QPTD -Thứ Sáu, 14/08/2015, 14:42 (GMT+7)
Chủ nghĩa yêu nước -‒ động lực chính của Cách mạng Tháng Tám

Cách mạng Tháng Tám là cuộc nổi dậy của tất thảy những người Việt Nam yêu nước, được tổ chức, đoàn kết, thống nhất dưới ngọn cờ giải phóng dân tộc của Đảng Cộng sản Đông Dương. Bằng sức mạnh của cả dân tộc, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, nhân dân ta đã làm nên kỳ tích: lật đổ chính quyền Nhà nước thực dân - phong kiến, lập ra nhà nước dân chủ nhân dân.

Giành chính quyền tại thị xã Hòn Gai. (Tranh vẽ tại Bảo tàng Quảng Ninh)

Trước diễn biến mau lẹ của tình hình thế giới, trong nước, tháng 11-1939, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức Hội nghị lần thứ sáu nhằm đánh giá tình hình, đề ra chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của cách mạng Việt Nam. Hội nghị nhận định, bản chất của chiến tranh thế giới là cuộc chiến tranh “phản động”, “cướp bóc”, xâu xé lẫn nhau giữa hai tập đoàn đế quốc, “Thế giới sẽ là cái lò sát sinh lớn! Nhân loại sẽ phải chịu một số kiếp vô cùng thê thảm”[1]. Tình thế mới đã đặt ra trước mắt vấn đề sống còn của các dân tộc Đông Dương, không còn con đường nào khác con đường vùng lên đánh đổ đế quốc, thực dân. Đảng xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ là chống đế quốc, phong kiến, giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày; rằng: “đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào mục đích ấy mà giải quyết”[2]. Như thế, về mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược không thay đổi, nhưng về chỉ đạo chiến lược Đảng đã có sự chuyển hướng rất quan trọng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Khi Nhật đưa quân vào Việt Nam (ngày 22-9-1940), Pháp ký hiệp định thừa nhận quân Nhật có mặt trên đất Đông Dương, nhân dân ta chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Tình thế cách mạng thay đổi, tại Hội nghị lần thứ bảy (tháng 11-1940) Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Lúc này phải làm cho toàn thể nhân dân phát huy lòng yêu nước, đặt quyền lợi tối cao của dân tộc lên trên các quyền lợi khác để đồng lòng, góp sức đập tan ách thống trị của phát-xít, thực dân, giành chính quyền về tay nhân dân.

Tháng 5-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trên cơ sở nhận định kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là phát-xít Nhật và thực dân Pháp cùng bọn tay sai, Hội nghị khẳng định: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”[3]. Đảng ta khẳng định tiếp tục giương cao hơn nữa ngọn cờ giải phóng dân tộc, xác định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng Đông Dương là giải phóng các dân tộc Đông Dương khỏi ách thống trị của thực dân Pháp và phát-xít Nhật. Để huy động được đông đảo nhân dân Việt Nam vào công cuộc giải phóng dân tộc, Hội nghị chủ trương “phải vận dụng một phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân”. Vì thế, cần thành lập một tổ chức mặt trận dân tộc thống nhất với tên mới “có tính chất dân tộc hơn”, “có một mãnh lực dễ hiệu triệu hơn”, đó là Việt Nam Độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Sau khi ra đời, Mặt trận Việt Minh phát triển nhanh chóng, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, dưới các hình thức như: Hội Công nhân Cứu quốc, Hội Nông dân Cứu quốc, Hội Phụ lão Cứu quốc, Hội Thanh niên Cứu quốc, Hội Phụ nữ Cứu quốc, Hội Quân nhân Cứu quốc, Hội Thiếu niên Cứu quốc, Hội Nhi đồng Cứu vong, Hội Văn hóa cứu quốc, v.v. Tháng 6-1944, được Đảng Cộng sản Đông Dương giúp đỡ, Đảng Dân chủ Việt Nam, tập hợp trí thức yêu nước và tư sản tiến bộ được thành lập và gia nhập Việt Minh.

Tuyên ngôn của Mặt trận Việt Minh nêu rõ truyền thống hào hùng của dân tộc: “Một dân tộc có trên bốn ngàn năm lịch sử trước sau bị phong kiến Trung Hoa đô hộ đến hơn mười thế kỷ mà vẫn không bị diệt vong; một dân tộc đã sinh ra những vị anh hùng cứu quốc như Trưng Trắc, Triệu Ẩu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung quyết không chịu làm vong quốc nô mãi! Một dân tộc sáu bảy mươi năm chiến đấu không ngớt chống chủ nghĩa đế quốc, đã viết lên những trang lịch sử đầy hy sinh anh dũng,… quyết không chịu làm trâu ngựa cho quân đế quốc da trắng hay da vàng!... Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”[4]. Với tinh thần đó, chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu từ Hội nghị Trung ương sáu, bảy đã được Hội nghị Trung ương tám hoàn chỉnh, đồng thời quán triệt đầy đủ tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh. 

Nhờ có sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đúng đắn, kịp thời của Đảng và phát động chủ nghĩa yêu nước trong đồng bào của Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc[5], cách mạng Việt Nam chuyển sang một cao trào đấu tranh yêu nước giải phóng dân tộc mạnh mẽ. Để thực hiện chủ trương của Đảng “Cuộc cách mạng Đông Dương kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang”, cùng với việc chuẩn bị lực lượng chính trị, các địa phương cũng tích cực xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng dưới hình thức đội tự vệ cứu quốc tiểu tổ du kích cứu quốc. Ngày 22-12-1944, theo quyết định của Trung ương Đảng và chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. Đây là đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng.

Theo yêu cầu của tình hình và sự phát triển của phong trào, các căn cứ  cách mạng được thành lập. Ở đó, các Ủy ban Việt Minh đảm nhiệm vai trò chính quyền địa phương, với nhiều xã “hoàn toàn”, tổng “hoàn toàn” và cả châu “hoàn toàn”, tức là tất cả nhân dân đều tham gia Việt Minh. Phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta phát triển nhanh chóng, thanh thế Việt Minh lan rộng khắp cả nước. Kẻ thù đẩy mạnh hành động khủng bố, nhiều đảng viên cộng sản và đồng bào yêu nước bị tù đày, chém giết, nhưng tinh thần yêu nước của các chiến sĩ cách mạng, các tầng lớp nhân dân, kể cả tư sản dân tộc, địa chủ vừa và nhỏ, các quan lại hưu trí và các kỳ hào,… tiếp tục dâng cao, hết lòng đi theo hoặc ủng hộ Việt Minh.

 Đầu năm 1945, diễn biến chiến tranh thế giới đẩy phát-xít Đức đến bờ vực diệt vong, phát-xít Nhật rơi vào tình trạng khốn quẫn. Ở Đông Dương, mâu thuẫn Nhật - Pháp lên đến đỉnh điểm. Nhật làm đảo chính lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp để độc chiếm Đông Dương, tổ chức phòng thủ chống quân Đồng minh tiến vào. Ngay trong đêm 09-3-1945, khi nhận được tin Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp hội nghị mở rộng. Hội nghị nhận định cuộc đảo chính đã tạo nên tình hình khủng hoảng chính trị sâu sắc, làm cho điều kiện cuộc khởi nghĩa chóng chín muồi và ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (ngày 12-3-1945), phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ, làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa.

Từ tháng 3-1945, cách mạng Việt Nam tiến lên cao trào kháng Nhật cứu nước. Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc quân thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân (tháng 4-1945). Từ căn cứ địa Việt Bắc, Việt Nam giải phóng quân tiến xuống phía Nam, đi đến đâu cũng đều được lực lượng quần chúng nổi dậy phối hợp hoạt động xóa bỏ bộ máy thống trị của phát-xít Nhật và bọn tay sai, thành lập chính quyền nhân dân. Nhiều căn cứ kháng Nhật trên địa bàn chiến lược trong cả nước được xây dựng, Ủy ban dân tộc giải phóng ở các địa phương được thành lập. Cả dân tộc ta gấp rút chuẩn bị những công việc cuối cùng, tạo và đón lấy thời cơ để vùng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 14-8-1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Sáu vạn quân Nhật ở Đông Dương lâm vào tình trạng hoang mang, suy sụp. Chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim tan rã.

