Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Năm, 11/07/2013, 08:53 (GMT+7)
Khai mạc phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Xác định những nội dung trọng tâm của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII

Sáng 10-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã khai mạc phiên họp thứ 19 với sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH đánh giá kỹ kết quả đạt được, phân tích nguyên nhân hạn chế của Kỳ họp thứ năm, QH khóa XIII vừa qua; đồng thời, xác định những nội dung trọng tâm của Kỳ họp thứ sáu sắp tới. Ðặc biệt, với những nội dung quan trọng của Kỳ họp trên các mặt công tác: lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, các cơ quan có trách nhiệm cần khẩn trương triển khai, chuẩn bị chu đáo các tài liệu, bảo đảm tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình QH.

Các đại biểu đã nghe Báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ năm và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII. Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, Báo cáo đã chỉ rõ một số hạn chế cần khắc phục, như: Một số báo cáo, tờ trình còn dài, thông tin chưa trọng tâm; việc chuẩn bị tài liệu của một số nội dung chưa bảo đảm tiến độ, ảnh hưởng tới thời gian, chất lượng kỳ họp. Nhiều ý kiến thảo luận còn trùng lặp, chưa bám sát nội dung, nặng về nêu tình hình, thực trạng, chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể. Một số câu hỏi chất vấn của các đại biểu chưa sâu, chưa đúng nhóm vấn đề; nội dung trả lời của người được chất vấn chưa đúng trọng tâm...

 Về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII, dự kiến QH sẽ dành 19,5 ngày cho công tác xây dựng pháp luật. Trong đó, QH sẽ xem xét thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; thông qua chín dự án luật và cho ý kiến về 13 dự án luật. Kỳ họp cũng sẽ dành chín ngày để thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội và giám sát các vấn đề quan trọng khác. Ða số ý kiến thảo luận tại phiên họp, đề nghị dành thời lượng thích hợp cho việc thảo luận ở tổ, thảo luận tại hội trường và thời gian thông qua phù hợp với từng dự án luật. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị nâng thời gian thảo luận ở tổ lên một ngày. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị Chính phủ có ý kiến chỉ đạo các bộ chuẩn bị dự án luật tốt hơn, tránh trường hợp chuẩn bị khai mạc kỳ họp mới gửi tài liệu.

Ðối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Ðất đai (sửa đổi), các ý kiến phát biểu đề nghị cần dành nhiều thời gian và tiến hành thảo luận ngay từ đầu kỳ họp để  bảo đảm thời gian tiếp thu, hoàn thiện và thông qua hai dự án luật này. Do khối lượng công việc của Kỳ họp thứ sáu lớn, các thành viên Ủy ban Thường vụ QH đề nghị cần tăng cường tổ chức các hội nghị chuyên trách có sự tham dự của các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan để tiếp thu các ý kiến có chất lượng đóng góp cho quá trình xây dựng các dự thảo báo cáo, dự thảo luật.

Về tiến trình hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan chức năng cần tiếp tục ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo để tiếp tục tổng hợp, hoàn chỉnh, trình QH cho ý kiến, thảo luận và thông qua. Dự án Luật Ðất đai (sửa đổi) cũng được xác định là một trọng tâm trong công tác lập pháp của Kỳ họp thứ sáu. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến, hoàn chỉnh để trình QH, các nghị định về giá đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư cũng phải hoàn thiện để Chính phủ thảo luận, lấy ý kiến đóng góp để bảo đảm tính khả thi của Luật này. 

Cũng trong ngày làm việc đầu tiên, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; thảo luận và thông qua Ðề án đổi mới Văn phòng Quốc hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 1-10-2003 của Ủy ban Thường vụ QH về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng QH.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.