Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Ba, 20/03/2018, 18:10 (GMT+7)
Ðưa quan hệ giữa Việt Nam với Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân, cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Niu Di-lân, Ô-xtrây-li-a và dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Ô-xtrây-li-a. Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm. Sau đây là nội dung bài phỏng vấn:

Lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Niu Di-lân
tại Nhà Chính phủ, thành phố Oóc-len. Ảnh: TTXVN

Phóng viên: Tin tức trong thời gian qua đã đưa nhiều về chuyến thăm và cho biết là rất thành công, vậy Thứ trưởng cho biết thành công cụ thể là những gì?

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng: Chuyến thăm chính thức Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thành công rất tốt đẹp trên nhiều phương diện, từ lễ tân, chương trình hoạt động, đến nội dung trao đổi, văn kiện ký kết và những hoạt động bên lề. Báo chí đã đưa tin đậm nét, tôi xin điểm lại những kết quả nổi bật như sau:

Thứ nhất, chuyến thăm ghi dấu mốc quan trọng, đưa quan hệ giữa nước ta với Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân lên một tầng nấc mới.

Với Ô-xtrây-li-a, đó là việc chính thức nâng cấp lên quan hệ Ðối tác chiến lược, được hợp thức hóa bằng Tuyên bố chung do hai Thủ tướng ký kết. Ðây không chỉ là kết quả của quá trình phấn đấu, nỗ lực vun đắp quan hệ hai nước sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và chín năm triển khai quan hệ Ðối tác toàn diện, mà còn khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị ở mức cao của lãnh đạo và nhân dân hai nước, trên cơ sở các lợi ích song trùng và tầm nhìn chiến lược ngày càng gia tăng, cả về song phương và ở tầm khu vực. Với việc thiết lập quan hệ Ðối tác chiến lược thứ 16 với Ô-xtrây-li-a, Việt Nam đã dần hoàn thiện khuôn khổ hợp tác với các đối tác quan trọng ở tất cả các châu lục, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của nước ta ở khu vực và trên thế giới.

Với Niu Di-lân, đó là việc tăng cường hơn nữa các nội hàm của quan hệ Ðối tác toàn diện, khẳng định quyết tâm và đề ra lộ trình cụ thể để hướng tới thiết lập quan hệ Ðối tác chiến lược trong tương lai gần.

Tại Niu Di-lân và Ô-xtrây-li-a, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các trường đại học hai nước đã ký nhiều văn kiện, thỏa thuận hợp tác (tại Niu Di-lân là 12; tại Ô-xtrây-li-a là 24), tạo thêm khuôn khổ hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, quốc phòng, giáo dục - đào tạo, nông nghiệp, khoa học - công nghệ… Chuyến thăm cũng là dịp để nước ta củng cố lòng tin với chính giới, xây dựng tình cảm với người dân Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân.

Thứ hai, chuyến thăm đã đặt nền tảng quan trọng để khai phá tiềm năng, thúc đẩy kết nối giữa kinh tế nước ta với kinh tế Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân, mang lại những cơ hội thực chất và lợi ích hữu hình cho địa phương, doanh nghiệp. Các cam kết của Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân trong mở cửa thị trường nông sản, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho một số ngành nông nghiệp mũi nhọn của nước ta, như trồng cây ăn quả, sản xuất lúa gạo, sản xuất và chế biến sữa, trồng và chế biến cây mắc-ca…, hứa hẹn mang lại lợi ích lâu dài cho người nông dân, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Ðặc biệt, việc tổ chức thành công Diễn đàn Doanh nghiệp tại cả hai nước (ở Niu Di-lân với hơn 300 và ở Ô-xtrây-li-a với hơn 400 đại diện doanh nghiệp tham dự), với 17 thỏa thuận được ký tại Ô-xtrây-li-a và bốn thỏa thuận được ký tại Niu Di-lân, đã tạo điều kiện cho các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước trao đổi trực tiếp, xác định cơ hội hợp tác cụ thể. Có thể nói, chuyến thăm đã tạo làn gió mới cho hợp tác kinh tế giữa nước ta với Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân.

Thứ ba, chuyến thăm đã tạo đột phá quan trọng cho giao lưu giữa nhân dân hai nước, thông qua những mối liên kết đặc biệt về giáo dục, du lịch, lao động và lực lượng đông đảo kiều bào tại đây. Có nhiều con số được nhấn mạnh trong trao đổi giữa lãnh đạo hai nước và Thủ tướng nước ta, như lượng khách du lịch Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân sang Việt Nam tăng đột biến, với Ô-xtrây-li-a là gần 500 nghìn lượt, với Niu Di-lân là hơn 50 nghìn lượt riêng trong năm 2017; Việt Nam có hơn 30 nghìn sinh viên đang theo học và 60 nghìn cựu sinh viên đã học tập tại Ô-xtrây-li-a, hơn ba nghìn sinh viên đang học tại Niu Di-lân. Hơn 300 nghìn người Việt Nam đang định cư tại Ô-xtrây-li-a và sáu nghìn người Việt Nam đang định cư tại Niu Di-lân đã bước sang thế hệ thứ hai, ngày càng ổn định cuộc sống và có nhiều đóng góp quan trọng vào xã hội sở tại, luôn hướng về quê hương đất nước; những thỏa thuận tăng số lượng học bổng của Chính phủ hai nước, triển khai hiệu quả Kế hoạch Cô-lôm-bô mới của Ô-xtrây-li-a, Chương trình Lao động kỳ nghỉ với cả Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân... Ngoài VietJet Air ký thỏa thuận xúc tiến mở đường bay thẳng giữa thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Bri-xbên của Ô-xtrây-li-a, hai bên cũng khẳng định quyết tâm mở thêm các đường bay thẳng nhằm tạo thuận lợi cho giao lưu, kết nối giữa Việt Nam và Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân. Những nội dung này trong chuyến thăm đã tạo niềm tin và không khí phấn khởi trong dư luận và nhân dân hai nước, tạo nền tảng vững chắc cho không chỉ hiện tại mà còn cho tương lai lâu dài của quan hệ Việt Nam - Ô-xtrây-li-a và Việt Nam - Niu Di-lân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Toàn quyền Ô-xtrây-li-a P.Cốt-grô-vơ. (Ảnh: TTXVN)

Phóng viên: Vậy những nhân tố nào làm nên thành công của chuyến thăm?

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng: Chuyến thăm thành công là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, như chúng ta vẫn thường nói là sự kết hợp của thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Trong đó, phải kể đến những nhân tố nổi bật sau:

Thứ nhất, đó là thế và lực của Việt Nam đang tăng lên rõ rệt. Nội lực của nước ta được tăng cường nhờ kinh tế phát triển nhanh và vững chắc, an ninh được giữ vững, an sinh xã hội được bảo đảm, bên cạnh sự gia tăng các lợi thế cạnh tranh và quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc tích cực hội nhập quốc tế. Ðặc biệt, sau thành công của Năm APEC 2017 và việc nước ta phối hợp cùng các nước thúc đẩy ký kết Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ (CPTPP) hồi đầu tháng 3, cả Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân đều coi trọng hơn, đánh giá cao vai trò và vị thế của nước ta. Chính giới và doanh nghiệp Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân đều thấy rõ cơ hội ngày càng gia tăng trong hợp tác với Việt Nam, cả về song phương và trong khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, thể hiện rõ quan tâm tăng cường, củng cố hơn quan hệ với Việt Nam.

Có được điều này phải kể đến vai trò cá nhân của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong việc khẳng định quyết tâm của Chính phủ nước ta về xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động vì người dân, doanh nghiệp, cam kết cải cách và hội nhập, cũng như chỉ đạo sát sao các bộ, ngành.

Thứ hai, Việt Nam và Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân đang gia tăng hội tụ lợi ích về cả song phương và đa phương. Về song phương, đó là nhu cầu hợp tác phục vụ phát triển ở mỗi nước trên nền tảng tính bổ trợ lẫn nhau của các nền kinh tế, những cơ hội mở rộng đầu tư, kinh doanh, chuyển giao công nghệ - kỹ thuật, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực cùng có lợi như thương mại, du lịch, giáo dục, nông nghiệp… Về đa phương, đó là quyết tâm và tầm nhìn chung về bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, bảo đảm trật tự khu vực mở, thịnh vượng bao trùm và dựa trên luật lệ, thúc đẩy tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế khu vực; tăng cường hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, APEC, EAS…

Thứ ba, đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến thăm. Trên cơ sở quan hệ tin cậy, phía Ô-xtrây-li-a đáp ứng tích cực các yêu cầu của nước ta trong quá trình xây dựng chương trình, chuẩn bị nội dung, xây dựng văn kiện cho chuyến thăm. Ðó là sự đóng góp to lớn của không chỉ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tham gia trực tiếp, mà còn của cộng đồng người Việt Nam tại Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân. Các bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương ta đều có nhu cầu hợp tác lớn với Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân, quyết tâm đưa quan hệ với hai nước đi vào chiều sâu thực chất, hiệu quả. Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện nước ta tại Niu Di-lân, Ô-xtrây-li-a đã nỗ lực, chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ, thu xếp chương trình phù hợp, thực chất, bảo đảm hậu cần vật chất chu đáo, góp phần vào thành công chung của chuyến thăm.

Phóng viên: Trong chuyến thăm Ô-xtrây-li-a lần này, Thủ tướng Chính phủ đã tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Ô-xtrây-li-a , xin Thứ trưởng cho biết Hội nghị "đặc biệt" ở điểm nào, mục đích ra sao?

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng: Hội nghị lần này thật sự có ý nghĩa đặc biệt vì: Thứ nhất, đây là lần đầu một Hội nghị cấp cao giữa ASEAN và Ô-xtrây-li-a được tổ chức tại Ô-xtrây-li-a. Thứ hai, không rơi vào năm tròn/chẵn, nhưng Hội nghị là mốc phát triển quan trọng nhằm cụ thể hóa quan hệ Ðối tác chiến lược (được nâng cấp năm 2014) giữa hai bên, đồng thời tái khẳng định cam kết của Ô-xtrây-li-a đối với khu vực và ASEAN. Thứ ba, trong bối cảnh môi trường khu vực và quốc tế biến chuyển phức tạp, việc tăng cường cam kết giữa ASEAN và Ô-xtrây-li-a góp phần định hướng cho một khuôn khổ hợp tác ổn định, hiệu quả ở khu vực. Thứ tư, tiếp theo việc Mỹ, Nga, Ấn Ðộ tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt mời lãnh đạo ASEAN, Hội nghị lần này tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế của ASEAN ở khu vực, được các đối tác lớn quan tâm, coi trọng.

Toàn cảnh Phiên họp Toàn thể về Tăng cường kết nối ASEAN - Ô-xtrây-li-a, Đối tác kinh tế ASEAN - Ô-xtrây-li-a và Hợp tác chống khủng bố
ASEAN - Ô-xtrây-li-a. Ảnh: TTXVN

Hai mục tiêu chính của Hội nghị có thể gói gọn là: Cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Ðối tác chiến lược ASEAN - Ô-xtrây-li-a; Khẳng định cam kết của cả Ô-xtrây-li-a và ASEAN đẩy mạnh hợp tác vì an ninh và thịnh vượng ở khu vực.

Phóng viên: Cụ thể, Hội nghị đạt được những mục tiêu gì?

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng: Các nước ASEAN và Ô-xtrây-li-a đã có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng cho Hội nghị. Theo tôi, về cơ bản, Hội nghị đã đạt được cả hai mục tiêu nêu trên. Cụ thể như sau:

Trước hết, các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết mạnh mẽ của cả ASEAN và Ô-xtrây-li-a vì một khu vực hòa bình, ổn định và rộng mở, đồng thời chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề mang tầm chiến lược, trong đó có Biển Ðông, hợp tác trên các vùng biển Ấn Ðộ Dương và Thái Bình Dương, liên kết kinh tế khu vực…

Ô-xtrây-li-a tái khẳng định coi trọng ASEAN, cam kết tích cực phối hợp cùng ASEAN tại các diễn đàn quan trọng ở khu vực, như EAS, tiếp tục tăng cường cơ chế đối thoại ở các cấp với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực hoạt động dựa trên luật lệ.

Ðể cụ thể hóa nội hàm đối tác chiến lược, Hội nghị đã trao đổi về các ưu tiên hợp tác giữa ASEAN và Ô-xtrây-li-a giai đoạn tới, trong đó có: Tăng cường hợp tác kinh tế và kết nối khu vực, tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại, đầu tư và gắn kết các doanh nghiệp, trên cơ sở Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ô-xtrây-li-a - Niu Di-lân (AANZFTA), tích cực phối hợp thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực tại các khuôn khổ RCEP, APEC, CPTPP…; Ðẩy mạnh hợp tác về an ninh khu vực, trong đó chú trọng hợp tác biển, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, hàng không, phòng chống khủng bố, hợp tác quốc phòng…; Thúc đẩy hợp tác hướng đến người dân thông qua các hoạt động giáo dục - đào tạo, trao đổi văn hóa, tích cực hợp tác phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu…

Ðã có 15 sáng kiến hợp tác trong các lĩnh vực được công bố và ghi nhận tại Hội nghị. Các kết quả cụ thể được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố Xít-ni được thông qua khi kết thúc Hội nghị.

Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết về vai trò và đóng góp của Ðoàn Việt Nam, nhất là của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị này?

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị ngay sau chuyến thăm chính thức tới Ô-xtrây-li-a với việc hai nước nâng tầm quan hệ lên Ðối tác chiến lược, nên càng có ý nghĩa. Là một người bạn gần gũi của Ô-xtrây-li-a trong ASEAN, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ và tích cực cùng Ô-xtrây-li-a trong suốt quá trình chuẩn bị, cũng như tại Hội nghị.

Trước Hội nghị, Việt Nam phối hợp Ô-xtrây-li-a và các nước ASEAN xây dựng chương trình nghị sự phù hợp, bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên. Chúng ta cũng phát huy vai trò tích cực trong quá trình soạn thảo hai văn kiện quan trọng của Hội nghị là Tuyên bố Xít-ni và Bản ghi nhớ ASEAN - Ô-xtrây-li-a về hợp tác chống khủng bố quốc tế; đóng góp hoàn thiện 15 sáng kiến hợp tác, trên cơ sở bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN, kết hợp hài hòa giữa lợi ích và quan tâm của cả ASEAN và Ô-xtrây-li-a.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu ý kiến về định hướng quan trọng cho quan hệ Ðối tác chiến lược ASEAN - Ô-xtrây-li-a, với hai ưu tiên lớn là tăng cường hợp tác kinh tế và bảo đảm hòa bình, an ninh ở khu vực. Về kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh hai khía cạnh: Ở tầm chiến lược, ASEAN và Ô-xtrây-li-a cần giữ vững vai trò động lực cho tiến trình hợp tác và liên kết kinh tế ở khu vực. Từ góc độ thực tiễn, hai bên cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp và người dân có thể khai thác tối đa lợi ích từ các thỏa thuận hợp tác kinh tế đã có, trong đó có AANZFTA. Về hòa bình, an ninh, Thủ tướng cho rằng, ASEAN và Ô-xtrây-li-a, với tư cách là những đối tác có vai trò quan trọng ở khu vực, cần nỗ lực xây dựng một trật tự minh bạch và dựa trên luật lệ, bảo đảm mọi hành xử của các quốc gia phải tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng lợi ích chung.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là một trong bốn nhà lãnh đạo ASEAN được mời phát biểu chính tại phiên họp hẹp của Hội nghị. Thủ tướng chỉ ra thực trạng các vùng biển ở khu vực, tuy bề mặt ổn định, nhưng bên dưới vẫn có sóng ngầm, do đó cần lấy thượng tôn pháp luật làm nền tảng để xây dựng lòng tin, đồng thời áp dụng cách tiếp cận toàn diện trong hợp tác biển. Thủ tướng đánh giá đúng đặc điểm tình hình khu vực hiện nay, chia sẻ phù hợp về định hướng hợp tác giữa hai bên, đáp ứng được quan tâm và nhu cầu của cả ASEAN và Ô-xtrây-li-a, cũng như của Việt Nam.

Sự tham gia chủ động và đóng góp tích cực của Ðoàn Việt Nam tại Hội nghị được cả Ô-xtrây-li-a và các nước ASEAN ghi nhận, đánh giá cao, đồng thời góp phần củng cố quan hệ song phương tốt đẹp giữa hai nước.

Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu khai mạc của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII
Sáng 18/9, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị.