Thứ Bảy, 23/11/2024, 18:26 (GMT+7)
Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 02-9-1945. (Ảnh tư liệu/ TTXVN)
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hà Nội là nơi đặt trụ sở của Thống sứ Pháp ở Bắc Kỳ, đại diện triều đình nhà Nguyễn, Bộ Chỉ huy quân Nhật ở Việt Nam và Chính phủ (thân Nhật) Trần Trọng Kim. Hà Nội là nơi tập trung đông đảo các tầng lớp nhân dân, thanh niên, sinh viên, trí thức, v.v. Bởi vậy, Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ xác định đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng; đồng thời, thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi hành động của các phe phái, nhất là quân Nhật để lãnh đạo, chỉ đạo Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền, tạo cơ sở, tiền đề cho các địa phương khởi nghĩa. Theo đó, Trung ương đã cử nhiều cán bộ có kinh nghiệm, giỏi nắm bắt thực tiễn, chỉ đạo cách mạng để tăng cường cho Hà Nội. Được sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ, Hà Nội đã chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ mọi việc; trong đó, chú trọng phát triển lực lượng chính trị, vũ trang và bán vũ trang để khi có điều kiện chớp thời cơ khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân.
Tối ngày 09-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình, ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã kịp thời ra Chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”; xác định rõ kẻ thù lúc này của cách mạng Việt Nam và Đông Dương là phát-xít Nhật; thay khẩu hiệu “đánh đuổi phát-xít Nhật, Pháp” bằng khẩu hiệu “đánh đuổi phát-xít Nhật”, v.v.
Thực hiện Chỉ thị này, cùng với nhân dân cả nước, Hà Nội phát động phong trào đấu tranh kháng Nhật, cứu nước; tích cực đấu tranh chính trị, tư tưởng, vạch trần bộ mặt giả dối của phát-xít Nhật, việt gian, bù nhìn; đồng thời, chống tâm lý phục Nhật, sợ Nhật. Đảng ta, trong đó có Đảng bộ Hà Nội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương thành lập nhiều ban, tổ tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân; chỉ đạo ra mắt các tờ báo, như: Cứu quốc, Cờ Giải phóng, tổ chức lưu hành rộng rãi trong công nhân. Các tổ, đội tuyên truyền cổ động, với nhiều khẩu hiệu, biểu ngữ đi khắp các phố, phường, ngõ, ngách, thôn, xóm, vừa tuyên truyền, vận động nhân dân vững tin vào đường lối của Đảng, vừa gây thanh thế cho Việt Minh, vừa uy hiếp kẻ thù. Qua đó, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân nêu cao tinh thần đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Để phát triển lực lượng rộng khắp, Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ cùng Đảng bộ Hà Nội khẩn trương thành lập các tổ chức cứu quốc trong công nhân, nông dân, thanh niên, học sinh, thậm chí cả trong các cơ quan hành chính của Pháp, Nhật và chính phủ bù nhìn. Nhiều cán bộ của ta đã đi vào các nhà máy, xí nghiệp, nhất là các nhà máy, xí nghiệp lớn, quan trọng; về các xã, phường, khu phố, thôn, xóm vận động các tầng lớp nhân dân đi theo cách mạng và tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng của Mặt trận Việt Minh không ngừng lớn mạnh. Đội Công nhân xung phong thành Hoàng Diệu khoảng 30 đội viên; Đội Tự vệ xung phong ngoại thành khoảng 21 đội viên; Đội Tự vệ cứu quốc phố Bạch Mai khoảng 155 đội viên, v.v. Trước yêu cầu phát triển lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, Hà Nội gấp rút mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ quân sự, chính trị cả ở nội thành và ngoại thành cho các tổ, đội tự vệ và các ban, ngành. Vì thế, gần đến ngày khởi nghĩa, lực lượng vũ trang Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Chỉ tính riêng lực lượng đã được huấn luyện có trên 700 người, Đảng bộ Hà Nội tuy chỉ có khoảng 50 đảng viên, nhưng được tổ chức chặt chẽ; đều là cán bộ được lựa chọn từ các địa phương thuộc Xứ ủy Bắc Kỳ và Trung ương, nên đây là một Đảng bộ rất mạnh. Ngoài ra, còn có hàng chục vạn quần chúng cảm tình, sẵn sàng ủng hộ và đi theo cách mạng.
Cùng với đó, Đảng bộ Hà Nội còn chỉ đạo mở rộng việc bán “Tín phiếu Việt Minh”, phát động phong trào quyên góp, gây quỹ “Đồng tiền cứu nước” để sản xuất, mua sắm vũ khí; tích cực lấy súng, đạn của địch trang bị cho lực lượng vũ trang. Tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch thay đổi nhanh chóng, có lợi cho cách mạng, làm cho quân Nhật và chính phủ bù nhìn không những bối rối, bất lực mà còn bị cô lập. Hà Nội còn tổ chức cho nhân dân phá kho thóc của Nhật, vừa cung cấp lương thực cho đồng bào, vừa trực tiếp tập dượt công tác tổ chức, chỉ huy để Đảng bộ Hà Nội rút kinh nghiệm làm cơ sở chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền.
Đêm 13-8, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1 hạ lệnh Tổng khởi nghĩa; thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã chín muồi. Chiều 15-8, Xứ ủy Bắc kỳ quyết định thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội (Ủy ban khởi nghĩa) do đồng chí Nguyễn Khang làm Chủ tịch. Ngày 17-8, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng Việt Minh đã biến diễn đàn của chính phủ Trần Trọng Kim thành cuộc mít tinh tuyên truyền đường lối cách mạng, kêu gọi toàn dân Tổng khởi nghĩa; đồng thời, tổ chức tuần hành trên các đường phố nhằm biểu dương lực lượng, uy hiếp tinh thần của quân xâm lược. Sáng ngày 19-8, các đội tự vệ nội thành, ngoại thành được trang bị vũ khí, giương cao cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ cách mạng rầm tập tiến về Nhà hát Lớn. Trên các ngả đường từ ngoại thành vào trung tâm Thành phố, hàng vạn đồng bào của các huyện lân cận Hà Nội nườm nượp kéo vào trung tâm tham gia khởi nghĩa. Phía Nam Thành phố, Đoàn thanh niên xung phong Hoàng Diệu xuất phát từ làng Giáp Tứ, Giáp Nhị hành quân lên chợ Mơ, rồi tiến vào khu trung tâm. Phía Nam và phía Tây Thành phố, một số đội tự vệ chiến đấu tiến quân theo đường Cát Linh, Cửa Nam, Tràng Thi, Tràng Tiền đến Nhà hát Lớn. Hàng vạn quần chúng hai bên đường nhập vào đoàn quân, làm cho lực lượng cách mạng ngày càng đông, khí thế dâng trào. Đúng 11 giờ, ngày 19-8, một cuộc mít tinh lớn gồm hàng chục vạn người được tổ chức tại Nhà hát Lớn, rồi nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình, tuần hành thị uy. Lực lượng vũ trang tổ chức thành hai khối tỏa đi đánh chiếm các cơ quan trọng yếu của địch. Khối thứ nhất do Đội Công nhân xung phong dẫn đầu, có nhiệm vụ chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Kho bạc, Bưu điện và Sở cảnh sát. Khối thứ hai do Đoàn thanh niên tuyên truyền xung phong Hoàng Diệu dẫn đầu, có nhiệm vụ chiếm Trại Bảo an binh và Ty Liêm phóng Bắc Kỳ.
Đồng thời, Mặt trận Việt Minh cử đoàn cán bộ trực tiếp gặp gỡ, đàm phán với quân Nhật, tại Tổng hành dinh của chúng (nay là 33 Phạm Ngũ Lão). Cuộc đàm phán diễn ra gay go, phức tạp, nhưng do sự linh hoạt, khôn khéo của ta, cuối cùng quân Nhật buộc phải chấp nhận theo yêu cầu của ta. Theo đó, quân Nhật phải án binh bất động, không can thiệp vào công việc của Việt Minh, chấp nhận chính quyền cách mạng; đổi lại, họ sẽ được đảm bảo an toàn, v.v. Thắng lợi của cuộc đàm phán có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cuộc khởi nghĩa của Hà Nội. Lực lượng khởi nghĩa không những tránh đối đầu trực tiếp với quân Nhật mà còn loại trừ các lực lượng chính trị khác đang có ý đồ làm đảo ngược tình thế lúc này tại Hà Nội.
Tối 19-8-1945, các cơ quan quan trọng của triều đình Bảo Đại tại Hà Nội đã về tay cách mạng. Việt Minh hoàn toàn làm chủ thành phố. Cả Hà Nội ngập tràn niềm vui, rực rỡ cờ, hoa. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội - trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa của cả nước - đã hoàn toàn thắng lợi.
Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội thắng lợi là kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài, đấu tranh gian khổ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần quan trọng quyết định kết thúc nhanh chóng cuộc Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trên phạm vi cả nước.
Thứ nhất, Hà Nội là nơi cuộc khởi nghĩa nổ ra sớm nhất so với các đô thị trong cả nước, như: Huế (ngày 23-8), Sài Gòn (ngày 25-8). Cuộc khởi nghĩa đầu tiên thắng lợi - khởi đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, nên nó có sức lan tỏa, cổ vũ, động viên, thúc đẩy rất lớn đối với các đô thị và địa phương cả nước. Mặc dù, trong thời gian rất ngắn sau khởi nghĩa, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Thành phố, Hà Nội đã nhanh chóng ổn định tình hình, gấp rút chuẩn bị mọi công việc, như: đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội để đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng về tổ chức Lễ tuyên bố Độc lập (ngày 2-9), khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Thứ hai, cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội được thực hiện và diễn ra một cách chủ động theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “đem sức ta tự giải phóng cho ta”. Theo đó, Hà Nội đã chủ động, tích cực làm tốt công tác chuẩn bị từ lực lượng, cơ sở vật chất đến các phương án. Đồng thời, chủ động tháo gỡ tình thế, tận dụng thời cơ chín muồi để tiến hành khởi nghĩa; xác định và tổ chức nhanh lực lượng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu.
Thứ ba, cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội giành thắng lợi nhanh chóng và triệt để, thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền Hà Nội trong việc quán triệt chỉ thị của Trung ương, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, khéo léo tạo và chớp thời cơ, nên khởi nghĩa giành thắng lợi với tổn thất ít nhất.
Với việc đi đầu, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hà Nội đã ghi thêm một chiến công vẻ vang vào trang sử vàng truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Thắng lợi đó, đem lại nhiều bài học quý báu để Đảng ta rút kinh nghiệm, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa trong phạm vi cả nước nhanh chóng thành công và là cơ sở khoa học giúp Đảng ta xây dựng thành lý luận về khởi nghĩa vũ trang ở đô thị.
Thắng lợi vẻ vang của cuộc Tổng khởi nghĩa năm 1945 thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, kết quả của sự chiến đấu hy sinh quên mình của lớp lớp quần chúng, cán bộ, đảng viên qua nhiều thời kỳ đấu tranh quyết liệt. Đó cũng là thành công to lớn của Đảng bộ Hà Nội trong việc vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối chiến lược, sách lược của Đảng vào thực tiễn Hà Nội.
PGS,TS. NGUYỄN MẠNH HÀ, Trung tá, ThS. VŨ THỊ OANH
Hà Nội,Cách mạng Tháng Tám
Hà Nội chung sức, đồng lòng phát triển thủ đô nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, Thành phố thông minh, hiện đại 23/12/2021
Toàn quốc kháng chiến - bài học về xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới 19/12/2021
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân trong tình hình mới 18/12/2021
Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại 17/12/2021
Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới 16/12/2021
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - cương lĩnh về khát vọng hòa bình của dân tộc 15/12/2021
Phát huy bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong toàn quốc kháng chiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 14/12/2021
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – Lời hịch thời đại Hồ Chí Minh 13/12/2021
Lực lượng vũ trang Quân khu 3, phát huy thắng lợi mở đầu toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh 12/12/2021
Tuổi trẻ Việt Nam phát huy tinh thần “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 10/12/2021