Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Sáu, 26/04/2013, 22:48 (GMT+7)
Một luận điệu xuyên tạc lịch sử

 Xuyên tạc lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là một chiêu trò thâm độc của các thế lực thù địch, hòng phủ nhận công lao to lớn, sự hy sinh vì chính nghĩa của dân tộc ta.

 

Gần đây, trên một số website, blog, một số người chẳng biết lấy đâu ra “sử liệu” để nhào nặn rồi kết luận một cách hết sức hồ đồ, thô thiển rằng: cuộc chiến tranh Việt Nam (cách gọi của họ về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta) là “không cần thiết”, là “có thể tránh khỏi”; hay, đó là “cuộc chiến in đậm dấu ấn dân tộc”, “cuộc nội chiến giữa một bên là Chính quyền Sài Gòn, được Mỹ và một số nước phương Tây hậu thuẫn và một bên là Chính quyền Hà Nội, được Liên Xô, Trung Quốc và nhiều nước XHCN giúp đỡ”, v.v..

Cần khẳng định ngay rằng, đây là luận điệu xuyên tạc, phủ nhận sự thật lịch sử hết sức lố bịch. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã được thế giới (ngay cả những chính khách, tướng lĩnh Mỹ từng trực tiếp tham gia cuộc chiến đó) ghi nhận như một biểu tượng của tinh thần quả cảm, không chịu khuất phục của phẩm giá con người. Ngược dòng lịch sử, vào những năm đầu thập niên 50, thế kỷ XX, thực dân Pháp đứng trước nguy cơ bị thất bại trên chiến trường Việt Nam và Đông Dương. Để cứu vãn tình thế đó và thực hiện mưu đồ làm bá chủ khu vực và thế giới, Mỹ đã tăng cường viện trợ quân sự cho Pháp. Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, tính tới khi thực dân Pháp thua trận ở Đông Dương vào năm 1954, Mỹ đã chi tới 78% chiến phí cho Pháp. Mỹ cũng đã gửi hàng trăm phi công, cố vấn quân sự để giúp quân đội viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ. Thậm chí khi Điện Biên Phủ nguy cấp, Chính quyền Mỹ đã tính đến kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân để cứu nguy cho Pháp nhưng không được Quốc hội nước này đồng ý.

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Mỹ đã thay chân Pháp, nhảy vào miền Nam Việt Nam, dựng lên chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm để phá hoại Hiệp định; mặt khác, tìm cách can thiệp trực tiếp bằng quân sự vào Việt Nam. Chính quyền Mỹ đã dựng lên cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” (ngày 04-8-1964), mà sau này, những người đứng đầu chính giới Mỹ lúc bấy giờ, là Tổng thống Giôn-xơn, Bộ trưởng Quốc phòng Mắc-na-ma-ra đều phải thừa nhận là “sự dối trá tai hại nhất” để mở đầu cho cuộc “thập tự chinh” ở Việt Nam. Màn kịch “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” nhằm tạo ra “con ngáo ộp” Cộng sản Bắc Việt, “mối đe dọa đến an ninh, lợi ích sống còn của Mỹ ở Đông Nam Á”, đã dẫn đến cái gọi là Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ của Quốc hội Mỹ (ngày 07-8-1964) cho phép Tổng thống Giôn-xơn quyền không giới hạn để ngăn chặn “sự hiếu chiến của Cộng sản”. Nghị quyết này tạo cơ sở pháp lý cho Chính quyền Mỹ trực tiếp tiến hành chiến tranh ở Việt Nam. Các tài liệu mật của Chính quyền Mỹ sau này được giải mã đã cho thấy rõ mục tiêu chiến lược của Mỹ ở Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng. Tài liệu NSC51 ngày 01-7-1949 của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã nêu rõ: “Đông Nam Á có tầm quan trọng về chiến lược, bởi nó kiểm soát cửa ngõ ra vào giữa hai biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”; ngày 30-12-1949, Tổng thống Mỹ Tru-man đã phê chuẩn một văn kiện cũng của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ; trong đó nêu rõ: “Đông Dương nằm trong khu vực bất khả xâm phạm của chiến lược Mỹ”; và rằng: “mục tiêu lâu dài của Mỹ là thủ tiêu ở mức độ tối đa có thể được ảnh hưởng của cộng sản ở Việt Nam và Đông Dương”, “Mỹ muốn thấy ở Việt Nam và Đông Dương có các nhà nước chống cộng, thân Mỹ”, v.v. Như vậy là, với bản chất đế quốc, dã tâm của Mỹ là quét sạch chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam và Đông Đương, biến nơi đây thành thuộc địa - một bàn đạp chiến lược - để Mỹ thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới. Vì thế, Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh hủy diệt hết sức tàn bạo chống nhân dân Việt Nam. Mỹ đã biến Việt Nam thành đất nước bị ném bom nhiều nhất trên thế giới (số lượng bom Mỹ ném xuống Việt Nam là trên 7,8 triệu tấn, gấp 3 lần số bom sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2; tính bình quân mỗi người dân Việt Nam phải chịu đựng trên dưới 250 kg bom của Mỹ). Mỹ cũng rải xuống miền Nam Việt Nam trên 19 triệu ga-lông (khoảng 85 triệu lít) chất độc hóa học (chủ yếu là chất diệt cỏ đi-ô-xin, làm hơn một nửa diện tích rừng của Việt Nam bị thiêu rụi và di chứng của chất độc này đến nay vẫn còn hàng vạn người dân Việt Nam đang và tiếp tục phải gánh chịu)… Dư luận, lương tri nhân loại tiến bộ trên thế giới lên án cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là phi nghĩa, vô nhân đạo; coi tội ác mà Mỹ gây ra đối với nhân dân Việt Nam là “tội ác tày trời”. Trước những dã tâm xâm lược và tội ác tày trời của đế quốc Mỹ, dân tộc Việt Nam - một dân tộc vốn yêu chuộng hòa bình, nhưng sẵn sàng “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã lại phải một lần nữa đứng lên cầm súng bảo vệ phẩm giá của mình. Vì vậy, sự nghiệp giải phóng dân tộc nói chung, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng là sứ mệnh cao cả mà lịch sử giao phó cho Đảng và nhân dân ta. Xin trích lời của một số chính khách, tướng lính Mỹ để làm rõ thêm thực chất của cuộc chiến tranh này. Trong cuốn “Tường trình một người lính”, Tướng C. Oét-mô-len, Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam (1946-1968) đã viết: “Lịch sử rất có thể đánh giá lại rằng, nhảy vào Việt Nam là một trong những sai lầm lớn nhất của đất nước chúng ta”. Ông cũng thừa nhận: “Mỹ phải chịu trách nhiệm đặc biệt về cuộc chiến tranh Việt Nam”. Ngày 15-6-2000, trả lời báo chí Mỹ về chiến tranh Việt Nam, cựu Tổng thống Mỹ G. Pho trong khi cay đắng thừa nhận thất bại, cũng phải bày tỏ sự cảm phục đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam: “Mỗi nước đều có hồn dân tộc được tôi luyện qua gian khổ. Họ có thể bị quân đội nước ngoài đô hộ, nhưng linh hồn của dân tộc vĩ đại như Việt Nam thì mãi mãi sáng ngời”. Thiết nghĩ, lời nói của những kẻ trực tiếp “nhúng chân” trong cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo đó đã phơi bày sự thật và tự nó, đã phản bác lại những luận điệu bịa đặt rằng: cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là “không cần thiết”, là “có thể tránh khỏi”.

 Cùng với luận điệu trên, việc coi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta là cuộc “nội chiến” giữa hai miền Nam - Bắc cũng là luận điệu xuyên tạc lịch sử không thể chấp nhận được. Theo nhiều báo chí Mỹ, chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam chính thức bắt đầu từ những năm cuối thập niên 40, thế kỷ XX, khi Mỹ viện trợ quân sự cho Pháp trong cuộc chiến chống Việt Minh và kết thúc ngày 30-4-1975, khi mà quân và dân Việt Nam tiến hành chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Trong suốt cuộc chiến tranh đó, Mỹ đã sử dụng 4 chiến lược: “Chiến tranh ngăn chặn”, “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, nhưng đều thất bại. Chiến lược “Chiến tranh ngăn chặn” ở Việt Nam là một bộ phận của “Chiến lược ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản trên toàn cầu” của Mỹ. Chiến lược này được đặc trưng bởi công thức “viện trợ Mỹ, quân viễn chinh Pháp, chính quyền bản địa” với mục tiêu là giúp Pháp đánh bại cộng sản Việt Nam, rồi từng bước Mỹ thay chân Pháp chiếm đóng Việt Nam. Bàn về chiến lược “Chiến tranh ngăn chặn” của Mỹ, trong cuốn hồi ký của mình, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ, tướng Na-va đã viết, “Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ”. Tuy nhiên, sự thất bại không thể tránh khỏi của Pháp đã làm phá sản chiến lược "Chiến tranh ngăn chặn” của Mỹ. Với quyết tâm xâm lược Việt Nam và Đông Dương, Mỹ tiến hành cái gọi là chiến lược "Chiến tranh đặc biệt” ở Việt Nam. Theo đó, Mỹ thiết lập hệ thống các căn cứ quân sự và các liên minh quân sự tại Đông Nam Á, xây dựng Chính quyền Sài Gòn “bù nhìn” và Quân đội Việt Nam cộng hòa (QĐVNCH) ở miền Nam Việt Nam. Theo thống kê của Lầu Năm Góc, thời kỳ đó, Mỹ đã viện trợ cho Chính quyền Sài Gòn hàng tỷ USD/năm, hơn 23 ngàn cố vấn quân sự để xây dựng QĐVNCH (thời kỳ cao điểm lên đến hơn 170 ngàn quân, hơn 75 ngàn cảnh sát, trang bị hàng trăm xe tăng, máy bay, tàu chiến đấu hiện đại...) và đội quân này thực hiện các kế hoạch quân sự do cố vấn Mỹ hoạch định. Các kế hoạch quân sự hết sức tàn bạo, như Luật 10-59, “Lập ấp chiến lược” với phương châm “giết sạch, đốt sạch, phá sạch”, “giết nhầm còn hơn bỏ sót” đã tàn sát hàng trăm ngàn người dân miền Nam Việt Nam vô tội. Tuy nhiên, những thất bại liên tiếp trên chiến trường của QĐVNCH đã làm phá sản “Chiến tranh đặc biệt”, buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, trực tiếp đưa quân đội Mỹ vào tham chiến ở Việt Nam. Trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Mỹ tiến hành 2 cuộc chiến tranh: dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc Việt Nam (từ vĩ tuyến 17 trở ra) và sử dụng không quân, bộ binh tiến hành chiến tranh chống Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, với mục đích là “giết chết những gì động đậy, phá sập những gì bất động” để đẩy Việt Nam vào “thời kỳ đồ đá”. Mỹ đã huy động tới hơn nửa triệu quân, cùng hàng vạn quân đồng minh, sử dụng tất cả những vũ khí, kỹ thuật quân sự tiên tiến nhất, kể cả vũ khí sinh học, hóa học, nhưng cũng không thể khuất phục được quân và dân Việt Nam và năm 1973 buộc phải ký Hiệp định Pa-ri, chấp nhận rút quân về nước. Song, với bản chất không thay đổi, Mỹ tiếp tục đổ tiền, vũ khí, “hà hơi tiếp sức” cho Chính quyền “bù nhìn” Sài Gòn và QĐVNCH thực hiện cái gọi là chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, hòng cứu vãn thất bại, tiếp tục mưu đồ xâm lược Việt Nam. Đây thực chất là chính sách chuyển chiến tranh Việt Nam do Mỹ trực tiếp can thiệp bằng quân sự sang một hình thức chiến tranh, mà nhiều người gọi là “chiến tranh qua tay người bản địa”. Kết cục như mọi người đều biết, chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh” cùng chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ đã kết thúc vào ngày 30-4-1975. Bình luận về bản chất của chế độ Sài Gòn và QĐVNCH, trong cuốn “Những bí mật về chiến tranh Việt Nam - Hồi ức về Việt Nam và hồ sơ Lầu Năm Góc”, tác giả Đ. En-xben, giáo sư sử học nổi tiếng của Mỹ, viết: “không làm gì có chiến tranh Đông Dương thứ nhất và thứ nhì, chỉ có một cuộc xung đột nối tiếp trong một phần tư thế kỷ. Dùng ngôn từ thực tế, đứng về một phía (Mỹ), ngay từ đầu nó đã là một cuộc chiến của Mỹ: mới đầu là Pháp - Mỹ, sau đến toàn là Mỹ. Trong cả hai trường hợp, nó là một cuộc đấu tranh của người Việt Nam - không phải là tất cả người Việt Nam, nhưng cũng đủ để duy trì cuộc đấu tranh chống chính sách của Mỹ và những kinh viện, ủy nhiệm, kỹ thuật gia, hỏa lực và cuối cùng, quân đội và phi công của Mỹ”. Trong cuốn “Sự thật về chiến tranh Việt Nam”, tác giả F. Pi-tơ-gran, nhà sử học danh tiếng của Mỹ đã viết: “Chiến thắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là chiến thắng của dân tộc Việt Nam - người Bắc cũng như người Nam. Khác xa với cuộc nội chiến, cuộc đấu tranh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là một sự khẳng định nguyên tắc thống nhất dân tộc, mà chính quyền Sài Gòn đã tuyên bố ủng hộ rồi phản bội”. Ông N. Chôm-xky, giáo sư ngôn ngữ học thuộc Học viện MIT của Mỹ cho rằng, “Chính phủ Nam Việt Nam không có cơ sở thành trì trong nhân dân. Nó đi theo hướng bóc lột dân chúng nông thôn và tầng lớp dưới ở thành thị, trên thực tế nó là “bù nhìn” của Pháp và cuối cùng là của Mỹ”. Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng thừa nhận, “không có sự yểm trợ của Hoa Kỳ, chính quyền Nam Việt Nam chắc chắn không thể đứng vững được ở miền Nam… Nam Việt Nam về bản chất là một sáng tạo của Hoa Kỳ”.  Năm 2005, trả lời phỏng vấn của báo chí Việt Nam về vai trò của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, Cựu Phó Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ đã thừa nhận: "Mỹ luôn luôn đứng ra trước sân khấu, làm "kép nhất". Vì vậy, về thực chất đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ và chúng tôi là những kẻ đánh thuê". Cựu Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu, trong hồi ký về những ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam cộng hòa, đã chua xót thừa nhận: “Nếu Mỹ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau 3 giờ, chúng tôi sẽ rời Dinh Độc lập”…

Còn rất nhiều, rất nhiều ý kiến có thể trích dẫn, nhưng thiết nghĩ bấy nhiêu ý kiến cũng đủ để phản bác những luận điệu xuyên tạc, bóp méo lịch sử với mưu đồ xấu: phủ nhận công lao to lớn, sự hy sinh vì chính nghĩa của dân tộc ta. Mưu đồ đó đã, đang và sẽ bị vạch mặt và làm thất bại.

 

ĐỒNG ĐỨC

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.