Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Năm, 21/07/2011, 03:03 (GMT+7)
Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, toàn quân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, đảm bảo ổn định đời sống bộ đội

 Đảm bảo ổn định đời sống bộ đội là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của quân đội trong việc cụ thể hoá Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh tăng gia sản xuất (TGSX), chủ động tạo nguồn lương thực, thực phẩm (LTTP) tại chỗ ổn định, vững chắc, là giải pháp then chốt, quan trọng, vừa có ý nghĩa thiết thực trước mắt, vừa có ý nghĩa lâu dài. 

alt
Chiến sĩ Trường Sa trồng rau xanh (Ảnh: Nguyễn Mạnh Kiểm) 


Nhận thức rõ điều đó và trên cơ sở quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 10/CT-BQP, Chương trình hành động số 554/CTr-BQP của Bộ Quốc phòng về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, Tổng cục Hậu cần đã kịp thời ban hành Công văn số 263/HC-TM, ngày 11-3-2011, Công văn số 314/HC-TM, ngày 24-3-2011 cùng nhiều văn bản khác, chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân đẩy mạnh TGSX, tạo nguồn, không để lạm phát làm ảnh hưởng đến đời sống của bộ đội.

Theo đó, thời gian qua, công tác TGSX, tạo nguồn đã được cấp uỷ, chỉ huy các đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ, huy động được đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia và đạt nhiều kết quả quan trọng. Phong trào TGSX có sự phát triển mạnh cả về “diện” và “lượng”, đồng đều ở cả 3 cấp (tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn và tương đương). Các mô hình TGSX  ngày càng được hoàn thiện, mở rộng và phát huy hiệu quả. Nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ TGSX đã được hoàn thành trước thời hạn, sớm đưa vào khai thác, sử dụng. Công tác tổ chức, quản lý TGSX của các đơn vị có nhiều tiến bộ, đảm bảo chặt chẽ, thống nhất. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2011, toàn quân đã thu hoạch được trên 30.000 tấn rau, củ, quả; 10.000 tấn thịt xô lọc; 2.600 tấn cá tươi; trên 3 triệu quả trứng gia cầm... Bình quân, toàn quân đã tự túc được 92,6% định lượng rau, củ, quả; 59,4% định lượng thịt; 29% định lượng cá; trong đó, nhiều đơn vị đã tự túc được 100% định lượng rau xanh, 90-100% định lượng thịt, cá. Các sản phẩm TGSX đưa vào bếp ăn luôn có giá thấp hơn so với giá sản phẩm cùng loại ngoài thị trường ở cùng thời điểm trung bình từ 5-10%. Việc tạo được nguồn thực phẩm tại chỗ vững chắc, có chất lượng, giá rẻ hơn so với giá thị trường đã giúp toàn quân giữ ổn định và cải thiện một bước chất lượng bữa ăn của bộ đội; đồng thời, góp phần tích cực vào việc bình ổn giá cả thị trường khu vực đơn vị đóng quân, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TGSX của các đơn vị vẫn còn những mặt hạn chế. Việc tổ chức thực hiện và hiệu quả TGSX chưa đồng đều giữa các đơn vị, vùng, miền; tiến độ triển khai một số dự án TGSX tập trung còn chậm; công tác TGSX ở một số tiểu đoàn, đồn biên phòng và các đơn vị nhỏ lẻ mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; có đơn vị còn trông chờ vào sự đầu tư của cấp trên, thiếu chủ động trong việc tổ chức TGSX, kết quả thấp, chưa tương xứng với tiềm năng...

Thời gian tới, theo dự báo, tình hình kinh tế trong nước còn diễn biến phức tạp, lạm phát mặc dù đã được kiềm chế nhưng vẫn ở mức cao. Mặt khác, đây cũng là thời kỳ trọng điểm của mùa nắng nóng, khô hạn, bão, lũ, dịch bệnh thường bùng phát mạnh. Theo đó, nguồn cung LTTP sẽ hạn chế, giá cả tiếp tục tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến bữa ăn hằng ngày của bộ đội; vì vậy, công tác TGSX của quân đội càng có ý nghĩa quan trọng. Để tiếp tục đảm bảo ổn định đời sống của bộ đội, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, các đơn vị cần phát huy mọi nguồn lực, đẩy mạnh hơn nữa phong trào TGSX, nâng cao hiệu quả tạo nguồn, khai thác, chế biến; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 10/CT-QP, Chương trình hành động số 554/CTr-BQP của Bộ Quốc phòng và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục Hậu cần trong toàn quân. Qua đó, để mọi cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng về những thuận lợi, khó khăn của nền kinh tế đất nước, cùng các chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng; nhất là thấy rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác TGSX đối với việc giữ ổn định, cải thiện đời sống của bộ đội, góp phần “bảo đảm an sinh xã hội” theo tinh thần Nghị quyết của Chính phủ. Các đơn vị phải giáo dục để bộ đội thấy rõ: “tự lực, tự cường” là bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội ta; trong đó, TGSX, tạo nguồn là một nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị. Trong tình hình hiện nay, đó là giải pháp quan trọng, nhằm đảm bảo ổn định đời sống của bộ đội; từ đó, nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Mặt khác, cần coi trọng việc phát hiện, phê phán những nhận thức lệch lạc, biểu hiện TGSX hình thức, thoả mãn dừng lại, nhất là sau khi có mức tiền ăn mới (từ ngày 01-5-2011, mức tiền ăn đối với chiến sĩ bộ binh là 37.000 đồng/người/ngày). Các đơn vị tiếp tục cụ thể hoá Nghị quyết 11/NQ-CP, Chỉ thị số 10/CT-QP, triển khai thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội trong quân đội bằng những kế hoạch, biện pháp tổ chức TGSX cụ thể. Trong đó, các đơn vị cần chú trọng phát huy nội lực, đẩy mạnh TGSX ở tất cả các cấp; tiếp tục duy trì thực hiện tốt phong trào thi đua ‘‘Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt’’, hướng trọng tâm vào phát triển TGSX, cải thiện đời sống bộ đội. Cơ quan hậu cần các cấp, nhất là ngành Quân nhu, cần phát huy vai trò nòng cốt trong việc tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo triển khai thực hiện, để phong trào TGSX trong toàn quân không ngừng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực.

2. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt kế hoạch TGSX năm 2011, chú trọng mở rộng và phát huy hiệu quả của các mô hình TGSX tập trung, đẩy mạnh TGSX đồng bộ ở cả 3 cấp; trong đó, đặc biệt coi trọng ở cấp tiểu đoàn, trung đoàn. Các đơn vị cần thực hiện tốt việc quy hoạch TGSX gắn với quy hoạch tổng thể khu vực doanh trại, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng tập trung, khép kín, bền vững, ổn định lâu dài, bảo đảm vệ sinh môi trường; tích cực phát triển đa dạng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với đặc thù từng loại hình đơn vị, từng vùng, miền. Trước mắt, các đơn vị chú trọng phát huy hiệu quả của các điểm chăn nuôi, TGSX tập trung đã được đầu tư, kết hợp đẩy mạnh TGSX ở cấp tiểu đoàn theo mô hình vườn-ao-chuồng-giàn, nhằm bảo đảm trực tiếp cho bữa ăn hằng ngày của bộ đội; đồng thời, quan tâm phát triển các trại sản xuất cây, con giống ở các sư đoàn bộ binh đủ quân và các dự án TGSX gắn với căn cứ hậu cần; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư TGSX đã được phê duyệt, đảm bảo đúng trọng tâm, trọng điểm và có hiệu quả. Cục Quân nhu (Tổng cục Hậu cần) phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trên cơ sở rút kinh nghiệm, khẩn trương và triển khai nhân rộng mô hình đồn biên phòng điểm về công tác quân nhu. Cùng với đó, các đơn vị cần tích cực áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào TGSX; chú trọng lựa chọn cơ cấu vật nuôi, cây trồng phù hợp; đẩy mạnh trồng trọt theo hướng chuyên canh, thâm canh; chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp hoặc bán công nghiệp; thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật và sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ quan hậu cần các cấp cần sâu sát, chỉ đạo đơn vị tổ chức gieo trồng hết diện tích các loại rau màu theo cơ cấu cây trồng vụ Hè-Thu, tích cực thực hiện xen canh, gối vụ để tăng sản lượng và trồng rải vụ để kéo dài thời gian thu hoạch; chỉ đạo tăng cường trồng các loại củ, quả để dự trữ dài ngày giải quyết khó khăn trong thời điểm giáp vụ và đề phòng mưa bão, lũ lụt làm gián đoạn TGSX. Đối với chăn nuôi, cần chỉ đạo tích cực tăng quy mô đàn nuôi, ưu tiên sản xuất tự túc con giống; đẩy mạnh phát triển nuôi cá theo hướng thâm canh để nâng cao hiệu quả kinh tế. Mặt khác, các đơn vị cần chủ động bảo đảm đủ nguồn vốn cho TGSX, thường xuyên quan tâm kiện toàn, nâng cao và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên trách về TGSX. Toàn quân phấn đấu thực hiện tốt chỉ tiêu TGSX đã xác định trong Chỉ lệnh hậu cần năm 2011.

3. Tổ chức tốt khâu khai thác, tạo nguồn LTTP; kết hợp chặt chẽ giữa đẩy mạnh TGSX với nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở xay xát, chế biến, giết mổ tập trung, thực hiện khép kín từ sản xuất đến chế biến, sử dụng sản phẩm. Các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt phương thức bảo đảm hậu cần trong điều kiện cơ chế thị trường, phân cấp tạo nguồn LTTP phù hợp ở các cấp. Đối với các đơn vị được đầu tư trạm xay xát, cần chủ động nắm chắc quy luật thị trường, củng cố kho tàng, tích cực huy động các nguồn vốn theo đúng quy định để thu mua thóc (nguyên liệu) trong thời kỳ thu hoạch tới, nhằm giảm chi phí, đưa vào dự trữ, tổ chức xay xát đảm bảo nguồn gạo ổn định phục vụ bộ đội. Các trạm chế biến, giết mổ tập trung, cùng với bảo đảm tốt cho nhu cầu thường xuyên, cần tăng cường sản xuất, chế biến các loại LTTP có thể dự trữ dài ngày, nhằm chủ động nguồn cung, làm tốt việc điều hoà thực phẩm giữa các bếp ăn, nhất là khi giáp vụ, khi giá cả tăng cao. Đồng thời, các đơn vị cần tính toán, tổ chức duy trì lượng LTTP dự trữ gối đầu hợp lý, có chiều sâu ở bếp ăn và kho hậu cần các cấp, để chủ động bảo đảm trong mọi tình huống. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị cần chú trọng kết hợp chặt chẽ TGSX với phát triển kinh tế địa phương nơi đóng quân, nhất là ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn.

4. Tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động TGSX, tạo nguồn. Các đơn vị cần quán triệt và thực hiện nghiêm Quyết định số 30/2003/QĐ-BQP, ngày 01-4-2003 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về quy chế quản lý hoạt động TGSX của đơn vị thuộc lực lượng thường trực trong toàn quân; duy trì có hiệu quả hoạt động của Hội đồng giá các cấp trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động TGSX, tạo nguồn và quản lý tiền ăn của bộ đội. Việc tổ chức TGSX của các đơn vị phải được thực hiện theo kế hoạch, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chỉ huy đơn vị và sự quản lý điều hành của cơ quan hậu cần. Các đơn vị coi trọng quản lý chặt chẽ nguồn vốn (vốn vay TGSX, vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng) và các nguồn thu từ TGSX; tổ chức tốt việc bảo quản, phân phối, điều hoà sử dụng các sản phẩm TGSX đảm bảo tiết kiệm, đúng mục đích. Trên cơ sở Hướng dẫn số 378/HC-QN, ngày 08-4-2011 của Tổng cục Hậu cần, các đơn vị thống nhất và quản lý chặt chẽ giá sản phẩm TGSX đưa vào bếp ăn theo đúng nguyên tắc phải thấp hơn giá thị trường đối với cùng loại sản phẩm ở cùng thời điểm, để trực tiếp cải thiện đời sống của bộ đội; đồng thời, có lãi để tái sản xuất mở rộng. Cùng với đó, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí; chú trọng kết hợp với các phong trào thi đua, cuộc vận động, nhất là việc tiếp tục học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao hiệu quả TGSX, ổn định đời sống của bộ đội.

Thiếu tướng DƯƠNG VĂN RÃ

Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 11
Có thể nói, đây là hội nghị mang tính lịch sử, quyết sách những vấn đề rất quan trọng, đột phá của giai đoạn cách mạng mới, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Trên cơ sở thống nhất tuyệt đối, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng,...