Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Năm, 08/08/2013, 10:45 (GMT+7)
Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ trong Quân đội

Với ý thức, trách nhiệm chính trị cao, Quân đội ta đã và đang quản lý, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn vốn trái phiếu chính phủ được giao để đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng; qua đó, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và tăng cường quốc phòng - an ninh, nhất là trên các địa bàn chiến lược.

Những năm qua, nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) phân bổ cho Bộ Quốc phòng (BQP) chủ yếu tập trung đầu tư cho các dự án giao thông và nhà ở học viên quân sự1. Đây là các dự án quan trọng, cấp thiết, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh (QP-AN) và liên quan trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước.

Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, cũng như nhận thức rõ ý nghĩa của nguồn vốn TPCP, tầm quan trọng đặc biệt của các dự án được giao, Quân ủy Trung ương, BQP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các dự án này chặt chẽ, sát sao, quyết liệt. Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) đã ra Nghị quyết 132-NQ/ĐUQSTW, ngày 04-5-2007 lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng đường Tuần tra biên giới (TTBG) và đường Trường Sơn Đông. BQP đã thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng nghiệm thu cấp BQP và các ban quản lý dự án (BQLDA) đường TTBG, đường Trường Sơn Đông; đồng thời, ra Chỉ thị 60/CT-BQP, ngày 15-6-2007 giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị có liên quan và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện; trong đó, chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư.

Vì vậy, mặc dù các dự án sử dụng nguồn vốn TPCP trong Quân đội triển khai trong điều kiện có nhiều khó khăn do tình hình kinh tế trong nước và thế giới biến động, lạm phát, giá cả tăng, chế độ, chính sách liên tục bổ sung, sửa đổi; trong đó, dự án đường TTBG và đường Trường Sơn Đông (hai dự án có tầm quan trọng chiến lược về KT-XH và QP-AN) có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thực hiện kéo dài nhiều năm, triển khai trên phạm vi rộng, chủ yếu ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi địa hình hiểm trở, địa chất, thủy văn phức tạp, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt…, nhưng các dự án đã cơ bản được hoàn thành theo kế hoạch tiến độ, đảm bảo đúng chủ trương, quy hoạch được duyệt và trình tự đầu tư xây dựng, tiết kiệm, hiệu quả. Đến hết năm 2012, đường TTBG đã thi công thông tuyến được 1.360 km/ 2.002 km; đường Trường Sơn Đông được 390 km/ 657 km; đường Nam Đông - A Lưới (Thừa Thiên - Huế) được 32 km/ 35 km và 78,24 km/ 78,24 km đường Huổi Puốc - Na Son (Điện Biên). Cùng với đó, các đơn vị đã hoàn thành 09/12 dự án đường vào doanh trại, kho quân sự và các đồn biên phòng, đạt 117 km/ 230 km và 10/ 10 dự án nhà ở học viên với trên 125.300 m2. Các dự án, công trình hoàn thành đều bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, kịp thời bàn giao đưa vào sử dụng, bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào sự nghiệp đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện chỉ đạo của BQP, công tác tiếp nhận, phân bổ nguồn vốn TPCP cho các dự án được thực hiện theo đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch. Trong quá trình thực hiện, BQP đã có nhiều biện pháp chỉ đạo tăng cường quản lý nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là giám sát chặt chẽ việc điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án. Vì vậy, mặc dù tổng mức đầu tư các dự án tăng so với ban đầu, nhưng chủ yếu là do sự điều chỉnh về chế độ, chính sách và giá cả thị trường tăng. BQP cũng tích cực chỉ đạo rà soát và linh hoạt đình hoãn, giãn tiến độ, điều chuyển vốn giữa các dự án phù hợp với tình hình thực tế2; đồng thời, chủ động cấp ứng trước vốn cho một số dự án cấp thiết, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, hạn chế tác động do tăng giá, thực hiện tốt các nghị quyết của Chính phủ. Công tác khảo sát, quy hoạch, lập, thẩm định, phê duyệt các dự án, phê duyệt tổng dự toán và dự toán các công trình đầu tư bằng nguồn vốn TPCP được tiến hành chặt chẽ, đảm bảo đúng quy trình, tiêu chuẩn, định mức, theo đúng thiết kế, danh mục dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, đơn vị thi công được các cơ quan BQP thẩm tra, thẩm định chặt chẽ. Các chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, thi công đã tuân thủ nghiêm các quy định của Chính phủ, BQP về quản lý, sử dụng nguồn vốn TPCP, đầu tư xây dựng cơ bản; chú trọng tiến hành đồng bộ các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, từ lập, thẩm định, phê duyệt dự án, tổ chức thi công đến thanh toán, quyết toán dự án, công trình hoàn thành. Do đặc thù QP-AN nên phần lớn các dự án trên thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. Căn cứ vào thực tế, BQP đã nghiên cứu, xây dựng cơ chế giảm trừ kinh phí phù hợp, tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng. Các BQLDA, đơn vị, nhà thầu thi công (nòng cốt là các đơn vị công binh và doanh nghiệp xây dựng thuộc BQP) đã chủ động phối hợp với các địa phương, khắc phục khó khăn, có nhiều biện pháp sáng tạo trong quản lý, tổ chức thi công, tiết kiệm chi phí. Các cơ quan chức năng BQP thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành nhà nước, tích cực cân đối bố trí nguồn vốn cho thực hiện các dự án và làm tốt công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán… Nhờ vậy, đã kịp thời phát hiện, đề xuất biện pháp khắc phục những tồn tại, vướng mắc, nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Đến nay, tất cả các dự án sử dụng vốn TPCP do BQP thực hiện trong giai đoạn 2006 - 2012 đều được Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán và đánh giá cao về công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn, quản lý đầu tư xây dựng, v.v..

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập về công tác chỉ đạo, phối hợp, hiệp đồng giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; về năng lực quản lý, thi công của một số chủ đầu tư, nhà thầu; về chất lượng khảo sát, thiết kế và công tác bảo đảm nguồn vốn, kiểm tra, đôn đốc, quyết toán công trình hoàn thành, v.v..

Trong những năm tới, BQP tiếp tục được Quốc hội và Chính phủ giao quản lý, sử dụng số lượng lớn vốn TPCP để hoàn thành các dự án đã được phê duyệt và thực hiện các dự án mới xây dựng cơ sở hạ tầng KT-XH. Đây là vinh dự, đồng thời là nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, Nhà nước tin cậy giao cho Quân đội. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, các cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện cần phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được, tiếp tục nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường, tăng cường công tác quản lý, thực hành tiết kiệm, nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn vốn TPCP được giao. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau:

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương, nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Quốc hội, Chính phủ, BQP về quản lý, sử dụng nguồn vốn TPCP và thực hiện các dự án. Mọi cán bộ, chiến sĩ, trước hết là cấp ủy, chỉ huy các cấp cần thấy rõ, nguồn vốn TPCP là tiền Chính phủ vay của nhân dân, nhằm đáp ứng các yêu cầu bức thiết về KT-XH, QP-AN; sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn vốn này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa to lớn, sâu sắc về mặt chính trị, xã hội. Trên cơ sở đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp và nêu cao trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong quản lý, sử dụng. Việc quản lý, phân bổ, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn vốn TPCP phải được tiến hành chặt chẽ như đối với vốn ngân sách; đảm bảo sử dụng đúng mục đích, nhiệm vụ được giao, tuyệt đối không sử dụng nguồn vốn này đầu tư cho các dự án, công trình ngoài danh mục được phê duyệt.

Các dự án đầu tư từ nguồn vốn TPCP do Quân đội đảm nhiệm có tính đặc thù cao. Do đó, các cơ quan, đơn vị cần căn cứ vào thực tiễn để tiến hành ủy quyền đầu tư, phân cấp quản lý phù hợp; chú trọng phân cấp quản lý gắn với phân cấp trách nhiệm, tạo quyền chủ động cho các chủ đầu tư, các BQLDA. Các cơ quan chức năng BQP, các chủ đầu tư, BQLDA, nhà thầu theo chức năng, nhiệm vụ được phân công cần thực hiện tốt Kết luận của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khóa 13 qua khảo sát tình hình triển khai, thực hiện dự án đường TTBG và đường Trường Sơn Đông. Đồng thời, khẩn trương tổng kết việc chấp hành các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng, thanh toán vốn TPCP giai đoạn 2006 - 2012, đánh giá đúng mặt mạnh, mặt yếu, nguyên nhân và rút ra các bài học kinh nghiệm; từ đó, kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung phương hướng, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn.

2. Chủ động cân đối toàn diện, bảo đảm đủ vốn cho các dự án; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được giao, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. BQP tiếp tục chỉ đạo phân bổ và bảo đảm vốn TPCP theo hướng tập trung, có trọng điểm, công khai, minh bạch; cân đối ưu tiên bố trí đủ vốn theo tiến độ cho các dự án, công trình chuyển tiếp, các dự án, công trình quan trọng, giảm thiểu tình trạng lãng phí nguồn lực do bố trí vốn thiếu tập trung, dàn trải… Trên cơ sở dự án được duyệt và tổng mức vốn TPCP đã được phân bổ trong giai đoạn 2012 - 2015, các cơ quan chức năng BQP tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành nhà nước có liên quan, các chủ đầu tư, nhà thầu, chủ động xây dựng kế hoạch vốn phù hợp trong từng năm; đảm bảo bố trí vốn phù hợp với thực tế triển khai thực hiện các dự án, chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hạn chế phát sinh đầu tư do trượt giá.

Các chủ đầu tư, nhà thầu tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị 1792/CT-TTg, ngày 28-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, tập trung bố trí vốn để hoàn thành dứt điểm các dự án dự kiến hoàn thành từ năm 2012 trở về trước đã có danh mục trong Quyết định 171/2006/QĐ-TTg; Quyết định 184/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 881/NQ-UBTVQH12 của Quốc hội khóa 12. Đồng thời, rà soát tổng mức đầu tư các dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2012 - 2015, khẩn trương hoàn chỉnh các nội dung về điều chỉnh tổng mức đầu tư, thiết kế kỹ thuật; xác định mức vốn phân bổ, kế hoạch phân kỳ đầu tư và phương án bố trí vốn phù hợp. BQP không bố trí vốn cho phần tăng quy mô và mở rộng thêm các hạng mục của dự án. Các cơ quan, đơn vị bám sát khả năng cấp vốn, chủ động cân đối, xác định danh mục các dự án cần hoãn, giãn tiến độ sau năm 2015 để xác định điểm dừng kỹ thuật hợp lý, tránh gây lãng phí. Cùng với đó, chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa bố trí vốn với quản lý sử dụng, thanh toán, quyết toán; khẩn trương quyết toán dứt điểm các công trình hoàn thành không để nợ đọng kéo dài và phát sinh nợ mới; đồng thời, tích cực tiến hành các thủ tục cần thiết để bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác, phát huy hiệu quả các dự án này.

3. Tăng cường công tác quản lý đầu tư, quản lý chất lượng công trình, tạo bước đột phá về tiến độ thực hiện các dự án. Các đơn vị, chủ đầu tư cần nêu cao trách nhiệm, thực hiện tốt các quy chế, quy trình trong đấu thầu, chỉ định thầu, đầu tư xây dựng cơ bản; chủ động cân đối bố trí đủ vốn cho các hạng mục dự án, nhất là các đoạn tuyến quan trọng, xung yếu. Mặt khác, tăng cường phối hợp với các nhà thầu, với chính quyền địa phương, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. BQP khuyến khích các nhà thầu áp dụng các biện pháp về kỹ thuật, công nghệ và chủ động khắc phục điều kiện thời tiết, khí hậu, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các hạng mục, công trình theo tiến độ được duyệt. Các BQLDA đường TTBG và đường Trường Sơn Đông tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra tại hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, đơn vị thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng xây dựng; có biện pháp kiên quyết xử lý các nhà thầu không đủ năng lực, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công toàn tuyến.

Các đơn vị tiếp tục gắn triển khai thực hiện dự án với thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định tiết kiệm của Chính phủ, BQP. Chú trọng đẩy mạnh thực hành tiết kiệm ở tất cả các khâu công tác; thực hiện đúng Chỉ thị 494/CT-TTg, ngày 20-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước đối với các dự án sử dụng ngân sách. Đặc biệt, cần triệt để khai thác nguồn nguyên liệu, vật liệu và huy động nhân lực, phương tiện tại chỗ phục vụ thi công, giảm chi phí, tiết kiệm kinh phí đầu tư.

Cùng với đó, các quân khu, các cơ quan chức năng BQP, trực tiếp là Bộ Tổng Tham mưu, các cục: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Doanh trại cần chủ động phối hợp công tác, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện và làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất, giúp Quân ủy Trung ương, BQP trong quản lý nhà nước trên lĩnh vực phụ trách đối với các dự án sử dụng nguồn vốn TPCP, đảm bảo cho nguồn vốn này được quản lý, sử dụng đúng nguyên tắc, phát huy hiệu quả, đạt mục tiêu, yêu cầu đã đề ra.

Thượng tướng, TS. LÊ HỮU ĐỨC
Uỷ viên BCHTƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
_______________

1 - Bao gồm: 10 dự án nhà ở học viên; 77 dự án đường giao thông với tổng quy mô khoảng 3.030 km (62 dự án thuộc Đề án đường Tuần tra biên giới - giai đoạn 1 (2006 - 2010); Dự án đường Trường Sơn Đông; Dự án đường vành đai biên giới đoạn Huổi Puốc - Na Son (Điện Biên); Dự án đường Nam Đông - A Lưới (Thừa Thiên - Huế); 12 dự án đường vào doanh trại, kho quân sự và các đồn biên phòng).

2 - Riêng năm 2011, BQP đã chỉ đạo điều chuyển 657 tỷ đồng của 09 danh mục cho 16 danh mục thuộc Dự án đường TTBG; điều chuyển 17 tỷ đồng của 04 dự án cho 03 dự án xây dựng nhà ở học viên; không bố trí vốn khởi công 11 dự án mới đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư 1.058 tỷ đồng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024

Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024

Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024

Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024

Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024

Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024

Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư.