QPTD -Thứ Sáu, 20/08/2021, 09:11 (GMT+7)
Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân - “Binh thư” thời đại Hồ Chí Minh

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã sản sinh ra nhiều vị tướng tài ba được cả thế giới ghi nhận. Mỗi triều đại lịch sử, chúng ta đều tự hào vì có được các danh tướng đủ đức, đủ tài để lãnh đạo nhân dân đánh bại hầu hết các thế lực ngoại xâm, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước và sự yên bình cho dân tộc. Trong thời đại Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh - Người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam là một vị tướng như thế. Ông đã có công lớn xây dựng một đội quân hùng mạnh và trực tiếp chỉ huy đội quân hùng mạnh đó lập nên những chiến công hiển hách, cùng toàn dân đánh thắng hai đế quốc to là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

 Trong tất cả những bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những chiến dịch quân sự trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; dưới ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại, tác động mạnh mẽ vào dòng chảy lịch sử dân tộc; trở thành vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự thời đại và nhận được sự ngưỡng mộ, kính trọng của nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách, học giả, nhà sử học, nhà báo, nhà văn và đông đảo nhân dân thế giới. Không chỉ khẳng định là nhà quân sự lỗi lạc khi trực tiếp tổ chức, kiến tạo những trận đánh lớn và đánh bại những danh tướng hàng đầu của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, Ðại tướng còn có công lao đóng góp to lớn trong việc hình thành, phát triển Học thuyết quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đó là đường lối chiến tranh nhân dân, lấy chính nghĩa thắng bạo tàn, được hình thành trên cơ sở đường lối chiến tranh của Đảng và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh; kế thừa và phát huy những bài học giá trị lịch sử của cha ông chống giặc ngoại xâm trong thời đại mới, với những luận điểm rất cơ bản, như: phải tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện; trường kỳ kháng chiến với tự lực cánh sinh là chính, viện trợ bên ngoài là quan trọng; xây dựng lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân (dân quân du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực); tiến hành chiến tranh du kích kết hợp chiến tranh chính quy với quy mô thích hợp trong từng giai đoạn; toàn dân đánh giặc với nhiều hình thức linh hoạt, lấy yếu địch mạnh, lấy nhỏ đánh lớn, lấy chất lượng tinh thắng số lượng đông, v.v. Điểm nhấn trong Học thuyết đó là quan điểm: Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân, ví như “Binh thư” thời đại Hồ Chí Minh, được vận dụng hiệu quả trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. 

Là nhà sử học, đồng thời là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thấy sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân trong lịch sử khi họ được giác ngộ và tổ chức đứng lên làm cuộc cách mạng; từ đó, tiến hành đường lối chiến tranh nhân dân hết sức độc đáo, sáng tạo, sinh động và hiệu quả, đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đường lối ưu việt của cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, kháng chiến trường kỳ đã đánh bại và làm phá sản hoàn toàn đường lối chiến lược tốc chiến, tốc thắng và các chiến lược khác của những đế quốc hùng mạnh nhất (Pháp và Mỹ) thế kỷ XX. Đây là sự kiện có một không hai trong lịch sử quân sự thế giới. Khi bàn về chiến tranh nhân dân, quan điểm của Đại tướng là “Chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân ở địa phương là một nội dung rất cơ bản của đường lối quân sự của Đảng ta trong suốt các giai đoạn cách mạng. Chiến tranh nhân dân ở địa phương, dân quân tự vệ và bộ đội địa phương là cơ sở vững chắc nhất, rộng rãi nhất của toàn bộ cuộc đấu tranh vũ trang và toàn bộ lực lượng vũ trang nhân dân. Và lãnh đạo cuộc chiến tranh nhân dân ở các địa phương, xây dựng các lực lượng vũ trang địa phương là khâu rất cơ bản trong toàn bộ công tác quân sự của Đảng, …”1.

Để tiến hành chiến tranh nhân dân, phát huy cao độ sức mạnh chiến đấu của quần chúng trong cách mạng và đấu tranh cách mạng, theo Đại tướng, Đảng ta đã vận dụng một cách sáng tạo và rất thành công lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam về vấn đề vũ trang toàn dân và xây dựng quân đội nhân dân. Khi quần chúng được vũ trang đứng dậy và giành chính quyền, để bảo vệ thành quả cách mạng, chỉ cần tổ chức ra những lực lượng vũ trang như dân binh, dân cảnh hoặc những đơn vị vũ trang tương đối tập trung ở từng địa phương, chủ yếu là phải vũ trang quần chúng. Song, vấn đề vũ trang quần chúng cách mạng phải đi đôi với xây dựng Quân đội nhân dân; sự phối hợp tác chiến giữa hai lực lượng này tạo sức mạnh to lớn của chiến tranh nhân dân trên khắp các chiến trường.

Đai tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ Đoàn Không quân Sao Đỏ (tháng 01/1975)

Trên cơ sở chủ trương của Đảng ngay từ khi mới thành lập về tổ chức Đội tự vệ và huấn luyện quân sự cho quần chúng: Vừa có vũ trang quần chúng vừa thành lập quân đội cách mạng; trải qua thực tiễn lãnh đạo lực lượng vũ trang trong chiến tranh cách mạng, Đại tướng chỉ ra quy luật phát triển của lực lượng cách mạng ở nước ta là trước hết phát triển lực lượng cách mạng trong quần chúng cơ bản, trong nông dân lao động và cả trong công nhân, ở nông thôn và cả ở thành thị; vũ trang cho họ để “không những mỗi người nông dân phải trở thành một chiến sĩ mà mỗi người công nhân, mỗi người dân lao động ở thành thị cũng phải trở thành một chiến sĩ”, “không những chú trọng xây dựng mỗi thôn xóm thành một pháo đài mà càng phải chú trọng xây dựng mỗi xí nghiệp, mỗi đường phố thành một chiến lũy”2. Sức mạnh của toàn dân vũ trang là một ưu thế tuyệt đối của nhân dân để đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, mặc dù kẻ thù đó mạnh đến như thế nào; lực lượng vũ trang của quần chúng chính là cơ sở vững chắc của mọi lực lượng vũ trang. Khi đấu tranh chính trị phát triển lên thành đấu tranh vũ trang, cùng với lực lượng quần chúng được vũ trang phải thành lập ra quân đội cách mạng làm nòng cốt tác chiến trên các chiến trường. Theo quan điểm của Đại tướng, “muốn phát huy đầy đủ sức mạnh to lớn của chiến tranh nhân dân thì nhất thiết phải phát động sâu rộng toàn dân đứng dậy; phải tổ chức ra lực lượng vũ trang của quần chúng, lại phải có đội quân cách mạng; phải biết kết hợp lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang, lực lượng vũ trang của quần chúng với quân đội cách mạng. Có như thế mới thực hiện đầy đủ vũ trang toàn dân, mới có chiến tranh nhân dân sâu rộng vô địch”3.

Trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam thường diễn ra theo chân lý phổ biến chung, song lại có đặc điểm riêng của nó. Đó là các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta là chiến tranh chính nghĩa của một nước nhỏ đứng lên chống lại những kẻ xâm lược phong kiến và đế quốc mạnh hơn gấp nhiều lần. Để giải quyết vấn đề đặc thù đó, theo Đại tướng phải thực hiện cả nước chung sức đánh giặc, toàn dân kháng chiến; phải có bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Từ trong thực tiễn chiến tranh, đúc kết ra tư tưởng quân sự Việt Nam: lấy ít đánh nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy nhân nghĩa thắng bạo tàn. Và ngày nay, phát huy truyền thống đó vào chiến tranh nhân dân trong thời đại mới, đòi hỏi khoa học quân sự Việt Nam phải giải quyết thành công vấn đề lấy ít thắng nhiều, lấy trang bị thường kém hơn địch đánh thắng quân địch trang bị hiện đại hơn. Để làm được điều đó, theo quan điểm của Đại tướng là phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân; phải có quân đội - bộ phận nòng cốt rất quan trọng của toàn bộ lực lượng vũ trang nhân dân thật tinh, tinh thần chiến đấu cao, phương pháp chiến đấu giỏi, “giỏi đánh tập trung lại giỏi đánh du kích”, quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược. Đó là những đơn vị, binh đoàn chính quy có nhiều binh chủng hợp thành, trang bị tốt, huấn luyện tốt, lãnh đạo, chỉ huy tốt, làm nhiệm vụ cơ động về chiến dịch, chiến lược, phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương, đánh những đòn quyết định để tiêu diệt những lực lượng lớn, những đơn vị chủ lực tập trung lớn của địch. Chính vì thấy vai trò to lớn của bộ đội chủ lực mà Đảng ta luôn luôn chăm lo xây dựng và nâng cao chất lượng chiến đấu, làm cho bộ đội chủ lực ta ngày càng lớn mạnh, phát triển nhanh chóng, vững chắc và chiến thắng vẻ vang.