Tình thế mới đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng của các tầng lớp nhân dân cả nước. Thời cơ của cuộc tổng khởi nghĩa đã tới. Lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã đến, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”[6]. Dự báo trước diễn biến tình hình thế giới, từ ngày 13-8 đến ngày 15-8-1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào (Tuyên Quang). Hội nghị khẳng định “cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”, “mục đích cuộc chiến đấu của ta lúc này là giành quyền độc lập hoàn toàn”, “khẩu hiệu đấu tranh lớn lúc này là: Phản đối xâm lược! Hoàn toàn độc lập! Chính quyền nhân dân!”. Hội nghị cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1, phát lệnh Tổng khởi nghĩa ngay trong đêm 13-8.

Ngày 16-8-1945, Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[7]. Theo lời kêu gọi của Bác Hồ, dưới sự lãnh đạo của các cấp bộ Đảng và Ủy ban khởi nghĩa, nòng cốt là các tổ chức cứu quốc, đông đảo các tầng lớp nhân dân đã nhất tề nổi dậy, dưới các hình thức phổ biến là mít tinh, biểu tình, tuần hành vũ trang với khí thế mạnh mẽ, quyết liệt, áp đảo, chiếm các công sở, lật đổ chính quyền địch, giành chính quyền về tay nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám thực sự là cuộc nổi dậy của tất cả đồng bào Việt Nam yêu nước, bằng sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lật đổ thực dân - phong kiến, giành độc lập cho dân tộc. Cách mạng Tháng Tám là một sự kiện tiêu biểu chứng minh cho chân lý lịch sử của dân tộc ta: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[8].

          Cách mạng Tháng Tám đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý; trong đó, có bài học về khơi dậy tinh thần yêu nước của toàn dân, cần được vận dụng, phát huy trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 

Đại tá, PGS, TS. VŨ NHƯ KHÔI

Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng

 

 


1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 512.

2 - Sđd, tr. 539.

3 – Sđd, Tập 7, tr. 113.

[4] - ĐCSVN - Văn kiện Đảng 1930 - 1945, Tập 3, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, H. 1977, tr. 435 - 436.

[5] - Ngày 06-6-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư Kính cáo đồng bào thiết tha kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh đuổi Pháp - Nhật. Người kêu gọi các bậc phụ huynh, các hiền nhân, chí sĩ, các bạn Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh, các chiến sĩ cách mạng và toàn thể đồng bào noi gương các bậc anh hùng cứu nước trong lịch sử dân tộc, cùng nhau kề vai gánh vác công cuộc cứu quốc.

[6] - Võ Nguyên Giáp - Những chặng đường lịch sử, Nxb Văn học, H. 1977, tr. 2203.

[7]  - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 596.

[8] - Sđd, tr. 38.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Hà Nội chung sức, đồng lòng phát triển thủ đô nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, Thành phố thông minh, hiện đại 23/12/2021

Toàn quốc kháng chiến - bài học về xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới 19/12/2021

Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân trong tình hình mới 18/12/2021

Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại 17/12/2021

Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới 16/12/2021

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - cương lĩnh về khát vọng hòa bình của dân tộc 15/12/2021

Phát huy bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong toàn quốc kháng chiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 14/12/2021

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – Lời hịch thời đại Hồ Chí Minh 13/12/2021

Lực lượng vũ trang Quân khu 3, phát huy thắng lợi mở đầu toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh 12/12/2021

Tuổi trẻ Việt Nam phát huy tinh thần “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 10/12/2021

Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại
Kỷ niệm 75 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2021) là dịp để chúng ta một lần nữa khẳng định giá trị, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của sự kiện lịch sử trọng đại này. Đặc biệt, những bài học được rút ra từ sự kiện đó, trong thời điểm lịch sử có tính bước ngoặt đối với vận mệnh của dân tộc còn nguyên giá trị.