Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Ba, 09/11/2021, 08:30 (GMT+7)
ASEAN vượt lên thách thức, khẳng định giá trị cộng đồng trong ứng phó đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có trên toàn cầu, trong đó có khu vực ASEAN. Diễn biến phức tạp, thời gian kéo dài, mức độ nguy hiểm và quy mô rộng lớn của Covid-19 khiến việc sử dụng  sức mạnh truyền thống về kinh tế, chính trị hay y tế đơn thuần của một quốc gia không thể ngăn chặn được, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng thể của cả Cộng đồng ASEAN.

Thời gian qua, trong khi số ca nhiễm vẫn không ngừng tăng, các chỉ số về kinh tế, xã hội và con người đều sụt giảm. Thế giới chứng kiến hơn 239 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó đã có hơn 4.872.000 người chết. Chuỗi cung ứng bị đứt đoạn khiến tổng thương mại thế giới giảm kỷ lục 09% trong năm 2020, riêng thương mại hàng hóa giảm 16,5%. GDP toàn cầu mất đi hơn 4.000 tỉ USD trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 20211. Tại ASEAN, đã có đến 11.079.979 ca nhiễm được ghi nhận, trong đó số ca tử vong lên đến 244.961 người2. Năm 2020, GDP của khu vực ASEAN giảm 3,3%, tổng thương mại giảm 5,5%3 do triển khai các biện pháp giãn cách, hạn chế giao thương hàng hóa, đi lại. Người dân mất việc làm, giảm giờ làm, giảm tiền lương, nghèo đói, bất bình đẳng gia tăng, nguy cơ đe dọa an ninh, phát triển của mỗi quốc gia đang hiện hữu với những hệ quả khó đo đếm. Tỷ lệ tiêm chủng chưa đồng đều và đầy đủ ở các nước thành viên ASEAN, khiến các nỗ lực phục hồi còn gặp nhiều khó khăn.

Trong bức tranh với đầy các gam màu trầm và tối đó, những kết quả của ASEAN ứng phó đại dịch Covid-19 thời gian qua là điểm sáng của hợp tác, liên kết và hợp tác đối phó với các thách thức đang được ghi nhận ở châu Á - Thái Bình Dương, với vai trò tiên phong, nòng cốt của ASEAN.

Ứng phó Cộng đồng, hành động Cộng đồng

Cộng đồng ASEAN đang bước vào giai đoạn bản lề của việc triển khai Tầm nhìn xây dựng Cộng đồng ASEAN năm 2025, hướng tới các mục tiêu cao hơn, mới hơn vì hòa bình, ổn định bền vững, phát triển, phồn vinh lâu dài ở khu vực. Tuy nhiên, sự bùng phát đại dịch Covid-19 năm 2020 và hệ quả lâu dài đặt ra nhiều thách thức mới không thể lường trước, nguy cơ làm chậm đà phát triển của Cộng đồng và các nỗ lực đã đạt được trên về hợp tác chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội.

Trước tình hình đó, triển khai các biện pháp quyết liệt, kịp thời, tổng thể, đồng bộ trong toàn Cộng đồng ASEAN là giải pháp hiệu quả nhất nhằm ngăn chặn các rủi ro tồi tệ hơn của dịch bệnh, duy trì đà hợp tác, đẩy mạnh nỗ lực phục hồi, tạo nền tảng cho phát triển bền vững trong những năm tới. Hơn lúc nào hết, chống dịch đã trở thành trách nhiệm chung không của riêng ai.

Ngay khi bùng phát dịch bệnh, các quốc gia thành viên ASEAN đã đặt ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn cho người dân, hỗ trợ lẫn nhau và tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ tối đa công dân ASEAN ở nước mình đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Điều đó cho thấy, tinh thần đoàn kết và lớn hơn là sự hợp tác, phối hợp quốc tế là những thành tố thiết yếu hơn bao giờ hết.

Với kinh nghiệm từng ứng phó với các đại dịch trước đây như dịch SARS (2002 - 2003) và dịch MERS (2012), ASEAN thực sự thể hiện khả năng phản ứng mau lẹ, kịp thời trước thách thức chung, cũng như năng lực gắn kết trong phối hợp chính sách và hành động giữa các thành viên. ASEAN đã sớm có Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó chung của ASEAN đối với Covid-19 (ngày 14/2/2021) và tiếp đó là một loạt những cuộc họp cấp Bộ trưởng quan trọng trên các lĩnh vực y tế, kinh tế, quốc phòng, du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp,… nhằm bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, liên ngành trong phòng, chống dịch.

Bước ngoặt trong nỗ lực chống dịch của ASEAN chính là việc các nhà lãnh đạo đã họp Hội nghị Cấp cao ASEAN đặc biệt và Hội nghị cấp cao ASEAN+3 đặc biệt (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về Covid-19, ngày 14/4/2020 và ra Tuyên bố chung của các hội nghị này. Dưới sự chủ trì của Việt Nam, lãnh đạo các nước đã cùng nhau đề ra các định hướng và biện pháp hợp tác trên 3 khía cạnh then chốt là: kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh; hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho công dân của nhau; giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội của dịch bệnh.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến các Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN+3 (tháng 6/2021). Nguồn: mod.gov.vn

Hành động khẩn trương và kết quả thiết thực

Dưới ánh sáng định hướng đó, nhiều sáng kiến có tính thiết thực nhất của ASEAN về hợp tác ứng phó Covid-19 và các nguy cơ dịch bệnh được công bố và đưa vào triển khai, cụ thể:

Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 được lập ra năm 2020 trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam đã thu hút được hơn 20,8 triệu USD, là đóng góp của các nước ASEAN và đối tác của ASEAN. ASEAN đã lên kế hoạch sử dụng 10,5 triệu USD từ Quỹ để mua vaccine (thông qua UNICEF và cơ chế COVAX) hỗ trợ người dân các nước thành viên theo tỷ lệ đồng đều. Tới nay, thỏa thuận giữa ASEAN với UNICEF về cung cấp vaccine đã được hoàn tất, hướng tới sớm cung ứng vaccine cho các nước thành viên.

Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN cũng đã nhận được nhiều đóng góp vật tư y tế, như: khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế, dung dịch sát khuẩn, bộ xét nghiệm Covid-19, thuốc điều trị,… sẵn sàng gửi đến các nước ASEAN có nhu cầu. Việt Nam đã cam kết mức đóng góp vật tư y tế trị giá 5 triệu USD cho Kho dự phòng, thể hiện tinh thần sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau lúc khó khăn.

Khung phục hồi tổng thể ASEAN đang được tích cực triển khai4, tập trung vào nâng cao năng lực y tế công cộng của khu vực, tối đa hóa các tiềm năng của thị trường nội khối và đẩy mạnh liên kết kinh tế, tận dụng đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số làm đòn bẩy phục hồi, v.v. Để tạo thuận lợi cho các di chuyển thiết yếu trong khu vực, ASEAN cơ bản hoàn tất dự thảo Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN để trình Lãnh đạo Cấp cao ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 (tháng 10/2021).

ASEAN đã xây dựng và ứng dụng Khung chiến lược ASEAN về các vấn đề y tế khẩn cấp trong bảo đảm khu vực luôn sẵn sàng ứng phó các thách thức dịch bệnh mới nổi lên theo một quy trình chuẩn chỉ và hiệu quả. Trung tâm khu vực về Ứng phó dịch bệnh mới nổi và các tình huống y tế công cộng khẩn cấp do Nhật Bản tài trợ ban đầu 50 triệu USD và Úc cũng cam kết hỗ trợ 21 triệu USD, hiện trong quá trình hoàn tất các thủ tục, sẽ đóng vai trò là trung tâm thông tin và điều phối của khu vực trong vấn đề này.

Nhóm công tác liên ngành của Hội đồng điều phối Cộng đồng ASEAN về ứng phó các tình trạng y tế công cộng khẩn cấp (ACCWG-PHE), do Việt Nam lĩnh xướng trong năm 2020, đã đưa ra nhiều khuyến nghị, sáng kiến cụ thể đi vào thực tiễn.

Hợp tác nội khối là điều kiện cần thiết, song ASEAN cần nhiều hơn những sự phối hợp, ủng hộ và nguồn lực của các đối tác và các nước trên thế giới để tạo hiệu ứng rộng lớn hơn trong chặn đứng dịch bệnh. Nhiều hội nghị đặc biệt giữa ASEAN và các đối tác (như Trung Quốc, EU, Mỹ, Úc, Nga, ASEAN+3,…) đã được đề xuất và tổ chức, với số lượng nhiều nhất trong lịch sử hợp tác giữa ASEAN và các đối tác trong năm. Trước các nhu cầu và sự kêu gọi của ASEAN, nhiều đối tác đã cam kết đóng góp cụ thể cho các sáng kiến phòng, chống Covid-19 của khu vực, nhất là Quỹ ASEAN Ứng phó Covid-19. Hàng trăm triệu liều vaccine từ khắp nơi trên thế giới đã kịp thời chuyển về khu vực để đẩy nhanh nỗ lực tiêm chủng, ngăn chặn kịp thời bùng phát dịch bệnh. Các đối tác cũng cam kết hỗ trợ lâu dài giúp ASEAN nâng cao năng lực y tế dự phòng, nghiên cứu, phát triển vaccine và nâng cao năng lực tự cường, tự chủ về vaccine tại khu vực5.

Song trùng với những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, ASEAN và các đối tác ưu tiên phối hợp duy trì và thúc đẩy liên kết kinh tế, trao đổi thương mại và đầu tư, ổn định chuỗi cung ứng, tận dụng hiệu quả các FTA hiện có và sớm đưa Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đi vào hiệu lực để đẩy nhanh nỗ lực phục hồi; đồng thời, tăng cường kết nối, phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng đổi mới sáng tạo, chú trọng tăng trưởng bền vững hơn, thân thiện hơn với môi trường sau đại dịch. Những cam kết của các đối tác vừa mang tính hỗ trợ kịp thời trước mắt, vừa mang tính lâu dài có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ASEAN6.

Cần thấy rằng, hơn lúc nào hết, vai trò trung tâm của ASEAN và hiệu quả của cơ chế đối thoại, hợp tác do ASEAN dẫn dắt đã phát huy được ý nghĩa vốn có, đặc biệt trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên và đại dịch Covid-19. Sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa triển khai hiệu quả sáng kiến nội khối ứng phó Covid-19, tranh thủ tối đa hỗ trợ, phối hợp từ các đối tác và bên ngoài đã mang lại các kết quả quan trọng. Mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn diễn tiến phức tạp trong khu vực, song với đà hợp tác và những kết quả đạt được, nhiều tổ chức của khu vực và thế giới đều đánh giá lạc quan sự phục hồi, tăng trưởng của các nước ASEAN trong năm 20217.

Việt Nam - bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm

Trong hoàn cảnh nào, Việt Nam cũng luôn nỗ lực cùng các nước thành viên đưa con tàu ASEAN đi qua dông bão dữ dội của đại dịch Covid-19 và những chao đảo kinh tế, cạnh tranh chiến lược sâu rộng, gay gắt trên thế giới.

Đặc biệt, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam trong năm 2020, ASEAN đã thực sự linh hoạt và chủ động, thích ứng với các biến động của thời cuộc. Dịch bệnh Covid-19 đã đặt ra những thách thức chưa từng có, do đó cũng đòi hỏi những biện pháp chưa từng có tiền lệ. Trong năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, rất nhiều sáng kiến “lần đầu tiên” được đề xuất, nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra. Số lượng các hội nghị tăng lên để kịp thời ứng phó với Covid-19 (Cấp cao ASEAN họp 3 lần trong năm thay vì 2 lần theo thông lệ), nhiều hội nghị Cấp cao, Bộ trưởng lần đầu được tổ chức trực tuyến, cùng nhiều văn kiện quan trọng đã được ký kết, thông qua. Quan trọng hơn, thành công đó đã và đang mang lại những bài học kinh nghiệm quý trong huy động sức mạnh tập thể không chỉ ở tầm khu vực mà cả ở tầm quốc tế, tạo nên những chuẩn mực trong ứng phó với những thách thức chung của nhân loại.

Từ việc đề ra chủ đề rất đúng và trúng là hướng tới “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, tới cách đề xuất ưu tiên, ý tưởng, sáng kiến, cho đến phương thức chuẩn bị, chủ trì điều hành các hội nghị, soạn thảo các văn kiện chung đã phản ánh được lợi ích của Cộng đồng và quan tâm riêng của các nước liên quan. Các sáng kiến thể hiện cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ mang tính “Cộng đồng”, hướng đến người dân, vì người dân của ASEAN trong hợp tác đẩy lùi đại dịch toàn cầu, thích ứng và từng bước phục hồi toàn diện. Thông qua đó, ASEAN càng bền chặt, gắn kết và “Cộng đồng” hơn, củng cố niềm tin cho người dân đối với Cộng đồng.

Như đánh giá của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhân dịp kỷ niệm 54 năm thành lập ASEAN: “Nhiều sáng kiến quan trọng năm 2020 đã trở thành “tài sản chung” của ASEAN”. Đó là sợi chỉ đỏ dẫn ASEAN vượt qua muôn vàn thách thức và bước tiếp vững chắc, tự tin trên con đường xây dựng Cộng đồng ASEAN vì người dân và lấy người dân làm trung tâm trong mọi tiến trình phát triển, và khẳng định giá trị của Cộng đồng trước mọi thách thức.

NGUYỄN QUỐC DŨNG, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
___________________ 

1 - Theo Báo cáo của UNCTAD tháng 6/2021.

2 - https://Covid19.who.int/.

3 - https://asean.org/wp-content/uploads/2021/09/ JMS-AEM-53_ADOPTED.pdf.

4 - Tính đến quý II/2021, đã hoàn thành 19%, đang triển khai 75% và 6% sẽ triển khai trong năm 2022.

5 - Trung Quốc đã cung cấp cho ASEAN hơn 190 triệu liều vaccine Covid-19; Mỹ viện trợ 23 triệu liều vaccine và sẽ đẩy mạnh hợp tác với các công ty lớn mở rộng sản xuất vaccine ở Đông Nam Á; Nhật Bản tài trợ 9,6 triệu liều vaccine cho các nước ASEAN, hỗ trợ 2,5 tỉ Yên thiết lập kho lạnh bảo quản và vận chuyển vaccine, hỗ trợ vật tư, công nghệ y tế. Úc dành 300 triệu đô la Úc hỗ trợ các nước ASEAN tiếp cận vaccine và triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN; New Zealand sẽ hỗ trợ 29 triệu đô la New Zealand cho ASEAN ứng phó đại dịch; Nga hiện đang tư vấn và hỗ trợ mở rộng sản xuất vaccine Sputnik V cho Malaysia, Lào và Việt Nam.

6 - Mỹ đóng góp 400.000 USD giúp các doanh nghiệp MSME thúc đẩy kinh tế số; Nhật Bản triển khai các khoản hỗ trợ, cho vay tài chính trị giá 1,7 tỉ USD hỗ trợ phục hồi kinh tế tại các nước đang phát triển, trong đó có ASEAN. Hàn Quốc đề xuất sớm triển khai sáng kiến Lối đi nhanh, chứng nhận tiêm vaccine nhằm tạo thuận lợi di chuyển và thúc đẩy du lịch, ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế số; EU triển khai Chương trình Đội châu Âu (Team Europe) trị giá 800 triệu Euro và Chương trình “Sẵn sàng ứng phó đại dịch tại Đông Nam Á” trị giá 20 triệu Euro tại khu vực; Úc hỗ trợ 141 triệu đô la Úc tư vấn kỹ thuật phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực Đông Nam Á; New Zealand triển khai đào tạo trực tuyến nâng cao năng lực cho Trung tâm điều phối ASEAN (AHA) về nhân đạo trong thiên tai.

7 - https://www.adb.org/outlook#outlook

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024

Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024

Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024

Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024

Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024

Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024

Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư.