Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Sáu, 24/05/2013, 10:58 (GMT+7)
"Việt Nam tham gia tích cực các khuôn khổ hợp tác trong khu vực"

Chiều 23-5, trong khuôn khổ Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 19 tại thủ đô Tô-ki-ô, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan tới an ninh và hợp tác trong khu vực.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Xinh-ga-po Lý Hiển Long đã đề cập những diễn biến gần đây trong khu vực liên quan các lĩnh vực chính trị, kinh tế và an ninh, trong đó có tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và tranh chấp biển đảo. Thủ tướng Xinh-ga-po nhấn mạnh vai trò của các mối quan hệ giữa các nước lớn đối với sự ổn định và phát triển của khu vực. Theo đó, Mỹ và Trung Quốc cần xây dựng lòng tin lẫn nhau, trong khi Nhật Bản và Trung Quốc cần kiềm chế để tránh đối đầu. Thủ tướng Xinh-ga-po đồng thời nhấn mạnh rằng: vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa một số nước trong khu vực cần được giải quyết một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Phi-líp-pin An-bớt Đen Rô-xa-ri-ô nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Ông khẳng định Phi-líp-pin theo đuổi chính sách hòa bình, bình đẳng, tự do và hợp tác hữu nghị với tất cả các nước, tìm kiếm giải pháp lâu dài cho vấn đề tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thoong-lun Xi-xu-lít nhấn mạnh tiềm năng hợp tác của các nước trong khu vực và các nước ngoài khu vực để thúc đẩy hội nhập quốc tế, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc hợp tác bình đẳng cùng có lợi, ủng hộ các hình thức hợp tác mới và các bên cần ứng xử một cách có trách nhiệm.

Các diễn giả cũng đề cập mục tiêu thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 và vai trò của ASEAN trong các diễn đàn hợp tác của khu vực.

Ngoại trưởng Nhật Bản Phư-mi-ô Ki-si-đa đánh giá cao sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của châu Á, cho rằng môi trường an ninh ở khu vực Mê Công đã được cải thiện, song còn tồn tại những vấn đề nóng ở khu vực Đông Á, như chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên và tranh chấp biển đảo. Ông cho biết trước những biến động tình hình ở châu Á, Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê đã công bố 5 nguyên tắc ngoại giao với ASEAN, nhằm tăng cường quan hệ chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa và giao lưu con người vì hòa bình, phồn vinh của khu vực.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động nhanh và khó lường, đòi hỏi phải có những cách tiếp cận mới về liên kết và hội nhập.

Theo Phó Thủ tướng, việc tham gia các cơ chế hợp tác khu vực là một cách để xây dựng lòng tin, qua đó giúp giảm bớt nguy cơ xung đột. Ông nhấn mạnh, Việt Nam luôn tham gia một cách tích cực và có trách nhiệm các khuôn khổ hợp tác, liên kết trong khu vực.

Để có thể tiếp tục tăng trưởng năng động, góp phần xây dựng một khu vực ổn định và thịnh vượng hơn, Phó Thủ tướng cho rằng trong thời gian tới cần tăng cường hợp tác và liên kết trong 6 lĩnh vực sau: Tăng cường tự do hóa thương mại và đầu tư đi đôi với giảm thiểu rủi ro của đầu tư tài chính; Đảm bảo nguồn cung nhân lực cho các nước phát triển phải đối diện với tình trạng già hóa dân số và các nước đang phát triển thiếu nhân lực trình độ cao; Đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa; Phối hợp quản lý và khai thác bền vững nguồn nước; Nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; Hợp tác bảo đảm an ninh mạng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu ý tưởng hình thành 6 diễn đàn hợp tác khu vực châu Á, bao gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; Đảm bảo an ninh, tự do hàng hải và phát triển dịch vụ vận tải đường biển; Bảo tồn và sử dụng hợp lý nguồn nước; Đảm bảo an ninh mạng; Phát triển nhân lực và việc làm ở nước ngoài và Đảm bảo minh bạch thị trường tài chính. Mục tiêu của các diễn đàn trên là nhằm rà soát, hỗ trợ các quốc gia thực hiện quy định của Liên Hiệp Quốc về các vấn đề liên quan; trao đổi kinh nghiệm; thiết lập cơ sở dữ liệu chung; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và tham gia xây dựng quy định mới trong các lĩnh vực liên quan.

Phó Thủ tướng cho biết Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, là nhà đầu tư số một, đồng thời là đối tác thương mại song phương lớn thứ ba của Việt Nam. Kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2009, quan hệ giữa hai nước không ngừng phát triển, hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh đều được tăng cường và đạt bước tiến mới. Hai bên đã hình thành nhiều cơ chế giao lưu giữa chính phủ, nhân dân và doanh nghiệp, đồng thời thường xuyên trao đổi, phối hợp trong các khuôn khổ hợp tác khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Hợp tác 4 nước Cam-pu-chia - Lào – Mi-an-ma – Việt Nam (CLMV).

Mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản được xây dựng trên một nền tảng vững chắc là sự hiểu biết, tin cậy và hữu nghị, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chung của nhân dân hai nước; đồng thời, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới. Năm 2013 được chọn là Năm Hữu nghị Việt - Nhật và cũng là năm đánh dấu chặng đường 40 năm hợp tác và hữu nghị ASEAN - Nhật Bản.

Cùng ngày, bên lề hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc gặp với Thủ tướng Abê, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt Tô-si-hi-rô Ni-cai và Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản A-ki-hi-rô Ta-na-ca. Trong các cuộc gặp, hai bên đánh giá cao quan hệ tốt đẹp giữa hai nước và nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược song phương./.

 Nguồn: cpv.org.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.