Biển đảo Việt Nam Văn bản, chính sách mới

QPTD -Thứ Hai, 12/01/2015, 10:45 (GMT+7)
Xây dựng hậu phương quân đội trong tình hình mới - lý luận và thực tiễn
Trung tướng Mai Quan Phấn kết luận Hội thảo  khoa học “Xây dựng hậu
phương quân đội trong tình hình mới - lý luận và thực tiễn”. (Ảnh: qdnd.vn)

Ngày 25-11-2014, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Hội đồng Lý luận Trung ương và Ban chủ nhiệm Đề tài phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng hậu phương quân đội (HPQĐ) trong tình hình mới - lý luận và thực tiễn”. Tham dự Hội thảo có đại biểu Hội đồng Lý luận Trung ương, Thủ trưởng TCCT, các tướng lĩnh và các nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS, TS. Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: “Xây dựng HPQĐ trong tình hình mới” là đề tài độc lập cấp quốc gia theo đặt hàng của Hội đồng Lý luận Trung ương, ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và lãnh đạo TCCT. Đề tài được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt nội dung đăng ký thuyết minh, quyết định giao cho Cục Chính sách, TCCT chủ trì nghiên cứu và do Thiếu tướng, TS. Trần Văn Minh - Cục trưởng Cục Chính sách, làm Chủ nhiệm Đề tài, thực hiện từ năm 2014 đến năm 2017. Đồng chí nhấn mạnh: vấn đề HPQĐ, xây dựng HPQĐ có ý nghĩa rất quan trọng, song đây là vấn đề mới. Trong nhận thức và chỉ đạo thực tiễn, cụm từ HPQĐ đã được đề cập ở những khía cạnh khác nhau, nhưng vẫn chưa có khái niệm HPQĐ, theo đó, chưa có khái niệm xây dựng HPQĐ một cách hoàn chỉnh cả trong các văn kiện, nghị quyết cũng như trong học thuật. Vì vậy, nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn của HPQĐ, xây dựng HPQĐ để từ đó tham mưu giúp Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành các chủ trương, chính sách xây dựng HPQĐ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước trong giai đoạn cách mạng mới là vấn đề quan trọng, cấp thiết.

Báo cáo đề dẫn do Thiếu tướng, TS. Trần Văn Minh trình bày đã nêu bật tầm quan trọng của Đề tài, quá trình triển khai thực hiện Đề tài và đề nghị các tham luận Hội thảo tập trung làm rõ những nội dung chính gồm ba cụm vấn đề. Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 26 bản tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội. Trong đó, có 16 tham luận đề cập về phương pháp luận, cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của HPQĐ và xây dựng HPQĐ. Hội thảo đã tập trung làm rõ các nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, phương pháp tiếp cận, cơ sở lý luận, thực tiễn của HPQĐ và xây dựng HPQĐ. Đây là nội dung được nhiều nhà khoa học quan tâm, đề cập sâu. Tuy phương pháp tiếp cận và cách diễn đạt có khác nhau, nhưng nhìn chung các nhà khoa học đều khá thống nhất về vấn đề cơ bản và cho rằng: trong một mục tiêu và phạm vi xác định có một thực thể HPQĐ và theo đó có xây dựng HPQĐ. Một số tham luận còn cho rằng, cần xuất phát từ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn hậu phương chiến tranh, hậu phương quốc gia, hậu phương chiến lược, hậu phương chiến dịch,… của chiến tranh nhân dân Việt Nam để làm rõ nội hàm HPQĐ. Từ đó, các nhà khoa học đã phân tích, lập luận và khẳng định: HPQĐ dù chưa được khái quát về lý luận thì nó vẫn tồn tại là một thực thể độc lập, trong mối quan hệ với nhiều dạng hậu phương khác.

Thứ hai, làm rõ quan niệm HPQĐ và xây dựng HPQĐ trong tình hình mới. Do chưa có khái niệm chuẩn, nên hầu hết các tham luận chỉ đưa ra những dấu hiệu đặc trưng của HPQĐ. Trong đó, một số tham luận mạnh dạn nêu khái niệm HPQĐ. Tựu trung các tham luận thống nhất cao về nội hàm của HPQĐ bao gồm toàn bộ các yếu tố, các tiềm lực vật chất, tinh thần trên từng vùng, miền và trên phạm vi cả nước trong mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất, tạo cơ sở, nền tảng trực tiếp cho mọi nhu cầu xây dựng, huấn luyện, chiến đấu, đời sống của Quân đội cả trong thời bình và thời chiến. Các yếu tố cấu thành HPQĐ gồm: địa lý - không gian; các tiềm lực của HPQĐ bao gồm yếu tố vật chất, tinh thần và hệ thống thiết chế, cơ chế hoạt động, vận hành của HPQĐ. Đó là sự bảo đảm về con người; về vũ khí, trang bị; về kinh tế, tài chính, lương thực, nhu yếu phẩm; các thiết chế để huy động các nguồn lực vật chất,… đáp ứng nhu cầu xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thứ ba, những nội dung cơ bản và các vấn đề liên quan trực tiếp xây dựng HPQĐ trong tình hình mới. Các tham luận đã phân tích, luận giải, làm rõ các đặc điểm, mối quan hệ, giải pháp xây dựng HPQĐ trong tình hình mới. Xác định chủ thể và lực lượng xây dựng HPQĐ là các tổ chức trong hệ thống chính trị, tổ chức xã hội và của toàn dân, toàn quân; trong đó, Đảng là chủ thể lãnh đạo, Nhà nước chỉ đạo, điều hành thực thi xây dựng HPQĐ. Các tham luận còn đề xuất những vấn đề cơ bản về xây dựng HPQĐ. Đó là các tiêu chí đánh giá, nguyên tắc, quan điểm, cơ chế, chính sách, hình thức, phương pháp xây dựng HPQĐ. Cùng với đó, đề cập đến việc tổng kết kinh nghiệm trong và ngoài nước, rút ra một số vấn đề cần chọn lọc, tiếp thu và đề xuất về quan điểm, định hướng xây dựng HPQĐ trong thời kỳ mới của đất nước.

Kết luận Hội thảo, Trung tướng (nay là Thượng tướng) Mai Quang Phấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm TCCT QĐND Việt Nam đánh giá cao sự nỗ lực, trách nhiệm của Ban Chủ nhiệm đề tài, nhất là trong công tác chuẩn bị Hội thảo; đồng thời, khẳng định giá trị các tham luận và ý kiến tâm huyết, đầy trách nhiệm của các nhà khoa học. Đồng chí cảm ơn và đề nghị các nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị tiếp tục phối hợp cộng tác tốt hơn nữa với Cục Chính sách - Cơ quan chủ trì đề tài - để hoàn thành Đề tài đúng tiến độ và đạt kết quả tốt nhất.

Mai Linh thực hiện

Ý kiến bạn đọc (0)

Quốc hội thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019
Sáng nay 8-11, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, với tỷ lệ tán thành là 92,16%. Nghị quyết đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 là từ 6,6% - 6,8%.