Biển đảo Việt Nam Văn bản, chính sách mới

QPTD -Thứ Năm, 03/04/2014, 10:20 (GMT+7)
Chế độ nhuận bút mới tương xứng hơn với sức lao động

Từ ngày 01-6, Nghị định 18/2014/NĐ-CP quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản sẽ chính thức có hiệu lực. 

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn về những điểm mới và công tác triển khai Nghị định trong thực tế. 

Phóng viên (PV) - Thưa Thứ trưởng, Chính phủ vừa ra Nghị định 18/2014/NĐ-CP quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, xin Thứ trưởng cho biết Nghị định này có điểm gì mới so với Nghị định 61/2002/NĐ-CP về chế độ nhuận bút?

- Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Ngày 11-6-2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2002/NĐ-CP về chế độ nhuận bút, trong đó quy định chung về chế độ nhuận bút cho cả lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật. Qua hơn 10 năm thực hiện, Nghị định 61 là cơ sở pháp lý quan trọng để các nhà xuất bản, cơ quan báo chí thực hiện việc lập Quỹ nhuận bút; tạo sự thống nhất trong chi trả nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. 

Với các cơ quan báo chí, nhà xuất bản hoạt động chủ yếu bằng ngân sách Nhà nước, đây là cơ sở để được xem xét, hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các quy định này đã bộc lộ những hạn chế, nhiều quy định không phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Thấy rằng việc ban hành một nghị định mới quy định riêng cho báo chí, xuất bản là cần thiết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2014/NĐ-CP.

Nghị định 18/2014/NĐ-CP có 05 chương 16 điều, được xây dựng trên cơ sở tiếp thu những nét ưu việt từ Nghị định 61/2002/NĐ-CP và có chọn lọc, bổ sung các quy định phù hợp với thực tế hiện nay.

Nghị định có nhiều điểm mới như toàn bộ Nghị định đã thay cụm từ “Chủ sở hữu tác phẩm” thành cụm từ “chủ sở hữu quyền tác giả” cho hợp với Luật Sở hữu trí tuệ; bổ sung quy định khung về khiếu nại, tố cáo. Nghị định quy định rõ mức nhuận bút, thù lao trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả và những người thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí căn cứ vào thể loại, chất lượng tác phẩm, mức độ ảnh hưởng của tác phẩm đến kinh tế - xã hội; mức đóng góp vào tác phẩm, các quy định khuyến khích sáng tạo tác phẩm và quy định của cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm.

Nghị định cũng quy định mức nhuận bút của tác giả không thấp hơn mức thù lao của người tham gia công việc có liên quan đến tác phẩm cùng thể loại. Một số trường hợp đặc biệt được hưởng cao hơn để khuyến khích sáng tạo, gồm: tác giả của tác phẩm dành cho thiếu nhi, dân tộc thiểu số, phóng sự điều tra; tác giả là người Việt Nam viết trực tiếp bằng tiếng nước ngoài, người Kinh viết trực tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số viết trực tiếp bằng tiếng của dân tộc thiểu số khác; tác giả của tác phẩm được thực hiện trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm và những trường hợp đặc biệt khác được hưởng nhuận bút cao hơn nhằm khuyến khích sáng tạo.

Theo Nghị định, tác phẩm báo chí đăng tải lại có trích dẫn nguồn của cơ quan báo chí khác đã có thỏa thuận chia sẻ thông tin theo quy định về bản quyền, nhuận bút do các cơ quan báo chí thỏa thuận quyết định. Chậm nhất 60 ngày, kể từ ngày tác phẩm được đăng tải, công bố, bên sử dụng tác phẩm phải trả hết nhuận bút cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.

Về khung nhuận bút cho báo chí, Nghị định chỉ quy định hệ số tối đa mà không quy định hệ số tối thiểu. Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút cho báo chí bằng 10% mức tiền lương cơ sở áp dụng cho cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thay cho 10% mức tiền lương tối thiểu để phù hợp với các quy định về tiền lương.

Quỹ nhuận bút cũng được mở rộng hơn trước với nguồn thu từ hoạt động báo chí; các hoạt động kinh tế của các cơ quan báo chí; hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Điều này tạo thuận lợi cho các cơ quan báo chí hoạt động tốt hơn trong điều kiện hiện nay.

Về việc chi trả nhuận bút, thù lao với các tác phẩm báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình, Nghị định mới cũng bổ sung thêm đối tượng, thể loại và một số quy định. Điểm đặc biệt của Nghị định này là giao thêm quyền chủ động, quyết định cho tổng biên tập, tổng giám đốc, các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình... trong việc chi trả nhuận bút, thù lao cho một số xuất bản phẩm cũng như những tác phẩm ở thể loại báo chí mới phù hợp với thực tế. 

Bên cạnh báo chí, lĩnh vực xuất bản cũng có một số những điểm được điều chỉnh phù hợp với thực tế hiện nay như khung chi trả nhuận bút có thêm phần dành cho các xuất bản phẩm là sách giáo khoa, sách tham khảo ở các bậc học; đối tượng hưởng nhuận bút, thù lao với xuất bản phẩm; thù lao với người hiệu đính tác phẩm dịch, người biên tập, sưu tầm, cung cấp tác phẩm...

PV - Với nhiều điểm mới như vậy, Nghị định này có ý nghĩa như nào trong việc quản lý cũng như phát triển báo chí xuất bản trong tình hình mới? 

- Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Nghị định mới này là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý cũng như phát triển hoạt động báo chí, xuất bản của Việt Nam trong tình hình mới. Cùng với việc giúp các nhà xuất bản, cơ quan báo chí duy trì tốt Quỹ nhuận bút, có khung pháp lý để hoạt động phù hợp với các quy định về tài chính và quy định khác, Nghị định 18/2014/NĐ-CP còn tạo sự thống nhất trong chi trả nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. 

Đặc biệt, mức chi trả nhuận bút được quy định theo Nghị định mới này đảm bảo sự công bằng với những người tham gia vào quá trình sáng tạo một tác phẩm được đăng, phát; đồng thời, khuyến khích sáng tạo; giúp cho việc sàng lọc, có được những tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm chất lượng hơn, tương xứng với sức lao động của người cầm bút.

PV - Vậy ngành thông tin và truyền thông đã, sẽ làm gì để Nghị định mới này thực sự đi vào cuộc sống, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Nghị định 18/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01-6. Để Nghị định này được triển khai hiệu quả, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng các thông tư hướng dẫn, tổ chức hoạt động thanh kiểm tra việc thực hiện trên phạm vi cả nước. Bộ cũng cũng yêu cầu các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình tuyên truyền tốt, thực hiện nghiêm Nghị định này của Chính phủ.

PV - Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: TTXVN

Ý kiến bạn đọc (0)

Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử giới thiệu toàn văn Quy định số 144-QĐ/TW.