Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Hai, 10/08/2020, 08:57 (GMT+7)
Vĩnh biệt anh - người đồng chí cộng sản giản dị, trung kiên!

Khác với thường ngày, hơn 3 giờ ngày 7-8, tôi trằn trọc không ngủ được vì những linh cảm xấu. Bỗng nhiên, điện thoại đổ chuông, đồng chí trợ lý của anh Lê Khả Phiêu thông báo cho tôi hung tin: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần!

Bên ngoài trời đang trút mưa. Nhìn tấm ảnh lần cuối tôi được chụp với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi đến chúc mừng anh tuổi 90 mà chết lặng trong lòng. Những con sóng cảm xúc bỗng dâng lên ào ạt trong sự tiếc thương vô hạn: Một người thầy, người anh, người chiến sĩ cách mạng dũng cảm, mưu trí, kiên cường và trung kiên của Đảng-một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi mãi mãi. Dù rằng trước đó, trong những lần thăm anh đang điều trị trong bệnh viện, thấy tình trạng sức khỏe của anh ngày một đi xuống, tôi cũng đã có sự chuẩn bị tâm lý từ trước.

Thời gian còn làm việc đến khi về nghỉ hưu, anh Lê Khả Phiêu và tôi thường xuyên gặp gỡ. Lúc tôi đến nhà thăm anh, lúc anh đến nhà thăm tôi. Tôi rất kính trọng anh. Ở anh toát lên những phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ-giản dị, gần gũi, vị tha nhưng rất kiên cường với mục tiêu và lý tưởng của Đảng, cống hiến hết mình cho Đảng, cho Tổ quốc và nhân dân, một tấm gương sáng để tôi học tập, tự soi, tự sửa. Tôi nhớ có lần, khi đang giữ cương vị Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, thì được anh đến thăm. Hôm ấy, đồng chí lái xe thay vì đưa anh vào từ cổng số 2 thì lại đưa nhầm đến cổng số 1. Chiến sĩ gác cổng đã hơi gay gắt và không cho xe vào. Tuy ở cương vị cao, nhưng anh không vì thế mà cáu giận. Trái lại, anh nhẹ nhàng khuyên đồng chí lái xe đi vào đúng cổng. Sau buổi đón tiếp, tôi mới được nghe câu chuyện trên. Tôi thầm cảm phục sự yêu thương, cảm thông của anh đối với bộ đội và tôi cũng ngay lập tức rút kinh nghiệm, cùng đảng ủy, chỉ huy các cấp quán triệt, triển khai công tác giáo dục về đạo đức, tác phong cho bộ đội, nâng cao thái độ ứng xử văn minh, lịch sự cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong quân chủng. Đến khi anh được bổ nhiệm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, tôi càng cảm phục hơn khi được nghe rất nhiều câu chuyện về sự quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ dưới quyền. Tôi tự nhủ, mình luôn phải học tập, noi theo anh.

    Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Thượng tướng Phạm Thanh Ngân (Ảnh chụp lại, tháng 01-2020)

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người rất gần dân, thương dân. Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là vào năm 1997, khi ấy tôi đi nắm thực tế cuộc sống của bộ đội và nhân dân vào mùa mưa lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Năm ấy lũ lớn. Dòng sông Mê Công cuồn cuộn chảy, ngập trắng hai bên bờ, chia cắt và cô lập nhiều khu vực dân cư. Sóng to, gió lớn rất nguy hiểm cho người và phương tiện trên sông. Trên đường đi, chúng tôi gặp một chiếc bo bo chạy chiều ngược lại. Người ngồi trên chiếc bo bo giơ tay vẫy chào đoàn. Vừa vẫy tay chào lại, tôi chợt nhận ra trên chiếc bo bo kia là anh Lê Khả Phiêu. Anh mặc áo phao, ống quần xắn cao. Giữa lũ dữ, anh Lê Khả Phiêu vẫn đến từng vùng chia cắt, tặng quà và động viên đồng bào vượt qua khó khăn vì mưa lũ... Anh là vậy, luôn khắc ghi tình cảm và sự đùm bọc, chở che của nhân dân dành cho Bộ đội Cụ Hồ trong những năm tháng chiến tranh. Để rồi, anh luôn đau đáu nỗi niềm làm sao cho nhân dân có cuộc sống hạnh phúc, no đủ. Bước chân anh đặt lên khắp mọi miền Tổ quốc, thăm hỏi, nắm bắt tình hình và lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện những quyết sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Anh Lê Khả Phiêu là người rất tâm huyết với công tác xây dựng Đảng. Khi ở cương vị Tổng Bí thư, anh rất nhạy bén và trăn trở trước những nguy cơ làm ảnh hưởng đến vị thế và vai trò lãnh đạo của Đảng, khi một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", suy thoái về đạo đức, lối sống. Anh lại trở thành Bộ đội Cụ Hồ tiên phong trên mặt trận chống kẻ thù “suy thoái về tư tưởng chính trị” để bảo vệ Đảng. Anh kịp thời họp bàn với Bộ Chính trị, để rồi ngày 2-2-1999, Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII ban hành nghị quyết về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng. Nhờ vậy, đã kịp thời chỉnh đốn và ngăn chặn những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng. Ngày ấy, tôi được anh giao phụ trách công tác kiểm tra, chỉnh đốn Đảng ở khu vực miền Trung theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2). Qua đó, đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều dấu hiệu, biểu hiện sai phạm, tiêu cực, kịp thời tham mưu cho Đảng, Trung ương chấn chỉnh, xử lý những sai phạm, góp phần giữ vững lòng tin của nhân dân với Đảng. Sau này, dù tuổi cao, sức yếu, nhưng tấm lòng và tâm huyết của anh luôn dành trọn cho Đảng. Anh luôn đau đáu và hiến kế cho Đảng trên mặt trận phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, giữ vững sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng, thực sự là “người đầy tớ” của dân như lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

Trằn trọc, thao thức trong ký ức kỷ niệm về anh Lê Khả Phiêu, đến hơn 8 giờ sáng hôm đó, tôi đến bệnh viện để được nhìn anh lần cuối. Đôi mắt tinh anh ngày xưa đã khép lại. Mong anh an giấc ngàn thu, về cõi vĩnh hằng với Bác Hồ kính yêu, với vòng tay của những đồng đội, anh hùng liệt sĩ một thời xông pha trong lửa đạn chiến tranh. Lý tưởng, tấm lòng và tâm huyết của anh đối với vận mệnh của Đảng, của cách mạng đã và đang được các thế hệ đời nay đoàn kết, đồng lòng phát huy và giữ gìn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thượng tướng PHẠM THANH NGÂN, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị

VIỆT HÀ (lược ghi)

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng
Ngày 13/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư tại Phiên họp.