Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Hai, 09/09/2024, 14:45 (GMT+7)
Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác kỹ thuật quân sự

Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu, phục vụ chiến đấu và trưởng thành (10/9/1974 - 10/9/2024), Tổng cục Kỹ thuật và ngành Kỹ thuật Quân đội luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong tình hình mới, toàn Ngành tiếp tục phát huy truyền thống, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật.

Trước yêu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 10/9/1974, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 211/CP thành lập Tổng cục Kỹ thuật - cơ quan tham mưu chiến lược về công tác kỹ thuật quân sự và chỉ đạo công tác kỹ thuật toàn quân. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của Quân đội ta nói chung và ngành Kỹ thuật nói riêng. Ngay sau khi thành lập, Tổng cục vừa xây dựng lực lượng, vừa phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị tập trung tham mưu, chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác kỹ thuật. Lực lượng kỹ thuật đã có mặt trên khắp các chiến trường, xây dựng mạng lưới bảo đảm vững chắc, rộng khắp; tổ chức bảo đảm kịp thời hàng vạn tấn vũ khí, đạn dược, trang bị, phương tiện kỹ thuật cho các hoạt động tác chiến, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thủ trưởng Tổng cục Kỹ thuật tham quan mô hình, sáng kiến cải tiến kỹ thuật tại đơn vị.

Bước sang thời kỳ cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tổng cục đã kịp thời tham mưu, chỉ đạo kiện toàn tổ chức, chuyển hướng trọng tâm nhiệm vụ, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật, đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo đảm cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Những năm gần đây, trước sự phát triển của yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc, ngành Kỹ thuật, trước hết là Tổng cục Kỹ thuật đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, bám sát nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, chủ động tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Nổi bật là, Tổng cục đã phối hợp xây dựng, đề xuất Chiến lược trang bị cho Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2030 và những năm tiếp theo; kiện toàn hệ thống tổ chức ngành Kỹ thuật theo định hướng điều chỉnh tổ chức Quân đội trong tình hình mới. Tổ chức triển khai các dự án quy hoạch, điều chỉnh, nâng cấp hệ thống kho tàng, trạm xưởng, cơ sở bảo đảm kỹ thuật trong toàn quân, hình thành thế bố trí chiến lược mới. Chỉ đạo triển khai hoàn thiện hệ thống Điều lệ công tác Kỹ thuật Quân đội và các chuyên ngành, đưa hoạt động công tác kỹ thuật đi vào nền nếp chính quy. Phối hợp thực hiện thành công nhiều chương trình, đề án, dự án, kế hoạch mang tính đột phá về nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật; đặc biệt đã từng bước làm chủ bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị thế hệ mới. Kết quả đó góp phần quan trọng vào nâng cao tiềm lực quốc phòng, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại.

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo. Nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số,… đặt ra cho ngành Kỹ thuật nhiệm vụ nặng nề, với mục tiêu, yêu cầu mới, cao hơn. Việc sáp nhập cơ quan hậu cần - kỹ thuật các cấp sẽ làm thay đổi hệ thống cơ cấu tổ chức, biên chế lực lượng kỹ thuật và tác động trực tiếp đến các mặt công tác kỹ thuật.

Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành Kỹ thuật Quân đội xác định tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

1. Nâng cao chất lượng nghiên cứu, đề xuất thực hiện tốt chức năng tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp, nhất là cấp chiến lược về công tác kỹ thuật. Cấp  ủy, chỉ huy và cơ quan kỹ thuật các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, trực tiếp là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 1656-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác kỹ thuật đến năm 2030 và những năm tiếp theo; tập trung nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, chú trọng các vấn đề về xây dựng, kiện toàn tổ chức, biên chế ngành Kỹ thuật phù hợp với quy hoạch tổ chức Quân đội; quy hoạch sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật; tham mưu mua sắm, sản xuất, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là các lực lượng, chuyên ngành tiến thẳng lên hiện đại. Các chuyên ngành kỹ thuật tiếp tục tham mưu đẩy mạnh thực hiện quy hoạch, đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở bảo đảm kỹ thuật, phù hợp với yêu cầu phát triển của Quân đội. Cùng với đó, tiếp tục tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng tiềm lực kỹ thuật, củng cố vững chắc thế trận hậu cần - kỹ thuật trên các hướng, địa bàn chiến lược. Tiếp tục tham mưu rà soát, bổ sung các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 1656-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương.

2. Đẩy mạnh đổi mới phương thức bảo đảm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật. Phát huy kết quả đạt được sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW và các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 1656-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, các chuyên ngành, cơ quan kỹ thuật các cấp tiếp tục đổi mới toàn diện phương thức bảo đảm kỹ thuật, cơ chế quản lý, điều hành công tác kỹ thuật phù hợp với sự phát triển của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, có tích hợp công nghệ cao, phù hợp với cách đánh và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm quy định về quản lý vũ khí, đạn; tập trung sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật còn trong quy hoạch sử dụng lâu dài; chú trọng việc khai thác làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật và bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, công nghệ cao và sau cải tiến, hiện đại hóa. Thực hiện tốt việc phân cấp sửa chữa để vừa bảo đảm kịp thời cho các nhiệm vụ, vừa phát huy được năng lực các cơ sở bảo đảm kỹ thuật khu vực.

Tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống cơ sở sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật các cấp phù hợp với các vùng miền; đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư chiều sâu cho các nhà máy, xí nghiệp sửa chữa quốc phòng để nâng cao năng lực sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật và sản xuất vật tư kỹ thuật; từng bước cải tiến, nâng cấp trạm sửa chữa cấp chiến dịch, chiến thuật để tăng khả năng sửa chữa cơ động. Mở rộng liên kết và hợp tác kỹ thuật quân sự với nước ngoài và các cơ sở ngoài Quân đội, phát huy hiệu quả các mô hình điểm về cơ sở kỹ thuật, cơ quan kỹ thuật, phương thức bảo đảm kỹ thuật cho một số loại vũ khí, trang bị kỹ thuật và đơn vị đặc thù để tiếp tục triển khai rộng rãi trong toàn quân. Tăng cường kiểm tra công tác áp dụng tiêu chuẩn tiên tiến để kiểm định, giám sát chất lượng vũ khí, trang bị, vật tư kỹ thuật. Tham mưu và phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện Cuộc vận động 50, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật từ đơn vị cơ sở.

3. Coi trọng kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu, trình độ chuyên môn cao. Đây là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định trực tiếp chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị kỹ thuật toàn quân tiếp tục nắm chắc tình hình, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hậu cần - kỹ thuật cấp chiến thuật sau sáp nhập theo Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo; kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc để có giải pháp điều chỉnh khắc phục, tạo điều kiện giúp cơ quan hậu cần - kỹ thuật các cấp ổn định, hoạt động hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, triển khai sáp nhập cơ quan hậu cần - kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược theo đúng lộ trình, đảm bảo đoàn kết, thống nhất, chặt chẽ, không để việc điều chỉnh tổ chức lực lượng ảnh hưởng đến hoạt động bảo đảm, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội.

Cùng với kiện toàn tổ chức lực lượng, Ngành tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên kỹ thuật, thực hiện đa dạng hóa loại hình, gắn kết công tác đào tạo tại nhà trường với cơ sở nghiên cứu, cơ sở bảo đảm kỹ thuật và tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo. Đẩy mạnh nghiên cứu đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật các cấp, coi trọng bổ sung nội dung huấn luyện trong điều kiện tác chiến mới ở các học viện, nhà trường; ưu tiên xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ cao ở các lĩnh vực kỹ thuật trọng điểm, đặc thù, mũi nhọn; có chính sách thu hút đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, nhất là số cán bộ, chuyên gia kỹ thuật đầu ngành. Phấn đấu trong thời gian tới, đào tạo đủ đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật làm chủ được các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao đưa vào trang bị cho Quân đội. Duy trì nghiêm nền nếp huấn luyện kỹ thuật hằng năm, chú trọng huấn luyện chuyển giao công nghệ, bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới.

4. Tăng cường công tác khoa học, công nghệ; thực hiện chuyển đổi số trong công tác kỹ thuật. Cơ quan kỹ thuật các cấp, nhất là các trung tâm, viện nghiên cứu cần bám sát tình hình thực tiễn của đất nước và Quân đội để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự; chú trọng tính dự báo, phát hiện những vấn đề mới, tạo bước đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào công tác chỉ huy, quản lý kỹ thuật, bảo đảm kỹ thuật, nhất là bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính quân sự, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử trong toàn Ngành.

Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành Kỹ thuật tiếp tục phát huy truyền thống “Chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường”; nỗ lực đổi mới, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

Trung tướng TRẦN MINH ĐỨC, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước