Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 24/02/2014, 17:12 (GMT+7)
Tự do tôn giáo không tách rời nghĩa vụ công dân

Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, tuyệt đối hóa tự do tôn giáo mà không thấy nghĩa vụ công dân là điều không thể chấp nhận!

Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo (TN,TG), với khoảng hơn 20 triệu tín đồ theo các tôn giáo khác nhau. Từ trước đến nay, đồng bào các tôn giáo luôn chung sống hòa hợp, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; kề vai sát cánh bên nhau đấu tranh chống kẻ thù xâm lược và chế ngự thiên nhiên, hình thành một truyền thống tốt đẹp: “Nước vinh, đạo sáng”, “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”. Trên cơ sở xác định chính sách đối với TN,TG là một bộ phận quan trọng của công tác vận động quần chúng, cho nên, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và có quan điểm rõ ràng về tự do TN,TG. Điều đó được hiến định cụ thể trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 và các bản Hiến pháp trước đó. Chỉ một ngày sau lễ Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong Phiên họp đầu tiên vào ngày 03-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ lâm thời tuyên bố “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”; coi đó là một trong sáu nhiệm vụ của nhà nước còn non trẻ. Bản Hiến pháp năm 1946 khẳng định “Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”. Tiếp đó, ngày 14-6-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 223/SL, trong đó nêu rõ: Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào,... Khi truyền bá tôn giáo, các nhà tu hành có nhiệm vụ giáo dục cho các tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng chính quyền nhân dân và pháp luật của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (Điều 1). Các nhà tu hành và các tín đồ đều được hưởng mọi quyền lợi của người công dân và phải làm mọi nghĩa vụ của người công dân (Điều 2, Chương 1).

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, dù trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng tự do TN,TG của công dân, với ba nguyên tắc cơ bản: bình đẳng về tín ngưỡng; bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ (bao gồm nghĩa vụ tôn giáo và nghĩa vụ công dân); bình đẳng về luật pháp. Đây là một chủ trương nhất quán đã được khẳng định trong thực tiễn; mọi hành động kỳ thị hoặc xúc phạm người có TN,TG đều bị xử lý nghiêm minh. Cùng với việc tôn trọng tự do TN,TG, chúng ta cũng nghiêm cấm việc lợi dụng điều đó để làm trái pháp luật, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đến sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm và danh dự của công dân, trái với thuần phong mỹ tục, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân (NVCD). Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy (khoá IX) về công tác tôn giáo khẳng định: “TN,TG là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta”1. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do TN,TG và không TN,TG của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do TN,TG và lợi dụng TN,TG làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”2. Rõ ràng, tự do TN,TG hay không TN,TG ở Việt Nam được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, được cụ thể hóa thông qua các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đó không chỉ là sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp, tính nhân đạo, nhân văn, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, mà còn khẳng định bản chất tốt đẹp, tính ưu việt của chế độ XHCN.

Đáng tiếc là, lợi dụng chính sách nhân đạo đó của Đảng, Nhà nước, sự thiếu hiểu biết của một bộ phận không nhỏ đồng bào có TN,TG, sự quá khích của một số “con chiên ngoan đạo”, cùng với sự hà hơi, tiếp sức của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, một số người, vì những động cơ, lợi ích khác nhau đã cố tình bịa đặt, xuyên tạc tình hình tôn giáo ở nước ta. Thậm chí, lợi dụng một vài vụ việc vi phạm pháp luật của công dân, trong đó có sự giật dây của các ông “chủ chăn” và sự tham gia của tín đồ tôn giáo, như: các vụ xảy ra ở 178 Nguyễn Lương Bằng và 42 Nhà Chung (Hà Nội); vụ ở xã Nghi Phương, Nghi Lộc, Nghệ An, gần đây nhất là ở giáo xứ Mỹ Yên (Nghệ An),... để đưa ra những thông tin sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước về TN,TG, chống người thi hành công vụ, vu cáo chính quyền “đàn áp tôn giáo”,... Không những thế, một số người có chức sắc trong tôn giáo còn kích động giáo dân bất hợp tác với chính quyền, không tham gia sinh hoạt của các đoàn thể và thực hiện NVCD, gây tình hình phức tạp trên địa bàn. Những việc làm này đã đi ngược lại nguyện vọng, ý chí của đa số chức sắc, tín đồ và bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá, cổ súy cho cái gọi là “tự do tôn giáo”. Thật là hết sức phi lý! Họ đòi tự do TN,TG ư? Tại sao họ lại đòi cái quyền mà họ đang có, đang được hưởng và được Nhà nước Việt Nam bảo đảm? Không! Chắc chắn không phải vậy, mà ở đây họ đòi tự do TN,TG theo nghĩa “phi pháp luật”, “ngoài pháp luật”, đòi tôn giáo “độc lập với Nhà nước”; đồng thời, họ lãng quên, né tránh trách nhiệm và NVCD, gây sức ép, tạo cớ cho bên ngoài can thiệp. Vậy đúng hay sai? Và đâu là sự thật?

Xét từ góc độ quyền con người (QCN), tự do TN,TG là quyền của mỗi công dân. Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 khẳng định: “1- Mọi người có quyền tự do TN,TG, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2- Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do TN,TG. 3- Không ai được xâm phạm tự do TN,TG hoặc lợi dụng TN,TG để vi phạm pháp luật”. Điều này có nghĩa, TN,TG là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, mỗi người có quyền theo, hoặc không theo một TN,TG nào. Đó là quyền hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, QCN, quyền tự do TN,TG không phải là vô hạn, tuyệt đối, mà luôn có giới hạn trong những khuôn khổ nhất định. “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị” xác định, QCN có hai loại: Các quyền tuyệt đối, như: “Không ai bị tước đoạt mạng sống một cách vô cớ” (Điều 6); “Không một người nào có thể bị tra tấn” (Điều 7); “Không được phép bắt giữ làm nô lệ người nào” (Điều 8)…; các quyền bị hạn chế, như: “Quyền tự do đi lại và lựa chọn nơi cư trú” (Điều 12); “Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo” (Điều 18),... Công ước cũng quy định: việc thực hiện những quyền trên “kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt và phải chịu một số hạn chế nhất định, vì sự tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”. Như vậy, theo quan điểm của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, mặc dù là một quyền cơ bản của con người, nhưng tự do TN,TG không phải là tuyệt đối, mà là một quyền có giới hạn. Là một quốc gia có chủ quyền, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm QCN được phát huy trong thực tế; được phát triển tự do, công bằng, bình đẳng giữa đồng bào có đạo và không có đạo. Hệ thống pháp luật đã từng bước thể chế hóa các nội dung về QCN phù hợp với điều kiện của Việt Nam; đồng thời, tương đồng với các tiêu chuẩn về QCN đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận. So với bản Hiến pháp năm 1992, bản Hiến pháp năm 2013 chương về “QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” được đưa từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 2, chỉ sau Chương I về “Chế độ chính trị”. Sự thay đổi này vừa phản ánh ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong thực hiện QCN, vị trí, tầm quan trọng của chế định về QCN, vừa phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế. Không phải ngẫu nhiên, tại Kỳ họp khóa 68 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam đã trúng cử thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu cao nhất. Đây là sự ghi nhận thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền của người dân trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, TN,TG của cộng đồng quốc tế . Vì thế, không thể vì một lý do nào đó để phủ nhận thành tựu về thực hiện quyền tự do TN,TG ở Việt Nam.

Xét từ góc độ pháp lý, để thực hiện quyền tự do TN,TG, theo hoặc không theo một TN,TG nào, trước hết mỗi người phải tồn tại với tư cách là một con người, một công dân của một nước nhất định. Nếu không đặt các quyền ấy trong mối quan hệ này, thì mọi thứ tự do đều trở nên vô nghĩa. Điều này cũng có nghĩa, mọi người trong khi thực hiện quyền tự do TN,TG phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của một công dân đối với nhà nước và xã hội. Đây là điều hoàn toàn tự nhiên và cần thiết, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của một quốc gia, dân tộc, cũng như sự phát triển hài hòa của một con người với tính cách là một công dân. Công ước nhân quyền châu Âu (có hiệu lực từ ngày 03-9-1953), ở Khoản 1, Ðiều 10 ghi rõ: “Tất cả mọi người đều có quyền tự do bày tỏ ý kiến. Quyền này bao gồm việc được tự do bày tỏ ý kiến và tự do trao đổi các thông tin mà không cần phải nhận được bất kỳ việc cho phép nào từ phía cơ quan công quyền và không phân biệt biên giới. Tuy nhiên, tại Khoản 2 của điều này lại chỉ rõ: Việc thực hiện các quyền nói trên phải gắn với lợi ích quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì trật tự công cộng và ngăn ngừa tội phạm, bảo vệ sức khỏe và đạo đức, nhân phẩm hoặc danh dự của con người. Rõ ràng, không có thứ tự do “tuyệt đối” mà không bị hạn chế vì những lợi ích nhất định của quốc gia, dân tộc, cũng như không ai được phép đặt quyền lợi của mình lên trên lợi ích chung của toàn xã hội, cho dù thể chế xã hội đó là gì, ở đâu.

Cũng giống như ở nhiều quốc gia khác, mọi sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam được tự do hoạt động, nhưng phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; phải tuân thủ đúng những quy định của luật pháp Việt Nam, mà không có bất kỳ một ngoại lệ nào. Điều 15, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 khẳng định: “1- Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân; 2- Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; 3- Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; 4- Việc thực hiện QCN, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Thiết nghĩ, đó là một điều rất tự nhiên và hoàn toàn hợp lý cả về phương diện đạo đức, lẫn phương diện pháp lý, không chỉ ở Việt Nam, mà còn với thế giới. Mọi hành động tuyên truyền, kích động, cổ súy nhằm đối lập quyền tự do TN,TG với thực hiện NVCD; tuyệt đối hóa tự do TN,TG..., đều đi ngược lại những giá trị đạo đức, truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Nhìn rộng ra ta thấy, tại Điều 29 trong bản “Tuyên ngôn thế giới về QCN” cũng khẳng định: “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng mà chính trong đó nhân cách của bản thân có thể phát triển tự do và đầy đủ”. Với thông điệp này, nhìn chung, QCN chỉ được phát huy và được nhà nước bảo đảm khi mọi người biết và sử dụng những quyền ấy để hoàn thành nghĩa vụ đối với cộng đồng, dân tộc, trong đó họ là một thành viên. Rất tiếc, nhiều người khi nói đến QCN, quyền tự do TN,TG ở Việt Nam hiện nay lại thường lảng tránh điều này, chỉ thấy trách nhiệm của Nhà nước đối với cá nhân, cộng đồng, mà không thấy nghĩa vụ của cá nhân với tư cách là một công dân đối với Nhà nước. Quan niệm như vậy không chỉ là sự thiển cận về suy nghĩ, non nớt, mơ hồ về QCN, mà còn bộc lộ sự thiếu trách nhiệm, thái độ thờ ơ, vô cảm trước tương lai của đất nước, đi ngược lại những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Tuyệt đối hóa tự do TN,TG, lợi dụng chính sách nhân đạo, nhân văn của Đảng, Nhà nước về TN,TG, tự cho mình có quyền không thực hiện NVCD về thực chất là hành động vi phạm pháp luật. Điều đó cũng đồng nghĩa với tự tước đi của mình quyền làm người, tự loại mình ra khỏi đời sống cộng đồng và cũng tự loại mình ra khỏi những giá trị, đời sống TN,TG, đi ngược lại tôn chỉ “Đạo pháp - Dân tộc - CNXH”; “Sống phúc âm phụng sự Tổ quốc và dân tộc” của các tôn giáo ở Việt Nam.

Chính sách tự do TN,TG là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện quan điểm trước sau như một: tín ngưỡng hay không tín ngưỡng là sự lựa chọn tự do của con người. Đó là niềm tin và sự tồn tại như một nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân. Thái độ của Đảng, Nhà nước ta đối với tự do TN,TG luôn rõ ràng, minh bạch. Tuy nhiên, tự do TN,TG không phải là thứ tự do vô chính phủ, tự do bằng mọi giá, mà là sự tự do gắn liền với trách nhiệm và NVCD, thực hiện trên cơ sở nhận thức được cái tất yếu. Mọi hành động cổ súy, lợi dụng tự do TN,TG để làm trái pháp luật, vi phạm các quy định bảo đảm an ninh quốc gia, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc là hành động không thể chấp nhận được, cần phải xử lý kiên quyết.

Đại tá, TS. ĐỖ VĂN NGOAN
___________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy, BCHTƯ  khóa IX, Nxb CTQG, H. 2003, tr. 48.

2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 159.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.