Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Hai, 26/05/2014, 09:45 (GMT+7)
Việt Nam đang thông tin cho thế giới về mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định

Trong Cuộc họp báo quốc tế ngày 22-5 ở Ma-ni-la, Phi-líp-pin, bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đông Á 2014 vừa diễn ra, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh cho biết: “Việt Nam sẽ bảo vệ vùng biển của mình và sẽ sử dụng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế”. Tạp chí điện tử Quốc phòng toàn dân giới thiệu nội dung Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam trả lời câu hỏi của đông đảo báo chí quốc tế, liên quan đến những giải pháp ngoại giao của Việt Nam, trước hành động Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

- CNN: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng, Việt Nam xem xét hành động pháp lý. Xin ông có thể cho biết thêm, biện pháp pháp lý nào Việt Nam đang xem xét để chống Trung Quốc trong vấn đề này?

- Việt Nam kiên trì các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp và sẽ tiếp tục như vậy trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả các biện pháp được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

- Strait Times (Singapore): Ngài Thủ tướng có phát biểu rằng, Việt Nam sử dụng tất cả các kênh đối thoại. Vậy, sẽ đi về đâu sau khi đã sử dụng hết tất cả kênh đối thoại?

- Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng mọi cơ hội và mọi kênh đối thoại, kể cả đàm phán với Trung Quốc. Cho đến nay, chúng tôi đã có hơn 20 cuộc tiếp xúc với Trung Quốc. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc này. Vì sao? Việt Nam sẽ sử dụng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế và các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế đã được đề cập trong phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Xin được hỏi về khả năng Việt Nam sử dụng các hành động pháp lý. Liệu Việt Nam sẽ tham gia vụ kiện của Phi-líp-pin hay là Việt Nam sẽ đưa một vụ kiện riêng của mình? Khi nào việc này sẽ diễn ra?

- Chúng tôi sẽ bảo vệ vùng biển của mình và sẽ sử dụng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

Ông Phạm Quang Vinh.

- Việt Nam có xem xét tiến hành biện pháp pháp lý tập thể cùng với Phi-líp-pin và Nhật Bản trong các tranh chấp trên biển, như vậy hành động pháp lý chống Trung Quốc sẽ mạnh hơn?

- Chúng tôi sẽ sử dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền và các vùng biển của Việt Nam.

- Thủ tướng có nói về vấn đề thương mại và giao thông ở Biển Đông? Các vấn đề này sẽ bị tác động như thế nào?

- Tình hình hiện nay là hết sức nguy hiểm đối với hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải. Các bạn thấy giàn khoan được hạ đặt sâu vào trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đi cùng với nhiều tàu hộ tống, trong đó có các tàu quân sự, máy bay. Nếu tình hình này không được ngăn chặn, khi đó nó sẽ là mối đe dọa thực sự đối với giao thông biển.

- Reuters: Việt Nam đã có các tiếp xúc với Trung Quốc. Kết quả của các hoạt động tiếp xúc này?

- Cho đến nay, chúng tôi đã có hơn 20 cuộc tiếp xúc với Trung Quốc. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao của chúng tôi đã có hai cuộc điện đàm với người đồng cấp của Trung Quốc, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc.

- NHK: Tiếp tục về vấn đề hành động pháp lý, tôi được biết Việt Nam đã gửi một văn bản đến Liên hợp quốc. Xin cho biết tính chất của văn bản này là gì? Việt Nam đưa vấn đề ra Diễn đàn Kinh tế thế giới, có phải là Việt Nam đang quốc tế hóa vấn đề không?

- Chúng tôi đang thông tin cho cả thế giới, cộng đồng quốc tế, tất cả các nước về mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định, sự vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển; do vậy, chúng tôi đã thông báo cho Liên hợp quốc cũng như cho các nước ASEAN. Đây là việc thông báo về một mối đe dọa thật sự, một sự vi phạm luật pháp quốc tế.

- Việt Nam dự kiến Trung Quốc sẽ có phản ứng như thế nào?

- Đề nghị bạn hỏi họ.

- Việt Nam có sẵn sàng với những phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc?

- Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc. Chúng tôi sẽ nỗ lực làm tất cả để đưa giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam, đồng thời duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Chúng tôi đang cố gắng làm việc này.

- Channel News Asia: Xin cho biết, ai đứng đằng sau những vụ việc gây rối tuần trước ở Việt Nam?

- Đã có một số người lợi dụng vi phạm pháp luật Việt Nam và đã có hành vi gây rối. Nhưng Chính phủ Việt Nam đã có các biện pháp kịp thời. Hiện nay, tình hình đã ổn định, các doanh nghiệp đã trở lại làm việc bình thường.

- Thủ tướng nói những người vi phạm sẽ bị nghiêm trị. Xin ông có thể cho biết về các hình thức nghiêm trị?

- Những người này sẽ bị nghiêm trị theo pháp luật Việt Nam, kể cả việc đưa ra tòa xét xử.

- Có bao nhiêu người sẽ bị trừng trị và các hình thức trừng trị là như thế nào?

- Hàng trăm người gây rối đã bị tạm giữ. Theo đúng trình tự tố tụng, chúng tôi sẽ điều tra, xem xét. Người nào không có tội sẽ được thả, người nào có tội sẽ bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật.

Phát biểu trước phần hỏi, đáp của báo chí, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh trao đổi kết quả hoạt động của Thủ tướng tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á 2014.

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có một lịch trình hoạt động dày đặc, tham dự và phát biểu tại Phiên khai mạc toàn thể Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á cùng Tổng thống Phi-líp-pin, Tổng thống In-đô-nê-xi-a, Phó Thủ tướng Mi-an-ma và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới C.Xơ-oáp (C.Schwab).

Trong phát biểu tại Phiên khai mạc toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặc biệt lưu ý về tình hình rất nghiêm trọng đang diễn ra ở Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải trong khu vực. Đó là do việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam cực lực phản đối sự vi phạm này và tiếp tục phối hợp cùng các nước ASEAN, cộng đồng quốc tế để buộc Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng trình bày về chính sách của Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc, sử dụng mọi cơ hội và mọi kênh đối thoại để yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nhưng cho đến nay, câu trả lời của Trung Quốc vẫn là duy trì việc hạ đặt giàn khoan trái phép và các tàu hộ tống trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam tiếp tục sử dụng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế để buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu khai mạc của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII
Sáng 18/9, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị.