Thứ Năm, 21/11/2024, 00:45 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo
Trải qua gần 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng phát triển, lớn mạnh, lập nhiều chiến công hiển hách, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Kế thừa và phát huy truyền thống Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng và tinh thần quốc tế trong sáng; quán triệt, triển khai thực hiện đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế sâu rộng của Đảng, những năm qua, Quân đội tích cực, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước, đồng thời trực tiếp triển khai tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Thông qua hoạt động quan trọng và đầy ý nghĩa này, chúng ta truyền đi thông điệp về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhân văn, nhân ái, thủy chung; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, góp phần giữ vững hòa bình, thúc đẩy hợp tác và phát triển giữa các quốc gia; tạo thế và lực mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.
Từ những phân tích dự báo đúng về xu thế hội nhập quốc tế và để tạo tiền đề, động lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, Việt Nam chủ trương tích cực, chủ động tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, chuẩn bị kỹ càng, công phu, lâu dài và có lộ trình phù hợp. Năm 1993, Việt Nam bắt đầu tham gia đóng góp cho hoạt động này; năm 2005, chúng ta cử các đoàn công tác liên ngành đi tham quan, nghiên cứu và tham gia các khóa tập huấn quốc tế về gìn giữ hòa bình để chuẩn bị triển khai lực lượng. Đặc biệt, năm 2012, Bộ Chính trị thông qua “Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”. Trên cơ sở đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt “Đề án Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo”; đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Ngày 27/5/2014, Bộ Quốc phòng thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam và cử 02 sĩ quan đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam đi làm nhiệm vụ Sĩ quan liên lạc tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan. Sau hơn 10 năm triển khai lực lượng, đến nay, Việt Nam đã cử gần 900 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi làm nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc.
Đối với loại hình đơn vị, năm 2018, Việt Nam lần đầu tiên triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 với 63 cán bộ, nhân viên quân y cùng các trang, thiết bị y tế tại Phái bộ Nam Sudan. Hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đang tích cực làm mọi công tác chuẩn bị để triển khai thê đội số 6 tại Phái bộ này. Các thê đội Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam luôn đảm bảo chăm sóc sức khỏe, điều trị cho nhân viên Liên hợp quốc và người dân địa phương với chất lượng cao, nhất là việc áp dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân, phù hợp với điều kiện dã chiến thực tế tại địa bàn, tiến hành thành công các ca phẫu thuật phức tạp, vận chuyển cấp cứu đường không nhiều ca bệnh nguy hiểm đảm bảo an toàn. Kết quả nổi bật đó được lãnh đạo, các cơ quan Liên hợp quốc và chỉ huy Phái bộ Nam Sudan cũng như chính quyền địa phương đánh giá cao về tinh thần cống hiến, sự tận tâm, tận tụy, tính chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cao, hết lòng vì người bệnh của đội ngũ y sĩ, bác sĩ và trở thành địa chỉ chăm sóc sức khỏe uy tín, chất lượng, tạo dấu ấn đặc biệt tại địa bàn1.
Năm 2022, sau nhiều năm làm công tác tạo nguồn, xây dựng lực lượng, Việt Nam triển khai thành công Đội công binh số 1 với 184 cán bộ, nhân viên cùng hơn 2.000 tấn trang thiết bị xe máy, công binh công trình tới Phái bộ An ninh lâm thời của Liên hợp quốc tại Khu vực Abyei. Đây là một địa bàn mới với nhiều khó khăn, phức tạp trong việc triển khai lực lượng và thực hiện nhiệm vụ, nhưng cũng là bước đột phá của Việt Nam trong tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Chỉ huy Phái bộ UNISFA, chính quyền địa phương, người dân khu vực Abyei đánh giá rất cao và khẳng định Đội Công binh của Việt Nam đã làm thay đổi diện mạo Khu vực Abyei, làm tăng niềm tin của người dân khu vực đối với các lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc bằng năng lực chuyên môn và sự tận tụy trong công việc. Người dân Khu vực Abyei luôn biết ơn Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử Đội Công binh đến Phái bộ UNISFA để thực thi sứ mệnh hòa bình tại miền đất đầy khó khăn, gian khổ này.
Bên cạnh loại hình đơn vị, các sĩ quan Quân đội triển khai theo hình thức cá nhân đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, trong đó có nhiều vị trí quan trọng, như: sĩ quan tham mưu cao cấp về huấn luyện, sĩ quan tác chiến, sĩ quan hậu cần, sĩ quan điều phối quân - dân sự, sĩ quan công binh công trình, v.v. Đặc biệt, Quân đội ta luôn chủ động bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có chất lượng và chuyên môn cao ứng tuyển vào làm việc tại Trụ sở Liên hợp quốc2.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn, lực lượng “Mũ nồi xanh” Việt Nam đã phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; xây dựng và duy trì tốt mối quan hệ với người dân cũng như chính quyền sở tại, tạo được nhiều thiện cảm, sự tin yêu, quý trọng thông qua các hoạt động hỗ trợ, thiết thực giúp cải thiện đời sống của người dân, như: dạy học, hướng dẫn làm nông nghiệp, đóng bàn ghế học sinh, làm nhà, dựng lớp học, khoan giếng, tặng máy phát điện, khám bệnh, cấp khẩu trang phòng dịch, cấp phát thuốc miễn phí, v.v. Cách tiếp cận mới đầy tính nhân văn, nhân đạo vì cộng đồng của Quân đội nhân dân Việt Nam được chỉ huy Phái bộ và lãnh đạo Liên hợp quốc ghi nhận như một sáng kiến, mô hình tham khảo tốt và được ví như “luồng gió mới” trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Một vấn đề quan trọng trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là Quân đội ta luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam. Theo đó, Việt Nam chỉ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình khi có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại các khu vực đã có thỏa thuận hòa bình giữa các bên liên quan; các hoạt động vì mục đích hòa bình, nhân đạo, tái thiết; không tham gia các nhiệm vụ cưỡng chế và hoạt động tác chiến; chỉ sử dụng vũ lực vì mục đích tự vệ chính đáng, trong trường hợp không còn biện pháp nào khác; mọi quyết định khi tham gia phải đảm bảo nguyên tắc độc lập, tự chủ, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc, điều kiện và khả năng của Việt Nam; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp công việc nội bộ của quốc gia khác. Đồng thời, thực hiện phương châm bất kỳ ở cương vị, hoàn cảnh, lĩnh vực công tác nào, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam đều có trách nhiệm, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; qua đó, tạo lòng tin, sự đồng tình, ủng hộ của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế.
Cùng với đó, Quân đội ta luôn coi trọng công tác huấn luyện, bồi dưỡng tạo nguồn, trong đó có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hỗ trợ từ các đối tác quốc tế có nhiều kinh nghiệm với việc tự nghiên cứu, xây dựng và tổ chức huấn luyện, tăng cường huấn luyện thực hành và diễn tập tổng hợp. Hiện nay, chúng ta không chỉ tự huấn luyện cho cá nhân và đơn vị của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, mà còn có đủ uy tín, năng lực để tổ chức các khóa huấn luyện theo tiêu chuẩn quốc tế3.
Thời gian tới, trước yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, Việt Nam tiếp tục duy trì các lực lượng tại địa bàn và cam kết tham gia sâu rộng hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thông qua việc tăng cường cả về số lượng, chất lượng nhân sự và trang thiết bị, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện đất nước; đồng thời, tăng tỷ lệ nữ quân nhân trong lực lượng này. Để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ quan trọng, cao cả này, các cơ quan, đơn vị cần quán triệt và tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc phải tuân thủ chủ trương, đường lối, hiến pháp, pháp luật; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tập trung, thống nhất của Đảng, Nhà nước. Các cơ quan, đơn vị cần quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đối ngoại và hội nhập quốc tế; thực hiện có hiệu quả Kết luận số 53-KL/TW, ngày 28/4/2023 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 2662-NQ/QUTW, ngày 26/02/2024 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Nắm chắc mục tiêu, yêu cầu, phương hướng, lộ trình cụ thể trong “Đề án tổng thể Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo” để triển khai thực hiện; xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của Quân đội trong thời kỳ mới. Lựa chọn hình thức, quy mô, phái bộ, địa bàn,... tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc phù hợp với đường lối của Đảng, lợi ích quốc gia - dân tộc, Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đồng thời, thể hiện tính tích cực, chủ động, thận trọng, chắc chắn, trên cơ sở các lĩnh vực Việt Nam có kinh nghiệm, thế mạnh, nhất là tại các quốc gia, khu vực đã có thỏa thuận hòa bình và quyết định của Liên hợp quốc, được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ, khắc phục hậu quả chiến tranh, kiến tạo hòa bình, vì mục đích nhân đạo; không tham gia nhiệm vụ cưỡng chế và các hoạt động tác chiến; bảo đảm quyền độc lập chỉ huy lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam khi tham gia các phái bộ theo Bản ghi nhớ (MOU) với Cơ quan Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc về nhiệm vụ tại địa bàn.
Hai là, đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn Đảng, toàn dân, cán bộ, chiến sĩ Quân đội về vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của nhiệm vụ cao cả này. Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên quán triệt, tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; nắm vững đường lối hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng của Đảng; mục tiêu, quan điểm, lập trường nhất quán của Việt Nam trong quan hệ quốc tế (cả song phương và đa phương). Đối với các lực lượng trực tiếp tham gia, cần quán triệt, giáo dục có nhận thức sâu sắc và phân biệt rõ sự khác nhau về bản chất giữa lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với các lực lượng liên quân đa quốc gia; trang bị cho họ cơ sở lý luận, thực tiễn để tuyên truyền cho nhân dân nước sở tại hiểu rõ mục đích hoạt động của lực lượng “Mũ nồi xanh” là phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và thế giới. Chú trọng xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ bản lĩnh chính trị, thái độ trách nhiệm, không thiên vị, trung lập,… trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phù hợp với các điều khoản, nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Đồng thời, thấy rõ tính chất khốc liệt, nguy hiểm, thậm chí rủi ro khi hoạt động tại các vùng dễ xảy ra xung đột nội bộ giữa các phe phái, tộc người của nước sở tại...; từ đó, xác định quyết tâm, vượt qua gian khổ, sẵn sàng hy sinh, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quá trình thực hiện cần vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp giáo dục, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục tập trung theo chương trình cơ bản với huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng riêng theo từng khóa, nhiệm kỳ công tác; giáo dục thông qua giao nhiệm vụ cho các bộ phận với tự quán triệt, giáo dục, tích lũy qua thực tiễn hoạt động gìn giữ hòa bình tại các phái bộ theo từng lĩnh vực đảm nhiệm, lấy tự giáo dục là chính.
Ba là, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Quân đội, Công an và các ban, bộ, ngành Trung ương khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; là nhiệm vụ, trách nhiệm chung của cả quốc gia, trong đó Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Vì vậy, muốn phối hợp tốt, ngoài chủ trương, chính sách chung, Quân đội cần có sự chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với lực lượng Công an, các ban, bộ, ngành Trung ương trên cơ sở được Đảng, Nhà nước giao chủ trì hoạt động này. Thời gian tới, để đóng góp hiệu quả vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cần tiếp tục phát huy vai trò của Tổ Công tác liên ngành; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an với các ban, bộ, ngành Trung ương để hoàn thiện hệ thống pháp luật về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Trước mắt, cần sớm xây dựng, ban hành Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; khắc phục triệt để hạn chế, bất cập trong thi hành pháp luật về tham gia hoạt động quan trọng này, bảo đảm hợp pháp, đồng bộ, thống nhất, khả thi, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc, thuận lợi cho việc triển khai thực hiện. Tăng cường nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Chính phủ từng bước mở rộng lực lượng, địa bàn, vị trí tham gia, nhất là các vị trí chỉ huy, quản lý tại trụ sở Liên hợp quốc và các phái bộ mà Việt Nam có thế mạnh, tăng tỷ lệ nữ quân nhân; đồng thời, nghiên cứu xem xét triển khai lực lượng dân sự của các ban, bộ, ngành Trung ương tham gia hoạt động này, bảo đảm phù hợp với điều kiện và khả năng của Việt Nam.
Bốn là, làm tốt công tác chuẩn bị, từ tổ chức lực lượng đến huấn luyện và công tác bảo đảm theo yêu cầu của Liên hợp quốc, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đây là yếu tố cơ bản, đóng vai trò quan trọng hàng đầu, góp phần vào sự thành công của sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Vì vậy, cùng với việc chuẩn bị đủ về số lượng, cần coi trọng chất lượng, nhất là về trình độ, kiến thức, kỹ năng tổng hợp, cả về quân sự, chính trị, hậu cần - kỹ thuật, ngoại ngữ và sức khỏe, v.v. Ngoài chuẩn bị yếu tố con người, cần phải chuẩn bị trang thiết bị, đảm bảo mọi mặt đời sống và thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Liên hợp quốc. Theo đó, cần nghiên cứu nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế, vũ khí, trang thiết bị của các lực lượng để tham mưu triển khai đúng, đủ quân số, vũ khí trang bị. Chú trọng công tác huấn luyện, bồi dưỡng tạo nguồn, trong đó có sự kết hợp của các hoạt động hỗ trợ từ các đối tác quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình với việc nghiên cứu, xây dựng và tổ chức huấn luyện theo phương châm: “Cơ bản, thiết thực, vững chắc, chuyên sâu”, gắn với tăng cường huấn luyện thực hành và diễn tập tổng hợp. Nội dung huấn luyện tập trung vào đào tạo ngoại ngữ; huấn luyện chuyên môn chuyên ngành, kiến thức gìn giữ hòa bình, tiền triển khai kỹ năng sinh tồn, luật quốc tế, luật nhân đạo, kiến thức về đất nước, con người và các quy định của nước sở tại; tình hình phái bộ, những quy định, nhiệm vụ cụ thể của Liên hợp quốc, v.v. Coi trọng bổ sung kiến thức chuyên môn, chuyên ngành quân y, công binh,... bảo đảm cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đều được trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết, thích ứng nhanh với môi trường làm việc tại các phái bộ.
Năm là, kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức, chính sách; thường xuyên thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm. Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc mang tính đặc thù rất cao, cán bộ, chiến sĩ phải xa Tổ quốc, làm việc trong môi trường phức tạp, khắc nghiệt, thậm chí nguy hiểm. Vì vậy, các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng cần nghiên cứu, tham mưu xây dựng chủ trương, chính sách chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần để động viên cán bộ, nhân viên hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Muốn vậy, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, các ban, bộ, ngành liên quan rà soát chế độ, chính sách, công tác đảm bảo,… cho các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo Chính phủ dự thảo sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung Nghị định số 162/2016/NĐ-CP, ngày 14/12/2016 quy định một số chế độ, chính sách đối với cá nhân và công tác bảo đảm đối với các tổ chức của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc, đảm bảo phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình trong tình hình mới. Cùng với đó, làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, chỉ rõ nguyên nhân thành công và chưa thành công trong thực hiện nhiệm vụ, biện pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác; trên cơ sở đó đúc rút kinh nghiệm sát thực tế, giúp đội ngũ cán bộ, sĩ quan tích lũy được nhiều kiến thức, rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống độc lập cũng như khả năng hiệp đồng theo quy tắc ứng xử quốc tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc trong môi trường đa quốc gia, đáp ứng sự kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước và Quân đội đã giao phó.
Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là vinh dự, trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Quán triệt, triển khai thực hiện tốt những nội dung trên chính là cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, vận dụng phương thức “hội nhập mềm”, tăng cường “sức mạnh mềm” quốc gia, tạo sức mạnh tổng hợp, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, bằng biện pháp hòa bình.
Thượng tướng, PGS, TS. HOÀNG XUÂN CHIẾN, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng __________________
1 - Lãnh đạo Liên hợp quốc đã hai lần gửi Thư khen đến Chính phủ Việt Nam cảm ơn và khen ngợi về những đóng góp của Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam tại địa bàn.
2 - Từ năm 2020 đến nay, 04 sĩ quan Quân đội đã vượt qua nhiều vòng thi và được Liên hợp quốc lựa chọn làm việc tại các cơ quan hoạch định chiến lược của Liên hợp quốc tại New York, Hoa Kỳ.
3 - Tháng 6/2018, Liên hợp quốc công nhận Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam là một trong 04 Trung tâm Huấn luyện quốc tế ở khu vực để triển khai một số chương trình huấn luyện cho các học viên quốc tế tại Việt Nam; năm 2019, Việt Nam tiếp nhận vai trò Chủ tịch mạng lưới các trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc các nước ASEAN.
Quân đội nhân dân Việt Nam,lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc,trách nhiệm cao cả,tinh thần quốc tế trong sáng
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024
Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024
Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024
Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024
Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024
Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024
Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024
Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác kỹ thuật quân sự 09/09/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới
Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội
Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới