sự), tổ chức tiếp nhận, cách ly công dân hơn 77.166 người. Các địa phương Tây Ninh, Bình Phước, Long An đầu tư xây dựng, nâng cấp bán kiên cố 227 chốt chống dịch ở biên giới và hỗ trợ hơn 14 tỉ đồng xét nghiệm SARS-COV-2 cho tất cả thanh niên nhập ngũ; huy động 7.643 dân quân làm nhiệm vụ ở các khu cách ly, chốt chống dịch.

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Hà Nội chung sức, đồng lòng phát triển thủ đô nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, Thành phố thông minh, hiện đại 23/12/2021

Toàn quốc kháng chiến - bài học về xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới 19/12/2021

Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân trong tình hình mới 18/12/2021

Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại 17/12/2021

Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới 16/12/2021

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - cương lĩnh về khát vọng hòa bình của dân tộc 15/12/2021

Phát huy bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong toàn quốc kháng chiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 14/12/2021

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – Lời hịch thời đại Hồ Chí Minh 13/12/2021

Lực lượng vũ trang Quân khu 3, phát huy thắng lợi mở đầu toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh 12/12/2021

Tuổi trẻ Việt Nam phát huy tinh thần “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 10/12/2021

Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại
Kỷ niệm 75 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2021) là dịp để chúng ta một lần nữa khẳng định giá trị, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của sự kiện lịch sử trọng đại này. Đặc biệt, những bài học được rút ra từ sự kiện đó, trong thời điểm lịch sử có tính bước ngoặt đối với vận mệnh của dân tộc còn nguyên giá trị.