Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:05 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo
PGS,TS. Đào Duy Quát phát biểu tại Buổi làm việc của Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương với Tổng cục Chính trị (02-2014). (Nguồn: vannghequandoi.com.vn)
Nhằm định hướng cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật nước nhà, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Qua hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết, hoạt động văn học, nghệ thuật trong Quân đội đã có bước phát triển quan trọng, góp phần bồi dưỡng nhân cách của người quân nhân cách mạng; đồng thời, tích cực đấu tranh chống quan điểm sai trái về văn học, nghệ thuật và sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại trong lĩnh vực quan trọng này.
Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc ta, văn học, nghệ thuật (VH,NT) được xác định là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đời sống xã hội; là cầu nối để đưa đường lối, chủ trương của Đảng đến với các tầng lớp nhân dân. VH,NT có chức năng định hướng, cổ vũ, động viên tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững niềm tin, bồi đắp tình cảm của nhân dân và lực lượng vũ trang (LLVT) đối với Đảng, Bác Hồ và sự nghiệp cách mạng. Đồng thời, VH,NT là vũ khí tinh thần sắc bén trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, làm cho kẻ thù phải hoang mang, khiếp sợ trước sức mạnh của văn hóa Việt Nam. Đối với Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, VH,NT là một mặt hoạt động của công tác đảng, công tác chính trị, góp phần xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách trong sáng của người quân nhân cách mạng; ngăn ngừa văn hóa xấu độc, bài trừ thói hư tật xấu; làm phong phú thêm phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng chiến đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mỗi đơn vị.
Nhận thức đúng vai trò của VH,NT, những năm qua, Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về VH,NT, như: Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (BCT) (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VH,NT trong thời kỳ mới”; Thông báo Kết luận 213-TB/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch của Ban Tuyên giáo Trung ương về triển khai thực hiện Đề án “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong VH,NT”; Chỉ thị 46-CT/TW của Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”; tổ chức tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”,… Trên cơ sở đó, các cấp ban hành nhiều văn bản về xây dựng và phát triển VH,NT trong Quân đội phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đồng thời, triển khai thực hiện nghiêm túc, liên tục, đồng bộ các hoạt động VH,NT và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo toàn quân, nhất là các đơn vị VH,NT chuyên nghiệp, cơ quan báo chí tích cực sáng tác, quảng bá, đầu tư dài hạn các tác phẩm VH,NT có chất lượng cao; chú trọng xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ giỏi về chuyên môn, vững vàng về bản lĩnh chính trị, nhạy bén, sáng tạo, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp VH,NT thời kỳ mới1. Những năm qua, hoạt động VH,NT trong Quân đội luôn bám sát thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lao động sản xuất, xây dựng đơn vị, giúp dân xóa đói giảm nghèo, phòng, chống thiên tai; phản ánh trung thực cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS); sáng tạo nhiều tác phẩm, chương trình biểu diễn có chất lương nghệ thuật tốt, đề cao giá trị chân - thiện - mỹ, tôn vinh hình tượng người quân nhân cách mạng. Đội ngũ cán bộ văn hóa, VH,NT, báo chí, văn nghệ sĩ Quân đội kế tục xứng đáng các thế hệ đi trước và có bước phát triển, trưởng thành. Các cơ quan báo chí, Truyền hình, Phát thanh Quân đội luôn phát huy vai trò nòng cốt, xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đấu tranh kịp thời, hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc, kích động, chia rẽ, “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch và các xu hướng phản văn hóa xâm nhập vào Quân đội, v.v.
Bên cạnh kết quả đạt được, thời gian qua, việc xây dựng, phát triển VH,NT trong Quân đội còn một số hạn chế, cần khắc phục. Đó là, việc quán triệt Nghị quyết 23-NQ/TW chưa sâu, chưa liên tục; nhận thức về VH,NT và phát triển VH,NT trong Quân đội chưa đầy đủ. Một số đơn vị được giao tổ chức hoạt động VH,NT chưa chủ động thực hiện nhiệm vụ, thiếu chiến lược phát triển bền vững, còn chậm đổi mới. Việc đầu tư sáng tác ở một số loại hình còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa đáp ứng nhu cầu thưởng thức của bộ đội. Một số văn nghệ sĩ chưa thực sự hòa nhập với cuộc sống sôi động của CB,CS ở cơ sở. Một số sáng tác VH,NT còn có biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường; tính chiến đấu, tính phê bình trong hoạt động lý luận, phê bình VH,NT, nhất là đấu tranh chống quan điểm, khuynh hướng sai lầm, lệch lạc trên lĩnh vực VH,NT còn thiếu nhạy bén, hiệu quả thấp, v.v.
Trong thời gian tới, để xây dựng và phát triển VH,NT trong Quân đội đảm bảo đúng định hướng, đạt đươc mục tiêu, yêu cầu đề ra, trước hết cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo bằng các biện pháp chặt chẽ, đồng bộ, có tính khả thi. Trong đó, tiếp tục quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng về VH,NT; đặc biệt phải bám sát Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Quân ủy Trung ương, sự chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị. Trên cơ sở đó, chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi CB,CS, nhất là cán bộ chính trị, cán bộ trực tiếp làm tham mưu, chỉ đạo, quản lý VH,NT và đội ngũ văn nghệ sĩ. Cần nhận thức rằng, xây dựng và phát triển VH,NT là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển con người của Đảng; bộ phận hữu cơ trong cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa hiện nay. Trong Quân đội, đó còn là biện pháp hữu hiệu để xây dựng “Môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú”, là cái nôi để giáo dục cho mọi CB,CS hướng tới chân - thiện - mỹ; có ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật, trân trọng nghĩa tình, ứng xử nhân văn, thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội; kịp thời cổ vũ, nuôi dưỡng, nhân rộng những tập thể điển hình tiên tiến, gương “người tốt”, “việc tốt”. Qua đó, nâng cao khả năng đề kháng của bộ đội trước những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch; tạo ra môi trường sàng lọc, tiếp nhận tinh hoa văn hóa của nhân loại trong quá trình hội nhập và ngăn chặn sự thẩm lậu của văn hóa xấu độc vào cơ quan, đơn vị. Giáo dục nâng cao nhận thức cho CB,CS về vai trò của VH,NT trong Quân đội là việc làm thiết thực, cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường công tác xây dựng Đảng, rèn luyện cán bộ, đảng viên theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Trên cơ sở đó, đề cao trách nhiệm trong sáng tác, quảng bá, thưởng thức VH,NT; chống khuynh hướng lai căng, thiếu thẩm mỹ, thương mại hóa hoạt động VH,NT trong Quân đội.
Cùng với việc xây dựng Quy chế hoạt động VH,NT nhằm củng cố nhận thức, nâng cao định hướng chính trị, năng lực chuyên môn của đội ngũ văn nghệ sĩ, các đơn vị cần khích lệ các nhà lý luận, phê bình VH,NT phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm để góp phần cho ra đời những tác phẩm có chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của bộ đội và nhân dân. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Quy hoạch và xây dựng các đơn vị nghệ thuật trong QĐND Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015”; làm tốt công tác chấn chỉnh tổ chức, biên chế, nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo VH,NT, tạo bước đột phá lớn trong đời sống VH,NT của Quân đội. Quá trình thực hiện, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp cần theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động VH,NT của đơn vị để kịp thời có biện pháp chỉ đạo đúng hướng, thiết thực và hiệu quả. Các nhà trường Quân đội cần đẩy mạnh đổi mới cơ bản và toàn diện theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), chủ động nghiên cứu, xây dựng và đưa vào chương trình đào tạo chính khóa các nội dung về VH,NT phù hợp với mục tiêu đã xác định. Để nâng cao chất lượng hoạt động, các cơ quan chức năng tiếp tục tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy các giải pháp đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị nghệ thuật phát huy khả năng, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, có tính giáo dục cao, góp phần phát triển mạnh mẽ các hoạt động VH,NT của Quân đội và sự phát triển của nền VH,NT nước nhà.
Các văn nghệ sĩ có vai trò quan trọng, đối tượng trực tiếp sáng tác, quảng bá các tác phẩm về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng. Bởi vậy, xây dựng đội ngũ này đáp ứng yêu cầu phát triển của VH,NT trong Quân đội thời kỳ mới là vấn đề cần nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Để đáp ứng yêu cầu đó, nhất thiết chúng ta phải có đề án xây dựng nguồn nhân lực VH,NT trong Quân đội phát triển bền vững, lâu dài. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện chế độ, chính sách ưu đãi đặc thù, nhằm thu hút tài năng phục vụ Quân đội và sử dụng có hiệu quả đội ngũ văn nghệ sĩ - chiến sĩ; chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật, trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội tiến hành tuyển dụng trực tiếp các tài năng trẻ xuất hiện trong các hội diễn, cuộc thi tài năng nghệ thuật để tiếp tục bồi dưỡng, phát triển trong Quân đội. Cùng với việc coi trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị nghệ thuật phải thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng và tạo điều kiện để họ được rèn luyện, thử thách, thâm nhập thực tế, gắn bó với cuộc sống huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lao động sản xuất,… của CB,CS, nhất là các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Các văn nghệ sĩ Quân đội phải tích cực tu dưỡng, tự khẳng định mình trong thực tiễn rèn luyện, phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng cũng như Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” để thực sự xứng đáng là người nghệ sĩ - chiến sĩ trong QĐND Việt Nam anh hùng.
Bên cạnh công tác tuyển sinh, đào tạo thường xuyên tại trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, các đoàn nghệ thuật cần tiếp tục rà soát, tuyển chọn, gửi đi đào tạo ở nước ngoài các nghệ sĩ, diễn viên trẻ có triển vọng tốt; tổ chức biểu diễn, giao lưu, học tập, quảng bá nền nghệ thuật Việt Nam tới bạn bè quốc tế, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng nghệ thuật các chương trình biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Nhằm động viên sự cống hiến xuất sắc của các văn nghệ sĩ trong hoạt động VH,NT của Quân đội và nước nhà, các đơn vị nghệ thuật cần làm tốt công tác rà soát, bình xét những người đủ tiêu chuẩn, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước trao giải thưởng và các danh hiệu cao quý; phê phán mạnh mẽ những văn nghệ sĩ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, đi ngược lại giá trị đạo đức, thẩm mỹ, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Quân đội.
Tiếp tục đầu tư sáng tác, quảng bá các tác phẩm VH,NT về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng; tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái trong VH,NT và sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại vào Quân đội. Đây là vấn đề quan trọng, cấp thiết cần được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả. Nội dung các tác phẩm VH,NT phải đảm bảo đúng định hướng, bám sát chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, phản ánh sinh động đời sống hiện thực của bộ đội và có giá trị nghệ thuật cao; chú trọng bảo tồn, phát triển các loại hình VH,NT mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc trên mọi vùng, miền của đất nước. Song song với việc sáng tác VH,NT về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng, cần tập trung sáng tác, quảng bá các tác phẩm về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN; đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại,… Đồng thời, đẩy mạnh sáng tác, quảng bá các tác phẩm VH,NT về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tuyên truyền sâu rộng những điển hình tiên tiến, gương “người tốt”, “việc tốt” trong “làm theo” tấm gương đạo đức Bác Hồ và khắc phục khuyết điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); phê phán thói hư tật xấu, lối sống ích kỷ, thực dụng, vô cảm, đề cao lợi ích cá nhân,… Nhiệm vụ trước mắt của hoạt động VH,NT trong Quân đội là tập trung hướng vào các sự kiện lớn năm 2014, như: 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân bằng những hoạt động cụ thể, bổ ích; đẩy mạnh nghiên cứu, thu thập, dự báo về những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và biện pháp đấu tranh, phòng ngừa. Bộ phận chuyên sâu về chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, đơn vị VH,NT và các cơ quan báo chí Quân đội tiếp tục đấu tranh cương quyết, không khoan nhượng với các quan điểm sai trái trong VH,NT; kịp thời tổ chức các vệt bài theo chuyên trang, chuyên mục phê phán những khuynh hướng sáng tác trái với đường lối văn nghệ của Đảng, nhất là nhận thức lệch lạc về mối quan hệ giữa VH,NT với chính trị, giữa cuộc sống hiện thực với nghệ thuật,… Toàn quân tiếp tục tổ chức các cuộc vận động, trại sáng tác viết tiểu thuyết, trường ca, truyện ngắn, kịch bản, ca khúc, thơ, bút ký, tác phẩm múa; chủ động đầu tư, xây dựng chương trình tham gia các liên hoan, hội diễn trong và ngoài Quân đội; tổ chức xét, trao giải thưởng 5 năm (2009 - 2014) của Bộ Quốc phòng cho tác phẩm VH,NT, báo chí xuất sắc về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng.
Các cấp cần củng cố, phát huy các thiết chế văn hóa, tiếp tục tổ chức bảo đảm đầy đủ các nội dung, tiêu chuẩn, chế độ hưởng thụ, sáng tạo các giá trị văn hóa, tinh thần trong Quân đội; phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tranh thủ ý kiến đóng góp, phê bình để nâng cao chất lượng, số lượng các tác phẩm VH,NT có giá trị cao và tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội. Các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú” trong Quân đội gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn đóng quân, tạo sự hài hòa về nội dung và hình thức để nhanh chóng đi vào cuộc sống, sinh hoạt, ứng xử của CB,CS, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Đồng thời, thực hiện phương châm lấy “xây” để “chống”, ngăn chặn kịp thời các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào đơn vị.
VH,NT trong Quân đội là lĩnh vực có vai trò rất quan trọng và tác động trực tiếp đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện để hoạt động VH,NT phát triển đúng định hướng, ngày càng có nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trung tướng NGUYỄN TRỌNG NGHĨA
Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam ___________________
1 - Từ năm 2008 đến hết năm 2013, đã có 60 tác giả trong và ngoài Quân đội tham gia ký kết chương trình đầu tư sáng tác tác phẩm VH,NT, trong đó có 42 tiểu thuyết, 18 trường ca, bước đầu nghiệm thu được 22 tác phẩm, xuất bản 19 tác phẩm; tổ chức 06 trại sáng tác văn học, 04 trại sáng tác ca khúc, 07 trại sáng tác mỹ thuật; viết được 34 kịch bản sân khấu, dàn dựng mới 10 vở diễn; sáng tác được 20 kịch bản phim, sản xuất 30 bộ phim, 1.020 tác phẩm mỹ thuật, v.v.
văn học,nghệ thuật,Quân đội
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024
Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024
Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024
Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024
Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024
Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024
Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024
Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới
Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới
Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới