Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Năm, 22/10/2015, 09:28 (GMT+7)
Dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và Công nhân, Viên chức quốc phòng
Xây dựng để thu hút, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cho Quân đội

Tiếp tục phiên làm việc tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII, chiều 21-10, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và Công nhân, Viên chức quốc phòng (QNCN và CN, VCQP).

Các đại biểu Quốc hội dự Phiên họp chiều 21-10. 

Xây dựng Luật QNCN và CN, VCQP là cần thiết

Thực hiện Nghị quyết số 70/2014/QH13 ngày 30-5-2014 của Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII năm 2014 và kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội (TVQH) tại Phiên họp thứ 40 ngày 13-8-2015 về việc nâng dự án Pháp lệnh QNCN và CN, VCQP lên thành Luật; kết luận của Ủy ban TVQH tại Phiên họp thứ 41 ngày 23-9-2015 về dự án Luật, theo Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, việc xây dựng Luật QNCN và CN, VCQP là cần thiết.

Luật Nghĩa vụ quân sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến QNCN và CN, VCQP được ban hành trong thời gian qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng đội ngũ QNCN và CN, VCQP, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển về mọi mặt của đất nước và nhiệm vụ xây dựng QĐND trong tình hình mới, các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến QNCN và CN, VCQP không còn phù hợp cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 có nhiều quy định mới liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân, trong đó có quyền, nghĩa vụ của QNCN và CN, VCQP cần phải được cụ thể hóa. QNCN và CN, VCQP là đối tượng phục vụ tại ngũ theo chế độ tự nguyện, không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Nghĩa vụ quân sự. QNCN và CN, VCQP là thành phần trong tổ chức biên chế của QĐND, nhưng chưa có văn bản pháp luật quy định và điều chỉnh, phải vận dụng theo các văn bản pháp luật của Nhà nước có liên quan. Do vậy, cần phải có văn bản pháp luật quy định riêng cho các đối tượng này.

Thêm nữa, văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định đầy đủ về vị trí, chức năng của QNCN và CN, VCQP trong tổ chức biên chế của Quân đội nên trong giai đoạn vừa qua việc quản lý, sử dụng hiệu quả chưa cao, lãng phí nguồn nhân lực. Quy định QNCN nghỉ hưu ở độ tuổi 50 trở xuống khi tuổi đời còn trẻ, có sức khỏe và có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ đã ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng Quân đội. Việc QNCN chỉ phục vụ tại ngũ đến 50 tuổi như quy định hiện hành sẽ không đủ điều kiện để được hưởng mức lương hưu là 75% theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 sẽ ảnh hưởng đến tâm tư nguyện vọng của QNCN. Ngoài ra, chế độ, chính sách đối với QNCN và CN, VCQP chưa bảo đảm công bằng, mặc dù trong cùng một đơn vị, cùng vị trí việc làm, cùng điều kiện, môi trường làm việc với QNCN nhưng chế độ, chính sách hưởng khác nhau như phụ cấp thâm niên, bảo hiểm y tế đối với bản thân và thân nhân và các chế độ, chính sách khác. “Vì vậy, cần phải đổi mới các chế độ, chính sách đối với QNCN và CN, VCQP phục vụ trong QĐND để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ thực tiễn nêu trên, việc xây dựng Dự án Luật QNCN và CN, VCQP là cần thiết”, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói.

Dự thảo Luật gồm có 7 chương, 50 điều, trong đó có những điều cụ thể và quan trọng như từ Điều 14 đến Điều 28 tại Chương II - Quy định về chế độ phục vụ của QNCN; Quy định về chế độ phục vụ của CN, VCQP, gồm 6 điều (từ Điều 29 đến Điều 34) tại Chương III; hay Quy định về chế độ, chính sách đối với QNCN, CN, VCQP, gồm 08 điều (từ Điều 35 đến Điều 42) tại Chương IV...

Báo cáo thẩm tra Dự án Luật QNCN và CN, VCQP do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày cũng cho biết: UBQPAN nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật QNCN và CN, VCQP để phù hợp với Hiến pháp theo quy định tại Điều 68 và thẩm quyền của Quốc hội quy định hệ thống hàm, cấp của QNCN, kịp thời bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ của QNCN, CN, VCQP, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của các luật khác, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, góp phần xây dựng QĐND Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Xây dựng Luật để đảm bảo nguồn nhân lực cho Quân đội, giảm chi phí đào tạo

Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, để đảm bảo nguồn nhân lực cho Quân đội, giảm chi phí đào tạo thay thế số QNCN thôi phục vụ tại ngũ và phát huy được trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn của QNCN còn đủ sức khỏe; đồng thời khắc phục tình trạng hằng năm phải kéo dài độ tuổi phục vụ tại ngũ với số lượng lớn, dự thảo Luật đã quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm là: Cấp úy QNCN: Nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; Thiếu tá QNCN, Trung tá QNCN: Nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá QNCN: Nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi. Riêng một số chức danh như: chiến đấu viên, đặc công, trinh sát đặc nhiệm, chống khủng bố, thợ lặn, tiêu binh danh dự, vận động viên thể dục thể thao, phục vụ trên tàu ngầm, kíp xe tăng, thiết giáp, diễn viên múa..., để đảm bảo đủ sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ, dự thảo Luật quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ là từ 35 tuổi đến 40 tuổi tùy theo từng đối tượng và khi hết hạn tuổi phục vụ thì được xem xét để chuyển sang đảm nhiệm chức danh khác.

Ngoài quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất, dự thảo Luật còn quy định QNCN được tự nguyện phục vụ tại ngũ từng thời hạn là 6 năm cho đến hết hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm và khi Quân đội có nhu cầu, QNCN có đủ phẩm chất, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi, sức khỏe tốt và tự nguyện thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ từ 1 năm đến 5 năm nhưng không quá 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ. Đối với QNCN dự bị, hạn tuổi cao nhất phục vụ trong ngạch dự bị cũng được quy định phù hợp với hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của QNCN theo quy định của Luật này.

“Với CN, VCQP, hạn tuổi cao nhất phục vụ trong Quân đội được quy định phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Tuy nhiên, để phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội, dự thảo Luật quy định điều kiện hưởng lương hưu đối với CN, VCQP trong trường hợp do thay đổi tổ chức biên chế mà Quân đội không còn nhu cầu bố trí sử dụng, nếu nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được nghỉ hưu”, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết.

Chế độ, chính sách đối với QNCN và CN, VCQP phải đảm bảo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân

Theo Chủ nhiệm UBQPAN của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa, tại Điều 7 Dự án Luật Về quyền và nghĩa vụ của QNCN và CN, VCQP, đa số ý kiến UBQPAN tán thành với quy định về quyền, nghĩa vụ chung của QNCN, CN, VCQP và các nghĩa vụ có tính chất riêng biệt đối với từng đối tượng. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định CNQP, VCQP có nghĩa vụ như quân nhân là không phù hợp như: sẵn sàng chiến đấu, hy sinh... hoặc trong việc chấp hành điều lệnh, điều lệ của quân đội, vì hệ thống điều lệnh, điều lệ của quân đội có nhiều loại (Điều lệnh quản lý bộ đội, Điều lệnh đội ngũ, Điều lệnh tác chiến...). CNQP, VCQP không phải là quân nhân, nếu quy định họ phải chấp hành tất cả các điều lệnh, điều lệ như QNCN là thiếu khả thi.

Về quy định hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của QNCN cấp Thượng tá QNCN là nam 56 tuổi và nữ 55 tuổi, Chủ nhiệm UBQPAN của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho biết, nhiều ý kiến trong UBQPAN đồng tình vì sẽ đảm bảo tiết kiệm được nguồn chi phí hằng năm phải đào tạo bổ sung thay thế đối với QNCN được nghỉ hưu theo chế độ. Việc quy định QNCN được nghỉ hưu ở độ tuổi 50 trở xuống, khi tuổi đời còn trẻ, có sức khỏe, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi đang cần cho Quân đội đã gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng Quân đội. Đồng thời đảm bảo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và các văn bản pháp luật có liên quan như Bộ luật Lao động, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công an nhân dân. Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, để được hưởng mức lương hưu là 75% thì người lao động phải có từ 35 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên đối với nam và 30 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên đối với nữ. “Việc QNCN chỉ phục vụ tại ngũ đến 50 tuổi như quy định hiện hành sẽ không đủ điều kiện để được hưởng mức lương hưu là 75% (vì chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm), ảnh hưởng đến cuộc sống của QNCN và gia đình sau khi QNCN nghỉ hưu”, Chủ nhiệm UBQPAN của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa nói.

Vì vậy, việc quy định hạn tuổi phục vụ của QNCN theo phương án này sẽ có một số lượng lớn QNCN, nhất là các đối tượng có trình độ và kinh nghiệm về chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ sẽ tiếp tục phục vụ tại ngũ thêm từ 1 năm đến 5 năm. Do đó, không làm tăng ngân sách chi chính sách, chế độ hằng năm, mà ngược lại sẽ tiết kiệm được ngân sách do phải chi để đào tạo, bổ sung đội ngũ QNCN; đồng thời góp phần đảm bảo ổn định quỹ bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, việc quy định hạn tuổi cao nhất đối với bậc quân hàm cấp úy, Thiếu tá, Trung tá của cả nam và nữ là như nhau còn đảm bảo tạo điều kiện có cơ hội phấn đấu giữa nam QNCN và nữ QNCN có cùng trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm UBQPAN của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa, thực hiện theo phương án này sẽ dẫn tới ở một số chức danh như: chiến đấu viên, đặc công, trinh sát đặc nhiệm, phục vụ trên tàu ngầm hải quân... thì QNCN sẽ không đảm bảo đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nếu chuyển sang vị trí khác để chờ đủ tuổi nghỉ hưu thì sẽ gây chồng chéo hoặc không đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ vì trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ không phù hợp.

Có ý kiến đề nghị nâng độ tuổi của cấp úy lên 53 tuổi để khi nghỉ hưu được hưởng mức lương là 75% theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; có ý kiến đề nghị cần xem xét và quy định cụ thể độ tuổi đối với QNCN để bảo đảm tương thích với độ tuổi phục vụ của sĩ quan; ý kiến khác đề nghị làm rõ quy định kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ đối với QNCN có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ “bậc cao” và việc kéo dài tuổi đối với nữ QNCN ở tuổi 55 tại khoản 2 cho phù hợp với pháp luật về lao động.

Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, hiện nay, trước yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại đòi hỏi QNCN và CN, VCQP trong quá trình quản lý, sử dụng, làm chủ và sản xuất, sửa chữa, bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự phải có trình độ, tay nghề, có tính chuyên nghiệp và khả năng sáng tạo cao. Từ đó đặt ra yêu cầu cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp trong đó có chính sách về tiền lương để giữ gìn, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao bổ sung đội ngũ QNCN và CN, VCQP. Vì vậy, dự thảo Luật đã quy định tiền lương của QNCN và CN, VCQP được tính theo chức danh, trình độ đào tạo phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội. QNCN và CN, VCQP được hưởng phụ cấp thâm niên; phụ cấp, trợ cấp như đối với cán bộ, công chức có cùng điều kiện làm việc và phụ cấp, trợ cấp có tính chất đặc thù quân sự; được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; được thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, về một số vấn đề như phong, thăng cấp bậc quân hàm QNCN (Điều 18, Điều 19); chế độ tiền lương, phụ cấp, nhà ở, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đối với QNCN và CN, VCQP (Điều 36); chăm sóc sức khỏe QNCN và CN, VCQP phục vụ trong QĐND và thân nhân (Điều 38); chế độ chính sách đối với CN, VCQP thôi phục vụ trong QĐND hy sinh, từ trần (Điều 42) cũng được đa số ý kiến UBQPAN cơ bản nhất trí như dự thảo Luật.

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Hội thảo khoa học cấp quốc gia về Chiến thắng Điện Biên Phủ
Kết quả Hội thảo góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường và khát vọng hòa bình; củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; đồng thời đấu tranh với các quan điểm sai trái, phủ nhận cuộc kháng chiến kiến quốc và sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân ta.