Thứ Sáu, 22/11/2024, 23:39 (GMT+7)
Biển đảo Việt Nam
Xây dựng dân quân tự vệ biển là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, nhằm góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Quán triệt tinh thần đó và với vai trò lực lượng nòng cốt của địa phương ven biển, những năm qua, lực lượng vũ trang Quảng Ninh đã tập trung mọi nguồn lực, công sức, trí tuệ xây dựng lực lượng này và thu được kết quả thiết thực.
Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương có vùng biển rộng, tiếp giáp với Trung Quốc, với dải bờ biển dài khoảng 250 km và hơn 2.000 đảo lớn, nhỏ, chiếm khoảng 2/3 số đảo của cả nước. Đây là vùng biển có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Quân khu 3 và cả vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhất là Luật Dân quân tự vệ,… những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển vững mạnh, có chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao; thực sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương, tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; trở thành lực lượng chính trị tin cậy của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương.
Để có được kết quả đó, trước hết, Tỉnh tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển có số lượng hợp lý, tổ chức, biên chế tinh, gọn, chặt chẽ, chất lượng chính trị cao. Với phương châm “ở đâu có dân, có tổ chức đảng ở đó có dân quân tự vệ”, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh chỉ đạo các địa phương ven biển, cơ quan, doanh nghiệp có ngành nghề hoạt động, kinh doanh liên quan đến biển thành lập các đơn vị dân quân tự vệ biển và duy trì hoạt động thường xuyên. Hằng năm, cơ quan quân sự các cấp phối hợp với địa phương, cơ quan, doanh nghiệp thực hiện nghiêm chế độ đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; tổ chức xét duyệt, tuyển chọn, kết nạp công dân vào lực lượng dân quân tự vệ biển, bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật, gắn việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển với đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở. Thực hiện chủ trương đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tham mưu cho Tỉnh giao chỉ tiêu trong tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ cho các địa phương ven biển gắn với xây dựng, tạo nguồn cán bộ cơ sở và ưu tiên kết nạp những công dân trong độ tuổi có phẩm chất, đạo đức, sức khỏe tốt, lý lịch rõ ràng, có kinh nghiệm đi biển, nhất là công dân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở các đơn vị Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển vào lực lượng dân quân tự vệ biển. Để thuận tiện cho việc sắp xếp tổ chức, biên chế và quá trình làm nhiệm vụ trên biển, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với địa phương, cơ sở lựa chọn những người trong gia đình, dòng họ, cùng làm việc, khai thác, đánh bắt hải sản trên một khu vực ngư trường biên chế vào các tiểu đội, trung đội dân quân biển; xét duyệt, bổ nhiệm người là thuyền trưởng, chủ hộ tàu thuyền làm tiểu đội trưởng, trung đội trưởng. Do đặc điểm những người đi biển đánh bắt, khai thác thủy, hải sản phần lớn hành nghề theo truyền thống gia đình nên để tận dụng, phát huy năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ thuyền trưởng, chủ hộ tàu thuyền, các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động họ tình nguyện tiếp tục tham gia lực lượng dân quân biển khi đã hết tuổi thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ.
Đặc biệt, quán triệt, thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nâng cao khả năng của lực lượng dân quân biển trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ ngư dân; sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh xây dựng, ban hành Kế hoạch số 172/KH-UBND-tm, ngày 11/5/2021 về thực hiện Đề án số 1069/ĐA-BQP, ngày 24/9/2018 của Bộ Quốc phòng “Xây dựng hải đội dân quân thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới”. Quá trình triển khai, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, sở, ngành của Tỉnh tiến hành khảo sát, lựa chọn vị trí xây dựng doanh trại, bảo đảm cơ sở vật chất; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, tuyển chọn nguồn nhân lực; đầu tư mua sắm, đóng mới phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ,… để thành lập hải đội dân quân thường trực của Tỉnh theo đúng lộ trình. Theo kế hoạch, Tỉnh phấn đấu hết năm 2022 sẽ xây dựng xong hệ thống doanh trại, gồm: nhà làm việc, nhà ở, nhà kho, nhà ăn, kho xăng dầu, bến cảng, khu vực neo đậu, tránh, trú; đào tạo nguồn nhân lực,… để năm 2023 đưa hải đội dân quân thường trực đi vào hoạt động làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển, đảo; phục vụ các đoàn công tác đi kiểm tra, khảo sát phát triển kinh tế biển và tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
Cùng với việc xây dựng lực lượng, Tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập cho lực lượng dân quân tự vệ biển. Đặc thù cán bộ, chiến sĩ dân quân biển phần lớn là ngư dân, thường xuyên hoạt động trên biển, trong phạm vi rộng, phân tán, ít có thời gian tập trung, nên hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự các huyện, thành phố, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch huấn luyện, diễn tập sát thực tế, đặc điểm của từng địa phương. Trong đó, chú ý lựa chọn thời điểm huấn luyện vào mùa mưa bão, biển động, mùa sinh sản của thủy sản, khi tàu thuyền không ra khơi và thông báo sớm cho các cơ sở chủ động chuẩn bị, bảo đảm quân số tham gia cao nhất. Trước khi bước vào huấn luyện, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ tiểu đội, trung đội, cán bộ phụ trách dân quân tự vệ của các cơ quan, đơn vị, ban chỉ huy quân sự các huyện, thị xã, thành phố. Ngoài các nội dung quy định, cán bộ dân quân tự vệ biển còn được tập huấn những thông tin mới về chủ quyền, pháp lý trên các vùng biển, đảo Việt Nam, Luật Biển Việt Nam và một số văn bản pháp quy của Nhà nước liên quan đến biển, đảo; quy trình, cách thức đấu tranh, xua đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm trái phép lãnh hải Việt Nam, v.v. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chuẩn bị tốt hệ thống sổ sách, giáo án, bài giảng, mô hình học cụ, thao trường, bãi tập phục vụ huấn luyện. Trong quá trình huấn luyện, Tỉnh bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, hiệu quả”; yêu cầu cấp huyện tổ chức huấn luyện tập trung cho lực lượng dân quân tự vệ biển, đi sâu vào các nội dung, như: bắn đạn thật trên biển; phòng, chống cháy, chìm cho tàu thuyền; cách thức lai dắt, kéo tàu thuyền; sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc, vệ tinh định vị quan sát, phát hiện tàu lạ; công tác phối hợp với các lực lượng trong phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Đi đôi với huấn luyện quân sự, các địa phương đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị nhằm nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự; tình hình an ninh tuyến biển, đảo; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, v.v. Do vậy, hằng năm Tỉnh đều hoàn thành nội dung, chương trình huấn luyện cho 100% cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ biển, kết quả kiểm tra các đơn vị đều đạt khá trở lên. Bên cạnh đó, Tỉnh chú trọng huy động lực lượng dân quân tự vệ biển tham gia thực binh trong các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện; diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó siêu bão và tìm kiếm cứu nạn; diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã, v.v. Qua đó, nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu, khả năng xử lý các tình huống về quốc phòng, an ninh cho lực lượng dân quân tự vệ biển.
Quán triệt, thực hiện Nghị định số 02/2020/NĐ-CP, ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động phối hợp của dân quân tự vệ, Tỉnh đẩy mạnh công tác phối hợp giữa dân quân tự vệ biển với các lực lượng. Theo đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh gặp gỡ, trao đổi, ký kết công tác phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên các vùng biển Quảng Ninh. Những năm qua, dân quân tự vệ biển của Tỉnh đã thường xuyên phối hợp với các lực lượng tổ chức huấn luyện, luyện tập các phương án, tình huống tìm kiếm, cứu nạn trên biển sát thực tế. Tích cực tuyên truyền, vận động ngư dân nâng cao ý thức chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, gắn lao động sản xuất, phát triển kinh tế với sẵn sàng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo theo Nghị định số 30/2010/NĐ-CP, ngày 29/3/2010 và Nghị định số 130/2015/NĐ-CP, ngày 18/12/2015 của Chính phủ. Đồng thời, nắm chắc tình hình, phối hợp tuần tra ven bờ, trên biển, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên vùng biển, đảo, là chỗ dựa tin cậy, vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển, đánh bắt, khai thác thủy sản.
Bên cạnh đó, Tỉnh quan tâm hỗ trợ cơ sở vất chất, bảo đảm chế độ chính sách cho dân quân tự vệ biển. Thực hiện Nghị định số 72/2020/NĐ-CP, ngày 30/6/2020 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ”, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh xây dựng, ban hành Đề án “Tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Trên cơ sở đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp với các sở, ngành ưu tiên bảo đảm ngân sách đầu tư trang thiết bị, phương tiện, ngư lưới cụ cho tàu, thuyền của dân quân biển vươn khơi, bám biển an toàn; chi trả, hỗ trợ cho lực lượng dân quân tự vệ biển khi làm nhiệm vụ huấn luyện; tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo,… theo đúng quy định của Luật. Ngoài ra, Tỉnh còn hỗ trợ nhiên liệu cho chủ các phương tiện tàu, thuyền khi tham gia huấn luyện, hoạt động trên biển và kinh phí sửa chữa nếu tàu, thuyền bị hư hại để kịp thời động viên, khuyến khích, tạo sự yên tâm cho lực lượng dân quân tự vệ biển trong thực hiện nhiệm vụ.
Phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục quan tâm, đầu tư xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển vững mạnh, nhất là thành lập, đưa hải đội dân quân thường trực đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch, góp phần tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khu vực phòng thủ, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền tuyến biển, đảo tiền tiêu Đông Bắc Tổ quốc.
Đại tá KHÚC THÀNH DƯ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
Lực lượng vũ trang Quảng Ninh,dân quân tự vệ biển,
HỎI - ĐÁP: Chế độ, chính sách bảo hiểm y tế đối với các đối tượng do Bộ Quốc phòng quản lý (Kỳ 11 năm 2024) 22/11/2024
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An 14/11/2024
Bộ Quốc phòng gặp mặt Đoàn đại biểu Người có công với cách mạng tỉnh Bình Dương 12/11/2024
HỎI - ĐÁP: Chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng do Bộ Quốc phòng quản lý (Kỳ 11 năm 2024) 11/11/2024
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo 07/11/2024
Bộ Quốc phòng gặp mặt Đoàn đại biểu Người có công tỉnh Kiên Giang 06/11/2024
Bộ Quốc phòng gặp mặt Đoàn đại biểu Người có công với cách mạng thành phố Cần Thơ 05/11/2024
HỎI - ĐÁP: Chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng do Bộ Quốc phòng quản lý (Kỳ 10 năm 2024) 25/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU 24/10/2024
Bộ Quốc Phòng gặp mặt Đoàn đại biểu Người có công với cách mạng tỉnh Trà Vinh 17/10/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU
HỎI - ĐÁP: Chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng do Bộ Quốc phòng quản lý (Kỳ 10 năm 2024)
Vùng 3 Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo
Bộ Quốc phòng gặp mặt Đoàn đại biểu Người có công tỉnh Kiên Giang
Bộ Quốc phòng gặp mặt Đoàn đại biểu Người có công với cách mạng thành phố Cần Thơ
Bộ Quốc phòng gặp mặt Đoàn đại biểu Người có công với cách mạng tỉnh Bình Dương
Đôi nét về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An
HỎI - ĐÁP: Chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng do Bộ Quốc phòng quản lý (Kỳ 11 năm 2024)