Sự kết hợp xây dựng Quân đội nhân dân với vũ trang quần chúng cách mạng là kết hợp xây dựng lực lượng nòng cốt với lực lượng rộng rãi; lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ để đánh bại những đội quân xâm lược đông, được trang bị hiện đại, có sức cơ động cao, hỏa lực mạnh. Do đó, phải xây dựng lực lượng nòng cốt, lực lượng cơ động trên phạm vi cả nước, lại phải xây dựng lực lượng nòng cốt, lực lượng cơ động trên từng địa phương; phải xây dựng lực lượng tại chỗ rộng khắp, ở cả rừng núi, trung du và đồng bằng, nông thôn và thành thị. Lực lượng nòng cốt cơ động trên phạm vi cả nước là bộ đội chủ lực. Lực lượng nòng cốt trên từng địa phương là bộ đội địa phương. Lực lượng rộng rãi là dân quân tự vệ. Từ thực tế đó, lực lượng vũ trang nhân dân đã hình thành ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương hợp thành Quân đội nhân dân. Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng. Sự kết hợp giữa quân đội nhân dân với lực lượng vũ trang quần chúng và ngược lại là hình thức tổ chức lực lượng vũ trang thích hợp nhất để phát huy sức mạnh của toàn dân, của cả nước, của cả dân tộc. Đồng thời, là tổ chức quân sự thích hợp nhất để gắn chặt lực lượng vũ trang với lực lượng chính trị, đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị tạo sức mạnh tổng hợp trong khởi nghĩa toàn dân, chiến tranh giải phóng; cũng như trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta. 

Tư tưởng nghệ thuật quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về “vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân” đến nay vẫn còn nguyên giá trị chỉ đạo thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, cần được nghiên cứu và vận dụng phù hợp, sáng tạo trong điều kiện mới.

Một lànâng cao nhận thức về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của sức mạnh quần chúng nhân dân, “thế trận lòng dân”. Xây dựng “thế trận lòng dân” thực chất là xây dựng, quy tụ, khơi dậy và nhân lên sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng, ý chí của toàn dân tộc để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Thế trận lòng dân” là một bộ phận hết sức quạn trọng trong thế trận quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Phát huy sức mạnh quần chúng nhân dân và xây dựng “thế trận lòng dân” phải được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm làm cho nhân tố chính trị - tinh thần của toàn dân luôn được bồi đắp, củng cố và phát huy cao độ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Việc xây dựng “thế trận lòng dân” trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân không thay thế các chiến lược khác, nhưng nó tạo ra nền tảng vững chắc để xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch của Đảng, Nhà nước. Do vậy, phải giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ và tuyên truyền cho nhân dân nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc phát huy sức mạnh quần chúng nhân dân và xây dựng “thế trận lòng dân” trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng nền quốc phòng toàn dân nói riêng; chuẩn bị cho họ tâm thế sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc khi có tinh huống xảy ra. Hiện nay, các thế lực thù địch đang ráo riết đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, “phi chính trị hóa” Quân đội. Một trong những mục tiêu tiến công của chúng là đánh vào lòng dân, làm rạn nứt khối đại đoàn kết dân tộc, làm cho nhân dân không tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó, việc nhận thức đúng đắn vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy sức mạnh quần chúng nhân dân và xây dựng “thế trận lòng dân” phải được quán triệt sâu sắc trong tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và mọi người dân; coi đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, chứ không phải của riêng Quân đội.

Hai làđẩy mạnh tuyên truyền về truyền thống đoàn kết, yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, các cơ quan, đơn vị tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong Quân đội, các tầng lớp nhân dân quán triệt sâu sắc, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng các chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh trong thế trận phòng thủ chung của cả nước và các phong trào, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương phát động. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nhất là đối với thế hệ trẻ về chủ nghĩa yêu nước, tinh thần quật khởi, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; về vai trò lãnh tụ, cá nhân anh hùng lịch sử, về các tấm gương mẫu mực trong lãnh đạo, chỉ huy, lao động sản xuất, huấn luyện, chiến đấu, học tập, công tác, giúp dân phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, v.v. Trong quá trình tuyên truyền, giáo dục phải kiên quyết đấu tranh vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị kích động, gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước, Quân đội với Nhân dân, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Qua đó, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đây là chủ trương chiến lược của Đảng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nhằm củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Trong quá trình xây dựng cần thống nhất quan điểm: xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu là nhiệm vụ thường xuyên, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, cơ quan quân sự làm tham mưu. Trên cơ sở đó, đề ra những biện pháp lãnh đạo sát thực, phù hợp từng đối tượng, địa bàn và khả năng của từng địa phương. Trước hết, cần đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung hoàn thành tốt việc xây dựng các nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Dự bị động viên; tổ chức tập huấn, xây dựng và triển khai Đề án tuyên truyền, làm cơ sở triển khai Luật nghiêm túc, hiệu quả. Công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, ý nghĩa chiến lược về xây dựng lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới; gắn xây dựng lực lượng dự bị động viên với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tập trung nâng cao chất lượng chính trị, bảo đảm cho lực lượng này luôn trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; đồng thời, tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Bốn là, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, làm nòng cốt thực hiện công tác quốc phòng, quân sự ở cơ sở, góp phần tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Dân quân tự vệ là lực lượng nòng cốt tham gia bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của nhân dân; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở. Để phát huy vai trò quan trọng đó trong tình hình hiện nay, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tập trung triển khai các biện pháp đồng bộ, hiệu quả. Trước hết, phải quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về công tác quân sự, quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trong khu vực phòng thủ. Nâng cao trách nhiệm, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức và cá nhân trong xây dựng, huấn luyện, sử dụng lực lượng dân quân tự vệ. Sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân quân tự vệ không chỉ thể hiện ở các chỉ thị, nghị quyết mà còn ở các nội dung, chương trình hành động cụ thể, gắn với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, đơn vị, địa bàn, tạo điều kiện cho lực lượng này hoạt động thuận lợi, hiệu quả. Trong xây dựng lực lượng dân quân tự vệ phải thực hiện theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp, vững chắc”, có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp ngày càng cao, lấy xây dựng chất lượng chính trị là chính; tổ chức biên chế tinh, gọn, chặt chẽ; trang bị vũ khí phù hợp. Quy mô tổ chức cân đối giữa các thành phần lực lượng, giữa số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương. Chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng dân quân tự vệ ở các địa bàn trọng điểm về quốc phòng và những địa bàn phức tạp. Đồng thời, làm tốt công tác giáo dục chính trị, pháp luật nhằm giúp lực lượng dân quân tự vệ nâng cao nhận thức về chính trị, pháp luật để có đủ khả năng tham gia xử trí các tình huống về quốc phòng, an ninh, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ.

Năm làxây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Đi đôi với xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, cần tập trung xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, thực sự là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trước mắt, tập trung quán triệt phương hướng xây dựng Quân đội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Theo đó, đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc điều chỉnh tổ chức biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh; đến năm 2030 một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại. Các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, xây dựng chính quy, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, kỷ luật quan hệ quân dân, v.v. Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, sẵn sàng trên tuyến đầu tham gia giúp dân phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn. Qua đó, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, tiêu biểu; cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, gắn bó mật thiết với nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, không ngừng tô thắm, lan tỏa hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, góp phần làm phong phú thêm Học thuyết quân sự - đường lối chiến tranh nhân dân độc đáo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh.

Thiếu tướng, TS. ĐỖ HỒNG LÂM, Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân
_________________

1 - Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Nxb QĐND, H. 2005, tr. 464.

2 - Sđd, tr.468.

3 - Sđd, tr. 469.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nhà chính trị, quân sự xuất sắc của thời đại Hồ Chí Minh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với 103 tuổi đời, hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.