Biển đảo Việt Nam Văn bản, chính sách mới

QPTD -Thứ Sáu, 28/11/2014, 09:32 (GMT+7)
Thêm nhiều chính sách ưu đãi sĩ quan

Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Kim Khoa, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội với phóng viên Báo Quân đội nhân dân sáng  qua (27-11), sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tạp chí Quốc phòng toàn dân xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Thể chế hóa Hiến pháp về xây dựng quân đội

Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 (Luật Sĩ quan) được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XII, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 03-6-2008, đã được Bộ Quốc phòng nghiêm túc tổ chức triển khai. Sau 15 năm thực hiện, Luật Sĩ quan cơ bản phù hợp, đã tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ sĩ quan, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Sĩ quan gần đây đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, còn có ý kiến khác nhau, một số quy định của luật chưa cụ thể, khó áp dụng cần được khắc phục.

Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã được Chính phủ trình Quốc hội từ kỳ họp trước. Báo cáo trước Quốc hội, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam là cần thiết, nhằm thể chế hóa Hiến pháp và các chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng quân đội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, chặt chẽ đáp ứng yêu cầu xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. 

Báo cáo giải trình trước Quốc hội trong buổi sáng ngày hôm qua (27-11), đồng chí Nguyễn Kim Khoa, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khẳng định: Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất hợp lý của luật hiện hành, tuân thủ Hiến pháp năm 2013 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, hướng tới mục tiêu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.

Hơn 73% đại biểu Quốc hội tán thành dự thảo luật

Trước ý kiến của một số đại biểu Quốc hội không đồng ý với quy định trong dự thảo luật về Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh có trần quân hàm Trung tướng và đề nghị là Thiếu tướng, đồng chí Nguyễn Kim Khoa giải trình: Việc quy định cấp bậc hàm cao nhất của quân đội và công an ở địa phương, cấp tỉnh và cấp huyện phải bằng nhau là một chủ trương đúng của Đảng. Theo đó, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh là người chỉ huy các lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ theo quy định tại Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X. Tại phiên họp ngày 06-11-2014, đa số đại biểu Quốc hội đồng ý với trần quân hàm của Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh là Trung tướng, vì vậy quy định trần quân hàm Trung tướng đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh là phù hợp, đáp ứng yêu cầu chỉ huy khi có tình huống chiến sự, chiến tranh xảy ra.

Về trần quân hàm của Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban CHQS quận, huyện thuộc Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý thống nhất cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tá.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội giải trình, Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn bộ nội dung dự thảo luật. Với 438 đại biểu có mặt (đạt tỷ lệ 88,13% tổng số đại biểu Quốc hội), có 363 đại biểu tán thành (đạt tỷ lệ 73,04% trong tổng số đại biểu Quốc hội); có 51 đại biểu không tán thành (tỷ lệ 10,26% tổng số đại biểu Quốc hội) và có 24 đại biểu không biểu quyết (chiếm tỷ lệ 4,83% tổng số đại biểu Quốc hội).

Sĩ quan được hưởng phụ cấp nhà ở

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho rằng, sẽ có thêm nhiều chính sách mới đối với sĩ quan theo luật này. Chính sách mới sẽ góp phần động viên đội ngũ sĩ quan, nhất là sĩ quan trẻ yên tâm công tác trong quân đội. Cụ thể, cấp bậc cao nhất đối với chức vụ Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội là Thiếu tá (luật hiện hành là Đại úy). Cấp bậc cao nhất đối với chức vụ Trung đội trưởng là Đại úy (luật hiện hành là Thượng úy).

Đặc biệt, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 7 của Điều 31 Luật Sĩ quan hiện hành như sau:

 “1. Chế độ tiền lương và phụ cấp do Chính phủ quy định; bảng lương của sĩ quan được tính theo chức vụ, chức danh đảm nhiệm và cấp bậc quân hàm phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành lao động đặc biệt; phụ cấp thâm niên được tính theo mức lương hiện hưởng và thời gian phục vụ tại ngũ. Sĩ quan được hưởng phụ cấp, trợ cấp như đối với cán bộ, công chức có cùng điều kiện làm việc và phụ cấp, trợ cấp có tính chất đặc thù quân sự”;

 “7. Sĩ quan được hưởng phụ cấp nhà ở; được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, được bảo đảm nhà công vụ theo quy định của pháp luật”.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2015. Các quy định liên quan đến thẩm quyền về phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng có hiệu lực thi hành từ thời điểm Luật công bố.

 

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử giới thiệu toàn văn Quy định số 144-QĐ/TW.