QPTD -Thứ Ba, 13/12/2022, 15:23 (GMT+7)
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nâng cao chất lượng huấn luyện

Thực thi pháp luật trên các vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và đầy hiểm nguy, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát biển không chỉ nêu cao ý chí quyết tâm, nắm vững kiến thức luật pháp mà còn phải thành thạo các kỹ năng tổng hợp. Vì thế, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng này là yêu cầu khách quan, cấp thiết.

Đại tá Lê Đình Cường, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng tham quan mô hình mô phỏng hòa đồng bộ hai máy phát điện trên tàu Cảnh sát biển (Ảnh: qdnd.vn)

Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác huấn luyện, nhất là Kết luận số 60-KL/QUTW, ngày 18/01/2019 của Quân ủy Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW; Nghị quyết số 397-NQ/ĐU, ngày 29/3/2013 của Đảng ủy Cảnh sát biển về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, những năm qua, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển chú trọng chỉ đạo triển khai thực hiện tốt phương châm “đổi mới toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, lấy đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện làm khâu đột phá, nâng cao chất lượng huấn luyện cán bộ là then chốt”. Theo đó, các cơ quan, đơn vị đã quán triệt, tổ chức huấn luyện bảo đảm nội dung, chương trình, thời gian theo kế hoạch; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát đối tượng, yêu cầu, nhiệm vụ; lấy bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật và xây dựng lực lượng Cảnh sát biển “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” làm mục tiêu huấn luyện. Nhờ đó, chất lượng huấn luyện của toàn lực lượng từng bước được nâng lên, bảo đảm tương đối toàn diện, đồng đều, vững chắc; các tàu làm nhiệm vụ dài ngày trên biển đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, khả năng quản lý, thực thi pháp luật, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay “hướng ra biển”, khẳng định chủ quyền, ưu thế, sức mạnh trên biển đang trở thành xu thế toàn cầu, mà Việt Nam không phải là ngoại lệ. Cùng với mặt tích cực, hoạt động của các loại tội phạm, các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống trên các vùng biển nước ta cũng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và thực thi pháp luật trên biển ngày càng cao. Trong khi đó, tổ chức, biên chế của Cảnh sát biển đang được điều chỉnh; lực lượng, phương tiện tàu, thuyền còn mỏng, nhưng thường xuyên phải hoạt động dài ngày trên biển, v.v. Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng Cảnh sát biển tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ; trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ huấn luyện. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt Kết luận số 60-KL/QUTW, ngày 18/01/2019 của Quân ủy Trung ương về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW, mệnh lệnh huấn luyện, chiến đấu của cấp trên; xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ huấn luyện với các chỉ tiêu, biện pháp sát hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, tăng cường năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong từng khâu, bước huấn luyện, nhất là trong chỉ đạo, quản lý, điều hành và bảo đảm huấn luyện; chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cấp ủy viên, cán bộ chủ trì các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ quan trọng này. Do đặc điểm hoạt động, môi trường huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ trên biển rất khó khăn, khắc nghiệt, các đơn vị đẩy mạnh đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo hướng: tập trung vào khâu yếu, mặt yếu và nội dung trọng tâm, trọng điểm, nhất là các nội dung thực hành xử trí các tình huống trên thưc địa. Chú trọng đẩy mạnh phân cấp huấn luyện; xác định rõ trách nhiệm của chỉ huy và cơ quan các cấp trong chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, đánh giá kết quả huấn luyện. Bên cạnh đó, các đơn vị thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong từng giai đoạn và cả quá trình huấn luyện, tạo khí thế, quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hai là, chú trọng làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của lực lượng Cảnh sát biển nói chung, lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật trên biển nói riêng đòi hỏi đội ngũ cán bộ, nhân viên phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu, toàn diện. Do đó, hằng năm, trước khi bước vào huấn luyện, các cơ quan, đơn vị chú trọng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác huấn luyện với phương châm “biết cấp trên, giỏi cấp mình, hơn cấp dưới”; trong đó, đi sâu vào công tác tham mưu tác chiến, những vấn đề mới, khó đặt ra từ thực tiễn huấn luyện, công tác; phương pháp huấn luyện cho đội ngũ cán bộ cấp hải đội, tàu, đội, sĩ quan mới ra trường. Đồng thời, chú trọng cử cán bộ đi tập huấn, tham gia các khóa huấn luyện, đào tạo nguồn nhân lực với lực lượng Cảnh sát biển các nước trong khu vực và trên thế giới để nâng cao trình độ, năng lực chấp pháp trên biển, tìm kiếm, cứu nạn, phù hợp với pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Trước yêu cầu cao của nhiệm vụ huấn luyện, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phối hợp chặt chẽ với các cơ chức năng của Bộ Quốc phòng, Trường Sĩ quan Lục quân 1 để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ huấn luyện cho đội ngũ cán bộ; đồng thời, khuyến khích cán bộ tự học, tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. 

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị tập trung đầu tư có trọng điểm xây dựng, củng cố phòng học, thao trường, bãi tập; tích cực nghiên cứu đưa ra nhiều sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ huấn luyện theo hướng cơ bản, chính quy, thống nhất; chủ động bảo đảm đúng, đủ, kịp thời vật chất, trang bị phục vụ huấn luyện. Cán bộ, giáo viên được phân công trực tiếp huấn luyện nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu, tìm hiểu sâu về nội dung, soạn giáo án bảo đảm chất lượng. Đối với các tàu đi thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển, việc xây dựng kế hoạch huấn luyện phải bám sát vào nội dung, kế hoạch huấn luyện tuần, tháng, giai đoạn của hải đội, hải đoàn, vùng, nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt để vừa huấn luyện, vừa thực hiện nhiệm vụ.

Ba là, tập trung huấn luyện sát thực tế, nhiệm vụ, phương án, đối tượng, địa bàn tác chiến. Do đối tượng huấn luyện đa dạng, nhiều thành phần; tàu thuyền hoạt động với cường độ cao, dài ngày trên biển, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức. Khắc phục vấn đề này, các đơn vị phân loại đối tượng theo trình độ, kinh nghiệm chuyên môn để tổ chức huấn luyện sát hợp, không bị nhàm chán. Bộ Tư lệnh yêu cầu các đơn vị tập trung huấn luyện chỉ huy các cấp thuần thục công tác tham mưu tác chiến, nắm vững đối tượng, đối tác, quan điểm, phương châm, xử lý các vấn đề trên biển; nâng cao trình độ, khả năng, phân tích, đánh giá tình hình, xử lý linh hoạt, đúng, thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Với đội ngũ cán bộ tàu, chú trọng huấn luyện nắm chắc các quy định về công tác bảo đảm an toàn trong điều động tàu, địa hình, luồng, lạch, điều kiện khí tượng thủy văn, dòng chảy khu vực biển nơi tàu thường xuyên hoạt động và xử trí nhanh, hiệu quả các tình huống khi thực hiện nhiệm vụ. Với đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật, coi trọng huấn luyện nâng cao trình độ chuyên sâu tay nghề, bậc thợ theo các chuyên ngành, xử lý tốt các sự cố kỹ thuật; quản lý, khai thác, sử dụng, làm chủ vũ khí, trang bị mới, hiện đại có ứng dụng công nghệ cao trong biên chế. Đồng thời, chú trọng huấn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật tàu Cảnh sát biển; quy trình tuần tra, kiểm soát, các phương án bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thực thi pháp luật. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện đêm, huấn luyện dài ngày trên biển, hoạt động trong điều kiện thời tiết phức tạp, nâng cao sức cơ động, khả năng xử trí các tình huống, như: bảo đảm an toàn hàng hải, phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật; huy động nhân lực, phương tiện tàu thuyền dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, gắn huấn luyện với thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất.

Ngoài ra, Bộ Tư lệnh chỉ đạo các đơn vị tăng cường huấn luyện cán bộ, chiến sĩ nắm vững các quy định của pháp luật, có năng lực tư duy sáng tạo, khả năng thích ứng nhanh, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tái phán quốc gia trên biển; hành động kiên quyết, hiệu quả trong xử lý các tình huống, đúng đối sách, đúng pháp luật; có khả năng phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia; xử lý vi phạm hành chính và tố tụng hình sự. Để đạt hiệu quả cao, các đơn vị giảm thời gian huấn luyện lý thuyết, tăng thời gian thực hành, bố trí huấn luyện “xoay vòng, cuốn chiếu”, đảm bảo thời gian, nội dung chương trình huấn luyện cho mọi đối tượng. Tăng cường huấn luyện đổi nhiệm để cán bộ giỏi chuyên môn của mình, khá về chuyên ngành khác; chú trọng truyền thụ kinh nghiệm, “cầm tay, chỉ việc” trong huấn luyện chiến sĩ. Duy trì nghiêm việc tổ chức diễn tập, luyện tập xử lý tình huống trên hải đồ tại sở chỉ huy các cấp; luyện tập chiến thuật vòng tổng hợp, huấn luyện tàu đóng mới, tàu chuyển giao từ nước ngoài, bảo đảm bộ đội làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, vừa làm chủ tình huống trong mọi điều kiện. Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển thường xuyên phối hợp với Quân chủng Hải quân, các quân khu tổ chức các cuộc diễn tập. Duy trì nền nếp tổ chức hội thi, hội thao, nhất là tổ chức hội thi tàu tốt, hội thao huấn luyện tàu, hội thi cán bộ quân sự, chính trị hải đội giỏi; cảnh sát viên, trinh sát viên; kiểm tra tư lệnh, chính ủy vùng Cảnh sát biển, đoàn trưởng, chính trị viên đoàn, v.v. Qua đó, đánh giá đúng trình độ, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy của đội ngũ cán bộ các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

 Bốn là, kết hợp huấn luyện với xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật. Các cơ quan, đơn vị kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với thực hiện nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”. Trong đó, chú trọng huấn luyện bộ đội nắm chắc và vận dụng hiệu quả các nội dung điều lệnh đội ngũ, điều lệnh quản lý bộ đội, điều lệnh tàu, nhất là các văn bản, hướng dẫn thực hiện nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước vào quá trình huấn luyện, công tác tại đơn vị. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị tích cực đổi mới công tác quản lý, điều hành huấn luyện theo hướng “tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo”. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành huấn luyện và quan tâm, đầu tư xây dựng đơn vị điểm về công tác huấn luyện để nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo về kết hợp huấn luyện với rèn luyện kỷ luật. Tăng cường công tác kiểm tra, giao trách nhiệm cho cấp dưới, thực hiện theo phương châm “kiểm tra cơ quan trước, đơn vị sau”.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, sẽ thiết thực nâng cao chất lượng huấn luyện, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ khả năng sẵn sàng chiến đấu, thực thi pháp luật, xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, bảo vệ vững chắc quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc.

Đại tá LÊ ĐÌNH CƯỜNG, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Cảnh sát biển

Ý kiến bạn đọc (0)

Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử giới thiệu toàn văn Quy định số 144-QĐ/TW.